6/9/12

204. BÀI CA DAO “BỰC MÌNH”

Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh

“Ốc bực mình ốc
Ôc vặn ốc vẹo
Bèo bực mình bèo
Lênh đênh mặt nước
Nước bực mình nước
Tát cạn cây khoai
Khoai bực mình khoai
Đào lên cấy muống
Muống bực mình muống
Ngắt ngọn nấu canh
Anh bực mình anh
Vợ con chưa có
Đêm nằm vò võ
Một xó giường không
Hỏi giường có bực mình không, hỡi giường?”



Bài ca dao có mười bốn câu, đọc đi đọc lại thấy nó ngồ ngộ, thú vị và rất có duyên, nhưng là cái duyên thầm, “duyên lặn vào trong” như người ta thường nói.  
Đây là lời tâm tình, nỗi trăn trở không kìm nén được nên bực mình của một chàng trai chưa vợ. Sự bực mình là ý chính được lặp đi lặp lại. Nhân vật trữ tình trong bài ca dao lúc nào cũng mang theo tâm trạng “bực mình” nên nhìn đâu cũng thấy “bực”. Cái “bực mình” đó được gán cho các sự vật chung quanh.
Mười câu thơ đầu đã tạo nên cả một thế giới “bực mình” rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Có hai chiều cảm hiểu khác nhau về mười câu này; chiều cảm hiểu thứ nhất dựa trên mối quan hệ tác động từ ngoài vào trong đối với các sự vật:
- Ốc thì “bực mình”“vặn vẹo”
- Bèo thì “bực mình” “lênh đênh mặt nước”
- Nước thì “bực mình”“tát cạn cấy khoai”
- Khoai “bực mình”“đào lên cấy muống”
- Muống thì “bực mình”“ngắt ngọn nấu canh”.
Cách hiểu thứ hai dựa trên mối quan hệ tác động từ bên trong sự vật ra ngoài:
- Ốc “bực mình” nên  “vặn vẹo” (làm mình làm mẩy).
- Bèo “bực mình” nên  “lênh đênh mặt nước” (bỏ đi lang thang).
- Nước “bực mình” nên  “tát cạn cây khoai” (làm bỏ ít)
- Khoai “bực mình” nên “đào lên cấy muống” (bỏ dở việc này, sang việc khác)
- Muống “bực mình” nên “ngắt ngọn nấu canh” (hờn lẫy).
                        Hai cách cảm nhận tuy khác nhau nhưng không làm hỏng cái duyên của bài ca dao. Có lẽ “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du) nên khi nhìn mỗi một sự vật trong thế giới chung quanh, nhân vật trữ tình đều tìm thấy lí do riêng để cho nó chia nỗi “bực mình” hợp lí. Dường như tạo vật cũng đồng điệu với chàng trai chưa vợ này.
“Bực mình” trong trường hợp này là một trạng thái tâm lí được biểu hiện ra bằng hành động, thái độ, ngôn ngữ rõ ràng cụ thể. Dân gian đã sử dụng những từ láy vặn vẹo, lênh đênh và những động từ tát, đào, ngắt … để diễn tả thế giới đồng điệu của những thứ nhìn đâu cũng thấy bực mình mà ngộ nghĩnh đó.
Nhịp thơ ngắn, ngắt câu gãy gọn thể hiện cho cái ngôn ngữ nhát gừng của người bực mình mà chẳng biết nói với ai.
Sau khi đã nói gần nói xa, nhìn quanh nhìn quất, cái ý chính, nỗi niềm, duyên cớ “bực mình” của chàng trai giờ đây được nói rõ trong máy câu cuối:
“Anh bực mình anh
Vợ con chưa có
Đêm nằm vò võ
Một xó giường không”
Chẳng có gì phải dấu diếm nữa nên cuối cùng bài ca dao kết thúc bằng một câu hỏi đột ngột:
“Hỏi giường có bực mình không, hỡi giường ?”
Đến đây thì người nghe, người đọc thấy được sự chân thực đáng  thông cảm  cho sự “bực mình” của chàng trai chưa vợ.
Có lẽ chàng trai chưa vợ coi cái “giường không” là vật gần gũi, thông cảm nhiều nhất đối với mình cho nên mới hỏi một câu thân thiết như vậy.
Cái giường và chuyện ái ân là hai thứ gần gũi, gắn chặt nhau nên chàng trai chia sẻ nỗi bực mình với cái giường là điều hoàn toàn hợp với logic.
Cái hay của bài ca dao ẩn trong cái duyên thầm mà nếu đọc lướt qua, không cảm thông với nhân vật trữ tình sẽ tưởng như nói chuyện vô duyên. Cái duyên ấy không tập trung ở riêng một câu nào mà “lặn” đều vào tất cả mọi câu.
Điều thú vị khi đọc bài ca dao này là nỗi “bực mình” của chàng trai về một chuyện tưởng chừng khó nói tuy chưa được giải quyết nhưng được thể hiện thật tự nhiên, dễ thương, đáng yêu và mang đầy tính nhân bản. 
Suy cho cùng, nỗi bực mình trong bài ca dao này cũng là một khía cạnh biểu hiện khác của sự khao khát tình yêu lãng mạn, tình dục bản năng trong mỗi con người.
Mà điều ấy thì chẳng có gì là xấu cả.

Tháng 9 / 2012

Không có nhận xét nào: