29/6/15

635. HỌ LÊ ĐẠI LỘC HÀNH HƯƠNG VỀ ĐẤT TỔ - 2015

             Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
             Cuối tháng 6- 2015, được sự tài trợ của bác Lê Phước Thiệt – làng Hoán Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa – đoàn đại biểu bà con dòng họ Lê trên đất Đại Lộc, Quảng Nam đã có chuyến hành hương về quê cha đất tổ. Chuyến đi do Hội đồng tộc Lê huyện Đại Lộc kết hợp với công ty Chào Việt Nam Tourist  tổ chức thực hiện.
             Sáng 26/ 06/ 2015, xe đón bà con các nơi tập trung về nhà thờ tộc Lê Phước tại Thị trấn Ái Nghĩa, dâng hương ông bà tại đây và làm lễ khởi hành.

Dâng hương và làm lễ khởi hành


            Trên đường đi đoàn ghé đền thờ tộc Lê Quảng Nam-Đà Nẵng ở phường Mân Thái - tp Đà Nẵng thắp hương và dâng cúng lễ vật rồi tiếp tục khởi hành đi Thanh Hóa.
            Điểm nhấn của chương trình là vùng đất Thanh Hóa – là cội nguồn dòng họ Lê Việt Nam - với các khu di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa thời Hậu Lê như Lam Kinh, các khu lăng mộ nhà Lê và Thái Miếu là nơi thờ cúng hoàng tộc nhà Lê.
            Bài viết tóm tắt lịch trình chuyến đi và chia sẻ thông tin về các điểm đến trong chuyến hành trình để bà con hiểu thêm về mảnh đất cội nguồn dòng tộc của chúng ta.
***
            1. GIỚI THIỆU VỀ THANH HÓA
             Thanh Hóa là một tỉnh rộng lớn, cách Hà Nội 160km. Phía Tây giáp nước Lào, phía Bắc giáp Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, phía Nam giáp Nghệ An, phía Đông là Vịnh Bắc Bộ. Thanh Hóa có diện tích tự nhiên : 11.142.83km2, dân số : 3.514.508 người.
            Với địa hình độc đáo, biển cả rộng lớn, núi non hùng vĩ, từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, Thanh Hóa đã là địa bàn sinh sống của con người – Nổi tiếng với văn hóa Đông Sơn, Thanh Hóa cũng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của “Tam Vương Nhị Chúa”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam.
            Thanh Hóa là vùng đất hội tụ được cả hồn sông khí núi nên đời nào cũng có các bậc anh hùng hào kiệt. Hai vị đế vương họ Lê: Lê Hoàn và Lê Lợi đều sinh ra trên mảnh đất thiêng này. Vì thế Thanh Hóa trở thành cội nguồn họ Lê đất Việt. Đặc biệt cho đến nay, Thanh Hóa là nơi duy nhất còn lưu giữ lăng mộ của hầu hết các đời vua của triều đại Hậu Lê, từ Lê Sơ đến Lê Trung Hưng. Toàn bộ số lăng mộ này đều nằm trên đất của huyện Thọ Xuân, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
            Là mảnh đất cội nguồn của họ Lê đất Việt, bà con họ Lê ở Thanh Hóa luôn nhớ khôn nguôi các bậc tiền nhân họ Lê theo chân tiên tổ đi đánh đuổi giặc ngoại xâm mở mang bờ cõi rồi sau đó tụ lại xây dựng quê hương mới. Hậu duệ của các bậc tiền nhân họ Lê có nguyện vọng được hành hương về xứ Thanh, tìm về cội nguồn, tri ân tiên tổ.
***
            2. THĂM KHU DI TÍCH LAM KINH - CỘI NGUỒN VƯƠNG TRIỀU HẬU LÊ
            Sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh (1418 - 1427) và giành lại nền độc lập cho đất nước, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã chính thức lên ngôi vua ở Đông Đô (tức Thăng Long), lập nên triều đại mới của lịch sử phong kiến Việt Nam là triều Hậu Lê. Để tưởng nhớ quê hương tiên tổ, cũng là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Thái tổ cao hoàng đế Lê Lợi đã cho xây dựng Sơn Lăng ở vùng đất thiêng Lam Sơn, mà sau này là Lam Kinh.

Bà con nghe HDV thuyết minh về Lam Kinh

Chụp hình lưu niệm trước Nghi Môn - điện Lam Kinh

Bà con nghe HDV thuyết minh về Lam Kinh


            Khu di tích lịch sử Lam Kinh hiện thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc. Lam Kinh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1962.
            Các sách sử không ghi chép nhiều về quá trình hình thành, xây dựng Lam Kinh như thế nào; ngay cả tên gọi Lam Kinh mà hiện nay vẫn sử dụng cho khu di tích lịch sử này cũng không chính xác bắt đầu từ khi nào. Theo Việt sử thông giám cương mục thì có thể thấy Lam Kinh là một vùng rộng lớn, có cả rừng núi, sông ngòi, làng bản chứ không chỉ có yếu tố thành quách cung điện.Và Lam Kinh không mang yếu tố đô thị, mà chỉ để bày tỏ sự tôn kính, và tôn vinh quê hương của vua.
            Ở Lam Kinh không có đàn tế giao (tế trời) như ở Đông Đô (Thăng Long) hay thành Tây Đô (thành nhà Hồ - Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cũng như ở kinh đô Huế của triều Nguyễn về sau; nên Lam Kinh không phải là kinh đô, kinh sư của Đại Việt.
            Khu di tích lịch sử Lam Kinh bao gồm lăng mộ, đền miếu và hệ thống thành điện, hành cung của các vua nhà Hậu Lê khi về quê hương bái yết tổ tiên.
            Lam Kinh được xây dựng chịu ảnh hưởng của thuyết phong thủy, với dòng sông Chu trước mặt, chảy uốn cong từ tây sang đông là yếu tố minh đường; hướng tây – nam có núi Mục Sơn bên hữu ngạn sông Chu là yếu tố hữu tiền án, hướng đông – nam có núi Chủ bên tả ngạn sông Chu là yếu tố tả tiền án. Phía đông có có rừng Phú Lâm và núi Ngọc làm yếu tố tả thanh long, phía tây có núi Hướng và núi Hàm Rồng làm yếu tố hữu bạch hổ. Phía sau (hướng bắc) là ngọn núi Dầu làm yếu tố hậu chẩm che chắn. Rừng núi sông suối ở nơi đây thực sự là cảnh quan tuyệt đẹp, kỳ thú, xứng đáng với mảnh đất địa linh nhân kiệt.
            Khu thành điện Lam Kinh hình chữ nhật, có sông Ngọc bao quanh khu miếu điện. Trên trục chính có Bạch Kiều bắc qua sông Ngọc để đi vào trung tâm khu miếu điện.
Giếng Ngọc

            Qua Bạch Kiều tới một giếng cổ có tên là giếng Ngọc.
            Nghi Môn là cổng vào sân Rồng, có 3 cửa; trong đó cửa giữa rộng 3,5m, 2 cửa hai bên rộng 2,7m. Trước Nghi môn có 2 con nghê đá đứng canh. Qua Nghi môn là sân Rồng (sân chầu) có chiều rộng trải hết bề ngang chính điện. Rồng ở hai bên lối giữa được tạc tròn, thân uốn khúc, trên thân khắc hoa văn hình ngọn lửa trên sóng xoắn, trên đầu thể hiện một bờm, mép rồng trang trí hình râu xoắn, dưới cằm có râu dài xoắn hình vặn thừng, tay rồng giống bàn tay người nắm gọn râu phần dưới đặt trên một viên ngọc; được gọi là long hí châu. Rồng phía biên được tạc cách điệu hình mây.


Cây đa cổ thụ 600 năm bên sân chầu Lam Kinh

            Phía sau điện Lam Kinh là Cửu Miếu (9 tòa miếu) có bố cục hình cánh cung ôm ra phía trước. Đây là nơi thờ các vua và hoàng hậu, cùng một số người trong gia tộc.
            Các lăng mộ vua và  hoàng thái hậu được xây tập trung nhiều về phía đông bắc trung tâm thành điện Lam Kinh.. Riêng lăng mộ vua Lê Thái Tổ nằm trên trục chính, phía sau thành nội…
Hai trong số 9 tòa Cửu Miếu

            Rất tiếc hầu như toàn bộ kiến trúc thành điện Lam Kinh đã bị phá hủy, số ít ỏi còn lại cũng không còn nguyên vẹn. 600 năm với bao sự tàn phá khắc nghiệt của thiên tai, của khói lửa chiến tranh đã làm cho một quần thể công trình từng đẹp huy hoàng trở thành phế tích. Tường thành đã bằng phẳng, nghi môn bị phá hủy, nhà tả vu, hữu vu cũng vậy; các điện chỉ còn những chân tảng trên mặt đất, cửu miếu cũng chỉ còn dấu vết của nền móng… Một số kiến trúc đã và đang được phục dựng lại như cầu sông Ngọc, nghi môn, cửu miếu… Một trong những dấu tích còn lại là thềm rồng, cũng bị hư hại nặng nề.
            Dẫu bị hủy hoại, khu thành điện Lam Kinh vẫn cho thấy những giá trị nghệ thuật kiến trúc qua những dấu tích hiện hữu, qua những vật liệu tìm thấy nhờ khai quật khảo cổ. Và vẫn còn đó những lăng mộ và bia ký của các vua và hoàng thái hậu thời Lê sơ. Ở Lam Kinh hiện còn 5 lăng mộ vua và 1 lăng mộ hoàng thái hậu nhà Lê sơ. Đó là: Vĩnh Lăng (lăng mộ vua Lê Thái Tổ), Hựu lăng (lăng mộ vua Lê Thái Tông), Chiêu lăng (lăng vua Lê Thánh Tông), Khôn Nguyên Chí Đức (lăng Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông),  Dụ Lăng (lăng vua Lê Hiến Tông), Kính lăng (lăng vua Lê Túc Tông).
            Có giá trị lớn và là một trong những di vật còn vẹn nguyên nhất ở Lam Kinh là bia Vĩnh Lăng. Bia Vĩnh Lăng được dựng ở phía tây nam điện Lam Kinh, bằng đá trầm tích nguyên khối, cao 2,97m, đặt trên lưng một con rùa lớn cũng tạc bằng đá trầm tích nguyên khối có chiều dài 3,46m cao 0,94m kể cả đế. Bia Vĩnh lăng có trang trí nghệ thuật tinh xảo, chữ khắc rất sắc nét; thể hiện trình độ cao trong điêu khắc và kỹ thuật xây dựng (bia gần như vẫn nguyên vẹn qua 6 thế kỷ). Dưới trán bia khắc 5 chữ triện lớn “Lam Sơn Vĩnh Lăng bia”.
            Văn bia Vĩnh Lăng ngắn gọn súc tích, tóm tắt sự nghiệp và ca ngợi công đức của vua Lê Thái Tổ; do khai quốc công thần nhà Lê, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi soạn. Nhà bia hiện nay được xây dựng lại năm 1961, theo lối kiến trúc thời Lê, có mặt bằng hình vuông, cạnh dài 8,8m; 4 mái cong lợp ngói mũi hài.
            Lam Kinh, nơi an nghỉ ngàn thu của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, cũng là nơi an nghỉ của nhiều vị vua, hoàng thái hậu nhà Hậu Lê.
            Lam Kinh, đó là cội nguồn vương triều Hậu Lê, triều đại phong kiến dài nhất trong lịch sử Việt Nam (1428-1789). Đó là nơi thể hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hướng về cội nguồn, là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Lam Kinh cũng là nơi thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí quật cường của dân tộc, thể hiện hào khí chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, dành lại độc lập cho đất nước.
***
            3. THĂM THÁI MIẾU NHÀ HẬU LÊ
                Đền thờ nhà Lê còn gọi là Thái miếu nhà Hậu Lê ở làng Kiều Đại, nay là Quảng Xá, phường Đông Vệ (thành phố Thanh Hóa). Thái miếu được xây dựng năm 1428 tại Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hoá. Sau khi bị hoả hoạn, Thái miếu được chuyển về Thăng Long. Năm 1802, vua Gia Long cho dời tiếp về đây.
            Thái miếu nhà Hậu Lê là nơi đang lưu thờ tất cả bài vị của 27 vua (21 vua tại vị và 6 vua được truy phong) của nhà Hậu Lê (1418 – 1789) cùng các bà Hoàng thái hậu. Nơi đây còn thờ hai bậc công thần khai quốc là Nguyễn Trãi và Lê Lai.  Đặc biệt, còn có 6 bức tượng của Thần Tông Hoàng đế cùng năm bà phi quốc tịch khác nhau: Hà Lan, Mường, hai người vợ Chăm và một bà quê Kinh Bắc.
            Dưới thời phong kiến, tôn miếu gắn chặt với xã tắc là hai hình ảnh cao cả nhất. Những việc trọng đại của quốc gia thường được cáo ở Thái Miếu. Từ đó, nó trở thành trung tâm tôn thờ của nhà Lê từ Lê Sơ đến Lê Trung Hưng cùng với các lăng mộ ở Lam Kinh thuộc xã Xuân Lâm, nơi phát tích của các vua thời Lê Sơ.
            Trải qua thời gian và qua hai cuộc chiến tranh, Thái miếu đã xuống cấp nghiêm trọng.
            Trước khi có dự án tôn tạo, Thái Miếu chủ yếu dựa vào những tấm lòng nhân đức của những phật tử xa gần. Trong đó nổi lên tấm gương sáng là bà Lê Thị Thái. Năm nay bà Thái đã gần 90 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn. Từ thời trẻ bà đã bỏ công việc làm ăn, dựng vợ, gả chồng cho con cái đàng hoàng và vào đây ở từ đó đến bây để chăm lo việc thờ tự nơi này. Bà đi đây đó nhiều nơi, nhiều cửa vận động xin công đức về trùng tu Thái Miếu.
            Hiện nay Thái Miếu đã được Nhà nước đã quan tâm đầu tư tôn tạo và được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia hạng đặc biệt.
***
            Điều thú vị trong chuyến đi là đến đâu cũng có các vị đại diện trong Ban liên lạc dòng họ Lê Việt Nam tại các tỉnh thành đón tiếp ân cần thắm thiết.
            Đêm du thuyền trên sông Mã được thưởng thức ẩm thực xứ Thanh và nghe những làm điệu dân ca, được giao lưu hò khoan đối đáp với các cô gái Thanh Hóa cũng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng bà con.
           Cảm tác trong chuyến đi, anh Lê Nho Tâm, trưởng Công an huyện Đại Lộc, Quảng Nam đã viết mấy  vần thơ:
                                                VỀ NGUỒN
                                    Về vơi đât tổ hôm nay,
                                    Xứ Thanh nơi ấy đắm say ân tình.
                                    Đây là miền đất tâm linh,
                                    Chúng con kính cẩn nghiêng mình viếng hương!
                                    Tộc Lê muôn vạn tình thương,
                                    Con cháu nội ngoại chung đường đi lên!
                                    Dựng xây dòng họ vững bền,
                                    Phát triển họ tộc trên nền sử ghi.
                                    Họ Lê qua các thời kỳ,
                                    Hiến dâng xương máu đều vì quê hương!
                                    Vua Lê xưa rất kiên cường!
                                    Đánh tan xâm lược mở đường tự do.
                                    Mang lại cuộc sống ấm no.
                                    Để lại dấu ấn bao pho sử vàng.
                                    Hôm nay ta mở từng trang,
                                    Xem lại truyền thống vẻ vang của mình!
                                    Nay về với chốn Lam Kinh,
                                    Bốn trăm năm chẵn kinh thành nhà Lê.
                                    Càng xem lại càng mải mê,
                                    Tự hào biết mấy tộc Lê của mình.
                                    Mai rời khỏi chốn địa linh.
                                    Mãi mãi vương vấn nghĩa tình nơi đây!

***
Hình ảnh bà con họ Lê Đại Lộc trong chuyến hành hương về đất tổ Thanh Hóa 2015















Du thuyền trên sông Mã

Bàn thờ Vua Lê tại Thái Miếu

Trong chùa Đại Bi, nơi thờ Hoàng tộc nhà Hậu Lê


Bàn thờ Vua Lê trong chùa Đại Bi

Trước lăng bà Ngọc Lữ - thứ phi của vua Lê Thái Tổ

Con cháu nhà Lê tranh thủ sờ đầu cụ rùa đá đội bia Vĩnh Lăng để cầu may mắn

Con cháu nhà Lê tranh thủ sờ đầu cụ rùa đá đội bia Vĩnh Lăng để cầu may mắn



















Đi thuyền trên sông Mã
















Mộ vua Lê Thái Tổ trong khu Lam Kinh






1 nhận xét:

lethe nói...

Mình có mong muốn 1 lần được về nơi nầy nhưng chưa có dịp thôi-Chúc mừng bà con mình đã có cơ duyên được đi nhé!