17/3/18

1.095. ÁM TƯỢNG MÙI

            Tạp văn Lê Đức Thịnh 
Tranh Nguyễn Quang Thiều
Mùi là một thứ tín hiệu mà tự nhiên đã ban cho con người, muôn vật. Mỗi loài có một thứ mùi riêng biệt để phân biệt, cá biệt hóa mỗi cá thể. Tín hiệu đó không chỉ là dạng vật chất đi vào khứu giác mà còn là sản phẩm văn hóa, tinh thần lan tỏa khắp tâm trí; không chỉ quanh quẩn trong hiện tại mà còn ấp ủ cả quá khứ với bao nhiêu kỷ niệm, tình yêu, hạnh phúc, khổ đau, mời gọi, nhung nhớ khôn nguôi.
Từ ngàn xưa, mùi đã gắn bó với nhân loại. Người ta đã biết đến giá trị của mùi và không ngừng tìm cách để nắm giữ lấy dấu vết mùi từ cây cỏ, hoa lá, con vật để tạo mùi cho mình cũng như theo dấu của mùi mà sinh tồn tiến hóa. Đến hôm nay, mùi vẫn là điều bí ẩn của tạo vật, kích thích bao trí tò mò, khát khao khám phá.
Mỗi vật đều có mùi riêng: bãi đồng có mùi của cây cỏ, đại dương có mùi của biển khơi, thú có mùi thú, người có mùi người … và tuỳ lúc tuỳ nơi mà mùi có thể thay đổi.
Các sinh vật hoang dã như con cầy hương thì được trời cho một túi xạ để quyến rủ bạn tình. Rau thơm mỗi loại đều có mùi riêng mà trong bài "Vè rau" có đoạn: " … Bình bát nấu canh / Ăn hơi tanh tanh / Là rau dấp cá ....". Nói đến các loài hoa là nói đến thế giới phong phú của mùi, là nguồn cảm hứng trữ tình cho bao tao nhân mặc khách : hoa lan, hoa sữa thơm ngất ngây khiến thi sĩ Phan Vũ phải thốt lên : "Em ơi ! Hà Nội - phố ! Ta còn em mùi hoàng lan / Ta còn em mùi hoa sữa..." ; hoa sứ giản dị mà gói gắm được cái mùi vị tình yêu trong bài thơ Hoa sứ nhà nàng của Hoàng Phương : “Đêm đêm ngửi mùi hương / mùi hoa sứ nhà nàng / Hương nồng hoa tình ái / đậm đà đây đó gọi tên / Nhà nàng cách gần bên / giàn hoa sứ quanh tường / Nhìn sang trộm nhớ thương thầm / mơ ngày mai lứa đôi...” ; hoa bưởi thì gói gởi Hương thầm” ngan ngát hương đưa như trong bài thơ cùng tên của Phan Thị Thanh Nhàn: “Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu…”
Bên cạnh những loài rực sắc ngát hương, thế giới sự vật tồn tại cả những loài tỏa mùi hôi hám. Chuột chù, cú vọ là những con vật có mùi khó chịu được khái quát bởi thành ngữ “Hôi như cú”, “Hôi như chuột chù”. Tuy nhiên, mùi hôi thối khó chịu đối với loài này lại là mùi quyến rũ với loài khác: "Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến / Gan không mật mỡ kiến bò chi."
***
Con người cũng vậy – người có mùi người.
"Mùi người" là một khái niệm chung chung, so với các loài khác thì dường như không đặc trưng mà trái lại rất phong phú, tinh tế và có tính cá thể hóa cao.
Mùi người toát lên từ thịt da ngan ngát, xuân thì. Là thứ mùi nhẹ nhàng tinh tế trên cổ, sau gáy, bờ vai, ẩn giấu dưới lông, tóc, trong lòng tay, vòng ngực, hiện hữu trên bờ môi, lưu giữ trong áo quần… có sức cuốn hút kì lạ, đánh thức những mỹ cảm và nhục cảm của con người.
Sách “Vĩnh Lạc Bách Vấn” (Một trăm câu hỏi của Vĩnh Lạc) có chép câu chuyện : một lần nọ vua Vĩnh Lạc nhà Minh mời Viên Liễu Trang đến để đàm thoại về tướng học có hỏi :
- Tuyển cung phi cho mặc áo dày, rồi bảo họ chạy cho vã mồ hôi ra để làm gì ?
Viên Liễu Trang trả lời :
- Làm vậy là cốt để xem thân thể họ có thơm tho không, phàm nữ nhân mà thân thể tỏa hương là tướng đại cát, nếu thân thể toát mùi hôi hám là tướng hạ tiện, không tuyển vào cung.
Con người đã biết đến mùi không chỉ là sản phẩm từ khứu giác mà còn là yếu tố của nhân tướng học, xã hội học bởi mùi thể hiện đẳng cấp, giai cấp, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, tính cách, sở thích, triển vọng… của cá nhân.
Vậy nên mùi người phức tạp như loài người !
Nghe nói đến văn hóa ăn, văn hóa mặc, văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn… nhưng chưa thấy ai nói đến "văn hóa mùi" dù mùi là thứ không thể thiếu được trong mọi hoạt động văn hóa đời sống. Mùi từ khái niệm vật chất gắn với khứu giác thuần túy đã thành những giá trị phi vật thể, một lẽ sống! Đối với nghệ sĩ, mùi cũng là thế giới của cái đẹp trừu tượng xao lòng: “Đêm thơm như một dòng sữa/ Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà” (Dạ lai hương - Phạm Duy).
Nói đến mùi là nói đến một cái gì đó thơm tho, nhưng với người bình dân thì cái mùi lại là hơi hám gần gũi quen thuộc của người thân không thể lẫn vào đâu được. Dân gian cô đọng chỉ trong một câu : "Gái bén hơi chồng" mà nói lên tất cả. Cái mùi đặc trưng của một cá thể khi đã quen thuộc với một cá thể khác thì sẽ hình thành một sự quyến luyến nhớ nhung: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi”.
Câu ca dao mộc mạc này đã diễn tả thực chất hấp dẫn của cái mùi người tạo nên sức quyến rũ người trong đời sống tình dục. Và bởi vì quen hơi nên thái độ của người phụ nữ thật dứt khoát khi có ai đó lấy “mùi” ra để rủ rê mời gọi: “Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người”.
Mùi như thế nào, cảm giác ra sao thì chỉ có mỗi cặp nhân tình mới cảm nhận được, sự yêu thích hơi hám của nhau là biểu hiện của sự hòa hợp và tình yêu và đó là bản chất của xúc cảm tình dục nam nữ.
Trong cảm xúc thì mùi là yếu tố chính để kích thích tâm hồn con người, là sợi dây gắn kết ái ân. Nhà thơ Bùi Chí Vinh có bài thơ "Chiếc ghế mây" diễn tả sức lôi cuốn của mùi người yêu vấn vương nơi chiếc ghế mây em ngồi : “khi em rời ghế mây / chỉ mùi hương ở lại / tre biến thành thần thoại / trúc biến thành hoang đường / anh biến thành tai ương / thấp thỏm bên chiếc ghế  / cái mùi hương ác thế / không theo em bay đi / …” (Bùi Chí Vinh)
Sử Tàu có chuyện Hàm Hương (còn gọi là Hương Phi) một nàng công chúa xứ Hồi Cương xinh đẹp, giỏi ca múa, đặc biệt người nàng luôn tỏa ra hương thơm ngát. Hàm Hương yêu Mông Đan, một dũng sĩ Hồi tộc nhưng không được nhà vua chấp nhận. Họ đã bảy lần chạy trốn để có thể được bên nhau mãi mãi nhưng chính mùi hương kỳ lạ tỏa ra từ người Hàm Hương đã khiến họ dễ dàng bị phát hiện vì quan binh chỉ cần đánh mùi là tìm tới đúng chỗ ẩn nấp của nàng ... Về sau nàng bị vua Hồi ép gả cho vua Càn Long nhà Thanh để giữ mối giao hòa giữa hai xứ… Người thơm tho ngát hương như thế quả là hiếm , là đặc ân của ông Trời nhưng có biết đâu cũng vì cái đặc ân đó mà nàng Hàm Hương "chạy đâu cho thoát".
Giai thoại kể Hoàng đế nước Pháp Napoleon Bonapac khi chinh chiến trở về đã truyền lệnh đến người tình: "Hãy bảo nàng không được tắm rửa, giữ nguyên mùi như vậy, lên ngay giường... đợi ta...!" - mùi của người tình quả là có sức thôi thúc gấp gáp.
Đọc câu thơ vua Tự Đức khóc nàng Bằng Phi mới thấy hết sức hấp dẫn kỳ lạ đến say mê lưu luyến cái mùi của người mình yêu: "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại giữ lấy hơi".
Còn nhà thơ Nguyễn Du đã rất tinh tế khi hiểu được mùi gây thương nhớ qua đoạn thơ trong Truyện Kiều từ câu 255 - 258: "Mành Tương phất phất gió đàn / Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình/ Vì chăng duyên nợ ba sinh/ Thì chi đem thói khuynh thành trêu ngươi"…
Mùi là bản chất của muôn loài, của cây cỏ, và của thiên nhiên.
Dù khoa học hiện đại đã tạo ra nhiều loại mùi khác nhau để tăng sức hấp dẫn cho đời sống, tình dục, ẩm thực, thời trang… tuy nhiên con người vẫn ưa chuộng mùi của tự nhiên, đó luôn là hơi mùi tuyệt vời nhất.
Đẹp cũng bởi mùi, xấu cũng bởi mùi, vinh cũng có mùi mà nhục cũng có mùi. Từ cái mùi vật chất chúng ta có thể liên hệ đến cái mùi xã hội: chó có mùi của lòng trung thành, chuột có mùi đục khoét, cánh chim bay mùi tự do, tiếng vỗ tay vang mùi hân hoan, tiếng khóc mang mùi đau khổ… Vậy nên con người cũng cần biết giữ mình giữa "thế giới bốc mùi" để đời sống, tâm hồn, nhân cách bớt hôi tanh: "Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn." (Ca dao)
Mùi là năng lượng bởi nó tạo ra muôn điều phấn khích.
Mùi là ngôn ngữ cơ thể bởi nó nói lên cá tính và nhu cầu thể hiện của mỗi người.
Mùi là dấu ấn cá nhân bởi thẩm mỹ về mùi không ai giống nhau cả.
Mùi là dạng thức văn hóa bởi nó tồn tại, tiếp biến gắn với đặc trưng cộng đồng.
Mùi là khởi thủy giao tiếp bởi bắt đầu từ mùi mà con người kích hoạt các giác quan khác trong lần ân ái.
Và nếu nói mùi là cái đẹp cũng không sai bởi là cái đẹp nên ai cũng chăm chút mùi cho mình và sẵn sàng cho sự đón nhận mùi ở người khác theo những chuẩn thẩm mỹ khác nhau.
Mùi đi vào ngôn ngữ với các từ ngữ chỉ hoạt động: đánh mùi, bốc mùi… chỉ đặc điểm tính chất: thơm tho, thum thủm, ngan ngát, nồng nặc, tanh tao, thối tha…
Vẻ đẹp của mùi tuy chỉ thoảng trong gió, lướt đi cùng hơi thở nhưng là một phép màu mà con người nhận ra sự thật ở mình và ở người. Quả đúng lắm ru.
          Thời gian rồi sẽ cuốn đi tất cả những hồi ức, làm phai nhạt hình hài nhưng cái mùi thì luôn đưa người ta trở về với ký ức và có thể sẽ gợi nhớ tình yêu, hạnh phúc, nỗi đau… những mùi ẩn mình dưới sắc màu đằm thắm/ mang theo phúc âm và hơi thở bình nguyên/ anh vỡ òa trong tận cùng mãn nguyện/ nghe sự sống rùng mình trinh nguyên/ em có còn cho anh những mùi xưa cũ/ như cỏ cây và gió thưở trời tròn đất vuông/ anh vẫn sống mốc meo mùa cuối/ vẫn tự cháy mình theo những mùi suông” (Trích bài thơ:Ám tượng mùi” – Mộc Nhân).

Không có nhận xét nào: