Phạm Toàn
Nghĩ đến một sự nghiệp Giáo dục, tất phải nghĩ đến sứ mệnh mở mang đầu
óc con người – bây giờ còn quen gọi là “khai phóng” – theo tinh thần khai mở,
như từng được xướng xuất từ Phan Châu Trinh, khai dân trí, chấn dân khí, hậu
dân sinh.
Một nền giáo dục đúng nghĩa phải làm cho trí tuệ con em dân tộc mở
mang, tự mình mở ra đón nhận tinh hoa của dân tộc và nhân loại. Nền giáo dục mở
mang đó giúp tâm hồn con em ngày càng phong phú, cái tâm hồn như một thứ năng
lượng cháy nóng bên trong mỗi cá nhân, tự thúc đẩy mình không bao giờ được đứng
yên, không khi nào được ngừng tự mở mang.
Không có nền giáo dục mở mang đó, mọi hệ thống nhà trường chỉ là những
lò ấp nô lệ, từ nơi ấy nếu gặp may mắn thì chỉ một số rất nhỏ đủ sức tự đào
thoát ra được, để thành những con người tự do.
Chìa khóa của vấn đề mở mang đó nằm ở đâu?
Giáo dục thời nào cũng đau đáu một chuyện học cái gì (nội
dung giáo dục), chuyện phân bố nội dung đó (chương trình học từng lớp,
từng cấp, từng chuyên khoa) – song chỉ có nội dung và chương trình cũng chưa
đủ, vì chúng có thể bị làm méo mó thiếu hụt vì cách thức chuyển tải. Nghĩa là
còn phải có điều kiện vô cùng quan trọng nữa, đó là cách thức làm cho
những nội dung đụng chạm tới tất cả mọi con người trở thành tài sản tinh
thần của riêng mỗi con người.
Thời chuyển tải bằng … lời : Trong một thời gian dài, động lực từ người giáo viên
được coi là chìa khóa của một nền Giáo dục khai phóng (thời kỳ lấy bục giảng
làm trung tâm với lời rao giảng làm công cụ truyền tải và mở mang trí óc người
học).
Thế rồi vào thời kỳ gần đây, chìa khóa đó đã được nhìn nhận lại, động
lực từ bản thân người học được coi là chìa khóa mở cánh cửa Giáo dục khai phóng
(thời kỳ lấy người học làm trung tâm).
Thời kỳ lấy bục giảng làm trung tâm không phải là không có những nét
đẹp mê hồn. Chứng cứ rành rành còn trong Quốc tử giám ở thủ đô Hà Nội nơi 82
tấm bia đá lưu giữ tên tuổi 1307 vị tiến sĩ. Ngô Tất Tố từng mô tả con đường
tạo ra vẻ đẹp ấy trong tiểu thuyết “Lều chõng” : … “trong các lò “rèn đúc nhân tài” bấy giờ, trường của cụ bảng Tiên Kiều
là lớn hơn hết. Trừ ra mươi cậu đồng sinh là những con cháu trong nhà, học trò
cụ bảng chỉ có hai lớp đại tập và trung tập. Trung tập hàng ngày phải đến nghe
sách, hàng tuần phải học làm văn. Còn đại tập thì mỗi tháng tập văn hai kỳ. Kể
cả đại tập và trung tập, học trò trong trường có tới gần ba trăm người. Vân Hạc
và Khắc Mẫn đi đến cửa trường thì các cậu học trò trung tập cũng vừa kéo đến…”
“Theo lệ hàng ngày, mỗi buổi đều đọc đủ
ba thứ sách: kinh, truyện và sử. Hôm nay bắt đầu đọc Kinh dịch, rồi đến sách
Trung dung rồi đến cuốn Tống sử. Mỗi khi đọc hết bài cái, bài bàn của một
chương nào trong sách, cả trường im lặng như tờ. Mấy trăm con.mắt đều chăm chỉ
ngó vào cuốn sách của mình. Mấy trăm lỗ tai đều bình tĩnh đợi nghe lời giảng
của thầy. Bằng cái giọng sang sảng như tiếng chuông đồng, cụ bảng giảng rất
rành mạch từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ nghĩa gần đến nghĩa xa, cụ chỉ rõ
ràng lời bàn nào là phải, lời bàn nào là quấy. Cụ nói như rót vào tai học trò…”
Nền học ấy tạo ra cái dân trí mở mang theo phương pháp
học của một thời – ta cứ gọi cho vui đi, là phương pháp cụ bảng Tiên Kiều!
Tính chất thiêng liêng của bảng vàng bia đá khiến cho phương pháp học đó được
giữ gìn trân trọng rất lâu…
Thì đây, phương pháp năm bước lên lớp độc tôn với những quy
phạm khá khôn ngoan: ổn (ổn định lớp), kiểm (kiểm tra bài
cũ), giảng (giảng bài mới), củng (củng cố kiến thức mới học
được) và dặn (dặn dò những điều về làm ở nhà hoặc những việc phải làm
thêm…). Ổn, Kiểm, Giảng, Củng và Dặn – một cách nói … hơi
khập khiễng về lô gich ngôn ngữ, vì bao gồm bốn yếu tố Hán Việt … rồi thêm vào
một yếu tố Thuần Việt.
Sang thời hiện đại, chớ nghĩ rằng năm bước lên lớp có thể hết đất dụng
võ. Sang thời hiện đại, con người nhại lại những lời lẽ sang trọng về “thay
đổi” phương pháp, đồng thời vẫn khư khư bám lấy nền giáo dục rao giảng. Cái quy
phạm gieo rắc thói thụ động của “năm bước lên lớp” hoàn toàn có thể nối dài
trong những tiết học có dùng các thiết bị “hiện đại”.
Một máy chiếu overhead thực chất có khi cũng chỉ ngang bằng
cái bảng cho giáo viên đỡ bẩn vì bụi phấn, để giáo viên càng thêm thì giờ thao
thao bất tuyệt vì đỡ công đi lại xóa bảng và viết bảng.
Một máy chiếu dùng công cụ powerpoint để giảng bài bằng
các slide soạn sẵn hoặc dùng những đoạn phim minh họa có khi càng làm
cho học sinh hết cơ hội suy nghĩ. Đúng thế, vì kết luận nằm sẵn
ở slide cuối cùng chắc hẳn cũng là kết luận định sẵn trong đầu người
rao giảng – nhờ thiết bị dạy học hiện đại mà có được một sự áp đặt ngọt ngào,
mềm mại như quả đấm thép bọc nhung.
Ta sẽ chẳng dại gì mà bỏ rơi các thiết bị hiện đại để dùng chúng đúng
lúc và đúng cách vào công cuộc giáo dục, miễn là thấy rằng các thiết bị hấp dẫn
này mang nguy cơ cao làm kéo dài những khuyết tật của lối dạy học rao giảng,
kéo dài kiểu nhà trường lấy bục giảng làm trung tâm..
Hai loại tư duy:
Ta cùng xem xét tiếp chuyện Giáo dục với bậc Tiểu học. Sao lại Tiểu
học? Bởi vì, tuổi tiểu học là bước ngoặt để trẻ em từ trạng thái đã có sừng có
mỏ trong kinh nghiệm tư duy cụ thể chuyển sang thời kỳ học lấy cách tư duy trừu
tượng.
Tư duy cụ thể và tư duy trừu tượng khác nhau vô cùng. Nhà tâm lý học
Pháp Gaston Bachelard phân biệt ở loài người một trình độ tư duy tiền khoa
học (pré-scientifique) với một trình độ tư duy khoa học chính là
để nói đến sự phân biệt giữa tư duy cụ thể và tư duy trừu tượng.
Tư duy cụ thể tiền-khoa học được thể hiện qua các thao tác quan sát,
sắp xếp, thống kê, phân loại, phân tích và ứng dụng những tri thức đã có (ở
trình độ cụ thể). Tư duy cụ thể từng giúp cho con người sinh sống và kéo dài
dòng giống. Nhưng tư duy trừu tượng sẽ đưa con người có được những bước tiến
khổng lồ.
