4/1/17

902. CON GÀ VÀ MỸ HỌC DÂN GIAN

Lê Đức Thịnh
  (Bài đã đăng trên một số báo và đặc san Xuân ĐINH DẬU - 2017)
Con gà là một dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp ở Việt Nam được người thuần hóa từ lâu và nó đã gắn bó mật thiết với cuộc sống về nhiều mặt: về vật chất gà là một trong lục súc quan trọng giúp nuôi sống con người; về tinh thần gà biểu tượng cho nhiều vẻ đẹp hay liên hệ đến những phẩm chất giá trị, trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp với khái niệm “Dậu”; về tâm linh từ thời cổ đại gà đã là một loài vật linh thiêng gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo hay với tư cách là một trong nhiều con vật hiến tế (tam sinh).
Đặc biệt về mặt ngôn ngữ, con gà xuất hiện nhiều trong ngôn ngữ dân gian với các tầng nghĩa ẩn dụ khác nhau có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Cũng cần nói rõ rằng sự xuất hiện của tên gọi các loài vật trong hệ thống từ ghép nói về đặc điểm, tính cách con người cho thấy quan niệm, cách nhìn của người Việt Nam trong mối quan hệ giữa người với vật. Ở bề sâu ngôn ngữ là văn hóa và thái độ tình cảm của con người với vật. Vậy nên trên cơ thể con người chỗ nào cũng có yếu tố con vật dùng để nhận định, đánh giá, gọi tên các trạng huống của người: nào là “đầu trâu mặt ngựa”, “đầu voi đuôi chuôt”, “mắt phượng mày ngài”, “râu hùm hàm én”, “miệng hùm gan sứa”, “thắt đáy lưng ong”, “thẳng ruột ngựa”, “lòng lang dạ sói”
Con gà cũng không phải là ngoại lệ. Trong ngôn ngữ, gà là một trong những chữ có khả năng chuyển nghĩa đa dạng, qua những đặc điểm sinh học của gà để tìm thấy ở đó những mối quan hệ phong phú và cũng lắm phức tạp giữa người với người, người với đời sống.
Hãy thử quan sát các yếu tố “gà” trong đời sống ngôn ngữ: miêu tả tóc thì có “tóc đuôi gà”, nói về trạng thái nhận thức hạn chế có “gà mờ”, trạng thái quan sát không tỉnh táo có “quáng gà”, trạng thái phản xạ có “nổi da gà”, về bệnh tật có dạng “sùi mào gà”, khi ai đó làm hỏng việc hay làm không đạt yêu cầu thì có câu mắng nhiếc là “đồ gà toi”, “đồ gà rù”; nói về người ngủ không đúng lúc đúng nơi thì có “ngủ gà ngủ gật”; khi mắng kẻ làm điều bậy bạ thì “đồ gà mắc dịch”; mẹo vặt dân gian gọi là “mẹo cức gà” ; trong báo chí có cụm từ “đá gà chết” để nói về một bài báo đăng tải sự việc không còn tính thời sự; khi ca ngợi ai đó xứng với thế hệ đi trước thì tôn là “gà nòi”… để châm chích người đàn bà tiếm dụng hay làm phần việc của đàn ông thì gọi là “gà mái gáy”…
Điều thú vị thứ nhất là sự chuyển nghĩa từ bao gồm cả ba trạng thái: tích cực (khen), tiêu cực (chê) và trung tính (khen chê đều nhẹ nhàng vừa phải); điều thú vị thứ hai là trong cùng một trường nghĩa thì mức độ chuyển nghĩa khi dùng hình tượng gà để diễn tả thì dù có chê bai, mỉa mai nhưng sắc thái châm chích cũng khá nhẹ nhàng, có khi kèm theo một nụ cười đầy cảm thông tha thứ chứ không gay gắt như khi dùng từ ngữ có chứa các yếu tố con vật khác. Chẳng hạn như nói đến cọp là nói đến sự dữ dằn; nói đến cáo là nói đến những mưu mô thâm độc; nói đến heo là nói đến sự dơ bẩn kinh tởm… nhưng gà thì mang sắc thái trung tính. Ví dụ trong trường nghĩa nói về nhận thức kém thì lời mắng “đồ gà rù”, “gà mờ” thì nghe vẫn dễ chịu hơn là mắng “ngu như bò”, “ngu như heo”; hay trong trường nghĩa mắng chửi thì lời mắng “đồ gà mắc dịch” nghe dễ chịu hơn là “đồ chó má”, “đồ dê xồm”
Có thể hình ảnh hiên ngang của chú gà trống cất tiếng gáy vang lúc bình minh hay hình ảnh con gà mái dẫn đàn con kiếm mồi cần cù, hiền lành gần giũ với đời sống luôn gây thiện cảm cho con người nên khi có những phản ứng tiêu cực  “đánh chó đuổi gà” dân gian nhẹ tay hơn chăng.
          Gà được xem là hình ảnh của những người dân quê thật thà, chất phác, chịu khó và đa nhân cách. Trong những bức tranh dân gian Đông Hồ về đề tài con gà, các nghệ nhân luôn dành màu sắc đường nét tươi tắn để gởi gắm những ước mơ  của nhân dân về một cuộc sống ấm no, sung túc. Trong quá trình ẩn dụ hoá, gà không còn là con gia cầm cụ thể nữa mà đã trở thành những biểu tượng. Với gà trống thì nó là biểu tượng cho 5 yếu tố: văn (dáng vẻ đẹp), (hùng dũng hiên ngang nhanh nhẹn), dũng (dám đương đầu), nhân (có ăn thì gọi đàn đến), tín (thức canh đêm và dậy đúng giờ); với gà mái thì nó là biểu tượng cho tình mẫu tử (che chở đàn gà con), sự nhẫn nại (chăm chỉ kiếm ăn) và hi sinh (sẵn sàng bảo vệ con mà đối đầu với hiểm nguy). Những đặc điểm ấy có thể chia sẻ được với loài người nên từ chức năng định danh, chúng biến thành định tính.


          Chính vì vậy, từ cuộc sống thực con gà bước vào kho tàng trí tuệ của dân gian qua lời ăn tiếng nói hàng ngày để đúc kết những kinh nghiệm sống. Trong kho tàng tục ngữ thành ngữ có rất nhiều câu nói dân gian thể hiện những kinh nghiệm về tự nhiên, đời sống có chứa yếu tố “gà” mang ý nghĩa ẩn dụ để gới gắm cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và con người với những liên tưởng về nhiều măt.
- đoán định thời tiết khí hậu, mùa màng: “Mỡ gà thời gió, mỡ chó thời mưa”, “Ráng mỡ gà có nhà thì giữ”, “Chớp đông nhay nháy gà gáy thì mưa”
- truyền nhau kinh nghiệm nhiều mặt trong đời sống vật chất: “Chó liền da, gà liền xương”, “Vịt già gà tơ”, “Ếch tháng ba gà tháng bảy”, “Chuồng gà hướng đông, cái lông chẳng còn”, “Chớ bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa”, “Thứ nhất phao câu thứ nhì đầu cánh” ...
- liên hệ so sánh khi nói về hình thức: “Da trắng như trứng gà bóc”
- một nhận xét về vùng miền địa lý: “Chó ăn đá gà ăn sỏi”
- thể hiện cái nhìn tích cực về sự kế thừa: “Con cha gà giống”, “Con tông gà nòi”
- thái độ chọn lựa: “Đầu gà còn hơn đuôi trâu”
- cái nhìn cảm thông về gia cảnh: “Gà trống nuôi con”, “Mẹ gà con vịt”
- thấu hiểu nghịch cảnh: “Vạ vịt chưa qua vạ gà đã đến”
- chê trách nhẹ nhàng: “Lúng túng như gà mắc tóc”, “Mặt tái như gà cắt tiết”
- chí trích gay gắt: “Gà què ăn quẩn cối xay”
- chê bai một cách dí dỏm: “Trói gà không chặt”, “Nói chuyện con cà con kê”, “Lờ đờ như gà ban hôm”
- phản ảnh một tình huống bi hài: “Nháo nhác như gà lạc mẹ”, “Te tái như gà mái nhảy ổ”, “Trông gà hóa cuốc”
- nhắc nhở sự bất cập khi giao tiếp ngôn ngữ: “Ông nói gà bà nói vịt”
- để nói móc: “Hăng máu gà”, “Xua gà cho vợ”, “Gà đẻ thì gà cục tác”
­          - để cảnh báo: “Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”, “Vắng chủ nhà gà bươi bếp”
- phê phán nặng nề: “Cõng rắn cắn gà nhà”, “Mèo mả gà đồng”
- nhắc nhở nhau về ứng xử: “Chân gà lại bới ruột gà”, “Con gà tức nhau tiếng gáy”
- phê phán thói xấu: “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”
- lối ứng xử thực dụng: “Tiền trao gà bắt lấy”
- cười cợt thói hư: “Trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con”
- lời khuyên về đối nhân xử thế: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “Gà khôn dấu đầu chim khôn dấu mỏ”
- đưa ra lời khuyên chắt chiu cần kiệm: “Đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà mót hạt tấm”, hay nhắc nhở vè sự chừng mực: “Cơm đâu no chó, thóc đâu no gà”
Hình ảnh con gà trong những câu ấy đã làm cho những lời dù là chê bai hay khuyên bảo không hề gay gắt thái quá mà đôi khi lại mang đến những ý tưởng hài hước, hóm hỉnh ý nhị; nhờ đó mà sự tinh tế trong quan sát, sự thâm thúy trong những liên hệ đã tăng hiệu quả diễn đạt cũng như sức tác động ý nghĩa của chúng.
Thông qua hình tượng con gà, mỹ học dân gian đã khái quát lên đủ mọi vấn đề về con người như tính cách, đạo đức, thói quen sinh hoạt, các mối quan hệ, các mức độ… và điều đó là một minh chứng sinh động cho sự đa dạng trong việc khai thác một con vật quen thuộc để chuyển tải túi khôn kinh nghiệm của quần chúng nhân dân.

Không có nhận xét nào: