20/6/13

360. TÁN PHÉT CÙNG MỘC NHÂN

Thạch Nhân (TN) thực hiện cùng Mộc Nhân (MN)
TN: Chào MN, hôm nay chúng ta lại gặp nhau.
MN: Vâng, cũng như mọi lần thôi. Nhưng cuộc sống là những lần gặp gỡ, có ai đó nói “Những cuộc gặp cần cho tình bạn, những nụ hôn cần cho tình yêu”!
TN: Ừ, đúng quá chứ còn gì. À, nhân tiện xin bạn giải thích sơ qua về hai chữ “Mộc Nhân” mà bạn lấy làm hiệu.
MN: Cũng chẳng có gì là cầu kì, đại khái là muốn làm mới mình một tí cho nó khỏi cũ nên nghĩ ra một tên hiệu nào đó. Vì mình là nhà giáo nên có nhớ đến câu nói của Quản Trọng thời chiến quốc: “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; Thập niên chi kế mạc như thụ mộc; Bách niên chi kế mạc như thụ nhân” – lấy hai từ cuối của hai vế sau ghép thành tên hiệu Mộc Nhân.
TN: Có thể giải thích thêm về câu này ?
MN: Nghĩa là : Tính kế một năm không gì bằng trồng lúa; tính kế mười năm không gì bằng trồng cây; tính kế trăm năm không gì bằng trồng người. Bác Hồ cũng có nói câu tương tự “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
TN: Nhưng cũng có nhiều cách hiểu khác về “Mộc Nhân”.
MN: Vâng, mình cũng không nghĩ đến nhiều cách hiểu khác ngoài ý tưởng ban đầu nói trên. Sau này được nhiều người giải thích thêm thấy thật thú vị; chẳng hạn như trong phái võ “Vịnh Xuân Quyền” và “Thiếu Lâm Tự” có sử dụng mộc nhân là loại người gỗ được chế tác để dùng trong luyện tập đòn thế; còn anh bạn Lý Đăng Khoa người Việt gốc Hoa là tay thư pháp tài hoa hiện đang sống tại phố cổ Hội An lại giải thích mộc nhân gồm “mộc” kết hợp với “nhân” tạo nên chữ “hưu” có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa  là tốt đẹp; còn thầy giáo Nguyễn Văn Lơ là thầy cũ của mình, dạy Văn nổi tiếng hồi mình còn học cấp III thì cho thêm một nghĩa rất hay của từ mộc nhân là “người luôn sửa mình để tiến bộ”
TN: Thật thú vị.
MN: Vâng, cách hiểu nào cũng hay, có nghĩa sâu sắc. Nhưng thôi, chúng ta sẽ không nói về chuyện này nữa, nói về mình không khéo sẽ bị xem là khoe khoang thì khổ !
TN: Thì chúng ta cứ nói một cái gì đó cho có chuyện, chẳng hạn như đề tài về “nói khoác, khoe khoang …” chẳng hạn !
MN: Vâng, có gì nói nấy cho vui …
TN: Nói khoác chắc chắn là khác với khoe khoang !
MN: Nói khoác là “khoe những cái mình không có”; còn khoe khoang là “nói lên cái đẹp, cái tốt, cái hay, thường cố ý tăng lên”, dân gian có cụm từ “có ít xít ra nhiều” mang ý nghĩa ấy.
TN: Như vậy về bản chất mấy từ này không khác nhau mấy !
MN: Vâng, cụ thể là có khác nhau nhưng nét nghĩa chung là không !
TN: Tại sao người ta lại hay thích khoe khoang khoác lác nhỉ ?
MN: Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân chính là người ta làm thì không ra gì nhưng nói thì thích nói hay, không đúng sự thật (nói phét, nói khoác lác). Một nguyên nhân khác là để chứng tỏ mình giỏi, che dấu cái dốt của bản thân, danh ngôn có câu: “Kẻ ngu dốt nghĩ mình thông thái, nhưng người thông thái biết mình ngu dốt”.
TN: Điều ấy phần nào thể hiện cái tôi ?
MN: Đúng, nhưng là cái tôi tiêu cực. Có cái tôi tích cực thể hiện sự hãnh diện phù hợp với những giá trị bản thân nhưng cũng có cái tôi tiêu cực ở hai mặt đối lập hoặc tự ti hoặc tự tôn vô lối – sự khoe khoang, khoác lác, nói dóc … nằm ở trường hợp này. Đó là cái mà chúng ta đang nói đến.
TN: Nhưng đôi khi sự tự tôn vô lối cũng vui và chẳng chết ai !
MN: Đúng vậy, ai mà chẳng có lúc như vậy nhất là tuổi trẻ. Aristote nói rằng “Tuổi trẻ thường hay nói khoác, vì đó là cách tốt nhất để hy vọng”.
TN: Câu ấy chưa hẳn là chân lý !
MN: Nhưng nghe ra cũng có lý. Một người đang bắt đầu lập nghiệp sẽ mở ra những viễn cảnh tươi sáng giàu có, một sinh viên y khoa sẽ vẽ ra tương lai mình là bác sĩ giỏi, một thí sinh tham dự cuộc thi hát trên truyền hình sẽ nói về tương lai là một ngôi sao trong thế giới showbiz, một hoa hậu vùng miền sẽ cố tình làm cho người ta nghĩ mình là hoa hậu quốc gia hay hoa hậu hoàn vũ …
TN: Còn người lớn thì sao ?
MN: Người lớn tuổi tứ tuần hoặc ngũ tuần thường thì chín chắn hơn khi nhận ra mình, người ta càng phải ít nói khoác đi. Người xưa có câu “Tứ thập nhi bất hoặc” có nghĩa là đến bốn mươi tuổi thì không còn mê hoặc, ngờ nghệch, con người đã có đủ kinh nghiệm, nhận thức, tư duy về bản thân và thế giới …
TN: Sang giai đoạn “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” thì con người đã hiểu được mênh trời có nghĩa là hiểu rõ qui luật của tự nhiên, của xã hội nên họ luôn có lời nói, hành động, cư xử đúng mực …
MN:  Nhưng trái lại, có không ít người càng có tuổi lại càng nói phét. Càng  bất lực, hoặc thua kém người khác thì càng nói phét, khoe khoang vô lối …
TN: Có bao giờ MN gặp trường hợp này ?
MN: Đã có và thậm chí còn va chạm vì kiểu nói năng này. Một giáo viên lớn tuổi ở một trường học nọ năng lực chuyên môn chả có gì nổi bật nhưng lại bốc phét lên là mình dạy giỏi dù ai cũng biết cô ta dạy dở; trường giao công tác bồi dưỡng học sinh giỏi dù kết quả không ra gì nhưng cô ấy vẫn nổ là mình dạy bồi dưỡng nhiều năm có uy tín, có thành tích …
TN: Hóa ra trong nghề giáo vẫn có “cái tôi tự tôn vô lối” ?
MN: Chuyện thường, tôi còn biết có cô giáo dạy sai kiến thức nhưng vẫn cố chống chế bằng cách nói phét, nói lấy được rằng “ý đó tôi lấy từ sách nọ sách kia của tác giả này nọ…” rồi lại khoe khoang “trước đây đã có nhiều người công nhận tôi nói đúng” …
TN: Thế thì sao lại xảy ra va chạm như bạn mới vừa nói ?
MN: Người sáng suốt không cần lời khuyên còn kẻ ngu ngốc không chịu nhận lời khuyên; vậy nên khi có tình huống cần góp ý, trao đổi thì xảy ra xung đột ! Mà suy cho cùng thì họ dấu dốt trước đồng nghiệp, không muốn nhận mình sai dù sai nhầm trong tác nghiệp là chuyện thường xảy ra, có sai thì có sửa !
TN: Nhưng thường thì người ta lấy chân lý làm chuẩn mực cho mọi sự tranh luận ?
MN: Đúng, nhưng khi cái tôi tiêu cực mạnh hơn chân lý thì chẳng còn chuẩn mực gì để nói. Thế nên ông bà mình có nói “Cả vú lấp miệng em”.
TN: Như vậy là có tổn thương, có bất đồng, bất hòa từ cả hai phía.