Học tiếng Việt ở lớp Một mà thuộc các chữ cái a, b, c … rồi biết ghép
chúng với nhau là kết quả của tư duy cụ thể; còn hiểu rõ bản chất ngữ âm tiếng
Việt rồi tự dùng các ký hiệu mà ghi các âm đó lại và tự đọc được chúng là một
trình độ tư duy ngôn ngữ học trừu tượng.
Học Văn mà biết nhắc lại những vẻ đẹp của các hình tượng là tư duy cụ
thể ở tầm “nhại lại” chính cái trình độ tư duy cụ thể của người dạy. Nhưng, nếu
hiểu rõ bản chất tâm lý học của thao tác tưởng tượng và thao tác liên tưởng,
rồi tự tạo ra và dùng các biểu tượng như một thành tố của ngữ pháp nghệ
thuật thì đó đã là tư duy trừu tượng.
Ca ngợi hiện tượng “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, rồi khen ngợi tinh thần
và tính cách “năng nhặt chặt bị”, là một trình độ tư duy cụ thể. Phản ứng lại
bằng cách nghĩ và nói “cần cù bù thông minh” dù chưa là tư duy trừu tượng,
nhưng đã là sự quan sát và phân tích của những đầu óc muốn tự mở mang sang một
phương trời khác cho tư duy người.
Sự phân biệt này rất quan trọng đối với nhà giáo dục. Tổ chức một nền
Giáo dục theo lối kéo dài kinh nghiệm của con trẻ, hấp dẫn chúng bằng
những nhãn mác lòe loẹt hoành tráng, thì vừa làm lợi lại vừa làm hại các em.
Một nền giáo dục trói buộc trong tư duy cụ thể tuy cũng giúp trẻ em có một
trình độ trí khôn dù sao cũng đã hơn thuở hồng hoang – cái thưở bất kỳ biến cố
nào cũng có thể xâm phạm vào cuộc sống vật chất hoặc tinh thần của nó – nhưng
vẫn là kìm hãm con em trong vòng kim cô của kinh nghiệm cụ thể.
Cái tâm lý tạo ra nhu cầu học thêm (kéo theo nhu cầu dạy thêm) có nguồn
gốc là tình trạng học và dạy học theo lối “kiến tha lâu”. Đó là tình trạng kiến
thức được nhặt nhạnh và không thể biết khi nào thì “đầy tổ”. Dạy học theo lối
“kiến tha lâu” thì phải dựa vào trí nhớ để áp đặt cho trí nhớ như cái kho chứa
đồ và không thể thành cái cỗ máy sản xuất ra các loại đồ.
Có một nền Giáo dục khác để một em bé vào đời được mở mang khác hẳn với
trình độ những con người thời hiện đại nhưng tư duy thì chẳng khác bao nhiêu so
với thuở còn sống hoang dã. Có một nền Giáo dục khác để một em bé vào học lớp
Một bắt đầu cuộc ra đời lần thứ hai của chính mình, một cuộc ra đời về tinh
thần, một cuộc ra đời do chính em bé thực hiện với bàn tay tổ chức của nhà
giáo.
Thời của lý thuyết hoạt động
Có thể có một nhà trường tiểu học ở đó sản phẩm của việc học của trẻ em
lại do chính trẻ emlàm ra. Đó là loại nhà trường của lý thuyết hoạt động.
Đó là nhà trường của sự tự mở mang trí óc.
Bí quyết của sự tự mở mang nằm ở năng lực của nhà sư phạm tìm ra
những thao tác của người đi trước khi họ tạo ra những thành tựu khoa
học, nghệ thuật và đạo đức.
Những người đi trước tiêu biểu không chỉ để lại những sản phẩm, mà điều
quan trọng là họ để lại những dấu vết là những thao tác tạo
ra sản phẩm.
Những nhà
ngôn ngữ học như A. de Rhodes, như Huỷnh Tịnh Của, như Trương Vĩnh Ký … cho đến
Đào Duy Anh, Hoàng Tuệ, Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo … đều để lại không chỉ
những công trình khoa học, mà còn để lại những thao tác nghiên cứu mà
người đi sau có thể lặp lại để học và để sáng tạo tiếp.
Những nhà nghệ thuật như Nguyễn Du, Victor Hugo, Picasso, Rodin … như
Điềm Phùng Thị, Văn Cao … đều để lại cả những tác phẩm và những thao tác làm ra
tác phẩm. Một nhà trường của đầu óc bắt chước sẽ tạo ra những học sinh chỉ biết
ngả mũ chào người xưa. Nhưng một nhà trường của tinh thần tự mở mang sẽ giúp
học sinh tự làm ra cái Đẹp theo cách làm của người đi trước.
Những nhà tư tưởng như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Gandhi, Hồ Chí Minh
… đều để lại những cách sống mà người đời sau có thể làm
lại những yếu tố cốt lõi trong đạo đức lối sống của tất cả các vị đó.
Tổ chức cho trẻ em làm lại chính các thao tác từng tiến hành bởi người
đi trước là bí quyết của nhà sư phạm của ngôi trường mang tinh thần tự mở mang.
Bí quyết còn nằm ở cách tổ chức các cấp học. Có thể thay đổi số năm
học. Có thể thay đổi thời lượng trong từng cấp học. Có thể thay đổi thêm bớt
môn học và chương trình học. Nhưng hình như mọi thay đổi đều nên trả lời mấy
câu hỏi: Thay đổi nhằm mục đích gì? Việc học được thực hiện như thế
nào? Tức là giải đáp hai điều: mục tiêu và phương pháp thực hiện mục tiêu.
Thay đổi bao
nhiêu thì cũng còn lại cái cốt lõi bất biến, mà cốt lõi của cốt lõi là tạo cho
bậc tiểu học thành bậc học phương pháp học. Ở bậc tiểu học, những vật
liệu (kiến thức bộ môn) chỉ cần vừa đủ để phục vụ cho việc chiếm lĩnh lấy
phương pháp học – cái phương pháp gửi trong những thao tác làm ra những kiến
thức nhân loại được gửi trong các bộ môn mang tính chất nhà trường.
Cái phương pháp học đó sẽ theo con em chúng ta suốt cuộc đời để các em
tự mở mang trí tuệ, tự làm phong phú tâm hồn mình, tự thúc đẩy mình lao vào
cuộc sống thực với vô vàn vẻ đẹp hơn nhiều so với sự thưởng thức thụ động những
bộ phim rẻ tiền và những cuốn sách phá hoại nền văn hóa đọc vì có vô số hình vẽ
suy tư hộ cho người đọc.
Đổi mới một công cuộc Giáo dục là vô cùng gian nan. Nhiều người bỏ cuộc
chỉ biết cứu lấy con em mình bằng những cuộc đào tẩu du học ở nước ngoài, có
khi du học từ lúc tuổi còn rất nhỏ – thậm chí có cả hình thức “du học trong
nước”, cứu con em mình trước, cứu nước cứu nhà sau, mình không cứu đã có kẻ
khác cứu.
Đổi mới để có một công cuộc giáo dục theo tinh thần tự mở mang lại càng
khó, vì chỉ với tấm lòng muốn thay đổi vẫn không đủ, còn phải biết cách thay đổi.
Những đóng góp cho công cuộc chấn hưng Giáo dục cần phải được huy động
bằng sức lực và tâm trí của những cá nhân và những nhóm tác giả – đó là tự
do hóa công cuộc chấn hưng.
Những đóng góp của các nhóm và các cá nhân đó lại cần được đối
xử dân chủ nghĩa là công bằng, không thiên vị.
Ngay cả khi có thể làm được như thế, cũng đừng trông đợi trong một đêm
xây xong một kinh thành và trong một vài ngày cái cây sẽ lớn vọt và cho trái
ngọt.
Nguồn: Lao
động số Xuân Quý Tỵ 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét