26/10/14

496. VĂN CHƯƠNG THÊM MỘT LẦN NHẬP THẾ

          Lâm Việt
Văn chương vốn đã tồn tại như một hình thái ý thức khá đặc biệt kể từ khi lìa khỏi khối nguyên hợp để tự làm thành một vẻ đẹp riêng với yếu tố lời. Nhưng trong suốt bấy nhiêu năm tồn tại của mình, không phải lúc nào văn chương cũng trở thành một học phong, bẩm thụ “tinh thần thời đại” hay được coi là tiêu chí để tuyển chọn người tài.
       Dẫu vẫn biết những biểu tượng, ý tứ luôn lặn vào tiềm thức con người làm nên sự phong phú, lương thiện của tâm hồn, nhân cách. Nhưng, mỗi lần văn chương công khai nhập thế đều đem lại những hiệu ứng và cảm xúc khá đặc biệt mà theo dự kiến lộ trình đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thì môn Ngữ văn trở thành môn bắt buộc cho các khối thi cũng không phải là ngoại lệ. 
Trước tiên phải kể đến lần đầu tiên văn chương trở thành nội dung thi cử là vào thế kỉ XV, trong kì thứ III, với nội dung thi thơ, phú; kì thứ IV thi văn sách (kiểm tra khả năng biện bác, bàn luận của sĩ tử). Trong những lần thi đó, các bài văn được làm theo thể thất ngôn; thể sách văn khoa thi năm 1442 với bài văn của Trạng nguyên Nguyễn Trực bàn về “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
          Bước sang thế kỉ XX, khi nền văn chương quốc ngữ xuất hiện và trưởng thành, văn chương và báo chí đã thành tiếng nói có sức thuyết phục nhất đối với thời đại. Đặc biệt, những sáng tác này được những bạn trẻ thời ấy đề cao như một chỗ dựa tinh thần, một nhà canh tân đem đến làn gió mới về lí tưởng sống: Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Nhà văn mà được nam nữ thanh niên yêu chuộng, được họ coi là người hiểu biết tâm hồn họ hơn cả, có lẽ chỉ có Khái Hưng... Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên Việt Nam cũng như Alfred de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa... Khái Hưng, như người ta đã thấy, là một nhà tiểu thuyết có biệt tài... ông lại để tâm đến những việc cải cách hủ tục trong gia đình Việt Nam, nên những tiểu thuyết phong tục của ông đều là những tiểu thuyết có giá trị”.
Sang giai đoạn đổi mới đất nước, văn chương đã khẩn trương bắt nhịp với đời sống thế sự qua các bài phóng sự như: Cái đêm hôm ấy... đêm gì? của Phùng Gia Lộc; Người đàn bà quì của Trần Khắc; Câu chuyện về một ông vua lốp của Nhật Linh;Người lang thang không cô đơn của Minh Chuyên; Lời khai bị can của Trần Huy Quang... 
Tuy nhiên, từ đời sống văn nghệ đến trang sách học trò, từ văn chương đương đại đến văn học nhà trường luôn có một khoảng cách không nhỏ. Không phải bất cứ tác phẩm nào cũng đảm bảo những tiêu chí mĩ học để trở thành văn bản để đọc hiểu; không phải đề thi nào gắn với vấn đề nóng hổi của đời sống cũng thu hút được sự chú ý của học sinh và thức tỉnh được ý thức trách nhiệm để các em mạnh mẽ bày tỏ thái độ, chính kiến của mình. Trong lần đổi mới nội dung thi này, môn Văn đã được chọn là một trong ba môn bắt buộc với các khối thi. Điều đó hẳn sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng khác nhau trong dư luận xã (nói chúng), với người quan tâm văn chương (nói riêng).
Trước tiên, môn Văn đang được kì vọng để lấp đầy những lỗ hổng của văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ. Bằng chứng là, ở đâu ta cũng thấy dư luận bức xúc trước thái độ ứng xử của một bộ phận giới trẻ. Nó đập ngay vào mắt chúng ta từ cung cách đi đứng, dội ngay vào tai chúng ta từ những tiếng chửi thề, sự vô trách nhiệm khi tham gia giao thông và đối xử vô trách nhiệm, ích kỉ, tàn độc ngay cả với những người cùng gia đình, huyết tộc, với bạn bè trang lứa... Rồi cả khi chúng ta nghe các em ăn nói trước đám đông bằng những lời ấp úng không ra câu, đọc văn bản không ngắt nghỉ được dấu chấm, dấu phẩy chứ chưa dám nghĩ đến ngữ điệu trầm, bổng hay giọng diễn cảm, biểu cảm. Những thày, cô giao nào đã từng chấm thi tuyển sinh, thi học phần những năm gần đây hẳn sẽ không quên chuyện những bài văn dài mấy mặt giấy thi mà có khi chỉ có một dấu chấm hết bài với hàng chục dấu phẩy vô lối. Trong khi ấy các em vẫn có điểm tổng kết, xếp loại bằng tốt nghiệp phần đông ở dạng “khá và giỏi” thì đương nhiên sẽ khiến các nhà quản lí đau đầu như lời bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo sai nhiều ngữ pháp sai, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không được tốt”. Hoặc giả, là những nhầm lẫn, mơ hồ về lịch sử dân tộc, không hề nhớ những chiến công hiển hách mà lại thuộc làu những chiến tích trong truyện chưởng, truyện tranh, phim cổ trang Trung Quốc...
Xét cho cùng sẽ chẳng có môn học nào thay thế được sự thiếu hụt và mất giá của các môn học khác. Cũng như, những tác phẩm văn chương, những bài ngữ pháp không thể gánh vác thay trách nhiệm giáo dục nhân cách con người, nâng cao kĩ năng nói, viết tiếng mẹ đẻ của gia đình và xã hội. Chỉ có điều, khi giá trị tâm hồn được đề cao, khi các nhà hoạch định và quản lý giáo dục nhận thức được rằng dù đào tạo ra một cán bộ thuộc ngành chuyên môn nào thì trước tiên đó phải là con người hoàn thiện với đúng nghĩa: có tâm hồn con người, biết yêu quý, trân trọng con người, có tình người. Sẽ là quá lỗi thời nếu giữ những khối thi từ thời kháng chiến, khi phẩm chất chính trị, tinh thần cách mạng luôn tràn trề và cần phải học nhanh gấp để ra chiến trường để củng cố hậu phương. Nếu vẫn giữ nguyên cách làm cũ ấy thì khác nào chúng ta đang rô-bốt hóa, vô cảm hóa học trò. Nhưng nếu chỉ cần môn Văn, chỉ phó mặc cho văn chương mà không chấn chỉnh lại tính nhân văn từ tất cả hệ thống kiến trúc thượng tầng, không đưa các em vào những chương trình thực hành văn hóa, được tự viết, tự nói lên tiếng nói của mình thì có lẽ lần nhập thế này môn văn sẽ còn gian nan lắm. Nghĩ thế và hi vọng như thế.
          Nguồn: Toquoc

Không có nhận xét nào: