12/10/12

223. TÌM HIỂU MỘT BÀI CA DAO TRỮ TÌNH DƯỚI GÓC NHÌN TỰ SỰ

  Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh

Tình cảm trong ca dao là những đóa hoa hương sắc muôn màu, tô điểm cho đời sống dẫu cho nỗi lòng mang đầy những giọt nước mắt xót xa.… nhưng đôi khi cũng làm dịu bớt bi kịch, nỗi buồn trong đời sống dân dã. Có hàng trăm hàng ngàn cách khác nhau để người bình dân bày tỏ thổ lộ tình cảm qua ca dao, chẳng ai giống ai nhưng nó sẽ phù hợp với hoàn cảnh của từng người, từng lúc.
Bài ca dao “Mình nói dối ta mình hãy còn son” là một minh chứng tiêu biểu:
Mình nói dối ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ, thấy con mình bò
Con mình những trấu cùng tro
Ta đi xách nước rửa (tắm) cho con mình.
Bài ca dao có hai dị bản, dị bản thứ nhất gồm bốn câu như trên; dị bản thứ hai gồm sáu câu, có thêm hai câu cuối như sau:
(...)
Con mình vừa đẹp vừa xinh
Một nửa giống mình, nửa lại giống ta.
Trong bài này chúng tôi sử dụng dị bản “sáu câu” bởi có đủ cơ sở cần thiết để lí giải và bình luận nội dung và nghệ thuật của bài ca dao độc đáo có một không hai này.
 Điều hiển nhiên nó được xếp vào loại tác phẩm trữ tình. Tuy nhiên bài ca dao có khá đầy đủ các yếu tố của một tác phẩm tự sự như: nhân vật, cốt truyện với những diễn biến mâu thuẫn, có thắt nút, cao trào, mở nút và cuối cùng đi đến một kết thúc nhân văn. Vậy hãy thử đọc lại bài ca dao trữ tình này với cái nhìn của các yếu tố thi pháp tự sự.
Thi pháp hiểu một cách ngắn gọn “dễ hiểu” nhất là những biện pháp tạo nên những giá trị đặc sắc về nghệ thuật, thẩm mỹ của tác phẩm văn nghệ, tác giả, thể loại, trào lưu...
Có rất nhiều thi pháp được đề cập đến, riêng với phương thức tự sự, những nội dung cơ bản được đề cập đến là:
- Thi pháp nhân vật 
- Thi pháp cốt truyện                        
- Thi pháp không gian nghệ thuật
- Thi pháp thời gian nghệ thuật       
- Thi pháp kết cấu                           
- Thi pháp ngôn ngữ (lời văn) nghệ thuật …
Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin lược xét hai yếu tố chính của thi pháp tự sự trong bài ca dao là: nhân vật và cốt truyện.
1.      Nhân vật:  
        Nhân vật là hình tượng trung tâm của tác phẩm tự sự. Thi pháp học xem xét nhân vật ở ba khía cạnh: tính cách nhân vật, quan niệm nghệ thuật về con người, nghệ thuật miêu tả nhân vật. Nhân vật trong tác phẩm tự sự thường có hai kiểu: nhân vật tính cách và nhân vật chức năng.
Trong bài ca dao tác giả dân gian đã xây dựng nhân vật chính theo loại nhân vật tính cách, tính cách của các nhân vật chính biểu hiện rõ qua hành động, ngôn ngữ cụ thể. Còn một số nhân vật phụ thuộc loại nhân vật chức năng nhằm hoàn thiện tính cách của nhân vật chính.
Tác giả đồng thời là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, cũng là một nhân vật  xưng “ta” trong câu chuyện. Có thể xem đây là nhân vật chính của tác phẩm. Nhân vật thứ hai là cô gái, được gọi là “mình”.
“Mình - ta” là cách xưng hô khá quen thuộc trong nhiều bài ca dao:
“Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”

 “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình” …
Trong thực tế quan hệ nam nữ, việc sử dụng cặp từ xưng hô “ta – mình” khi tình cảm đã trở nên hết sức gắn bó. Vậy nên có thể hiểu rằng, mối quan hệ giữa hai nhân vật chàng trai và cô gái trong bài đã rất thân thiết. Tính cách của nhân vật chính là chàng trai thể hiện rất rõ qua hành động và ngôn ngữ mà chúng tôi sẽ nói ở phần sau.
***
Có một nhân vật phụ nhưng rất đáng chú ý đó là “con mình”. Nhân vật này thuộc loại nhân vật chức năng, xuất hiện trong câu chuyện với tư cách là “người trong cuộc” có vai trò quyết định sự tồn tại của chuyện tình yêu giữa “ta”“mình”. Nhân vật “con mình” còn rất nhỏ, mới biết bò chứ chưa biết chạy, được lặp lại đến bốn lần, xuất hiện làm cho câu chuyện đi vào bước ngoặt bởi nó là một minh chứng cho thấy cô gái đã từng nói dối chàng trai.
Tuy nhiên nhân vật này lại xuất hiện ở hai trạng huống đối lập nhau: mở đầu là nhem nhuốc “những trấu cùng tro”, kết thúc là “vừa đẹp vừa xinh” qua đó làm nổi bật tính cách của nhân vật chính.
Ngoài ra còn có một nhân vật chức năng nữa không hiện ra ở một câu, một chữ nào trong bài, nhưng buộc chàng trai và người đọc phải suy ngẫm tới, đó là nhân vật cha của đứa bé. Nhân vật này có vai trò buộc chủ thể và người đọc phải đặt mình vào một sự liên tưởng vì sao cô gái lại nói dối chàng trai ? Hoàn cảnh gia đình hiện nay của cô ra sao? ...
2. Cốt truyện:
Cốt truyện chính là hệ thống diễn biến phản ánh những mâu thuẫn và xung đột. Cốt truyện được hình thành chủ yếu là nhờ hành động của nhân vật. Hành động là sự thể hiện các tình cảm, tư tưởng của con người. Cốt truyện chỉ là những mối xung đột cơ bản, còn chuỗi các biến cố cụ thể trong đó diễn ra những mối xung đột cơ bản thì được gọi là chuyện.
Ở bài ca dao này, chàng trai là chủ thể bộc lộ tình cảm với cô gái. Hành động của chàng chủ yếu là hành động ngôn ngữ. Chàng nói  liên tục những điều cần nói và muốn nói. Qua những điều chàng nói, chúng ta có thể hình dung diễn biến của câu chuyện. Còn cô gái chỉ im lặng lắng nghe và chờ đợi đón nhận. 
Câu thứ nhất chàng trai nhắc lại lời của cô gái trước đây khi cô nói về mình, lời lẽ xưng hô “mình-ta” thân mật, nhưng nghiêm túc: “Mình nói dối ta mình hãy còn son”.
Từ điển tiếng Việt giải nghĩa từ “son” như sau:
a. Còn trẻ và chưa có con cái, tuy đã có vợ có chồng: Đôi vợ chồng son.
b. Còn trẻ, chưa có vợ, có chồng: Con gái son.
Nếu hiểu theo nghĩa thứ nhất, thì có nghĩa là cô gái trong bài ca dao đã có chồng mà chưa có con nhưng hiện nay vì lí do nào đó cô ở một mình (chồng chết, chồng bỏ hay bỏ chồng). Hiểu như vậy thì phạm vi và mức độ nói dối của cô gái ít hơn, sự bất ngờ của chàng trai cũng nhẹ hơn.
Còn nếu hiểu từ “son” theo nghĩa thứ hai, thì phạm vi và mức độ nói dối của cô gái nhiều hơn, sự bất ngờ của chàng trai do đó cũng lớn hơn, nặng hơn.
Cũng có thể cô gái chưa có chồng nhưng đã có con vì sự lỡ làng, cho nên cô gái phải giấu giếm, chưa dám nói thật với chàng trai (nghĩa là một sự nói dối đáng thương).
Dù hiểu từ “son” theo cách nào thì cũng có nghĩa là cô gái đã nói dối và chàng trai đã trực tiếp phát hiện ra sự nói dối đó. Và chàng trai nêu lên sự nói dối của cô gái để làm gì? Đây là điểm “mở nút” của câu chuyện để chuỗi sự việc bắt đầu phát triển. Có phải chàng trai nói ra điều ấy nhằm mục đích vạch ra sự thiếu thành thực của cô gái để mỉa mai và từ bỏ cô ta không, hay còn nhằm mục đích nào khác nữa? Câu mở đầu  tạo ra một sự kiện, một tình huống “có vấn đề”. Hãy theo dõi tiếp diễn biến của câu chuyện.
Câu thứ hai chàng vẫn dùng ngôn ngữ ôn tồn, thân mật: “Ta đi qua ngõ, thấy con mình bò”. Có thể hiểu rằng chàng trai vô tình đi qua ngõ nhà người yêu, nhưng cũng có thể là chàng trai cố tình đi qua ngõ nhà nàng để mong nhìn thấy bóng hình quen thuộc. Nhưng người mà chàng trai nhìn thấy, lại là... con của người yêu mình. Khi nói rằng, ta đi qua ngõ thấy con mình mình bò, nghĩa là chàng trai đã có cơ sở để khẳng định rằng đứa bé đó không phải là con người khác, mà là con của cô gái. Chi tiết “thấy con mình bò” cho thấy đứa con của cô gái còn rất bé. Chi tiết này làm cho câu chuyện phát triển, bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn ngay trong trạng huống cụ thể: chàng trai phát hiện có điều khuất tất; cô gái đã nói dối chàng về tình trạng hiện tại của mình, rằng cô ấy còn son, nhưng thực ra không phải như vậy. Đây là lời khẳng định của chàng trai từ sự thẩm định qua thực tế chàng đã nhìn thấy sự thật nàng có con nhỏ.  
Câu thứ ba: không gian nghệ thuật của câu chuyện được mở về phía trong ngôi nhà của nàng, điểm nhìn của người kể chuyện từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, rồi cận cảnh là hình ảnh đứa bé lấm lem đang bò lê một mình. Chàng miêu tả tình trạng đứa trẻ không được sự quan tâm chăm sóc: “Con mình những trấu cùng tro”. Đó là hình ảnh đáng thương của những đứa con bị bỏ rơi. Câu thơ gợi lên nỗi đời cay đắng của cô gái khi chịu nỗi nhục của kẻ bội tình. Đến đây thì sự việc của câu chuyện đã lên đến cao trào: chàng trai cảm thấy đau xót vì phát hiện ra người mình yêu đã nói dối, nàng không những đã có con (không còn son nữa) mà cuộc sống gia đình nàng cũng rất khó khăn, nàng phải chạy vạy lo toan bỏ bê con cái nhem nhuốc “trấu cùng tro”.
Câu thứ tư: đã có một cuộc giằng co xảy ra trong lòng chàng trai giữa hai lựa chọn: hoặc là quay lưng bỏ đi hoặc bước vào cái ngõ ấy. Kết cục là chàng trai đã quyết định bước qua cái ngõ để “Ta đi gánh nước tắm cho con mình”. Điều ấy cũng có nghĩa là chàng đã bước qua cái tôi của mình, vượt qua ranh giới của sự “chấp” khi tình yêu và lòng tin bị xúc phạm vì sự dối trá của cô gái. Khởi đầu của sự vượt “chấp” là lòng thương cảm đứa bé nhem nhuốc - không nên xem nghĩa cử hào hiệp ấy là sự thương hại. Hành động chàng trai gánh nước tắm cho “con mình” là một hành động cao thượng và đầy lòng nhân ái đối với đứa con bị bỏ rơi của người mình yêu.
 Còn cô gái nghe câu nói và hành động nhân hậu của chàng trai nàng rất xúc động vì bất ngờ. Nhưng với bản thân mình thì vẫn chưa có tín hiệu gì rõ rệt từ phía chàng trai cả, có lẽ cô đang hồi hộp chờ đợi.
Câu thứ năm lại càng đặc biệt và bất ngờ hơn nữa khi chàng trai nhận xét: “Con mình vừa đẹp vừa xinh”. Đó là một lời khen thật bụng, chân thành hay là một lời nói mát? Một đứa trẻ bị bỏ liều, mặt mũi nhem nhuốc bẩn thỉu, sau khi được tắm rửa xong, trông nó trắng trẻo, kháu khỉnh, xinh đẹp. Đó là một điều rất tự nhiên và dễ hiểu. Nhưng nó là con của người khác, nó không phải là con của anh. Anh khen nó “vừa đẹp, vừa xinh” để ngụ ý điều gì đối với mẹ nó?
Đến câu cuối cùng thì cô gái mới hoàn toàn hiểu rõ và thật sự yên tâm. Cái điều mà cô gái chờ đợi, mong mỏi cũng chính là cái điều mà chàng trai ấp ủ muốn nói. Chủ đề và cái thân của bài ca dao đều chủ yếu nằm trong câu cuối: “Một nửa giống mình, một nửa giống ta”. Đây là một sáng tạo đặc sắc mà giản dị thể hiện tư tưởng tình cảm cao đẹp đầy tình nhân văn. Chàng trai chỉ nói về đứa bé nhưng lại thể hiện được đầy đủ và sâu sắc tình yêu của mình đối với cô gái. Qua câu này, chàng trai đã nói được với cô gái điều không tiện nói ra.
Lúc này cô gái mới thực sự yên tâm vì biết rõ chàng trai không chỉ hiểu mình mà còn yêu mình. Chàng thông cảm, chấp nhận quá khứ của mình. Diễn biến của câu chuyện từ lúc thắt nút, sau lúc lên đến cao trào là lúc mở nút. Những rắc rối mâu thuẫn đã được giải quyết. Chuyện đi đến một kết thúc “có hậu”.
Trong lí luận văn học người ta phân ra hai loại cốt truyện là: cốt truyện đơn giản và cốt truyện phức tạp. Ở cốt truyện phức tạp, hành động của nhân vật luôn diễn ra qua đột biến và nhận thức. Đột biến tức là sự thay đổi sự kiện theo chiều ngược lại và sự chuyển biến từ chỗ không biết đến biết thông qua đột biến là sự nhận biết có ý nghĩa nhất.
Mặc dầu chỉ có ba cặp câu lục bát đơn giản nhưng bài ca dao đã dựng nên một câu chuyện phức tạp có thắt nút – đột biến – cao trào – mở nút; cuối cùng là sự chuyển biến nhận thức của nhân vật.
Như thế, cốt truyện và tính cách nhân vật luôn gắn bó chặt chẽ. Chất lượng của cốt truyện đã tạo nên sức hấp dẫn của chuyện, mặt khác tính cách nhân vật làm cho chuyện kể phong phú có ý nghĩa về mặt tư tưởng, nhận thức và thẩm mỹ.
Toàn bộ bài ca dao là lời kể về một chuỗi sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Trong lời kể ấy không có một từ nào trực tiếp nói về tình cảm của “mình” đối với “ta” nhưng vẫn toát lên tình cảm chân thành, chia sẻ, cảm thông, cao thượng, vị tha.
Hai phương thức tự sự và trữ tình kết hợp nhuần nhuyễn với nhau tạo nên nét riêng của bài ca dao. Kết cấu chuyện hết sức chặt chẽ, không thừa một hành động, một lời nói của nhân vật, tất cả diễn hết sức tự nhiên. 
Bài thơ mở đầu bằng chữ “mình”, kết thức cũng bằng chữ “ta”
“Ta - mình” hòa quyện nhau khiến cho người đọc có quyền tin tưởng kết thúc có hậu đầy tính nhân bản.
Vậy nên người viết xin mượn hai câu trong màn đoàn viên của Truyện Kiều để thay cho lời  kết :
Thân này gạn đục khơi trong
Là nhờ quân tử khác lòng người ta.
                                          (Nguyễn Du – Truyện Kiều).


2 nhận xét:

Thu Sen nói...

Thật quả là một cách nhìn độc đáo sâu sắc và đầy tính nhân bản của một tâm hồn nghệ sĩ cao thượng yêu con người và yêu cuộc đời.

HUỲNH VĂN CÁT nói...

Bài viết mạch lạc, logic, hiện dại, có mốt góc nhìn riêng biêt. và đọc đáo.
Bạn nói dối ta bạn chưa dợ chưa con
Thì ta dối bạn còn son , rứa thì huề