Nguyễn Tiến Dũng
Gần đây, có một số ý kiến xuất hiện
trên báo chí trong nước cho rằng chương trình giáo dục phổ thông 12 năm như
hiện tại là “quá dài, thừa”, nên giảm bớt xuống chỉ còn 9-11 năm thôi. Bài viết
này nhằm phản bác lại các ý kiến đó, và chỉ ra các lý do khách quan vì sao 12
năm lại là tối ưu cho chương trình giáo dục phổ thông đối với phần lớn học
sinh.
Có một xu hướng rõ ràng trong giáo dục phổ thông trên thế giới là
đi theo hệ phổ thông 12 năm (không kể giai đoạn mẫu giáo), với độ tuổi trung
bình tốt nghiệp phổ thông là 18 tuổi. Đại đa số các nước dùng hệ 12 năm
(thường chia thành 3 cấp, nhưng cũng có nơi chia thành 2 hay 4-5 cấp). Nhiều
nước (trong đó có cả Việt Nam )
trước kia đi theo các hệ giáo dục phổ thông khác, nay cũng dùng hệ 12 năm.
Điều
này được phản ánh phần nào trong bảng số liệu tóm tắt phía dưới đây về hệ
thống giáo dục phổ thông của một số nước trên thế giới :
(Nước / Dân số (triệu) / Số năm phổ thông = chia theo các cấp)
France / 66 / 12 = 5 + 4 +
3
Ở hầu hết các nước, thì bậc tiểu học và trung học cơ sở (cho đến quãng
năm 14-15 tuổi) là bắt buộc, và đặc biệt ở một số nước như Nga và Anh thì việc
học phổ thông là bắt buộc cho đến tận 17-18 tuổi. Cũng ở phần lớn các nước, sau
khi học hết phổ thông cơ sở, lên đến cấp 3 (phổ thông trung học, high school),
từ quãng năm 14-15 tuổi, thì có lựa chọn giữa hướng “thông thường” và hướng
“học nghề” (vocational school). Phần lớn học sinh là học theo chương trình
“thông thường”. Hầu hết các chương trình phổ thông “thông thường” kéo dài tổng
cộng 12 năm. (Những thông tin kiểu “chỉ học 9 năm là hết phổ thông” là thông
tin sai lệch). Trong số các ngoại lệ ở các nước lớn có thể kể đến nước
Nga (chỉ có 11 năm; đã tăng lên từ hệ 10 năm vào năm 1990), Anh (13 năm, nhưng
mà là tính từ lúc 5 tuổi, nên cũng kết thúc vào lúc 18 tuổi), Italia (13 năm,
học đến lúc 19 tuổi), một vài nơi ở Đức (13 năm thay vì 12 năm ở các nơi khác ở
Đức). Các chương trình phổ thông định hướng học nghề có thời gian có thể dài
hơn hoặc ngắn hơn chương trình thông thường. Ngoài ra, ở một số nước, ví dụ như
Pháp, hướng “thông thường” có thể được phân ban để tăng lựa chọn cho học sinh.
Hệ thống giáo dục 12 năm trên thế giới không phải là tuỳ tiện, mà là
kết quả của một quá trình tiến hoá trong mấy thế kỷ qua, cả về nhu cầu lẫn khả
năng cung cấp dịch vụ giáo dục phổ thông của xã hội. Xã hội càng văn minh lên,
đòi hỏi con người càng phải có hiểu biết và trình độ cao lên, đồng thời càng có
điều kiện để cung cấp dịch vụ giáo dục đến mọi người, thì càng làm cho thời
gian đi học tăng lên chứ không giảm đi. Ý tưởng cắt giảm thời gian giáo dục phổ
thông của một số người (để trẻ em tốt nghiệp phổ thông vào độ tuổi trung bình
15-17 thay vì 18 tuổi) là đi ngược lại xu hướng tiến bộ này của xã hội.
Có một lý do rất quan trọng giải thích vì sao 18 tuổi là độ tuổi trung
bình hợp lý nhất để tốt nghiệp phổ thông hiện nay. Lý do đó là: 18 tuổi là độ
tuổi trưởng thành, theo qui ước và luật pháp ở nhiều nơi trên thế giới, và sứ
mệnh cơ bản nhất của giáo dục phổ thông chính là để chuẩn bị cho trẻ em trở
thành những con người trưởng thành, với các kiến thức và kỹ năng cần thiết để
đón nhận những nghĩa vụ và quyền lợi của một người trưởng thành.
Đối
với một trẻ em chưa trưởng thành, có 3 phương án:
a) đi học (học văn hoá, học nghề, v.v.)
b) đi làm
c) không đi học mà cũng không đi làm.
Phương án c) hẳn là phương án tồi, vì sinh ra “nhàn cư vi bất thiện”,
dễ trở thành lêu lổng, hư hỏng, trộm cắp, v.v.
Phương án b) có thể được dùng trong các hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.
Tuy nhiên nó không phải là tối ưu, vì những trẻ em phải đi làm từ nhỏ như vậy
sẽ ít có điều kiện phát triển, sẽ nghèo đói và cũng sẽ không đóng góp được
nhiều cho xã hội. Các nước tiên tiến có luật cấm bóc lột sức lao động của trẻ
em để tránh hiện tượng này.
Chỉ có phương án a) là khả dĩ nhất: khi điều kiện kinh tế xã hội cho
phép, thì trẻ em cần được học ít ra cho đến khi trưởng thành. Chính vì vậy mà
độ tuổi kết thúc học phổ thông ứng với độ tuổi trưởng thành.
Một lý do khác khiến cho phần lớn trẻ em trên thế giới kết thúc học phổ
thông vào năm 18 tuổi: đó là sự hội nhập và giao lưu quốc tế, khiến cho
chương trình của các nước có xu hướng xích lại gần nhau, có cùng số năm học để
dễ chuyển đổi cho nhau hơn. Ví dụ như, một người học xong phổ thông ở nước này,
có thể sang nước khác học đại học mà không cần học lại phổ thông.
Trẻ em Việt Nam
không ngu ngốc hơn, nhưng cũng không thông minh đặc biệt gì hơn các trẻ em của
các nước khác. Bởi vậy, sẽ là không tưởng khi nghĩ rằng nói chung học sinh Việt
Nam
chỉ cần học 10-11 năm phổ thông là sau đó có thể vào học đại học ngồi cùng với
học sinh nước ngoài đã qua 12 năm phổ thông mà cũng sẽ đạt kết quả tương đương.
Có một số lý do được đưa ra để biện hộ cho ý tưởng rút ngắn thời gian
học phổ thông, nhưng tôi thấy các lý do đó hoặc không đúng bản chất hoặc tự mâu
thuẫn. Trong đó có lý do “chương trình phổ thông hiện tại nặng quá”. Nếu một
chương trình nặng quá theo nghĩa không đủ thời gian học, thì phải kéo dài thời
gian học ra mới đúng thay vì rút ngắn đi. Còn nếu nặng quá theo nghĩa có quá
nhiều cái thừa không cần thiết, thì có thể cắt giảm những cái thừa đó đi (sẽ
giảm được việc học thêm tràn lan). Nhưng không có nghĩa là 12 năm học là quá
nhiều, có thể rút ngắn lại thành 10-11 năm. Trên thực tế, học sinh tốt nghiệp
phổ thông của Việt Nam
còn bị hổng khá nhiều kiến thức văn hoá phổ thông so với học sinh nước ngoài.
Vấn đề không phải nằm ở số năm học, mà là ở chương trình và cách học, cách thi
chưa hợp lý.
Một cỗ xe có thể bị hỏng không chạy được hoặc chạy lọc cọc vì rất nhiều
lý do khác nhau. Nếu chẳng hạn phần động cơ của nó bị rò gỉ, mà lại đi thay lốp
bằng lốp nhỏ hơn không đúng với trọng tải thay vì chữa động cơ, thì không giúp
cho xe chạy tốt lên, mà chỉ làm cho nó nguy hiểm thêm.
Trong giáo dục phổ thông của Việt Nam cũng vậy, có nhiều vấn đề bất
cập, nhưng việc học 12 năm là không phải là một trong các bất cập. Nếu “chữa
không đúng bệnh” thì không những không làm cho hệ thống giáo dục tốt lên mà có
nguy cơ làm cho nó tồi đi thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét