Đinh Công Tôn
(Nhân đọc tập thơ Những
vũ điệu và khúc ca của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh,
NXB Hội Nhà văn , 2015)
Cầm
trên tay Những vũ điệu và khúc ca của tác giả Mộc Nhân Lê Đức Thịnh, một
nhà giáo, một người làm thơ có tập in lần đầu, mang đến tặng, tôi đọc qua một mạch
cho hết tập, rồi đọc lại vài lần nữa, xin có đôi ý kiến lạm bàn thay lời cảm tạ
đến tác giả.
Cảm
nhận chung đầu tiên của tập thơ là sự thể nghiệm qua hai lối viết: một là, nhẹ
nhàng sâu lắng miên man theo truyền thống, theo cách tìm ngôn ngữ lấp đầy cảm
xúc, phù hợp vần điệu của thể thơ cũng là nhạc điệu của tâm hồn; hai là, vũ
điệu ( như một từ dùng trong nhan đề của
tác phẩm ) trên cánh đồng chữ nghĩa. Các con chữ, các nghĩa từ nguyên không
còn tuân thủ theo phép định danh nữa mà cuốn cuồn chạy theo cảm xúc của tác giả.
Và tôi cho đó là sự lang bạt trên cánh đồng chữ của một người làm thơ. Người đọc
dễ bị mút hơi bởi những ma lực không bến bờ cảm xúc này.
Dường
như mỗi tác phẩm chào đời đều mang gen đột biến không kịp hoài thai, không kịp
để cảm xúc định hình, không kịp ngừng nghỉ để phục sức tái tạo. Cho nên nhiều
hình ảnh thơ xuất hiện chứa đầy cả dương khí lẫn âm khí trong cuộc sinh tồn.
Đối
tượng trữ tình em thường là định hướng cho nhiều dẫn nhập vào kỷ niệm, vào nỗi
cô đơn dằn vặt, vào những ray rứt lỡ làng, vào tình yêu: "Tôi ôm em trong vòng tay hẹp lỡ làng của gã mộng du/ảo tưởng mặt trời
không bao giờ tắt (Những vũ điệu và khúc ca); có khi là thiên thần lẫn lộn
với ác quỷ: "ta cuộn em vào lồng ngực/ thơm
tho môi má tay lần tràng hạt run rẩy" (Cùng em cuộc này), "em hãy ăn chay nằm đất
khi linh hồn qua thời phế tích/ta vớt vát khúc kinh cầu/ lúc chơi vơi năng lượng
cuối cùng" (Cùng em cuộc này); có khi là những cuồng ngông hòa trong khờ
khạo: "Chiều buông trên sông/ trong cái
khoảng lặng giữa cơn mưa/ cái tôi bị gió tước đoạt/ muốn trần truồng như trẻ
thơ/ ngụp lặn trong dòng đục ngầu bùn đỏ/ thả rông những suy nghĩ của mình đến
cánh rừng (Khoảng lặng chiều trên sông); "Tay mỏi ôm tình chẳng chặt/ Gươm cùn
đâu chém được trần ai/ Phấn trắng rơi lũ vi trùng đục khoét/ Chí mòn sầu mênh
mang phiêu linh" (Về Thạnh Mỹ - bài 2) Vu Gia lở/ cả đôi bờ/ thương em/ gánh
trọn mong chờ/ hai vai (Tháng mười); có khi dùng siêu ngôn cố ấn chứng cho
thường ngôn, dùng cái trừu tượng xé bỏ những lớp bọc cụ thể: "tình yêu xoay tròn trong mắt bão/ thành mật
ngọt hoa hồng" (Hãy tưởng tượng). Lối viết này trong sáng tác của anh tuy chưa
nhiều nhưng cũng đã đạt được những thành công nhất định.
Chính
trong những thể nghiệm ấy tác giả khổ công như một phu chữ (mượn cách nói phu
nhạc của tác giả ); mày mò kiếm tìm cật lực trong mớ quặng chữ (theo cách nói của Mai-a-cốp-xki) để có được một lời gởi
bạn tri âm. Sự khổ luyện ấy thật đáng nể phục. Nhưng lại thành khó tính với
người đọc. Có bài, có đoạn, có từ ngữ không phải ai cũng hiểu ngay được. Anh
còn dám hòa nhập hai miền không gian có tính thiêng liêng của tôn giáo với trần
thế của đời thường để có được không gian tình yêu của mình: "Zorba và Phật hãy là một xin đừng chia tách/
để trần tục và thiên đường chung vách bên nhau/ để thể xác và linh hồn cùng
nhảy múa/ trong những vũ điệu hoan lạc chẳng nát nhàu" (Diễn ngôn Zorba Phật);
hòa nhập giữa cái miên viễn với cái thoáng chốc, giữa cái quy mô hoành tráng
với cái đơn sơ bé nhỏ để thể hiện một tín điều trong cảm hứng thi ca "phiêu du/ ướt/ cả trần gian/ trong veo ngọn
khói/ trễ tràng/ phù sinh (Tháng chín).
Đặc biệt, tác giả còn sử
dụng các hình thức tạo nghĩa lâm thời để làm thăng hoa những phát hiện có tính
sáng tạo những hình ảnh thơ vừa quen lại vừa lạ buộc người đọc không chỉ đồng
cảm mà còn phải biết suy tư nhiều hơn đối với mỗi bài thơ: "ngày phong phanh gió lùa mái cọ/ đĩa gừng cay lấm cả muộn phiền/ phách
đảo trong hoàng hôn khói sẫm/ nợ chuyến đò bến vắng an nhiên" (Ngẫu khúc ngày
nước nổi).
Những
kết quả nêu trên nhờ cái tâm, cái tài của người thầy dạy văn, người nghệ sĩ ham
thích sáng tạo trong quá trình chà xát, trăn trở với cuộc sống đã tích hợp
thành. Anh đã làm được cho thơ mình cái điều mà Pau-tốp-xki đã nói: "Thi ca có một đặc tính kì lạ. Nó trả lại cho
chữ cái tươi mát, trinh bạch ban đầu. Những chữ tả tơi nhất mà chúng ta đã nói
cạn đến cùng, mất sạch tính chất hình tượng,
đối với chúng còn lại chẳng khác gì một cái vỏ chữ. Những chứ ấy trong thi ca
lại sáng lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương".
Nói
chung tập thơ Những vũ điệu và khúc ca lần đầu đến với bạn đọc của một người
làm thơ không chuyên chắc sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Đối với tôi, tác giả
đang trên đường thử nghiệm những cách viết, nên bút lực chưa tạo ra được nét
riêng có tính ổn định. Tuy nhiên, những cảm hứng sáng tạo thật dồi dào, sung
mãn khi thể hiện những cảm xúc về tình yêu, cuộc sống; những trăn trở về được-mất,
tốt-xấu, có-không trong cuộc đời…của anh khiến tôi mến mộ. Hy vọng những sáng
tác tiếp theo của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh sẽ có nhiều thành công hơn nữa!
Đại Lộc, giữa mùa thu 2015
Đinh Công Tôn
3 nhận xét:
Những kết quả nêu trên nhờ cái tâm, cái tài của người thầy dạy văn, người nghệ sĩ ham thích sáng tạo trong quá trình chà xát, trăn trở với cuộc sống đã tích hợp thành. Anh đã làm được cho thơ mình cái điều mà Pau-tốp-xki đã nói: "Thi ca có một đặc tính kì lạ. Nó trả lại cho chữ cái tươi mát, trinh bạch ban đầu. Những chữ tả tơi nhất mà chúng ta đã nói cạn đến cùng, mất sạch tính chất hình tượng, đối với chúng còn lại chẳng khác gì một cái vỏ chữ. Những chứ ấy trong thi ca lại sáng lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương".
Thơ hay bìa đẹp nhiều lời bình đặc sắc. Tập thơ để lại nhiều tình cảm yêu mến ngưỡng mộ trong lòng người đọc .Chúc mừng anh Mộc Nhân-nhà thơ Mộc Nhân Lê Đức Thịnh !
Xin chân thành cảm ơn quí thân hữu đã có lời chia sẻ.
Đăng nhận xét