Huỳnh Minh Tâm
(Bài đăng trên tạp chí NON NƯỚC
tháng 9- 2015)
I.
Gặp nhau trên facebook
Đây không phải
phát biểu của tôi, tác giả bài viết này, mà của một “cô gái” trên facebook đã
comment, và không biết thật lòng hay giả, hay kiểu muốn đánh bóng bạn bè (hiện
giờ rất nhiều), nhưng thật sự có ấn tượng nên tôi đã tập hợp thơ của anh để “kiểm
tra”.
Trên vanvn.net,
tôi gặp lời giới thiệu về Đỗ Tấn Đạt như sau: “Nếu có một nghìn nhà thơ trên đời,
thì ít nhất có một nghìn bài thơ tình được viết, tỷ như người ta kể chuyện một
vị thi tiên xưa uống một nghìn chung rượu và làm một nghìn bài thơ. Thơ tình
nhiều, nhưng thể hiện tình yêu trong thơ “một cách khác đi” thì chưa nhiều. Đỗ
Tấn Đạt mới “chính thức làm thơ từ năm 2013”. Mảng thơ tình có lẽ thành công
hơn cả trong sáng tác của người viết trẻ này. Và rồi, có thể độc giả sẽ gặp Đỗ
Tấn Đạt rộng mở đề tài thành công hơn trong thời gian rất gần phía trước. Sinh
năm 1985, người đất Quảng Nam, hiện Đạt đang công tác tại Công ty Ô tô Chu Lai
Trường Hải”.
Thiển nghĩ, thơ
Đỗ Tấn Đạt thực sự cuốn hút bạn đọc với những câu thơ tình yêu không dịu dàng một
chút nào, lãng mạn nhưng bốc lửa, nhịp thơ gập ghềnh, đứt đoạn, các ý thơ tưởng
chừng rời rạc nhưng xoắn cuộn nhau như hai thể xác trong các bức tranh lập thể:
“Đêm!/ Giấc mơ chạm vào những con sóng
xanh/ Vỡ ra từng đọt nước long lanh/ Nỗi buồn như bọt biển/Nơi con thuyền trần
trụi phơi tình/ Đêm!/ Ta như bầy dơi trộm trái rớt đôi mắt vào lũng khuya/ Hừng
hừng những đốm sáng niềm tin/ Và tình yêu cứ như trẻ sơ sinh/Đòi đưa võng…/Nỗi
nhớ thức tỉnh mê man/ Đêm!/ Ta thấy mình chào đời trong vườn địa đàng/ Những
tin yêu trái cấm/ Và ngực trầm run rẩy/ Từng hơi thở em thôi miên…” (Đêm của
yêu). Rồi chúng ta xem thử trên “face” đã “ like” rất nhiều, và đã comment: “Đã tham quan Van.vn thơ bạn! Hay lắm!”
(Trần Anh Dũng), “thơ Lão Đạt (tên
facebook của Đỗ Tấn Đạt) cũng hay kinh,
he” (Nguyễn Kim Thiện), “Đã tạo nên một
chất giọng, chúc mừng” (Huỳnh Minh Tâm), “chúc mừng một nhà thơ tình mới” (Huỳnh Trâm)
II. Gương mặt
thơ
Đọc thơ Đỗ Tấn Đạt
nhiều bài, bạn đọc dễ dàng nhận ra, tình yêu trai gái muôn mặt, nhiều cảm xúc
luôn đi với chiều sâu của những giấc mơ - giấc mơ của hình ảnh, của hình tượng,
của âm thanh, tiếng vọng, của cả những “like”,
những “comment” đã đi vào tâm thức, tạo
cho anh nhiều hứng khởi thơ ca: “Trôi đi
những nỗi niềm quá cố/ ngồi xuống nhặt cỏ dại hoang đồi/ một ngày ta thắp hương
mộ mình/…/ Đường sương nào em mù cay tôi?/ đường mơ nào điếu gió?/về rối tóc
ngày đau.” (Những ngày xuân đi) nỗi “nhốn
nhác phía bầy dồng dộc di cư/ cô đơn va đập vào cánh cửa/ ken két tiếng mọt gặm
đều giấc mơ mười sáu/ mười sáu bẻ gãy sừng trâu/ mười sáu chông chênh nhành
trinh nữ/nụ cười chơi bập bênh cùng méo mó”(Người con gái tóc xanh).
Rồi chúng ta lại
gặp thơ Đỗ Tấn Đạt với tình yêu quê xứ vừa quá khứ, vừa hiện tại, vừa nồng ấm,
vừa day dứt, và lại chan chứa những giấc mơ: “Những thằng con trai bỏ làng đi năm mười bốn tuổi/ Ước mơ nằm nghiêng
trong ngăn ba lô ngược dốc/ Đêm thở dài nghe còi hụ sân ga/và tiếng nấc của
dòng sông quê góa bụa/ Cứ trở mình từng nhịp lắng phù sa” (Mùa rau đắng
làng tôi), “Mưa không về kịp/ con mang giấc
mơ đi tắm nắng/giấc mơ cháy sạm nỗi buồn/ đôi bồ câu bỏ mái ngói bay rồi/ những
toan tính rơm rạ/mùa màng chết yểu trong tay lũ rầy nâu” (Giấc mơ bồ câu).
Đó là những câu thơ lắng đọng, khơi gợi về “những kỷ niệm quê nhà tuổi thơ bị đánh mất”, một “món nợ” tình nghĩa ông bà cha mẹ, đất
đai sông suối, rơm rạ cánh đồng dường như không “trả nổi”.
Đỗ Tấn Đạt đăng
thơ ở nhiều tờ báo, tạp chí, cả địa phương và trung ương. Một mảng thơ khó
thành công ở những cây bút trẻ, nhưng đọc thơ anh, đôi lúc tôi bất chợt giật
mình cho cách nghĩ mới mẻ, táo tợn - đó là những bài thơ viết về thơ, về những
quan niệm thơ, nghiệp thơ, tôn tạo thơ, khát vọng thơ: “Khi chúng ta ngồi chờ câu thơ nở rộ trên cánh đồng giấy/ thì
ngòi bút trên tay đã cạn mực dần/ suy nghĩ vắt giọt tưới chữ nghĩa khô cằn /nỗi
hán hạn…/ nỗi tự cháy…/…/ chúng ta rào đón tâm hồn bằng những bài thơ dang dở
/như cơn gió bấc trôi qua vuông mặt buổi chiều/ hay con tàu băng qua từng ga nhỏ
về đích/ làm rơi vãi một tứ thơ… (Linh hồn thơ), “và ngồi đây!/nghe mùi son phấn phôi thai trên làn tóc rối/ chìa bàn
tay sấp ngửa/ em phủi làm chi?/ tôi phủi làm chi?/ ký ức mắc mưa/ câu thơ không
ráo được nỗi buồn…” (Kí ức mắc mưa)
Ấn tượng ở những
bài thơ này là sự kết hợp, đan xen giữa các hình ảnh thiên nhiên, những sự kiện
về nhân tình với hình tượng đẹp đẽ và nhọc nhằn của thơ ca. Tác giả cũng đã gửi
được thông điệp về tình yêu và khát vọng thơ ca - rất đáng trân trọng
III.
Về ngôn từ và cách diễn đạt
Nói gì thì nói,
và đôi khi, có quan niệm cho rằng, anh nói điều gì, anh viết về điều gì
không quan trọng bằng, anh dùng ngôn từ thế nào, cách diễn đạt, cái tứ thơ thế
nào mới quan trọng, mới gây ấn tượng độc đáo cho bạn đọc. Đương nhiên là chúng
cũng có mối quan hệ khắng khít rằng, cách diễn đạt ấy chở ngôn từ kia trong một
sinh khí thơ ở thì hiện tại.
Giải mã thơ Đỗ Tấn
Đạt, tôi cho rằng, thơ anh đang nằm trong dòng chảy thơ ca “hiện đại - hiện đang là” của nền thơ ca Việt Nam: “Cấy giấc mơ vào những ngày xanh sẫm/ chiều
tôi gặt những mùa nâu em chớm gió/ dịu dàng nắng khiết/ đằm thắm mây thanh/ cơn
hạn nào vốc nỗi lòng đầy nước/ thẩm thấu qua tường đêm dịu vợi/ có một cơn mưa
hoang vừa trở dạ/ và nỗi buồn sinh non/sớm nay…” (Đánh tráo giấc mơ).
Điều tạo nên
“phong cách” thơ Đỗ Tấn Đạt ở đây là gì? Những động từ “mộc mạc”, gần gũi của đồng
quê, nhưng qua tay thơ anh, tạo ra một hấp lực về một nội dung mới, như “Cấy giấc mơ”, “gặt mùa nâu chớm gió”. Động
từ anh dùng cũng tạo sự quặn thắt câu thơ, như “cơn hạn nào vốc nỗi lòng”, “thẩm thấu qua tường đêm”. Nếu vẽ thành
bức tranh, thì thơ anh cũng rất lạ với “xanh
sẫm” với “nâu em chớm gió”, với “nắng khiết mây thanh”, với “mưa hoang trở dạ”
và “nỗi buồn sinh non”. Chỉ một đoạn thơ ngắn, nhưng đậm đà, đậm đặc, rậm rạp
râu ria hình ảnh và màu sắc, với những ẩn dụ khó nắm bắt. Chỉ có thể cảm nhận
qua xúc cảm tự tại rằng một giấc mơ, một khát vọng nào đó chưa vượt thoát khỏi
những nguyên do của đời sống.
Ở bài thơ “Đỉnh lũ” anh đã thành công qua một nhịp
điệu thơ mô phỏng dòng nước xiết, với một mớ ngôn từ kỳ công, độc đáo: “Thâm thấp mưa chiều/ sè sẻ trú giông/ thiêm
thiếp lá dầm gió/ ngực đồng lẩy bẩy lau trắng phơi nghiêng/ rầm rập nước siết họng
mùa/ ông ốc lũ riết triền sông/ áo tơi hù hú giọng gió/ bì bõm cha lội nước kết
bè/ ngờm ngợp cơn thủy triều/ heo nái gặm móng/ trống đồn thúc nước/đỉnh lũ”.
Bài thơ còn cho thấy, tác giả có những quan sát chân thực, tinh tế, có những
xúc động đau thương với cuộc đời, biết chia sẻ cảm thông với những khó khăn,
gian khổ của nhân sinh. Điều này là điểm tựa vững chắc, bền bỉ cho thơ ca cất
cánh.
IV.
Những điều ít gặp
Cũng biết rằng,
mỗi nhà thơ là một “ốc đảo”, tạo ra
khoảng trời riêng của mình, tạo ra một “phong
cách” thơ ca để đóng góp vào sự phát triển, đa giọng điệu của một nền thơ đất
nước. Tuy vậy, theo thiển ý người viết bài này, thì trong xu thế hội nhập, toàn
cầu hóa nhiều mặt kinh tế, văn hóa, trong đó có thơ ca, và trên nhiều báo, tạp
chí trong nước đã giới thiệu có chọn lọc nhiều “trường phái” thơ mới mẻ, như
thơ Tân hình thức, thơ vắt vòng, ngắt dòng, “bóng
chữ” của nhà thơ Lê Đạt, thơ với ngôn ngữ bình dân, đôi lúc gần với “dung tục”, thơ liên văn bản…dường như rất
ít gặp trong thơ Đỗ Tấn Đạt. Câu thơ anh có vẻ chặt chẽ về mặt ngữ pháp, ổn định
về hình tượng. Có cảm nhận riêng rằng, dường như thi pháp xa lạ kia chưa “ám” vào khát vọng của anh. Có lúc dường
như có một chút hư không, một “sức mạnh
huyền bí” xuất hiện trong cảm xúc thơ anh, rồi lại ra đi. Chẳng hạn như: “Tôi không hình dung rõ khuôn mặt em đêm
qua/ người con gái cùng giấc mơ xxx/ suối ngực và khe tình hổn hển chảy/rung
lên tôi từng nhịp gáy của loài chim trống/bờ môi em quyến dụ/ làn hương em quyến
dụ/ lũ dơi đêm lẻ tình về đây trú ngụ/đậu vào giấc mơ xxx/ một con/hai con/ba
con” (giấc mơ xxx). Tôi quan niệm rằng, thử cho biết - cũng là điều tốt
lành vậy.
V.
Vĩ thanh
Cảm ơn một
“comment” trên facebook đã cho tôi cảm hứng viết bài này. Và tất thảy những nhận
định trên đây chỉ là tư cách cá nhân, hết sức chủ quan, chỉ bởi một tình yêu
thơ ca với tác giả Đỗ Tấn Đạt - ở đấy tôi bắt gặp nhiều ấn tượng mới lạ, thơ giàu
ngôn từ và hình ảnh. Hy vọng, tự bản thân thơ của anh, với nhiều sắc thái sẽ
mang đến cho độc giả nhiều hứng khởi, nhiều tri âm như nó đã làm được - đặc biệt
trên các “like” facebook của anh, tôi đã nhận ra điều đó. Đọc thơ anh càng tạo
cho tôi niềm tin và say mê về những quan niệm: “Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử”
– Shelly; “là sự hiện thân cho những gì
thầm kín nhất của con tim và thiêng liêng nhất của tâm hồn con người và cho những
hình ảnh tươi đẹp nhất, âm thanh huyền diệu nhất trong thiên nhiên”- Lamartine;
“Thơ, đó là những cách đi tới nơi tận
cùng của ý thức”, “Thơ, là cấu trúc (gestalt) của trí tưởng tượng” -
Lawrence Ferlinghetti.
Chúc anh vững bền
trên con đường leo dốc thơ phía trước.
1 nhận xét:
Bài ai đăng nói quá quá
Đăng nhận xét