MN: “Kiếm sắc làm tổn hại thân thể, ngôn từ cùn làm tổn thương tâm hồn”; nhất là ngôn từ khoe khoang khoác lác khi không được chấp thuận sẽ chuyển sang thứ ngôn ngữ mạt sát, thóa mạ, lý cùn .
TN: Thật đúng như câu nói “Quần áo đẹp có thể giúp cải trang, nhưng ngôn từ ngốc ngếch sẽ để lộ một kẻ ngu xuẩn”.
MN: Từ khoác lác sang ngu xuẩn không xa mấy.
TN: Có bao giờ chúng ta thử tìm nguyên nhân ?
MN: Nguyên nhân của hiện tượng này theo tôi chỉ cần gói gọn trong mấy câu: “Ếch ngồi đáy giếng”, “Thùng rỗng kêu to”.
TN: “Thùng rỗng kêu to” – xin chế tác thêm là: “Thùng to kêu rỗng”.
MN: Rất vui và thú vị, một phát hiện mới !!!
TN: Ngôn ngữ là y phục của tư duy, ngôn ngữ “Thùng rỗng kêu to” hay “Thùng to kêu rỗng” là y phục của tư duy“Ếch ngồi đáy giếng”!!!
MN: Ha ha, chuẩn không cần chỉnh ! Có một phương ngôn giản dị và hay bậc nhất: “Là kim cương nó không bao giờ phải khoe mình là kim cương cả”. Sắt thép thì khoe là vàng bạc, từ vàng bạc mới phô mình là kim cương. Nhưng là kim cương người ta chẳng phải khoe mình là gì cả.
TN: Càng thiếu tự tin về mình người ta càng hay khoác lác để che dấu. Nhưng kẻ có học thì lại khéo dùng trí tuệ và sự xảo ngôn để nói khoác. Cũng có thể kẻ ấy mang trong mình lối hành xử công thần, quan liêu hoặc ý lại … Cứ nghĩ mình nói thế là đúng, không ai dám cãi lại vì tâm lý người Việt hay cả nể, lâu dần thành thói quen trong ứng xử, tư duy.
MN: Chắc chắn là vậy, tôi có biết một cô là vợ xếp ở cơ quan có kiểu hành xử như vậy, tất nhiên không ai dại gì va chạm, đôi co với cô ấy để chuốc lấy chuyện yêu ghét và đủ thứ chuyện chả đâu vào đâu, thêm mệt người ! Thật buồn là thái độ ấy lại thuộc về số đông, thế mà nhiều khi họ vẫn tự cho rằng tinh thần phê và tự phê tốt! Nhưng tôi thì không như vậy nên có khi tôi cũng “mệt” một cách vớ vẩn !
TN: Nhưng chắc chắn được ủng hộ ?
MN: Vâng, điều ấy hiển nhiên. Chân lý không thuộc về số đông. Nhà thơ Nguyễn Trãi có câu thơ khá hay “Hoa thì mau héo, cỏ thường xanh tươi”.
TN: Có câu danh ngôn mà mình rất tâm đắc: “Cây đa cây đề thì đứng một mình, còn cỏ dại thì mọc thành đám”.
MN: Quá hay.
TN: Cảm ơn bạn. Hôm nay chúng ta đã tán phét hơi nhiều, giờ hãy tìm một chỗ để bù khú… và tiếp tục tán dóc ! 
MN: Mình bận, hẹn dịp khác vậy.
TN: Vậy thì chia tay, chúc MN vui khỏe và tiếp tục đam mê với nghề nghiệp của mình như đã gởi gắm trong bút hiệu.
MN: … (cười)
TN: Và chúc MN tiếp tục là “người gỗ” để mọi người luyện và nâng cao công lực chuyện môn.
MN: … hi hi, quá lời rồi …
TN: Chúc MN có nhiều điều “hưu” – tức là tốt đẹp như tra tìm của thư pháp gia Lý Đăng Khoa !
MN: … Ai cũng muốn như vậy.
TN: Mong rằng MN tiếp tục là “người luôn trau mình” như lời dạy của thầy giáo Nguyễn Văn Lơ !
MN: Bây giờ thì mình đổi kế hoạch ! Có lẽ chúng ta nên tìm một chỗ để bù khú… và tán dóc ! Hình như lúc này mới bắt đầu !!!
TN: Quả đúng như vậy ! Ha ha …
          
          Đọc bài viết liên quan: TẢN MẠN "ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG"

1 nhận xét:

Hai Lua nói...

Mộc Nhân chửi xéo nghe sướng ghê !
Chửi nhưng nghe đã tai chứ không chối tai !!!