21/10/15

698. NGHI ÁN ĐẠO THƠ

      Cả hai bài thơ đều hay, tiếc là dính vào nghi án đạo thơ !
- Bài thơ “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan – viết năm 2000, in trong tập “Đếm cát” – nxb Văn Học, 2003.
              - Bài thơ “Bạch lộ” của Phan Huyền Thư “được cho” là viết năm 1996, in trong tập “Sẹo độc lập” – Nhã Nam và nxb Lao Động, 2014.


* Ai đạo thơ ai ? Mời bạn đọc hai bài thơ và tự cảm nhận.

Bài thơ “Bạch lộ”
của Phan Huyền Thư
Bài thơ “Buổi sáng” 
của PN Thường Đoan

Bạch lộ 
Những gương mặt người
Quen mà không quen 
Từng giọt sương nén trong veo câm nín
Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh


Em một mình
Ngồi khuấy loãng thời gian
Buổi sáng muốn ôm anh
Nắng nói lời mê ngủ
Buổi sáng muốn gọi anh
Mây tái mặt thẫn thờ
Quàng nỗi nhớ lên gối chăn bỏ ngỏ
Bản Blues jazz đêm qua
lẩn khuất phím dương cầm

Người thiên di cung bậc cuối cùng
Nụ hôn nửa vời
Trái tim không cửa
Bóng ai hờ hững xéo trên lá cỏ
Điềm tĩnh ngồi chờ gió
Về tan cùng tàn thu

Buổi sáng một mình
Quen mà không quen
Lục lọi trí nhớ một hình nhân đêm
Quấn quýt trùng căng kén ngà, tơ lạ
Nuốt vào chầm chậm như loài lông vũ
Vừa bay vừa thảng thốt…âm u
Buồn ngại ngần níu vạt ngu ngơ
Chậm mất nhau cuối mùa
Bão giông đã nửa đời lạc nhịp
Cơn đau da lươn lên men vân gốm
Buổi sáng mị tình
Nốc cạn
Một tứ thơ.
Buổi Sáng
Những gương mặt người
Quen và không quen
Những giọt cà phê muôn đời đen nhánh
Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh
gõ thức mặt trời

Em ngồi một mình
Khuấy loãng thời gian
Buổi sáng muốn gọi anh
Nắng nói lời mê ngủ
Gió se lạnh chối từ
Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ
Bản giao hưởng đêm qua
còn phảng phất trên phím dương cầm


Người đã vội quên cung bậc cuối
Nụ hôn nửa vời
Trái tim không cửa
Ai hờ hững xéo lên lá cỏ



Buổi sáng ngồi một mình
Không quen những nụ cười lạ
Em đậm đặc với nắng thu mưa hạ
Tan cùng tàn Đông
Lòng bàng hoàng luyến tiếc níu vạt áo xuân
Đã chậm mất nửa mùa cuối cùng
Khói thuốc cay và cà phê đắng
Cơn đau màu men ngà
Buổi sáng ngồi một mình
Uống cạn kiệt
lạ
quen!

3 nhận xét:

dinhphuong2011 nói...

LẬP THÂN TỐI HẠ THỊ VĂN CHƯƠNG ! Ô HÔ Ê HÊ Ê CHỀ

Nặc danh nói...

(Đăng lại từ báp "Tấm Gương")
* Inrasara – nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam.
1. Đạo văn gần như là thuộc tính của văn chương, ở mọi nơi và mọi thời. Đời viết, không nhà văn nào dám tự nhận không đạo văn. Đạo từ hay cụm từ, đạo câu đến đạo nguyên đoạn hay cả trang, thậm chí đạo trọn một tác phẩm. Từ chôm ý, nhịp điệu hay thi ảnh một bài thơ tới mượn chi tiết, mô-típ, cốt truyện cũng là đạo. Ngay cả cái ý vừa diễn tả dài dòng ở trên đây cũng là một cách đạo: đạo từ đạo từ đạo… Không phải sao?
Khi Th.S. Eliot viết: “Thi sĩ non tay thì bắt chước; thi sĩ lão luyện thì ăn cắp” là đạo từ O. Wilde: “Nhà văn giỏi thì vay mượn, nhà văn vĩ đại thì ăn cắp”. Ý này cũng bị P. Picasso chôm lại với phát ngôn nổi tiếng của ông: “Hoạ sĩ giỏi thì sao chép, hoạ sĩ vĩ đại thì ăn cắp”.

Có kẻ đạo rồi xé lẻ ra, bồi đắp thêm, tiếp thu và sáng tạo - như chúng ta quen nói, hay nói theo kiểu như Xuân Diệu: Ăn cắp và phi tang. Nhà thơ, nhà văn hơn thua nhau là ở chỗ đó.

Nặc danh nói...

2. Thế giới từng xảy ra mênh mông chuyện đạo văn với kiện cáo liên quan đến đạo văn, có kể cả ngày không hết. Việt Nam ta cũng không thiếu truyền thống đạo văn. “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, Nguyễn Du dịch mà không chú thích, là đạo văn. Trịnh Công Sơn đạo câu thơ Bùi Giáng: “Còn hai con mắt khóc người một con”. “Yêu là chết trong lòng một ít” là Xuân Diệu đạo thơ Pháp, đạo nguyên câu thơ chỉ thay “đi” bằng “yêu”, là xong. Chẳng có ai làm rùm beng cả!
3. Thế giới văn chương nhỏ bé của Việt Nam mấy thập niên qua có không ít điển hình, trong đó có vài tác phẩm nổi tiếng bị phanh phui. Nhưng tại sao chúng chìm? Có thể ở mức độ: Ăn cắp mấy cái nhỏ lẻ chẳng hạn, mượn vài câu và khéo xào nấu. Còn ăn cắp ở mức độ lớn hơn, nhưng vì là nhân vật vô danh, mà chuyện xảy ra ở tỉnh lẻ, nơi vùng sâu vùng xa ở một tạp chí ít ai biết tới, nên dư luận cho qua. Hoặc giả người có vai vế biết nhiều mánh khóe để dìm hàng; cũng có thể do kẻ đạo văn lấy cắp của tác giả nước ngoài, người ta không biết để mà tranh chấp.

Hội Nhà văn Hà Nội đúng, chứ khi Nguyễn Việt Chiến (21/10) tuyên bố: “Thực ra tôi đã thấy gợn từ năm ngoái khi được Phan Huyền Thư tặng tập “Sẹo độc lập” chứ không chờ đến vụ này”, tưởng ngon lành, thật ra là khá hố. Anh ở trong BCH, anh kiêm luôn người chấm giải, 9/9 phiếu trong đó có anh, anh thấy “gợn từ năm ngoái” mà vẫn bỏ phiếu, là gì, nếu không là tắc trách?

Còn nhà thơ Hữu Thỉnh (22/10) cho rằng: “Vụ đạo thơ, tôi coi như Phan Huyền Thư nghịch dại”. Hay! Nhưng dí dỏm thế ở trong nội bộ Hội Nhà văn Việt Nam thì được, chứ Phan Huyền Thư là người của công chúng và sự vụ đang bị bày ra trước công luận, thì nó hơi bị… dí dỏm.

Cuối cùng (22/10), sau hai ngày hai đêm “bay đi Âu Mỹ” truy tìm “Bạch lộ” chả thấy đâu, Phan Huyền Thư mới có bức thư thứ hai xin lỗi Phan Ngọc Thường Đoan, thừa nhận bài “Bạch lộ” viết sau bài “Buổi sáng”. “Viết sau” thôi, chứ không phải “đạo” - cũng thương cho Thư: Việt Nam không có thói quen dám nhận hành vi sai trái của mình; càng chưa có văn hóa xin lỗi, nên nhà thơ này xin lỗi cũng không ra xin lỗi, cũng bởi thế. Tội!

Nhưng Phan Ngọc Thường Đoan đã tạm chấp nhận lời xin lỗi này. Rất đúng mực. Màn hạ!

Nhưng trước khi màn hạ, (21/10) Vi Thùy Linh nhào vô. Nào bức thư kia “là một trò trí trá của con buôn”, nào là Phan Huyền Thư “lươn lẹo và trơ trẽn”, “quanh co bịp bợm”... Thêm món đề nghị: “giới truyền thông và các đồng nghiệp, khi điểm danh thế hệ nhà thơ nữ trưởng thành sau năm 1975, làm ơn đừng nhắc tên tôi chung với Phan Huyền Thư”. Nhảm!

6. Tường Linh (22/10): “Văn chương là hành động ăn cắp” - nhà báo Mỹ James Atlas từng tuyên bố như thế. Ông ấy đã đúng. Lịch sử các cuốn sách và hoạt động viết lách đã ủng hộ quan điểm có vẻ khó nghe này của ông.

Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời, các nhà hậu hiện đại biết rõ chuyện này hơn ai hết, thế nên họ mới bày ra trò nhại văn. Mươi năm qua, thi đàn Việt đã xuất hiện nhiều bài thơ nhại cực kì, thế nhưng ở đó không ít vị không thích cứ cho nó là “đạo”. Thì cũng do cảm thức sáng tác và tiếp nhận mà ra. Nhưng cần lưu ý, Phan Huyền Thư không là nhà thơ hậu hiện đại, chưa xài tới thủ pháp kia, nên “Bạch lộ” là đạo, đúng nghĩa đen của từ.

Thế thôi, chấm hết!