Trần Trí Dũng
LTS: Truy về nguồn
gốc của vấn đề dạy thêm và những giải pháp có thể đề ra để giảm tải vấn nạn dạy
thêm, học thêm, thầy giáo Trần Trí Dũng đã có bài viết thể hiện quan điểm của
mình. Bài viết này xin
được đánh giá vấn đề dưới góc nhìn nguyên nhân, thực trạng vấn đề một cách
khách quan và toàn diện, tổng hợp từ các nghiên cứu, đánh giá khác nhau để từ
đó có thể có được những giải pháp cụ thể.
1.
Nguồn gốc của dạy thêm, học thêm
Trước hết, phải
nhìn nhận rằng dạy thêm, học thêm là vấn đề có tính lịch sử. Vào những
năm 90 của thế kỷ trước, khi mà các trường Đại học tự chủ trong công tác tuyển
sinh, từng trường được ra đề thi cho trường mình.
Khi đó, các đề
thi của các trường Đại học thường khó, đòi hỏi rất cao đối với thí sinh, nhiều
khi nằm ngoài chương trình phổ thông và vượt qua phạm vi của Sách giáo khoa.
Do đó, việc học
thêm để thi vào Đại học đã trở thành một nhu cầu tất yếu. Từ đó, các
lò luyện thi mở ra tràn lan, thậm chí nhiều học sinh đã nghĩ rằng, muốn đỗ trường
Đại học nào thì phải tới trường đó luyện thi.
Vì thế tình trạng
dạy thêm học thêm đã diễn ra tràn lan, hiện tượng thương mại hóa giáo dục trở
nên phổ biến, gây bức xúc xã hội và ảnh hưởng rất xấu đến quan hệ thầy trò.
Cho tới năm
2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất việc tuyển sinh cho các
trường Đại học theo phương thức ba chung, với chủ trương ra đề thi chung là
không quá khó, không đánh đố học sinh và nằm trong phạm vi Sách giáo khoa của
chương trình Trung học Phổ thông nên tình trạng này bắt đầu giảm dần.
Tới năm 2007, Bộ
Giáo dục và Đào tạo ban hành Sách giáo khoa mới với hai bộ, một bộ được gọi
là chương trình Chuẩn và một được gọi là chương trình Nâng cao, dành cho học
sinh phân ban.
Kể từ đó, hiện
tượng dạy thêm, học thêm đã bùng phát ở mọi cấp học và trở thành một vấn nạn
cho đến bây giờ.
2.
Đâu là nguyên nhân của hiện tượng dạy thêm, học thêm?
Chiều 4/9, trong
buổi họp báo đầu năm học mới 2016 - 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận định, dạy thêm, học thêm là nhu
cầu có thật mà thực tế ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… cũng có tình trạng
này nhưng ở nước ta cần ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực.
Ở đây, cần phải
nhìn nhận rằng, sự học thêm nói chung của học sinh được xuất phát từ một nhu cầu
muốn phát triển khả năng và học tốt hơn.
Theo kết quả
nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giáo dục, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ
Chí Minh về dạy thêm và học thêm do Tiến sĩ Nguyễn Thị Quy, Nguyên Phó viện trưởng
làm chủ nhiệm, với kết quả khảo sát 38 trường phổ thông tại thành phố Hồ Chí
Minh thì trên 70% học sinh có nhu cầu học thêm là muốn nâng cao kiến thức.
Các kết quả
nghiên cứu cho biết, không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới nhu cầu học
thêm, dạy thêm khá lớn, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á.
Khi đó, việc dạy
thêm, học thêm không có gì xấu nếu nhằm mục đích trang bị cho người học thêm hiểu
biết về những vấn đề chuyên sâu phục vụ nhu cầu phát triển, phù hợp với mỗi cá
nhân. Đây là nhu cầu có thật và người dạy thêm nếu đáp ứng nhu cầu đó thì là
hoàn toàn chính đáng.
Do việc học tại
trường không đảm bảo cho các nhu cầu đó, nên học thêm trở thành một nhu cầu tự
thân của các học sinh.
Tuy nhiên, cũng
phải thừa nhận rằng, nhiều học sinh đi học thêm chỉ là do rỗi thời gian, a dua,
và ở nhà thì buồn nên muốn đi học để vui cho có bạn, đến lớp học để tán gẫu.
Về phía giáo
viên, do thời gian trên lớp với khoảng 45 phút cho một tiết học không đủ để
quan tâm hết các học sinh nên nhiều học sinh không nắm được bài, phát huy được
hết khả năng của mình.
Bên cạnh đó, cho
dù đã có sự đổi mới về phương thức thi cử, đổi mới về Sách giáo khoa, nhưng sự
đòi hỏi cao trong các bài kiểm tra, đặc biệt là thi Đại học vẫn khiến cho nhiều
phụ huynh và học sinh băn khoăn, lo lắng.
Cùng với nhu cầu
nâng cao dân trí, phát triển bản thân, tinh thần hiếu học của người Việt Nam
nên đã hình thành một tâm lí chung là cần phải học.
Thực tế cho thấy,
khi Sách giáo khoa đổi mới, đặc biệt là có bộ Sách giáo khoa Nâng cao dành cho
những học sinh có khả năng vượt trội hơn, song lượng kiến thức trong Sách giáo
khoa vẫn không đủ đáp ứng với yêu cầu của kiến thức nói chung.
Sách Nâng cao thực
chất chỉ là nâng lên ở một mức nhất định so với yêu cầu cơ bản. Mặt khác, các
sách bài tập cũng không đáp ứng đủ cho học sinh về kỹ năng và kinh nghiệm làm
bài.
Ngay như một tác
giả viết Sách giáo khoa đã từng nói, Sách giáo khoa chỉ đáp ứng sáu mươi phần
trăm kiến thức.
Khi khảo sát các
đề thi Đại học, có thể nhận thấy, có rất nhiều câu hỏi đòi hỏi cao về kỹ năng
và kinh nghiệm làm bài.
Trong khi việc học
ở lớp, trên cơ sở Sách giáo khoa và sách bài tập không đủ đáp ứng nhu cầu này.
Do đó, việc học thêm đã trở thành như một nhu cầu tất yếu đối với học sinh, đặc
biệt đối với học sinh có năng lực khá giỏi.
Có một thực tế
là, nhiều giáo viên hiện nay hạn chế về năng lực, giảng bài không hiệu quả.
Khi đổi mới Sách
giáo khoa vào năm 2007 cũng là khi đổi mới về phương pháp giảng dạy, nhưng
nhiều giáo viên không đủ kinh nghiệm để theo kịp yêu cầu này.
Trong khi đó, số
lượng giáo viên giỏi là không nhiều nên, học sinh thường tìm đến những giáo
viên được xem là dạy tốt để học thêm.
Tuy nhiên, có những
giáo viên vì thành tích, vì nhu cầu cuộc sống đã "ăn bớt" kiến thức ở
trên lớp để về nhà dạy thêm. Thậm chí, nhiều trường học còn phát đơn về cho phụ
huynh ký nhận cho tự nguyện đi học thêm.
Phụ huynh cho
con đi học thêm vì sợ con mình bị phân biệt, vì thế, học thêm đã trở thành một
nhu cầu tâm lí tế nhị. Học sinh không đi học thêm ở chỗ các giáo viên thì sợ bị
điểm kém, không được biết các đề bài kiểm tra.
Nhiều em đi học
thêm rồi, thấy không hiệu quả nhưng e ngại, không dám xin nghỉ, do đó, mặc dù
đã bị cấm nhưng việc học thêm dạy thêm vẫn diễn ra một cách lén lút, nhiều khi
công khai.
Tuy thế, nhiều
nơi các phụ huynh vẫn tạo điều kiện để cho các giáo viên tổ chức dạy thêm.
Con chưa vào lớp
1 nhưng lo rằng khi vào lớp con sẽ không theo kịp các bạn, do các cháu khác đã
được học trước khi đến lớp, vì thế, nhiều phụ huynh đã cho con đi học trước kiến
thức lớp 1 là vì vậy.
Bên cạnh đó, nhiều
giáo viên vì muốn tăng thu nhập, "làm kinh tế" nên đã dùng nhiều
"chiêu trò" để lôi kéo học sinh, tổ chức dạy thêm, việc dạy thêm, học
thêm càng diễn ra nan giải hơn!
Theo Tiến sỹ
Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, trước hết, cần phân biệt
học thêm xuất phát từ nhu cầu thực sự với học thêm theo kiểu trào lưu, chạy đua
hoặc bị ép buộc.
Tuy nhiên, việc
học thêm, dạy thêm tràn lan theo cách các giáo viên đang thực hiện hiện nay chỉ
đem đến nguy cơ khiến cho nền giáo dục càng tụt hậu, thay vì phát triển tiến
lên.
Học sinh học
thêm là được thầy chỉ bảo, hướng dẫn, dẫn tới thói quen không tốt, thụ động chờ
đợi được làm hộ, chỉ sẵn, mớm bài thay vì phải tự mình vận động, tư duy (theo
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam).
Có một thực tế
là, xã hội chúng ta luôn coi trọng thành tích, coi trọng bằng cấp và tư tưởng
không muốn thua kém người khác.
Trong nhà trường
thì cấp trên giao chỉ tiêu chất lượng, tổ chức rất nhiều cuộc thi như thi học
sinh giỏi cuối cấp, thi toán trên mạng, văn hay, chữ tốt, thi tiếng Anh qua mạng…
Khi mỗi cuộc thi
kết thúc lại nhìn vào bảng thành tích cao để ca ngợi, trường có thành tích thấp
để nhắc nhở, phản bác, đánh giá.
Trong tuyển dụng,
bổ nhiệm thì coi trọng bằng cấp, học vị. Đối với các dòng họ, gia đình thì vẫn
còn tư tưởng “con gà tức nhau tiếng gáy” không muốn con cháu mình thua kém người
khác nên luôn đốc thúc, kèm cặp và đầu tư con em mình phải hơn người khác hoặc
chí ít cũng phải bằng.
Tại các trường học,
cấp trên thường giao chỉ tiêu đầu năm, cuối năm; khi thi thì đảo lộn lớp và xếp
theo số báo danh nên giáo viên nào cũng sợ lớp mình có điểm số thấp hơn lớp
khác đành phải tìm cách để dạy thêm cho học sinh mình nếu không lại bị phê bình
lên, xuống, cắt thi đua, đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ thấp.
Mà trong một tập
thể, người ta cũng rất ngại mình bị đánh giá thấp, hơn nữa, với rất nhiều cuộc
thi mà ngành Giáo dục đang tổ chức như hiện nay thì việc dạy thêm để học sinh đạt
giải và khẳng định “thương hiệu” của mỗi giáo viên là vấn đề ai cũng phải hướng
tới.
Về phía các phụ
huynh, với điều kiện kinh tế gia đình được nâng lên thì ai cũng hướng tới một
tương lai tốt đẹp, muốn đầu tư cho con cho dù tốn kém, vất vả mức nào.
Hơn nữa, trong số
các phụ huynh, một bộ phận cán bộ công chức Nhà nước đi làm cả ngày nên không
có người trông nom con cái thì việc chi mỗi tháng vài trăm ngàn gửi thầy, cô
kèm cặp dù sao vẫn tốt hơn để con mình ở nhà một mình, mặc con chơi các trò
chơi vô bổ khác.
Về mặt pháp lý,
mặc dù năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 17 quy định về
dạy thêm và học thêm, nhưng trong đó lại có quy định rằng, giáo viên không được
tổ chức dạy thêm nhưng vẫn được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường (điều 4).
Chính vì thế mà
đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Mặt khác, năm
2013, Chính phủ đã có Nghị định số 138 quy định việc xử phạt hành chính trong
lĩnh vực giáo dục, trong đó có quy định về việc xử lí đối với hoạt động dạy
thêm (điều 7), tuy nhiên những quy định này chủ yếu áp dụng cho các tổ chức, cá
nhân dạy thêm ngoài nhà trường, trong khi đó đối tượng dạy thêm chủ yếu là các
giáo viên thì lại không có quy định cách xử lí cụ thể khi có vi phạm (!).
Vì thế mà nhiều
địa phương đã rất lúng túng trong xử lí đối với vấn đề này.
Với tất cả các
nguyên nhân trên đây đã khiến cho thực trạng dạy thêm, học thêm trở nên trầm trọng
và rất nan giải.
Cũng tại buổi họp
báo ngày 4/9 đầu năm học mới của Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng cũng đã nói,
muốn giảm dạy thêm, học thêm phải có lộ trình, trong đó có cả chỉnh sửa
chương trình thi cử và chỉnh sửa chương trình Sách giáo khoa.
3.
Một số giải pháp nhằm giảm vấn nạn dạy thêm, học thêm
Trên cơ sở các
phân tích, trên đây, chúng tôi đề nghị một số giải pháp nhằm giảm thiểu tính
tiêu cực của thực trạng này.
Một là, hiện nay
đã có một sự thay đổi là kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông và thi vào Đại học
được tổ chức chung, trên cơ sở chung một đề thi, có sự phân loại học sinh.
Và Nhà nước đã
có chủ trương viết lại Sách giáo khoa, do đó, ngoài tính phổ cập, Sách giáo
khoa mà đặc biệt là sách bài tập cần theo hướng này, và tăng cường những lượng
kiến thức cần thiết để bổ sung kỹ năng và kinh nghiệm làm bài cho học sinh.
Để những yêu cầu
của Sách giáo khoa cũng gần với yêu cầu về trình độ nói chung đặt ra trong những
kỳ thi quan trọng.
Hai là, do chất
lượng giáo viên quyết định chất lượng giáo dục, "không có thầy giỏi thì
không có trò giỏi" vì thế, về mặt chuyên môn, cần thiết có những chương
trình bồi dưỡng cho các giáo viên, đặc biệt là các giáo viên giảng dạy các môn
khoa học tự nhiên.
Để các giáo viên
có thể theo kịp yêu cầu phát triển của trình độ và nhận thức, đổi mới phương
pháp giảng dạy. Trên tinh thần đó, các trường học cần tiến tới tổ chức học hai
buổi một này theo chiều hướng tăng chất giảng dạy, để học sinh không cần thiết
phải đi học thêm.
Ba là, cần hoàn
thiện các quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm theo hướng siết chặt hơn
về mặt quản lý Nhà nước. Đặc biệt, cần có những quy định về chế tài xử phạt
theo hướng răn đe về các vi phạm trong hoạt động này.
Bốn là, khi việc
dạy thêm và học thêm được tổ chức ở trường học, thì chỉ theo hướng nhằm đáp ứng
nhu cầu cho học sinh yếu kém có thể đạt mức trung bình, và học sinh khá có thể
trở thành giỏi trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh, nhất là học sinh và không có
chuyện ép buộc học thêm.
Năm là, các trường
học cần có biện pháp động viên tinh thần, định hướng tư tưởng cho các giáo viên
trước những sức ép của kinh tế thị trường.
Sự giảm những
tiêu cực trong hoạt động dạy thêm, học thêm do đó phải có sự đồng thuận của cả
xã hội, đặc biệt là các nhà quản lý Giáo dục, các thầy cô giáo và các bậc phụ
huynh.
Đó là sự cố gắng
chung của toàn ngành Giáo dục trong việc tạo ra một nền Giáo dục hiệu quả, chất
lượng đồng bộ ở mọi cấp học; dạy chữ, dạy người với mục đích nhân văn và phát
triển. Từ đó, sự nhận thức đúng sẽ làm giảm thiểu những tiêu cực của hiện tượng
này.
* Bài viết thể hiện
quan điểm, góc nhìn, cách hành văn của riêng tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét