18/12/20

1.931. TA THẤY EM TRONG TIỀN KIẾP

 Mộc Nhân Lê Đức Thịnh 

Nhân đọc tập Gieo vần cho cây - thơ và sinh vật cảnh của Lê Thạnh – Dị nhân Bonsai ngược (Nxb Đà Nẵng, 2020). 

Năm 2020, Lê Thạnh được Tổ chức "Kỷ lục gia VN" ghi nhận và cấp bằng chứng nhận "Người tạo tác các tác phẩm Bonsai ngược nhiều nhất VN".



*****

Hoàn toàn ngẫu nhiên, tôi được Dị Nhân Bonsai Ngược - Lê Thạnh ngẫu hứng cho đọc tập bản thảo “Gieo vần cho cây” - định danh thể loại là Thơ - để minh họa cho các tác phẩm sinh vật cảnh mà anh đã dày công sưu tập và tạo tác trong khu vườn của mình.

Như vậy cảm hứng chính trong tập sách này là gì: tác phẩm thơ hay tác phẩm sinh vật cảnh? Theo tôi thì cả hai. Nhưng với một người có tâm hồn yêu “cọng buồn cỏ khô” khi “rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ” thì mỗi tác phẩm sinh vật cảnh nói chung đối với Dị Nhân là một niềm yêu để người thơ ngắm nghía, để nhận ra “Ta thấy em trong tiền kiếp” và rồi bàn tay nghệ nhân - Dị Nhân – gởi gắm, thăng hoa trong tạo tác.



Trong “Gieo vần cho cây”, thơ là cái để tác giả minh họa. Vậy nên Dị Nhân không quá cầu kì, dụng công với con chữ mặc dầu anh có thể làm được hơn thế. Mỗi bài thơ của tác giả là một câu chuyện, gói gởi trong đó là cái tình, cái tâm qua từng hình hài, dáng cây, dáng vật, anh truy xuất đến tận nguồn cơn, cội rễ mà người thơ khởi sinh trong mỗi tác phẩm.

Cái tên Dị Nhân Bonsai Ngược từ lâu mặc nhiên đã trở thành một cụm danh từ riêng - hiển ngôn - có từ khi tác giả dấn thân vào cuộc chơi cây đầy đau khổ: “Tôi vẫn biết yêu cây là đau khổ/ Khi con thơ réo gọi bố xin tiền…” và bất chấp: “Có đôi lần trong cơn say đắm đuối/ Suốt đêm ngày tôi quanh quẩn bên cây…” (Yêu… đến chết).

Trong những trạng thái mê đắm ấy, tác giả khởi ý những sự bất thường như “Treo cây ngược” - tức là trồng cây cảnh trong chậu rồi úp ngược lại để cây phát triển trong một tư thế dị kì như anh tự bạch: “Làm cây theo lối ngược, ngang/ Hát hò, thơ thẫn, miên man tình đời...” (Tự sự). Ban đầu là thử nghiệm ý tưởng, về sau thấy thành công thì anh tích lũy kinh nghiệm để phát triển thú chơi có một không hai này. Dần dần cái tên Dị Nhân Bonsai Ngược được định danh trong giới chơi cây khắp nơi, trên mặt báo, tạp chí… và nó mặc định với tên riêng: Lê Thạnh. Điểm nhấn trong khu vườn của anh cũng chính là các tư thế cây ngược: hoa ngược, bonsai cũng ngược… ngược như một nhu cầu của tâm hồn khám phá, tìm kiếm, dâng hiến: “Hết tháng ba, tới tháng mười/ Loay hoay tìm thứ tặng người ta yêu/ Tình già chỉ có bấy nhiêu/ Hoa hồng ngược thế có chìu được em?” (Hồng ngược tháng mười).

Thật thú vị biết bao khi giữa cuộc sống xô bồ, tất bật, con người dành thời gian để mình hòa với thiên nhiên, cây kiểng để tạo ra những thực thể sinh động và hấp dẫn.

Chúng ta hãy lướt qua khu vườn “Gieo vần cho cây” của Dị Nhân. Bên cạnh những kỳ hoa dị thảo chúng ta nhận ra những loài cây hoa rất bình dị. Có khi đó chỉ là một cây hoa dại bên đường: “Cảm thương một kiếp đơn côi/ Mang hoa về phố, vun bồi nước phân/ Hôm nay hoa nở muôn phần/ Hình như là để tri ân cuộc đời” (Hoa Dại). Hoặc cành Trinh nữ với những chiếc là nhỏ e ấp mà dân gian quen gọi với cái tên bình dân là cây ngủ ngày - cũng khiến anh ngẩn ngơ: “Từ chốn nao và tự bao giờ/ Loài hoa biết xếp lá ngây thơ/ Khiến lãng tử dừng chân đắm đuối/ Mà lòng thương, tiếc, nhớ, ngẩn ngơ” (Hoa Trinh Nữ). Hay như cây đa cỗi, cây Bằng Lăng là loài cây khá phổ biến, thậm chí lăn lóc bên đường nhưng với bàn tay chăm sóc của nghệ nhân “Gọt thân, bấm rễ, uốn cành lả lơi”, nó đã tái sinh trong hình hài tươi mới: “Qua giông bão, đến sáng trời/ Hôm nay, hai chiếc nụ chồi rất xinh” (Bằng Lăng). Hoặc khóm Bùm sụm cũng khiến anh mê mẩn: “Không thấy cành cũng chẳng thấy chi/ Um tùm hoa trái, lá rậm ri/ Ừ hè! Đâu phải chỉ màu sắc/ Mới làm lãng tử thích mê ly” (Bùm sụm)…

Khi nhìn khu vườn của Lê Thạnh, bất chợt tôi tự hỏi mình: Thế nào là một cây cảnh quý? Băn khoăn, rồi tôi cũng tìm ra câu trả lời cho mình: nó không chỉ đơn thuần là giống cây quý hiếm mà có khi chỉ là những loài cây bình thường nhưng dưới cái tâm và tài của người chơi, nó thành những thực thể hiếm thấy, có giá trị cao - đôi khi kỳ vĩ tạo tác trong các dáng thế: kiên gan như hoành thế (nằm ngang), bất khuất, dũng mãnh như huyền thế (đổ xuống như thác), hiên ngang như bạt thế (nghiêng qua một bên)… Nhưng cũng có khi nó giản dị, trầm mặc, hài hòa như thơ của anh; như nỗi niềm người chơi “Mãi mê với những sắc hoa/ Vô tình để chậu sơn trà bơ vơ/ Cành vươn, cành đổ lẳng lơ/ Hỏi trời xanh biết bao giờ đổ mưa?” (Sơn Trà, Linh Sam Và Nắng).

Không những dáng cây mà các tạo vật khác như hòn đá, phiến gỗ lũa, chiếc cối… trong tay anh cũng mang theo tâm hồn, lưu giữ kí ức nào đó: “Lung linh tinh thể thạch anh/ Điệp trùng như một bức tranh. Điệp trùng” (Điệp trùng).

Sinh quyển trong khu vườn cây của Dị Nhân có tất cả những điều đó.

***

Tôi sẽ không lạm bàn về chuyên môn của giới chơi sinh vật cảnh vì là kẻ ngoại đạo với thú chơi này - ngoại trừ việc ngắm nghía và thưởng lãm tự phát. Tuy nhiên do tiếp xúc nhiều với Dị Nhân, được nghe anh giới thiệu về cây cảnh… nên cũng học lóm được đôi điều để hiểu thêm về sinh quyển “Gieo vần cho cây”.

Có nhiều trường phái, nhiều thể cách, tiêu chuẩn để thể hiện tính độc đáo, riêng biệt của mỗi thực thể sinh vật cảnh. Về hình thức thì cây kiểng đẹp có bốn yếu tố: Nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp (hình dáng, thế cây, cành, lá). Về ý nghĩa nó phải gói gắm bên trong các nội dung như: lực (sức sống), nhẫn (kiên trì), đức (giá trị nhân bản)… Về tính tạo hình liên tưởng có: Long, lân, quy, phụng, hoặc chim, cá… Về hồn cốt cây anh đã nhân hóa tài tình để chúng trở thành bạn, thành tình nhân như trong tiền kiếp: “Xin cho đôi sợi sương mai/ Em tôi thức dậy mặt mày xinh tươi/ Cho thêm vài chút ánh trời/ Em còn hứng nắng lả lơi, trần truồng” (Xin).

Về giá trị, nhiều cây của anh đã đạt được chuẩn “Cổ - kì – mỹ - văn” (cổ: mang dấu ấn thời gian; : dáng lạ thể hiện nội lực; mỹ: có vẻ đẹp cuốn hút và văn: có gói gởi ý nghĩa, giá trị, thông điệp tư tưởng nào đó được tác giả ký thác).

Anh viết về cội Kiều hùng mà như nói về một hiền nhân quân tử với tư thế đầy khí phách nhưng phong thái thật ung dung: “Trước cửa đong đưa cội kiều hùng/ Nửa trắng, nửa hồng sáng linh lung/… Mỗi khi hoa nở bừng khí phách/ Những lúc lá vàng hiện ung dung…” (Kiều Hùng Văn Nhân). Hay anh đề tặng một cây bonsai dáng văn nhân: “Lêu nghêu, mảnh khảnh với trời mây/ Văn nhân, quân tử dáng cao gầy/ Quyền quý cao sang thường xa lánh/ Mộc mạc chân tình  lại đắm say” (Văn nhân).

Mỗi dáng thế của mỗi sinh vật hàm chứa những hoài bão, nỗi niềm của chủ nhân. Tất cả được Lê Thạnh thể hiện tinh tế, khác biệt để chủ và khách có một lúc nào đó ngồi bên ấm trà mà cùng nhau đàm đạo, bàn luận nhân tâm, thế sự, hoặc thả hồn tận hưởng với tác phẩm của mình để tạm ngưng nhịp sống đương đại trong âm vọng của hồn cây.

***

Trong dòng tự sự của “Gieo vần cho cây”chúng ta còn được nghe những câu chuyện của Lê Thạnh kết nối từ quá khứ đến hiện tại. Nó gắn với thanh âm quê nhà nơi có bà Mẹ quê và lời ru xa xưa: “Ta nghe một thoáng yên bình/ Từ trong sắc tím hoa linh cuối mùa/ Ta nghe trong ngọn gió lùa/ Lời ru yên ả ngày xưa, mẹ hiền” (Hoa nở cuối mùa). Đó không chỉ là những câu chuyện quê mơ hồ mà là một ký ức cụ thể khi “Nhìn găng mơn mỡn, lung linh đỡ buồn” mà nhớ về cây Găng vàng quê nhà: “Góc vườn có một cội găng/ Mỗi khi hè đến, hoa vàng đong đưa/ Bồi hồi nhớ chuyện ngày xưa/ Êm đềm bên mẹ như vừa hôm qua/ Bây giờ mẹ đã đi xa/ Găng vàng vẫn cứ điệu đà, lung linh” (Găng vàng).

Dường như trong tâm thức Dị Nhân, hình quê dáng mẹ có sức ám ảnh sâu nặng nên mỗi dáng cây trong tình huống cụ thể đều có sức gợi về quê xứ: “Lộc vừng già khụ bần thần/ Nhờ cây chống đỡ trời gần đất xa../ Vẳng nghe tin bão qua loa/ Thương về quê mẹ miền xa, mịt mùng” (Tin bão đầu đông).

          Câu chuyện của Dị Nhân không phải chỉ có Mẹ và quê nhà mà lẩn khuất đâu đây bóng hình giai nhân viễn tượng. Anh hóa thân thành tình nhân của cây để gởi gắm, để giận hờn, yêu ghét, chờ đợi một cách… đáng yêu: “Giữa phố phường xôn xao và tấp nập/ Ta gặp em chỉ lặng lẽ, yên lành/ Giữa cuộc đời rực rỡ sắc vàng xanh/ Ta yêu em chỉ một màu trinh trắng” (Tìm em). Anh lo âu với tiết thời khắc nghiệt để cây đau ốm trở mình. Anh tức giận với bọn đạo chích khi chúng rình rập cuỗm mất cây của anh. Anh lưu luyến khi đành lòng chuyển chủ cho cây: “Rứa là hết, mối tình đành tan vỡ/ Ta thẫn thờ lắng đọng nỗi cô đơn/ Ta ngâm nga trong cay đắng, giận, hờn/ Tình chỉ đẹp chỉ khi còn dang dở" (Tan vỡ). Anh đau đớn khi cây chết: “Duyên ta cánh mỏng chuồn chuồn/ Thì thôi em nhé, đừng buồn làm chi/ Vốn đời sinh tử, hợp ly/ Cũng đành để khối tình si nhạt nhòa” (Chia ly)

          Dường như trong tâm thức Dị Nhân, tạo tác và yêu sinh vật cảnh là một lẽ tự nhiên, trong máu huyết, là thú chơi, là trả món nợ tiền kiếp nào đó cho cây, đá, lá, hoa… Anh nhìn thấy cái đẹp của cây khi nó lăn lóc bên hè phố, khi là cây dại nằm nơi khe suối, triền đồi và thậm chí “Lung linh huyền ảo… em vẫn đẹp cả khi lìa cành” (Lộc Vừng).

Thú chơi ấy đã hình thành trong Dị Nhân tính cách kiên trì, điềm đạm, cốt cách thanh nhã, phong cách sống thảnh thơi, lòng yêu thiên nhiên, yêu con người và độ lượng với mọi thứ trong sự hài hòa của Tam tài: Thiên (Trời phú cho năng khiếu) - Địa (thuận lợi về gia đình và nơi công tác) – Nhân (có tâm, có tài, được giới chơi quan tâm). Những biện giải ấy cũng là cách nhìn của tôi về cây và người trong mối quan hệ thân thiết và thấu hiểu. Tuy nhiên, với Lê Thạnh, trên hết vẫn là thỏa mãn niềm đam mê, mang lại cho cuộc sống những giá trị tinh thần vô giá.

***

Ai đã từng dấn thân vào cuộc chơi nào đó đều thường nhâm nhi, thích thú với câu thơ của Nguyễn Du “Nghề chơi cũng lắm công phu” - từ cái nghề chơi trong câu thơ Nguyễn Du mà người đời mở rộng ra các thú chơi khác. Âu cũng không sai.

Đến đây, tôi chợt nhớ người xưa khái quát thú chơi tao nhã thành bốn môn: “Nhất chữ, nhị tranh, tam sành, tứ kiểng” (nhất là văn thơ, nhì là tranh họa, thứ ba chơi đồ gốm sứ cổ và thứ tư là chơi cây cảnh).

Ở Lê Thạnh có được hai thứ là Chữ (văn thơ) và Kiểng (sinh vật cảnh). Thật hiếm có, mặc dù Lê Thạnh tự bạch rằng thơ chỉ là để minh họa cho thú Kiểng. Tôi hiểu bạn và hiểu rằng bạn cũng hiểu mình. Tuy nhiên điều chắc chắn là hai thứ ấy có quan hệ với nhau. Chữ là màu sắc mới để làm thắm thêm màu của hoa, chữ làm hồn cây hiển lộ để chia sẻ cùng bạn bè, chữ để dòng tự sự mang đến cho chúng ta những trải nghiệm và kết nối với những phức cảm đôi khi chúng ta chưa tiệm cận. Bạn cũng như tôi, khám phá, thưởng lãm “Gieo vần cho cây” trong tâm thế ấy – không nên xem nó như một tập thơ đơn thuần.

Auguste Rodin, một nghệ sĩ người Pháp có nói: “Nghệ thuật là niềm lạc thú của một linh hồn bước vào tự nhiên và phát hiện rằng tự nhiên cũng có linh hồn” (Art is the pleasure of a spirit that enters nature and discovers that it too has a soul). Ngẫm rằng câu này đúng với Dị Nhân Bonsai Ngược Lê Thạnh khi những tác phẩm sinh vật cảnh của anh đã đi từ thực thể tự nhiên đến bản thể nghệ thuật có linh hồn.



Vậy nên, tôi lấy những ca từ trong bài hát “Rừng xưa đã khép” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để đặt nhan đề cho bài viết này cũng là sự thấu cảm thế giới tâm hồn và nghệ thuật từ tập “Gieo vần cho cây” của Dị Nhân Lê Thạnh.



Không có nhận xét nào: