Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh
(Nội dung trao đổi trong một chuyên đề)
Vấn đề nội dung
và phương pháp dạy văn bản không bao giờ ngưng những lời bàn cãi, đổi mới vì bản
thân văn học nghệ thuật là sự chuyển động sáng tạo từ tác giả đến bạn đọc có
thông qua hình tượng, cảm xúc và trình độ thưởng thức văn chương của mỗi cá
nhân. Và tùy theo cách nhìn nhận vấn đề rèn luyện kĩ năng cảm thụ văn bản cho học
sinh mà người dạy có cách tiếp cận phương pháp khác nhau.
Nhiều nước trên
thế giới nhìn nhận bản chất của dạy môn văn trong nhà trường là đọc văn – tức
là dạy cho học sinh năng lực đọc, đọc để hiểu văn bản. Từ đọc hiểu văn mà nhận
các giá trị thẩm mỹ của văn bản thông nghệ thuật ngôn từ. Do đó hiểu bản chất
môn văn là môn dạy đọc văn sẽ giúp cho việc thông qua dạy văn mà phát triển
năng lực tư duy, cảm nhận của học sinh.
Khái niệm đọc –
hiểu văn bản trong dạy học ngữ văn hiện nay còn bị xem nhẹ mà thiên về dạy cảm
thụ, phân tích văn bản.
Đọc - hiểu có
nghĩa là vừa đọc vừa tìm hiểu. Vì trong thực tế có người đọc mà không hiểu hoặc
hiểu song không hết các lớp nghĩa tiềm ẩn trong văn bản, nhất là văn bản nghệ
thuật.
Lâu nay ít ai
nói tới việc dạy đọc, tức là dạy cho học sinh hoạt động làm việc với các yếu tố
ngôn ngữ để hiểu sâu văn bản. Hình như người ta cho rằng đọc hiểu là việc rất
giản đơn, chỉ cần dạy cảm thụ cái hay của văn bản thôi.
Đó là một nhận
thức sai lầm.
Nội dung khái niệm
đọc rất rộng, nhưng cấp độ sơ đẳng nhất người đọc phải nắm bắt đúng thông tin
trong văn bản thì mới có thể nói tới các khâu tiếp theo như cảm thụ thẩm mỹ, tiếp
nhận giáo dục, năng lực tư duy sáng tạo. Bởi vì giá trị thẩm mỹ, cái hay, cái đẹp
như là những thông tin mà mình đã nắm bắt được cho học sinh, học sinh học thuộc
những thông tin ấy để dùng vào việc làm bài và như vậy trên thực tế học sinh
nói chung là không đọc văn, không tự mình hiểu văn và không có kỹ năng tự đọc
văn. Thậm chí nói chung tự học sinh cũng không đọc SGK, bởi vì nhiều giáo viên
có thói quen tóm tắt SGK và ghi lên bảng cho học sinh chép. Mà đã không tự mình
đọc hiểu văn thì không thể trau dồi viết văn cho tốt được, bởi lẽ chỉ những ai
đọc hiểu văn mới viết được vănvà ngược lại cũng vậy. Do không có năng lực đọc hiểu
cho nên nếu cho một văn bản chưa học cùng loại với văn bản đã học trong SGK chắc
chắn là đại đa số học sinh sẽ khó khăn và nói chung là không đọc hiểu được.
Chương trình ngữ
văn THCS đã chỉ rõ mục tiêu của môn Ngữ văn về kĩ năng là "học sinh phải
có kĩ năng nghe đọc một cách hiệu quả. GS Nguyễn Khắc Phi viết trong lời mở đầu
cuốn sách giáo viên (SGV) Ngữ Văn 6 (tập1, NXB Giáo dục, 2000) đã nhấn mạnh
"Đọc - hiểu văn bản là hoạt động quan trọng và trực tiếp giúp học sinh đạt
được kết quả đọc văn trong mục tiêu Ngữ văn tích hợp”...
Tuy nhiên khái
niệm đọc - hiểu do chưa đủ bao quát hoạt động đặc thù của việc tiếp cận, chiếm
lĩnh một văn bản văn chương cho nên dễ gây ngộ nhận hiểu lầm là đọc văn chỉ có
đọc hiểu, chỉ chú trọng hiểu biết trí tuệ mà coi nhẹ đọc cảm xúc, đọc văn
chương, coi nhẹ đồng thẩm mĩ, đồng thể nghiệm, đồng sáng tạo. Khái niệm đọc -
hiểu văn chương cần phải hiểu là phương thức đọc văn nhằm mục đích cảm thụ và
hiểu biết chính xác cặn kẽ tác phẩm văn chương, khám phá và chiếm lĩnh giá trị
văn chương, văn hoá, xã hội mới mẻ và sâu sắc.
Đọc - hiểu là
quá trình lao động vừa gian khổ vừa lý thú, huy động sự tham gia của các phẩm
chất trí tuệ, đặc biệt khả năng tri giác ngôn ngữ để hiểu các tầng bậc, ý nghĩa
chữ nghĩa của tác phẩm; qua đó thức tỉnh, khơi gợi những khả năng liên tưởng,
tưởng tượng mà hiểu, chia sẻ, đồng cảm.
Đọc - hiểu là một
hoạt động cơ bản của con người để chiếm lĩnh văn hóa. Khái niệm đọc - hiểu có nội
hàm phong phú, bao gồm bốn kĩ năng cơ bản nghe - đọc – nói - viết; có nhiều cấp
độ gắn liền với lí luận dạy học văn, lí thuyết tiếp nhận văn bản học:
1. Đọc thông, không
vấp váp về ngữ âm, giọng điệu- mức độ đơn giản nhất luôn được chú ý cho đối tượng
học sinh yếu kém.
2. Đọc kỹ để biết
được cách hành văn, dụng ý trong văn bản: chú ý với đối tượng học sinh trung
bình, được xem như "điểm khởi đầu cho những năng lực khác, đặc biệt là
năng lực nhận biết, phân loại và tri giác các văn bản". Đây là giai đoạn
thông hiểu nội dung trên cơ sở tri giác văn bản. Nội dung đọc luôn yêu cầu người
đọc cần thấy phải hiểu những gì đang đọc để nhận thức văn bản .
3. Đọc hiểu thông
điệp trong văn bản mà tác giả gửi đến cho người đọc: yêu cầu cơ bản của dạy học
văn - giáo viên đọc văn bản nghệ thuật kèm theo lời bình luận; đàm thoại nhằm gợi
cho học sinh những ấn tượng trực tiếp về tác phẩm vừa đọc và các bài tập sáng tạo
về những điều học sinh thu nhận được từ văn bản.
4. Đọc để cảm, đế
sống, để thưởng thức: nhằm phát triển cảm thụ nghệ thuật, hình thành những thể
nghiệm nghệ thuật, những khuynh hướng và năng khiếu nghệ thuật cho học sinh bằng
phương diện nghệ thuật.
5. Đọc để sáng tạo
văn bản, để hoàn thiện nhân cách.
Từ đọc thông đến
đọc sáng tạo là một bước dài trong dạy học văn trong đó đọc hiểu là cơ bản nhất
– là mục tiêu tối thiểu của dạy học ngữ văn.
Vậy bản chất của
dạy ngữ văn là dạy cách đọc hiểu cho học sinh chứ không phải là truyền thụ kết
quả đọc của ai đó (của thầy, của sách tham khảo…), qua đó góp phần khắc phục lối
học cũ: thầy đọc trò chép rồi học sinh về nhà học thuộc…
Dạy văn theo hướng
đọc hiểu văn bản sẽ biến giáo viên từ người giảng văn trở thành người hướng dẫn
đọc văn, tăng cường vai trò hướng dẫn của thầy, tạo điều kiện cho học sinh tự học
và thầy chỉ giảng những chỗ quan trọng và cần thiết nhất, khắc phục lối diễn giảng
dài dòng.
Đọc không chỉ
rèn luyện kĩ năng đọc đúng văn bản mà còn là hoạt động có tính sáng tạo trên cơ
sở vốn sống của người đọc. Quan niệm đọc hiểu gắn với việc bồi dưỡng năng lực làm
văn, thẩm văn cho người học để rồi việc đọc văn không chỉ bó gọn khi ngồi trên
ghế nhà trường mà là để học sinh có thể tự học suốt đời, góp phần hình thành củng
cố và phát triển năng lực sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ giúp học sinh có thể
hoà nhập với sự phát triển của thế giới.
*
Bài viết này có tham khảo và sử dụng nhiều nguồn tư liệu chuyên môn.
1 nhận xét:
Hay đó anh Thịnh.
Cảm ơn anh đã bổ sung chuyên đề.
Đăng nhận xét