28/3/18

1.099. NGÀY SAU BIẾT ĐẾN BAO GIỜ

          Mộc Nhân
                    Lời mở đầu trong tập sách thứ hai về Bob Dylan: 
                     "Bob Dylan - Ngày sau biết đến bao giờ" - Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
             (tác phẩm biên khảo- dịch thuật văn học nước ngoài - nxb Hội Nhà Văn 2018)
        Nhan đề sách phỏng dịch từ ca khúc của Bob "Tomorrow is a long time".
***
       Tôi ngạc nhiên nhưng không bất ngờ khi Bob Dylan - nhạc sĩ, ca sĩ người Mỹ, người đã sáng tạo ra cách diễn đạt đầy chất thơ trong âm nhạc truyền thống Mỹ; là thi sĩ vĩ đại trong cộng đồng nói tiếng Anh - được vinh danh Nobel Văn Chương năm 2016.

       Tôi nghe và yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn từ lúc mới có những cảm thức bạn đầu về âm nhạc. Sau đó tôi có biết có cuốn sách "Trịnh Công Sơn và Bob Dylan: như trăng và nguyệt?" của giáo sư Mỹ John C. Schafer nghiên cứu và so sánh Trịnh Công Sơn với  Bob Dylan - một nhạc sĩ, ca sĩ người Mỹ mà lúc đó với tôi cái tên Bob Dylan hoàn toàn mới mẻ và xa lạ. Theo đó, cả hai cùng sáng tác bài hát phản chiến; nhạc được xem như thơ, ca từ xuất chúng và nhiều khi mơ hồ khó hiểu; cả hai đều viết những bài tình ca để đời; có những mối liên hệ với các nữ ca sĩ góp phần vào sự nổi tiếng của cả đôi bên. Trịnh Công Sơn và Bob Dylan đều nói tiếng nói của giới trẻ trong thời đại; cả hai đều chịu ảnh hưởng và tìm cảm hứng sáng tác từ truyền thống tôn giáo… Vậy là như một hiệu ứng dây chuyền, tôi thử nghe và bị cuốn hút bởi nhiều ca khúc của Bob Dylan.
       Sự nghiệp lâu dài, qua gần sáu thập niên, với hơn 500 bài hát thể hiện hầu hết mọi truyền thống âm nhạc Hoa Kỳ và Âu Châu, như dân ca, rock, country, blues, thánh ca, nhạc Jazz, nhạc Do Thái… của Dylan đã ảnh hưởng sâu đậm đến mọi tầng lớp xã hội và khía cạnh nghệ thuật, tư tưởng. Từ âm nhạc của ông ta có thể tìm thấy văn chương, điện ảnh, chính trị, triết học, thần học… quả thật xứng đáng với những gì ông được tôn vinh.
***
       Giờ đây, sự kiện Bob Dylan –đạt giải Nobel Văn chương 2016 - đã đi qua gần hai năm. Tất cả dường như lắng xuống theo qui luật của đời sống và đến lúc này trên các phương tiện truyền thông không còn mấy ai nhắc đến ông. Điều ấy là tất nhiên bởi chúng ta đang sống giữa một thế giới mà mỗi ngày ngồn ngộn các sự kiện thu hút sự quan tâm của con người. Và hàng ngày mỗi chúng ta cũng đang đứng trước nhiều phức cảm giữa nỗi hoài nghi và chờ đợi, ẩn náu và dấn thân, hân hoan và đau buồn trong các câu chuyện, niềm đam mê của riêng mình.
       Tôi đã từng biết đến những kì thị về tư tưởng, áp đặt trong nhận thức và xuyên tạc trong đánh giá những tác phẩm nghệ thuật đã từng và đang tồn tại trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của chúng ta. Tuy nhiên những thị phi ấy không cản trở niềm say mê, việc nghiên cứu, tìm hiểu và chia sẻ những hiểu biết văn chương trong số ít bạn văn đồng điệu. 
       Điều ấy nói lên một trạng thái luôn hiện tồn là dẫu bất cứ điều gì đang xảy ra thì tình yêu – tình yêu đôi lứa, tình yêu văn chương, tình yêu nhân loại - luôn xâm chiếm, chi phối, dẫn dắt chúng ta đến những điều kì diệu với nhu cầu chinh phục, hy sinh và dâng hiến.
       Việc các bạn đang cầm trong tay cuốn sách này là một minh chứng. Cũng như tập sách trước: “Bob Dylan – Những hòn đá lăn” (nxb Hội Nhà Văn – 2017); tập sách thứ hai về Bob Dylan: “Bob Dylan – Ngày sau biết đến bao giờ”  mà tôi có hân hạnh mang đến cho các bạn tập trung vào đề tài “Tình yêu” trong âm nhạc, thi ca Bob Dylan qua những tình khúc tiêu biểu của ông.
       Tác phẩm được hoàn thành trong tâm thế thưởng thức với tình yêu vô tận thần tượng của mình và mong muốn không gì khác hơn là khám phá bản thân cùng đối thể trong sự vận động tự thân.
       Bất kể thế nào, bất kể hoàn cảnh nào, tình yêu luôn hiện hữu thiêng liêng ở nơi nó đã sinh ra, tồn tại, chắp cánh và hi sinh. Mọi sự kiện và nhân vật có thể lắng xuống nhưng tình yêu thì như mạch ngầm thao thiết có thể bừng lên bất cứ lúc nào từ trong mạch nhịp của con người.
       Tình yêu không tách khỏi bất kì ai, và nó giúp ta sống trong niềm hứng khởi bằng cách mang đến những niềm vui hay chia sẻ nỗi đau của loài người ở vị trí giữa một bên là cái đẹp cần hướng tới và bên kia là những kì thị mà ta phải vượt qua trong hành trình cảm hiểu nhọc nhằn mà đầy kiêu hãnh.
        Vậy nên cùng với tác phẩm của mình, tôi mong muốn tình yêu trở thành trụ đỡ cho cuộc sống tinh thần thông qua dòng hồi tưởng, sáng tạo và niềm khích lệ bản thân bằng những lời tự nhủ thầm kín: “There’s no success like failure and that failure’s no success at all” (không có thành công cũng như thất bại và thất bại là không thành công mà thôi) - Trích bài "Love Minus Zero / No Limit".
Xin cảm ơn bạn đọc.

Không có nhận xét nào: