(Tổng hợp từ
nhiều nguồn)
1. LÀNG CHÂN DÀI
Thôn Đình Tràng (xã Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam ) được gọi là "làng khổng
lồ” do có rất nhiều người cao nổi trội, trong đó có hai anh em tuyển thủ bóng
chuyền xuất sắc Ngô Văn Công (1,92m) và Ngô Văn Kiều (1,96m). Ở đây, nam giới
có chiều cao 1,79 - 1,80m còn nữ giới cũng khối người cao 1,72 - 1,75m. Thôn Đình
Tràng được bao bọc bởi con sông Châu Giang hiền hoà, có 272 hộ với hơn 1.300
nhân khẩu. Số nam, nữ thanh niên tuổi từ 15 đến 25 có khoảng 250 người thì 70%
có chiều cao 1,70m trở lên.
Theo ước lượng của các cán bộ trong thôn, chiều cao trung bình của nữ
giới nơi đây là 1,70m, còn nam giới là 1,80m. Theo chân ông trưởng thôn đến gia
đình vận động viên Ngô Văn Công và Ngô Văn Kiều, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng
trước chiều cao lênh khênh của đại gia đình “khổng lồ” này. Được biết, gia đình
anh Ngô Văn Công có chiều cao vượt trội từ nhiều đời trước, bà ngoại cao 1,8m,
ông nội cao 1,82m.
Gia đình anh Ngô Văn Công được xếp vào danh sách cao nhất trong thôn,
bố mẹ đều xấp xỉ 1,8m, ngoài anh và anh Kiều thì anh cả Ngô Văn Ca sinh- năm
1977- cao 1,9m, anh thứ hai Ngô Văn Cảnh- sinh năm 1979- cũng ngót nghét 1,85m.
Anh Công kể sơ sơ trong họ cũng có tới hơn 20 người cao trên 1,80m, còn số
người cao từ 1,70m trở lên thì không đếm xuể.
Cụ Trịnh Văn Đạt - phụ trách Hội Người cao tuổi thôn và là trưởng tộc
họ Trịnh - không giấu nổi niềm tự hào: “Từ xưa đến nay, đi đến đâu, thanh niên
thôn Đình Tràng cũng to cao hơn người. Họ Trịnh nhà tôi cũng có nhiều người cao
lắm”.
Ngoài gia đình anh em vận động viên Ngô Văn Công, các gia đình có nhiều
người cao lớn trong thôn Đình Tràng phải kể đến gia đình bác Hồ Văn Nam có 3
người con thì cả ba đều cao trên 1,8m.
Theo ghi nhận của cụ Hoàng Thị Phách (năm nay gần 100 tuổi) thì họ Ngô
và họ Phạm là hai họ có nhiều người cao nhất trong làng. Trong đó, vận động
viên Ngô Văn Kiều với chiều cao 1,96m là người giữ chiều cao “khủng” nhất trong
thôn từ trước tới nay.
Đến nay, người dân quanh vùng vẫn truyền tai nhau câu vè nói về chiều
cao của người Đình Tràng: “Cà khếu, đèn sì, cao nhất nhì miền Bắc”.
Thế nhưng, “chân dài” quá cũng làm nảy sinh nhiều chuyện dở khóc dở
cười. “Mặc dù nhiều chị em trong làng cũng có chiều cao tương đối nhưng vẫn
thấp hơn con trai, nên nhiều khi để tìm được người xứng đôi vừa lứa không phải
là chuyện dễ dàng.
Cho đến nay, chưa có một cuộc điều tra thăm dò nào tìm hiểu về nguyên
nhân chiều cao vượt trội của người dân thôn Đình Tràng. Trong các thư tịch cổ
của làng cũng không thấy ghi chép lại, nhưng theo suy luận của người dân trong
thôn thì có lẽ họ được hưởng gene di truyền từ nhiều đời trước. Lại có người
cho rằng do thôn Đình Tràng sử dụng một nguồn nước ăn có tố chất đặc biệt nào
đó.
Làng Đình Tràng rất nhiều sông, làng nằm ở ngay ngã ba, ngã tư sông nên
biệt lập với các làng khác, người trong làng kết hôn qua lại nên nguồn gene cao
chỉ phát triển trong nội bộ làng, không bị phân tán ra ngoài. Dân Đình Tràng
lại chủ yếu sống bằng đánh bắt cá, ăn tôm cá quanh năm nên thể chất cũng ngày
càng phát triển.
2. LÀNG GÁI ĐẸP
Chiềng Luông (nay là xã Văn Luông), Tân Sơn tỉnh Phú Thọ là một bản người Mường cổ, có con sông Bứa chảy quanh nổi tiếng là làng gái đẹp.
Vào bất cứ ngả nào, trong mười bảy xóm ở cái xã này, đều bắt gặp người đẹp. Cứ
chụp ảnh thoải mái. Người Mường ở đây dễ tính chứ không có chuyện chụp ảnh lấy
tiền. Xóm Lối, nơi từ xưa đến nay nổi tiếng là một “mỏ” gái đẹp của Chiềng
Luông.
Xóm
này ở khá xa đường chính, đường đi nhỏ, gập ghềnh khúc khuỷu, nhưng rất
nhiều hoa đỏ hai bên hàng cây, Rồi những đàn chim ríu trên trên các ngôi nhà
sàn, tạo nên một cảm giác như đang đi vào một xứ sở diệu kỳ trong câu chuyện
xưa vậy.
Nghe nói có người đến thăm bản và chụp hình gái đẹp, tất cả trở nên rộn
rã, vì các người đẹp cứ ríu rít trêu đùa rất hồn nhiên. Họ vừa đi hái chè về,
nên còn phải thay quần áo và thúc nhau phải tìm cho được những bộ quần áo Mường
để chụp. Những vẻ đẹp tự nhiên của các cô gái, cứ lấp lánh, bay bổng , như
trong một lễ hội sắc đẹp vậy. Phải nói mỗi cô một vẻ, đặc biệt cô nào cô nấy
đều trắng trẻo và môi hồng.
Theo ông trưởng bản Hà Xuân Toanh nói, từ nhỏ con gái ở đây thường
xuyên tắm nước lá Mận ma và một số cây lá thuốc, nên mới được làn da nõn nà,
tươi mát. Các bà mẹ còn mất công, trong một thời gian dài, phải đi lấy nước ở
thác ông Tùng, bà Tà, trong rừng để về tẩy rửa cho sạch sẽ thơm tho làn da và
không bị ghẻ lở, mụn nhọt bao giờ...
Bao đời nay vẫn thế, khi đến tuổi lớn, cô gái nào cũng muốn nước da mình săn
chắc và mịn màng, nên thường ra sông Bứa lượm rêu trên những tảng đá để nấu
canh ăn. Thứ rêu đó còn giữ cho vóc người con gái thon gọn được lâu cho đến khi
lấy chồng, và có nhiều sữa cho con. Ông Toanh còn kể ấy là chưa nói đến, khi
sinh con, người mẹ phải ngồi bế con bên lửa bếp, cho đến khi lớp da non đầu
tiên của con thay lớp da mới. Khi đó, cả con trai hay con gái đều có nước da
trắng hồng. và đôi môi như son vậy. Thật ngạc nhiên vì không ngờ một thứ công
nghệ thiên nhiên về tạo dựng một sắc đẹp lại kỳ công đến thế.
Sắc
đẹp gái Chiềng Luông còn được kể lại từ xưa, thời chiến quốc đã từng có quan
quân nhà Hán, hay tin xứ Việt có bản Luông nức tiếng nhiều con gái sắc nước
hương trời, nên thường sang bắt người đẹp về làm vợ. Lại nữa, có thời bản Luông
còn phải nộp người đẹp cho thổ ty hàng năm, đã xảy ra một chuyện rắc rối khó
xử. Ấy là khi, người đi thừa hành, đến một gia đình nọ phải đến kỳ nộp con gái,
thì lại thấy người mẹ cũng rất đẹp, nên không biết chọn lựa thế nào, nên đành
quay về xin ý thổ ty. Thổ ty vui thích ra lệnh cho bắt cả hai. Có người mật báo
xuống cho gia đình kia biết. Không cam chịu, cả hai mẹ con được mọi người
bố trí cho đi trốn biệt sang một vùng đất khác. Và rồi, ai ngờ theo năm
tháng, từ khi có hai mẹ con người đẹp của Chiềng Luông đến, vùng đất ấy cũng
sinh sôi nảy nở rất nhiều con gái đẹp nhớ cái máu hồng của người Mường Luông...
3. LÀNG SINH ĐÔI
Với hàng chục cặp sinh đôi, cặp cao nhất đã ngoài 60, cặp nhỏ nhất mới
2-3 tuổi, ấp Hưng Hiệp Nằm, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) là làng
nắm giữ kỷ lục có nhiều cặp sinh đôi nhất cả nước.
Vào năm
2007, cả xã Hưng Lộc có hơn 60 cặp sinh đôi thì ấp Hưng Hiệp có tới 40 cặp. Từ
đó, người ta gọi ấp Hưng Hiệp với cái tên “làng sinh đôi”. Đến nay, xã có gần
100 cặp song sinh thì Hưng Hiệp đã chiếm 70 cặp.
Nhiều người nơi đây kể lại, hầu như những bà mẹ từng sinh đôi đều có
một điểm chung là trong thời kỳ mang thai, họ nằm mơ thấy hai đứa trẻ giống
nhau đang chơi đùa trong sân nhà. Sau đó, họ hạ sinh những đứa trẻ đúng như
trong giấc mơ (?)
Những câu chuyện khác về nguyên nhân có các cặp sinh đôi là do nguồn
nước của ấp Hưng Hiệp cũng trở nên bí ẩn khi được mọi người truyền tai nhau.
Người ta cho rằng hiện tượng sinh đôi ở ấp và xã là do mạch nước giếng ở đây
rất đặc biệt nhất là ở ấp Hưng Hiệp.
Vì thế, khi được dân khắp các vùng biết đến là làng sinh đôi, tin đồn
về nguồn nước của ấp Hưng Hiệp có khả năng chữa bệnh hiếm muộn cũng được lan
truyền. Rất đông người hiếm muộn từ Tây Nguyên, TP HCM, Long An đến tận Nha
Trang về đây xin nước giếng về uống cầu mong có con.
Dù người ta chưa lý giải được nguyên nhân của hiện tượng sinh đôi ở ấp
Hưng Hiệp và một số ấp khác của xã Hưng Lộc nhưng cuộc sống những người dân
làng sinh đôi vẫn bình yên, đầm ấm. Các cặp song sinh lớn lên và có cuộc sống
như bao người bình thường khác.
4. LÀNG HỌC GIỎI
Làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định vốn có tên gọi là
"Hành Cung Trang" được thành lập vào khoảng năm 1500. Đến năm 1823,
vua Minh Mạng cho đổi tên thành Hành Thiện với ý nghĩa "nơi chỉ làm những
điều lành, điều thiện" và ban cho làng 4 chữ "Mỹ Tục Khả Phong".
Bao quanh làng là hai nhánh của
một con sông nhỏ rộng khoảng 7m, được gọi là sông Con (để phân biệt với sông
Cái - sông Ninh Cơ là một nhánh của sông Hồng).
Điều làm nên sự kì ảo của hai nhánh con sông này chính là việc nó đã
tạo hình dáng con cá chép của ngôi làng. Nhìn từ trên cao, hai nhánh con sông
như những đường viền ngăn cách ngôi làng với vùng đất bên cạnh, khiến cho khu
đất bên trong hiện lên hình dáng "lý ngư", những cây cầu xung quanh
làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá, tại
phần đầu cá còn có một chiếc giếng khơi, nước trong vắt nên được gọi là giếng
Mắt cá.
Trong
nhiều năm liền, số học sinh trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng của
làng luôn đạt trên 90%. Người dân vùng Xuân Trường (Nam Định) lâu nay vẫn lưu
truyền câu ca: “Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện” để chỉ làng Thủy Nhai,
cách Hành Thiện không xa, là một làng nổi tiếng với đặc sản đậu phụ; còn Hành
Thiện, dường như gia đình nào cũng có người đỗ Tú tài. Từ xưa đến nay, ngôi
làng này vốn đã nổi danh là một trong những cái nôi đào tạo danh nhân và những
con người giỏi giang khoa cử. Đó là mảnh đất đã sinh ra những cụ Nghè Đặng Xuân
Bảng, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Giáo sư Vũ Khiêu – những con người luôn được
nhắc đến bởi trí tuệ, sự thông minh đức độ. Truyền thống hiếu học ấy qua thời
gian không ngừng được các thế hệ con cháu vun vén, bồi đắp, nối tiếp phát huy.
Thời
học chữ Pháp, làng có 51 người đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân, trong đó có Đặng
Xuân Khu (tức Trường Chinh) tốt nghiệp cao đẳng Thương mại Đông Dương. Thời
hiện đại, làng Hành Thiện vẫn là ngôi làng có nhiều người học hành giỏi giang
thi cử đỗ đạt nhiều nhất so với mọi ngôi làng trong tỉnh Nam Định với 88 người
được phong hàm giáo sư, tiến sĩ,phó tiến sĩ và trên 600 người có bằng cử nhân. Làng
có 4 tướng lĩnh quân đội là Đặng Quốc Bảo, Đặng Kinh, Đặng Quân Thụy, Nguyễn Sĩ
Quốc; 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang là Phạm Gia Triệu, Nguyễn Đăng Kính. Hàm Bộ
trưởng có Đặng Hồi Xuân, ĐặngVũ Chư. Tương đương hàm giáo sư có: Đặng Vũ Khiêu,
Đặng Xuân Kỳ, Đặng Vũ Minh. Làng có 2 người được Giải thưởng Hồ Chí Minh là ông
Đặng Vũ Hỷ (thân phụ đồng chí Đặng Vũ Minh) và ông Đặng Vũ Khiêu.
Ở
làng Hành Thiện (Xuân Trường, Nam
Định) người dân ngoài làm nông nghiệp, không có điều kiện để làm những nghề
khác nên học được coi là nghề thứ hai. Hàng năm, số con em trúng tuyển vào các
trường Đại học, Cao đẳng rất cao và dường như là kết quả có một không hai, hiếm
gặp ở bất cứ nơi nào.
Hành
Thiện đếm không xuể những gia đình có con 100% đi học đại học. Nhà giàu có, khá
giả, cho con đi học thì đã là chuyện thường. Nhưng có những gia đình, đến miếng
ăn không đủ nhưng vẫn tìm đủ mọi cách cho con đến trường thậm chí phải cầm cả
sổ đỏ. Dường như ở đây, nghề học đã kéo mọi người xích lại gần nhau, không phân
biệt giàu nghèo, sang hèn.
5. LÀNG THI SĨ
Đó là làng Chùa (làng Hoàng Dương) thuộc xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Nơi những người nông dân trở thành những “thi sĩ làng” yêu thơ, mê thơ đến tột đỉnh, từ em bé cho đến những lão nông tuổi ngoài 80 đều hồ hởi làm thơ, lắng nghe thơ và bình thơ, lấy thơ làm lẽ sống cho cuộc đời khiến ai cũng phải ngạc nhiên khi đến mảnh đất này.
Ngôi làng nằm ở phía Nam Hà Nội ven con sông Đáy hiền hòa. Người dân
làng Chùa quanh năm gắn bó với đồng ruộng, cây lúa, củ khoai tưởng
chừng không có gì đặc biệt, nhưng bước qua chiếc cổng làng được khắc bốn
chữ Hán “Vọng tự nhập xuất” (nghĩa là trông chữ để vào làng) đã khiến chúng tôi
đi từ bất ngờ này, đến thú vị khác.
Người dân nơi đây cho biết không biết tự bao giờ thơ đã đi vào đời sống
như một phần không thể thiếu. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ đình làng ra cánh
đồng, bờ đê, đến từng ngôi nhà nhỏ, nơi đâu cũng đầy ắp những vần thơ lai láng.
Cứ đều đặn từ 8 giờ đến 9 giờ tối hàng ngày đài truyền thanh của làng lại tổ
chức đọc thơ do chính người nông dân làng Chùa sáng tác.
Theo họ đó không chỉ là “trọng câu thơ, trọng cái chữ, cái tình, mà là
một phương thức truyền tải và lưu giữ tốt nhất truyền thống làm thơ, cũng như
những lời răn dạy của cha ông cho thế hệ trẻ”. Các cụ bô lão trong làng cho
biết, truyền thống yêu thơ và làm thơ ở làng đã có từ hàng trăm năm rồi.
Điều lý thú là người làng Chùa đều làm thơ không phải vì mục đích tiền
bạc, danh vọng hay sự nổi tiếng, mà họ đến với thơ như một cách để nói lên
những tâm tư suy nghĩ, để giãi bày nỗi lòng mình.
Những vần thơ được viết theo cảm hứng, không trau chuốt mà mộc mạc,
giản dị như chính cuộc sống đang đi qua hàng ngày của họ. Đề tài của thơ
cũng đa dạng, khi thì về những tấm gương điển hình về gia đình văn hóa, những
cá nhân tốt cho đến việc phê phán những thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội và
cho đến cách dạy con… đều được người dân làng Chùa ứng khẩu thành thơ.
Có lẽ bởi thế người dân ở đây không chỉ tự hào về thơ, mà coi thơ như
một điều cốt yếu trong đời sống, luôn trân trọng gìn giữ để mạch nguồn thơ chảy
mãi từ thế hệ sang thế hệ khác, làm cho “tiếng thơ” cất lên như một bài ca cuộc
sống.
Được biết hiện nay làng Chùa có rất nhiều du khách và những người yêu
thơ từ khắp mọi miền đất nước tìm đến để nghe thơ, cảm nhận thơ và tận thấy
những người nông dân “thi sĩ” làng Chùa ứng khẩu, sáng tác thơ và còn để suy
ngẫm những câu như thơ như “châm ngôn” độc đáo: Thơ không làm ra lúa vàng gạo trắng/ Nhưng thơ đã làm ra những giấc mơ
giản dị/ Thơ sinh ra từ những luống cày/ Thơ thân thiết như hạt lúa củ khoai/
Người làng Chùa lấy đức làm gốc/ Lấy thơ truyền đức…
Đặc biệt vào ngày hội thơ tháng giêng hàng năm là dịp để các thành viên
trong Câu lạc bộ trổ tài thơ cũng như đàm đạo những câu thơ độc đáo chỉ có ở
làng Chùa.
6. LÀNG KHÔNG CHỒNG
Làng Lòi hiện nay tuy được biết với cái tên thôn Đội Cung tại xã Viên
Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhưng cách đây 30 năm, làng Lòi đã là nơi
cư trú của những người con gái trở về từ chiến tranh nhưng vì độ tuổi thanh
xuân đã qua đi nên trở thành những cô gái phải chịu cảnh quá lứa lỡ thì.
Không cam chịu số phận, những người con
gái tưởng như chân yếu tay mềm ấy đã có một quyết định can đảm, táo bạo, rời
làng cũ ra khai hoang ở một vùng đất mới và lập nên làng Lòi. Tại đây, các cô
gái sống tập trung lại, tối lửa tắt đèn có nhau. Họ chăm chỉ làm tất cả mọi
việc, kể cả việc cày bừa hay những công việc nặng nhọc khác của đàn ông. Sau
vài năm chăm chỉ làm việc, đời sống kinh tế đã được cải thiện, nhưng tất cả
những con người ấy vẫn phải sống trong cảnh cô đơn, giường đơn gối chiếc.
Vậy là từng người trong số họ đã quyết
định tới gặp những người đàn ông mà sau này họ cũng sẽ chẳng bao giờ gặp lại,
để xin con. Việc xin con này là một việc làm phá vỡ những tập tục truyền thống,
đẩy những người phụ nữ vào cảnh bị phân biệt và phải chịu đựng thêm nhiều khó
khăn khi phải nuôi con một mình. Việc xin con này được xem là một chuyện khác
thường và rất đáng chú ý, là sản phẩm của những bà mẹ can đảm.
Những người phụ nữ sống trong Làng Lòi rất niềm nở, sẵn sàng tâm sự về
câu chuyện cuộc đời họ, mặc dù họ luôn luôn giữ kín danh tính của những người cha.
Tại làng Lòi, hiện chỉ còn bốn người trong số những người phụ nữ ban
đầu tham gia thành lập ngôi làng. Ba người đã qua đời, một số người tới sống
với con cháu ở làng khác, còn một số khác thì về sau kết hôn với những người
đàn ông góa vợ.
Một người trong số họ nói rằng bà không biết liệu bà có phải là một
nguồn cảm hứng cho những người khác không. Bà chỉ quyết định cho bản thân bà.
Bà đơn giản muốn làm mẹ và không ai có thể thay đổi quyết định đó của bà.
7. LÀNG TRINH TIẾT
Đó là ngôi làng cổ nằm bên con sông Đáy nổi tiếng với phiên chợ Sêu sầm
uất và nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển mạnh đến mức được mệnh danh là “Thủ
đô dâu tằm” một thời. Ngôi làng mang tên Trinh Tiết thuộc
xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Các cụ cao niên trong làng Trinh Tiết kể lại rằng: xưa kia làng có tên
là Bối Lang, sau đổi tên thành làng Sêu, nổi tiếng khắp xa gần bởi có những
người con gái hiền dịu, nết na, xinh đẹp, đảm đang, tháo vát, đặc biệt là đức
tính thờ chồng nuôi con. Sở dĩ làng có tên “Trinh Tiết” bởi tương truyền rằng:
Phụ thân của Thành hoàng làng Triệu Quốc Bảo là một người “xứ trong” ra đây lập
nghiệp rồi xây dựng gia đình.
Hai vợ chồng chung sống rất hòa thuận và hạnh phúc. Khi sinh hạ được Bảo thì bố
mất, để lại cảnh mẹ góa con côi.
Mẹ Bảo là người phụ nữ nức tiếng gần xa về vẻ đẹp trời phú. Chính vì
thế khi người chồng quá cố qua đời, có rất nhiều chàng trai giàu có đến ngỏ lời
cầu hôn nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết. Bà tần tảo nuôi con một mình, nhất
quyết không tái giá. Dân làng cảm phục và noi gương bà, từ đó trở đi ai nấy đều
dặn lòng mình phải luôn chung thủy với chồng con.
Thế kỷ thứ XI, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy, nhìn thấy
cảnh sắc thơ mộng của làng Sêu nên đã dừng thuyền lên bờ thăm thú. Thấy các
thiếu nữ ở đây xinh đẹp, dịu dàng nên vua cũng phải tấm tắc ngợi khen. Các cụ
trong làng đã biếu nhà Vua một áo lụa và một áo tơ tằm do chính những thiếu nữ
trong làng thêu. Vua rất hài lòng. Nhà Vua rất xúc động khi nghe câu chuyện
người phụ nữ thủ tiết thờ chồng nuôi con thành một vị tướng tài, giúp nước đánh
đuổi giặc ngoại xâm, vua đã đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.
Từ đó người dân nơi đây luôn tự hào gìn giữ cái tên Trinh Tiết. Những
người con gái trong làng Trinh Tiết luôn một mực thủy chung với chồng. Những
người không may chồng mất sớm cũng quyết không tái giá mà một dạ thủ tiết, thờ
chồng nuôi con. Với những cô gái đi lấy chồng nơi khác, để chứng minh cho tấm
lòng son sắt của mình với làng, trước khi đi lấy chồng, các cô gái tự nguyện
đóng góp gạch để lát đường làng. Người đi trước làm gương cho thế hệ sau, cứ
như thế trở thành một quy ước, lệ làng. Trước khi xuất giá, những cô “gái
trinh” phải góp 200 viên gạch để xây dựng đường làng. Nhờ đó mà bộ mặt của làng
ngày càng khang trang, đẹp đẽ.
Chiếc cổng làng đồ sộ phía sau vẫn còn lưu lại tên làng cũ - làng Sêu
và đôi câu đối: “Làng Sêu quê cũ, chim đậu đất lành, văn vật ngàn xưa, còn
lưu mãi - Trinh tiết đời nay, xuân về vận mới, thanh cao muôn thuở, phải là
đây”. Ngoài ra vẫn còn một số con đường lát gạch “trinh tiết” xưa khiến
ngôi làng thêm phần cổ kính.
Đặc biệt người dân nơi đây vẫn luôn ý thức giữ được nét đẹp của người
phụ nữ truyền thống: Khi đã lấy chồng là nguyện thủy chung đời đời, kiếp kiếp.
Chẳng may chồng mất thì thủ tiết thờ chồng, nuôi con.
Đã nhiều năm qua, làng Trinh Tiết không có việc phụ nữ chửa hoang hoặc
sinh con ngoài giá thú. Đó quả là một nét đẹp hiếm hoi của một ngôi làng văn
hóa trên đất Thủ đô.
8. LÀNG ĐẸP NHẤT
Website du lịch Journeyetc.com vừa đưa làng chài Cửa Vạn của vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào danh sách 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới.
Tiêu
chí để chọn ra những ngôi làng xuất hiện trong danh sách này là chúng phải cổ
kính, có vẻ đẹp duyên dáng, và lưu giữ được nền văn hoá truyền thống đặc trưng.
Journeyetc.com đã chọn Cửa Vạn bởi nơi đây hội tụ cả ba yếu tố quan trọng nhất
này.
Làng
chài Cửa Vạn có những con đường nhỏ rải sỏi, những ngọn núi đá vôi hùng vĩ,
những làng chài dập dềnh trên sông nước. Cảnh quan nơi đây vô cùng lãng mạn và
để lại ấn tượng riêng biệt trong lòng du khách với những mái thuyền được sơn đủ
màu sắc tạo nên một bức tranh lung linh bềnh bồng trên sóng biển Hạ Long.
Những
điều này đã giúp làng chài Cửa Vạn trở thành một trong 16 ngôi làng hiếm có còn
giữ được vẻ đẹp nguyên sơ quyến rũ trên thế giới. Cuộc sống của người dân nơi
đây vẫn chưa bị xáo động bởi nhịp sống hiện đại.
Tại làng chài nổi Cửa Vạn, có hơn 300
hộ dân đang sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Các hộ dân tại đây dựng các
nhà bè nằm men theo rìa các đảo đá. Đặc biệt, cuộc sống thường nhật của cư dân
làng chài nổi Cửa Vạn hết sức sống động bởi những điệu hò, câu hát đặc trưng
của vùng vịnh Hạ Long.
Làng
chài Cửa Vạn hấp dẫn không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, cuộc sống
sinh hoạt nhộn nhịp mà còn bởi môi trường được người dân hết sức có ý thức giữ
gìn. Ở Cửa Vạn, tất cả các nhà bè nổi đều rất sạch sẽ, ngăn nắp. Người dân luân
phiên thay nhau chèo thuyền nhặt rác trên mặt biển mỗi ngày, tiết kiệm nước
sinh hoạt giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường biển.
Journeyetc.com
nhận định Cửa Vạn xứng đáng là địa danh tham quan mà du khách nên tới thưởng
ngoạn một lần trong đời.
9. LÀNG GIÀU NHẤT
Làng Mẹo (làng Phương La, xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình) được xem là làng có nhiều tỷ phú nhất VN.
Theo gia phả họ Trần, vào cuối thời Lý, người họ Trần về làm ăn, sinh
sống tại vùng Hải Ấp, lập làng, lấy tên là Ứng Mão. Tên cổ Ứng Mão hiện vẫn còn
trên chiếc cổng cổ của làng. Người đứng đầu họ Trần là ông Trần Hoằng Nghị,
thân sinh của Thái sư Trần Thủ Độ. Theo các nhà nghiên cứu, có thể cái tên Ứng
Mão sau đọc chệch đi thành làng Mẹo.
Cụ Trần Hoằng Nghị là con cụ Trần Hấp. Cụ Nghị dạy nhân dân trong làng
biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, nên được dân làng tôn làm Thượng Đẳng Phúc
Thần. Làng nghề phát triển mạnh mẽ, phồn thịnh từ thời kỳ đó. Dân làng Ứng Mão
lập chợ, xây cầu, buôn bán khắp nơi. Sản phẩm làng Mẹo phục vụ triều đình, cung
tiến ra nước ngoài.
Thế kỷ 17 là thời kỳ phát triển rực rỡ của làng Mẹo. Khi đó, làng có
tên Hương La, có nghĩa là lụa thơm. Thế kỷ 20, đất nước chìm trong ách nô lệ,
phong kiến, song nghề dệt ở làng Mẹo vẫn phát triển, người dân được đảm bảo đời
sống. Vải làng Mẹo nổi danh thiên hạ, có mặt tràn lan ở phố Hàng Ngang, Hàng
Đào. Vải bò xuất khẩu ầm ầm sang châu Âu. Bất kỳ sản phẩm nào gắn mác làng Mẹo
đều bán chạy. Sau khi trải qua thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, làng Mẹo đã phát
triển thần kỳ. Và chỉ trong thời gian hơn 20 năm, hàng loạt tỷ phú đã sinh ra
từ ngôi làng này.
Tìm về lịch sử, ông Hùng thấy rằng, thời nào cũng vậy, người dân làng
Mẹo chỉ có giàu hay không, chứ không bao giờ bị đói. Người Thái Bình có câu:
“Người làng Mẹo quẳng đâu cũng không chết”.
Người làng Mẹo không chỉ khéo léo trong nghề dệt, mà còn cực giỏi trong
giao dịch bán hàng. Các sản phẩm của người làng Mẹo làm ra, người làng Mẹo tự
mang đi bán không những khắp nước mà khắp thế giới. Từ xa xưa, người làng Mẹo
có câu ca: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về làng Mẹo với anh thì về/ Làng Mẹo
buôn bán trăm nghề/ Sáng đi bán lụa, tối về buôn tơ”.
Đàn ông làng Mẹo nổi tiếng giỏi giang, thành đạt, con gái làng Mẹo nổi
tiếng xinh đẹp, khéo tay, có tài dệt cửi, lại hay nết. Con gái nơi khác lấy
được con trai làng Mẹo là cái phúc, con trai ngoài làng lấy được con gái làng
Mẹo thì chẳng khác gì vớ được vàng. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, chỉ với
những truyền thuyết lưu truyền dân gian về con người làng Mẹo như thế, cũng
phần nào lý giải vì sao làng Mẹo lại giàu có từ gần ngàn năm trước và sẽ ngày
càng giàu có hơn.
10. LÀNG VĨ CẦM
Cách Hà Nội khoảng 70 km theo đường quốc lộ 1A, làng Then đơn sơ và
bình dị, chắc không ai ngờ được đây là ngôi “làng vĩ cầm” độc nhất vô nhị tại
Việt Nam, trải qua bao nhiêu thế hệ, đào tạo biết bao nghệ nhân vĩ cầm, nét
chất phát của thôn quê và dòng máu nghệ thuật như hòa quyện vào nhau, tạo ra
một nét đẹp rất riêng của vùng đất văn hóa này.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, một trong những thế hệ vĩ cầm của làng, nói ông
được làm quen với chiếc đàn từ khi còn trẻ, đến nay đã mấy chục năm. Ông Hùng
nói: "Muốn tìm hiểu thật kĩ về truyền thống chơi vĩ cầm, gặp ông Nguyễn
Hữu Đưa, ông ấy là người thầy đầu tiên dạy chúng tôi, ông học đàn từ những năm
1956, có công đào tạo biết bao thế hệ học trò vĩ cầm của ngôi làng này".
Nhà ông Đưa nằm sâu trong đồi, ngôi nhà nhỏ đơn sơ của ông bà, chắc
không ai ngờ được cũng chính là lớp dạy violon của ông Đưa, tóc ông đã bạc, tay
chân cũng nhăn nheo vì tuổi già, sức yếu, nhưng cứ hễ động đến cây đàn ông lại
say sưa kéo đủ các bản nhạc. Trên tường, trong ngăn tủ, đầy những bức ảnh ông
đi biểu diễn, những cuốn sách viết những bản nhạc ông yêu thích được lưu giữ
cẩn thận mấy chục năm nay. Ông kể: "Ngày xưa, cứ mỗi lần dạy đàn cho mấy
đứa trẻ, tôi sáng đạp xe ra Hà Nội chọn đàn, rồi tối lại đem về để hôm sau có
đàn cho bọn trẻ học, nhưng giờ già rồi, không đi nổi nữa". Cây đàn ông
đang giữ đã theo ông mấy chục năm nay, cứ hễ hỏng ông lại tự ngồi sửa, ông quý
cây đàn đó, ví nó đã theo ông suốt cả cuộc đời. Ông say sưa kể về một thời tuổi
trẻ của mình, đến với vĩ cầm cũng là một cái duyên, một niềm đam mê lớn của đời
ông, ông đã dành gần cả cuộc đời cống hiến cho nó. "Giờ già rồi, có thể
quên nọ quên kia, nhưng vĩ cầm chắc không bao giờ quên được".
Ngôi làng nhỏ, nhưng lưu giữ một truyền thống lớn, về thăm làng Then,
du khách có thể thưởng thức âm thanh violon vô cùng mộc mạc của những người dân
giản dị nơi đây. Được chiêm ngưỡng những cây đàn lâu đời và được nghe về lịch
sử hào hùng trong truyền thống nghệ thuật của làng Then.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét