20/5/13

349. TIẾNG GÀ TRƯA


         Mộc Nhân
Nhắc đến Xuân Quỳnh, người ta thường nghĩ tới những vần thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, trong trẻo, giàu yêu thương. Bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh trong  chương trình Ngữ văn 7, tập I là một trong những bài thơ như thế. Những câu thơ sáng trong, đằm lắng  mang cả kỉ niệm tuổi thơ mộc mạc khiến chúng ta nhớ mãi:

Trên đường hành quân xa 
Dừng chân bên xóm nhỏ 
Tiếng gà ai nhảy ổ:
" Cục... cục tác cục ta"
Nghe xao động nắng trưa 
Nghe bàn chân đỡ mỏi 
Nghe gọi về tuổi thơ

Tiếng gà trưa 
Ổ rơm hồng những trứng 
Này con gà mái tơ 
Khắp mình hoa đốm trắng 
Này con gà mái vàng 
Lông óng như màu nắng. 

Tiếng gà trưa 
Có tiếng bà vẫn mắng:
- Gà đẻ mà mậy nhìn 
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi 
Lòng dại thơ lo lắng 
Tiếng gà trưa 
Tay bà khum soi trứng 
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp 

Cứ hàng năm hàng năm 
Khi gió mùa đông tới 
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối 
Để cuối cùng bán gà 
Cháu được quần áo mới 

Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất 
Cái áo cánh chúc bâu
Đi qua nghe sột soạt

Tiếng gà trưa 
Mang bao niềm hạnh phúc 
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng.

Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu tổ quốc 
Vì xóm làng thân thuộc 
Bà ơi cũng vì bà 
Vì tiếng gà cục tác 
Ổ trứng hồng tuổi thơ
***
Bài thơ là phút lắng lòng của người chiến sĩ trên chặng đường hành quân mệt mỏi. Lúc dừng chân bên thôn xóm yên bình, vẳng nghe tiếng gà nhảy ổ quen thuộc của làng quê, người chiến sĩ để lòng mình cuốn vào âm thanh ấy và trải ra mênh mông theo sức lan tỏa của nó.
“Tiếng gà trưa” đã gây ấn tượng và sự chú ý cho người đọc ngay từ cái nhan đề. Tiếng gà buổi trưa không còn là âm thanh mới lạ trong thi ca nữa. Từ tiếng gà trống gáy ban trưa trong thơ Lưu Trọng Lư:
                   “Mỗi lần nắng mới hắt bên song
                   Xao xác gà trưa gáy não nùng
                   Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không…”
 (Nắng mới)
đến tiếng gà mái tục tác nhảy ổ của Xuân Quỳnh đều là những âm thanh khởi phát tứ thơ, nối kết dòng cảm xúc, liên tưởng để rồi chúng ta phải nhớ, phải yêu. Tiếng gà trưa vừa cụ thể hoá cảm xúc vừa thâu tóm được thi tứ.
Tình huống bộc lộ mạch cảm xúc trong bài thơ thật cụ thể: người chiến sĩ trên chặng đường hành quân mệt mỏi, lúc dừng chân bên thôn xóm yên bình, vẳng nghe tiếng gà nhảy ổ quen thuộc của làng quê, mà lòng cuốn vào âm thanh ấy và rồi trải ra mênh mông theo sức lan tỏa của nó. Dòng hồi tưởng bắt đầu từ âm thanh ấy, những kỉ niệm ùa về, sống động như đang hiện ra trước mắt:
   Trên đường hành quân xa 
  Dừng chân bên xóm nhỏ 
  Tiếng gà ai nhảy ổ:
" Cục... cục tác cục ta"
Nghe xao động nắng trưa 
Nghe bàn chân đỡ mỏi 
Nghe gọi về tuổi thơ
Động từ “nghe” được lặp lại, tạo sự lan tỏa của âm thanh tiếng gà không chỉ là mở ra theo chiều rộng không gian mà là sự chuyển động theo chiều sâu của cảm xúc. Đầu tiên là sự thay đổi của ngoại cảnh: Nghe xao động nắng trưa, sau đó là sự xâm lấn vào cảm giác: Nghe bàn chân đỡ mỏi và cuối cùng là sự thấm sâu trong tâm hồn: Nghe gọi về tuổi thơ. Điệp từ nghe cùng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã diễn tả tinh tế diễn biến cảm xúc ấy trong tâm hồn người chiến sĩ. Tiếng gà mở đầu bài thơ là một âm thanh của thực tại, vẳng đến từ nơi nào đó trong xóm nhỏ. Nhưng đến cuối khổ, nó đã trở thành âm thanh vọng về từ kí ức, khi người chiến sĩ chìm trong giây phút trầm lắng để thả hồn miên man theo tiếng gọi tuổi thơ.
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng
Nhân vật trữ tình đã ngược dòng thời gian để trải nghiệm lại những cảm xúc trẻ thơ trong sáng. Đó là niềm thích thú khi nâng niu ổ trứng hồng ấm áp, là niềm vui say khi ngắm nhìn không chán mắt màu hoa, màu nắng trên mình mỗi chú gà đẹp như trong tranh. Từ hình ảnh đàn gà và ổ trứng, người bà xuất hiện trong sự kết nối tự nhiên của mạch cảm xúc, kí ức về những năm tháng tuổi thơ của người cháu.
Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng
- Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng

Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp
Tất cả những tái hiện về ngôn ngữ, hình ảnh người bà đều hiện lên trong niềm xúc động của người cháu khi được sống lại trong tình yêu thương và sự chăm chút của bà. Những mảnh kí ức ấy có kỉ niệm thơ dại tò mò xem gà đẻ trứng bị bà mắng, có cả một tuổi thơ sống trong sự tần tảo, chắt chiu, hi sinh quên mình của bà:
Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông đến
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Sự kéo dài của chuỗi thời gian “cứ hàng năm hàng năm” cũng là sự lặp lại của bao nỗi lo âu, mong mỏi đã dệt nên đời bà. Bà đổi những lo âu, mong mỏi và chắt chiu ấy chỉ để lấy nụ cười được bộ quần áo mới của đứa cháu nhờ tiền bán gà mà có. Đó là món quà gói trọn tình cảm yêu thương và hi sinh của bà nên ấm áp và thiêng liêng vô cùng.
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh trúc bâu
Đi qua nghe sột soạt
Những câu thơ giản dị mà dồn nén bao cảm xúc. Đó không chỉ là niềm vui trong quá khứ của đứa cháu nhỏ được quà mà còn là niềm xúc động rưng rưng trong hiện tại của người chiến sĩ khi thấm thía tình cảm của người bà thân thương.
Tiếng gà, ổ trứng và niềm hạnh phúc mà bà mang lại đã trở thành suối nguồn yêu thương nuôi dưỡng và ghi dấu trong tâm hồn người cháu:
Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ    
Giấc ngủ hồng sắc trứng
Hạnh phúc tuổi ấu thơ trong tình thương yêu bao la của người bà gắn với hình ảnh ổ trứng hồng không thể nào kể hết. Tất cả khắc in đậm nét trong lòng ngay từ tuổi dại thơ hồn nhiên. Hạnh phúc ngập tràn đến mức đi cả vào giấc ngủ của cháu mà thành Giấc ngủ hồng sắc trứng. Không có những niềm hạnh phúc ngập tràn ấy chắc chắn cái âm thanh “Cục… cục tác cục ta” hết sức bình thường chẳng thể làm xao động tâm hồn người chiến sĩ.
Từ những giấc ngủ bình yên được ru bởi tiếng gà Tiếng gà trưa/ Mang bao nhiêu hạnh phúc đến bếp lửa tình bà Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa!” trong thơ Bằng Việt đã gói gắm niềm hạnh phúc trẻ thơ có hình ảnh người bà và những kỉ niệm tuổi thơ. Những điều ấy đã đi sâu vào tâm thức và trở thành một phần thiêng liêng trong lòng người cháu. Đó chính là một động lực mạnh mẽ để người chiến sĩ hôm nay quyết tâm chắc tay súng.
Khổ thơ cuối, mạch cảm xúc quay trở lại hiện tại một cách tự nhiên bởi chính mối liên hệ sâu sắc ấy:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
Giọng thơ vẫn nhẹ nhàng nhưng mỗi lần điệp từ vì được lặp lại, dường như cảm xúc lại lắng sâu thêm để tìm về với ngọn nguồn gần gũi và thiêng liêng nhất. Những yếu tố tạo nên động lực của lòng quyết tâm chiến đấu ở người cháu qua từng dòng thơ mỗi lúc một thu hẹp lại về phạm vi: Tổ quốc - xóm làng - người bà - tiếng gà, ổ trứng đã nói lên một quy luật tình cảm vô cùng giản dị: tình cảm gia đình làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, đất nước và sự thống nhất giữa hai tình cảm cao đẹp này là cội nguồn sức mạnh tinh thần của mỗi người lính.
Lòng yêu nước cũng không phải là cái gì xa xôi, lớn lao hay trừu tượng. Đó có thể chỉ là yêu một bếp lửa ấp iu như Bằng Việt; yêu một tiếng gà cục tác, một ổ rơm trứng hồng như Xuân Quỳnh... Nên ở một góc độ nào đó, sự thu hẹp phạm vi ở khổ thơ cuối là cách thức cụ thể hóa lòng yêu nước, làm nổi bật chân lí giản dị: Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.  
Cách thể hiện lòng yêu nước của Xuân Quỳnh thật tự nhiên. Từ cái bình thường của cuộc sống mà gợi những suy tưởng, cảm hứng để lòng yêu nước của bài thơ được cất cánh. Bài thơ được mở đầu bằng tiếng gà trưa, nó xuất hiện trong bài thơ đến sáu lần để gọi về tuổi thơ và kết thúc là tiếng gà gọi dậy trong người chiến sĩ lòng yêu nước.
Tiếng gà xuất hiện trong đoạn kết nhuần thấm vào tâm trí người đọc. Phần chủ yếu của bài thơ là dòng hoài niệm hết sức hồn nhiên nhưng có cả mạch ngầm suy tưởng và nếu không có mạch suy tư ởng ấy thì dòng hoài niệm kia thật khó có thể hồn nhiên đến thế!
Cảm xúc trong bài thơ là cảm xúc điển hình được thể hiện qua những chi tiết bình thường, giản dị, không có gì đặc biệt mà vẫn xúc động bởi sự chân thành. Dù là nỗi lòng riêng tư của ai, nếu tâm trạng ấy gợi được đồng cảm thì đều có giá trị phổ quát. Và những ai biết trân trọng quá khứ tuổi thơ, mang nặng nghĩa tình với gia đình, quê hương, mỗi lần hồi nhớ quá khứ đều có thể gặp hình bóng của mình trong Tiếng gà trưa.


1 nhận xét:

Unknown nói...

ui cha! đọc xong thấy thèm tô mì gà nhà Lê Đức Thịnh wá, có con gà nào lên ổ không zậy ta.
Hẹn hè ni có dịp rủ ae zô nhà MN ăn mì gà nhe..