31/1/14

440. TẢN MẠN ĐẦU XUÂN

          Mộc Nhân         
Năm nay trời rét hơn mọi khi. Rét đều khắp cả ba miền: người miền Bắc đã quen với cái rét tê tái tuyết băng độ âm nên mùa đông cũng là mùa du lịch đến SaPa, Tây Bắc; người miền Nam co ro trong ngỡ ngàng bất chợt vì ở cái vùng quanh năm chỉ có hai mùa mưa nắng thì rét chướng cũng là một trải nghiệm thú vị; người miền Trung đã quen chịu đựng gió nắng mưa bão nên rét trái thường cũng không làm họ quá xuýt xoa khổ sở.  


          Cuối tháng Chạp đất trời hãy còn ngắt lạnh. Mưa rơi lất phất lù phù làm tăng thêm cái yên bình và tĩnh lặng đêm xuân miền quê. Gió đông run run cần mẫn mài gọt trên những cành cây khô trong khoảnh khắc giao mùa thiêng liêng kỳ diệu đang đến gần.
          Dù khí trời vẫn còn se sắt hơi đông nhưng không còn cái tê buốt căm căm nữa. Vạn vật hân hoan nở nụ cười; xuân chạm ngõ nhẹ nhàng và êm đềm trong cái ấm áp giao thừa minh niên. Từng chồi búp hé nở khoe màu trong lá xanh mơn mởn khiến lòng người đột nhiên yêu thương thanh thản lạ kỳ. Xuân ẩn bên trong mình nó những khô cằn, gai góc, khẳng khiu quặn thắt và biến tất cả thành chồi non, lộc biếc, sắc hương sau ngày dài ấp ủ. Xuân ôm Tết trong lòng - Tết và Xuân có ở trong nhau, đẹp đẽ, sung mãn, biến hiện lạ kỳ khiến mấy ai cầm lòng chẳng đặng mà hứng khởi động xuân tình ngay cả khi nhận ra "Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" (Mãn Giác Thiền sư).       
         
           
          Nhớ lại những trang văn của Vũ Bằng viết về mùa xuân: "Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân". Mùa xuân là tặng phẩm của tạo hóa dành cho muôn loài và con người yêu mùa xuân cũng là điều "tự nhiên như thế" dẫu rằng  "cái tuổi đuổi xuân đi" nhưng con người vẫn luôn mong đợi và mê luyến tiếc mùa xuân để rồi lúc xuân đi tâm hồn ta cũng cảm thấy ngậm ngùi nuối tiếc, chạnh lòng.
          Ngày xưa, trong cảnh đói nghèo, người ta chỉ mong đến Tết để được ba ngày nghỉ ngơi, ăn uống no say; hết ba ngày Tết lại quần quật, giãi dầu, khốn khó cả năm mà chỉ mong "cầu sung vừa đủ xài". Cuộc sống hôm nay với nhiều người chưa phải là đã hết ngột ngạt mưu sinh nên nhiều con "thuyền viễn xứ" cũng mong đến những ngày xuân để quay về nguồn cội. Cái cảm giác phơi phới nao lòng lúc ngạt ngào hương xuân lan tỏa khắp đất trời trong phút Giao Thừa dù rằng "Tôi cười tôi khóc bâng quơ / Người nghe cười khóc có ngờ chi không?" (Bùi Giáng) thì chỉ có người trong cuộc mới trải nghiệm trong giây phút lâng lâng phiêu hốt.

Bạn chọn "mâm" ngũ quả nào ?
          Tuy nhiên vào cái lúc mà lòng người, tình người được trải ra, sâu lắng, mênh mông, chân thành, mong mỏi ... đôi khi hồn cốt người thơ sống lại ngẫu hứng của một thời phiêu lãng : "vào những lúc trời đất mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa một cái gì đó..." (Vũ Bằng) .
          Dầu sao, trong thời khắc như thế dẫu là người hờ hững, nông nổi đến mấy cũng sẽ thấy lòng mình xao xuyến đoàn viên, quây quần sum họp bên mâm cơm tất niên, bên bàn cúng đất đêm giao thừa, bên bàn thờ tổ tiên nghĩa tình nồng ấm... Nhang trầm, đèn nến, không khí gia đình, hương sắc muôn hoa đã làm cho lòng người nửa như lắng dịu như mặt hồ xuân lại vừa như mở hội liên hoan.
          Thật hạnh phúc cho bất cứ ai cảm nhận được hơi thở mùa xuân. Dù xuân năm nào cũng đến: "Đã qua đã tới đã về / Tết từ bao bận tết đề huề đi / Đi về đi ở đi đi / Đi là đi biệt từ khi chưa về / " (Bùi Giáng) - mùa xuân qua, tới, đi, về, cứ như đang lượn lờ, nhảy chân sáo trước mắt chúng ta.  Nhưng mỗi mùa xuân đều mang một dư vị riêng của đất trời và con người. Xuân vẫn mãi đi về giữa đất trời lớn rộng, trong khi lòng người quá nhiều bận rộn nên chưa kịp thấy hết nhịp điệu đến đi phiêu bồng của cõi "Nguyên Xuân".



          Phật dạy tất thảy mọi thứ trên thế gian này đều vô thường, đều nằm trong qui luật của "sinh, trụ, dị, diệt", con người thì "sinh, lão, bệnh, tử" ... cái tình luyến ái cũng hợp tan, đất trời thì "Xuân khứ bách hoa lạc / Xuân đáo bách hoa khai" (Mãn Giác Thiền sư)... Nên bến bờ chân phúc của con người là sự tỉnh mộng trong cuộc trăm năm : "Xin chào nhau giữa con đường / Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau" (Bùi Giáng).
          Đón xuân rồi tiễn xuân, xuân đến rồi xuân đi nhiệm mầu biến hiện ... Nhưng khúc nhạc tình đời, tình người do mùa xuân ban tặng luôn ngự trị trong tâm thức của mỗi người. Bởi mùa xuân là vị sứ giả cứ đến mùa lại nghêu ngao đi khắp nơi ban tặng cho mọi người một bản nhạc xuân tình - xuân đời đầy yêu thương, ấm áp, tràn đầy sinh khí trong cõi nhân gian.         


           Những con đường nhỏ của thị trấn trung du giờ đã lên phố mang bộ mặt mới khang trang hơn nhưng sau đêm giao thừa vẫn không giấu nỗi những nhọc nhằn mưu sinh tất bật còn vương lại những ngày cuối năm. Nhưng có lẽ chỉ sớm mai Nguyên Đán, tất cả sẽ khoác tấm áo rực rỡ ngày xuân ấm áp tinh khôi để cuộc tương ngộ hôm nay là hạnh phúc đốn ngộ tận cùng: "Thưa rằng: ly biệt mai sau / Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân" (Bùi Giáng).
                          (Mộc Nhân - khai bút đêm Giao thừa năm Giáp Ngọ)

1 nhận xét:

Hiendoantrang nói...

BÁC NGHỊCH QUÁ.NĂM MỚI, E CHÚC BÁC SẢN SINH NHIỀU HƠN NHỮNG ĐỨA CON TINH THẦN.