Mộc Nhân
(Tư liệu giáo khoa)
Kể từ lúc ra đời cho đến hôm nay, thời gian trôi qua đã ngót trên hai
trăm năm, vậy mà Truyện Kiều của
Nguyễn Du vẫn mãi mãi sống trong tâm hồn dân tộc. Tác phẩm không chỉ nổi tiếng
vì cốt truyện hay, lời văn trau chuốt, giá trị hiện thực và giá trị nhân văn
cao cả mà còn vì các nhân vật chính diện trong truyện như Thúy Kiều, Thúy Vân
được ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Du miêu tả vô cùng đẹp đẽ, sinh động, đầy ý
nghĩa thẩm mĩ. Nguyễn Du không chỉ ca ngợi vẻ đẹp, tài năng mà còn dự cảm về
cuộc đời và số phận nhân vật. Đó cũng chính là biểu hiện của cảm hứng nhân văn
trong tác phẩm.
Thuý Vân, Thuý Kiều là hai cô con gái đầu lòng của gia đình họ Vương.
Ngay từ đầu, nhà thơ đã gây được mối thiện cảm khác thường cho người đọc về hai
chị em qua dòng thơ giới thiệu: “Đầu lòng
hai ả tố nga”. Từ tố nga - là một
mỹ từ ý nói cả hai chị em đều là những cô gái đẹp. Vẻ đẹp của họ được khái quát
trong hai câu thơ:
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười ”.
Cốt cách của họ mảnh mai, thanh tao, sang trọng như
cây mai.
Tâm hồn, tính cách của họ thì trong trắng như tuyết. Nhà thơ đã dùng
hình ảnh ước lệ, tượng trưng - lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ
đẹp của con người.
Câu thơ có sử dụng hình thức tiểu đối nhằm thể hiện vẻ đẹp toàn diện,
toàn mĩ của cả hai chị em.
Nhìn chung cả hai đều đẹp - mười phân vẹn mười - nhưng nhìn riêng thì mỗi người lại có một vẻ đẹp riêng - mỗi người một vẻ.
2. Sau những câu thơ giới thiệu về hai chị em, ngòi bút
Nguyễn Du lại có chiều hướng cụ thể hơn trong bức chân dung quí phái của Thuý
Vân. Tác giả đã khái quát vẻ đẹp của Thuý
Vân qua cụm từ trang trọng khác vời. Hai
chữ trang trọng nói lên vẻ đẹp cao
sang, quí phái của nhân vật. Vẻ đẹp ấy của thiếu nữ được so sánh với những thứ
cao đẹp trên đời chỉ với mấy dòng thơ:
“Khuôn trăng
đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc
thốt đoan trang
Mây thua nước
tóc tuyết nhường màu da”
Chân dung của Vân được
miêu tả một cách khá toàn vẹn từ khuôn mặt, nét mày, làn da, mái tóc đến nụ
cười, tiếng nói. Vân có khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu như vầng trăng, có đôi lông
mày sắc nét như con ngài, có miệng cười tươi thắm như hoa, giọng nói trong trẻo
thốt ra từ hàm răng ngà ngọc và mái tóc của nàng đen hơn mây, làn da của nàng
trắng hơn tuyết, sắc đẹp của Vân sánh với những nét kiều diễm, sáng trong của
những báu vật tinh khôi đất trời. Tất cả toát lên vẻ đẹp trung hậu, êm dịu,
đoan trang, quí phái. Vân đẹp hơn những gì mĩ lệ của thiên nhiên nhưng tạo sự
hoà hợp, êm dịu "mây thua", "tuyết nhường".
Bằng một loạt những nét miêu tả có tính chất ước lệ kết hợp với các
biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, nhân hoá …và hệ thống từ ngữ chọn lọc,
tác giả đã khắc hoạ thành công chân dung Thuý Vân. Nét đẹp nào của nàng cũng
hoàn hảo và được đem so với những thứ cao quí của thiên nhiên.
Đặc biệt với cặp từ nhân hóa …thua…nhường…nhà thơ muốn gửi tới những
thông điệp về tương lai, cuộc đời, số phận nhân vật. Vẻ đẹp ấy phù hợp với
chuẩn mực thẩm mĩ của người phụ nữ trong xã hội phong kiến với nét nổi bật là
sự đoan trang, phúc hậu, nền nã; tạo được sự hoà hợp; thiên nhiên không ganh
ghét với nàng, vì thế cuộc đời của nàng sẽ bình lặng và hạnh phúc, suôn sẻ.
3.
Cũng như cách miêu tả Thuý Vân, câu thơ mở đầu khái quát vẻ đẹp của nhân
vật Thuý Kiều: “Kiều càng sắc sảo mặn
mà”. Kiều có tất cả những gì Thuý Vân có nhưng ở mức độ “So bề tài sắc lại là phần hơn” . Nàng sắc sảo về trí tuệ và mặn mà về tâm hồn.
Tác giả tiếp tục sử dụng những hình tượng nghệ thuật ước lệ với các
biện pháp nghệ thuật truyền thống trong văn thơ cổ như ẩn dụ, nhân hoá, so
sánh, tượng trưng…Nét vẽ của thi nhân thiên về gợi hơn là tả chi tiết cụ thể,
tạo ấn tượng chung về vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế.
Khắc hoạ chân dung Thuý Kiều, tác giả
tập trung gợi tả vẻ đẹp của đôi mắt: “Làn
thu thủy, nét xuân sơn”. Hình ảnh làn
thu thuỷ gợi lên đôi mắt đẹp, sống động, sáng
ngời, gợi tình như sóng nước như làn nước mùa thu; nét xuân sơn gợi lên đôi lông mày thanh tú cong cong mềm mại, như vẻ
núi mùa xuân trên khuôn mặt trẻ trung. Cách miêu
tả khiến khi đọc lên, ta như thấy có ánh sáng và làn sóng xao động bên trong.
Chỉ vậy thôi mà bao ẩn ý. Đôi mắt nhìn đời, nhìn người sâu thẳm. Đôi mắt dạt
dào, ẩn chứa bao tình cảm lai láng: biết yêu thương, căm hận, nhức nhối, sẻ
chia,… Đôi mắt thể hiện một đời sống nội tâm phong phú. Đôi mắt “tinh đời” chứ
không như đôi mắt đẹp mà vô hồn, vô cảm của Thúy Vân .Đôi mắt của Kiều
là sự thể hiện của trí tuệ và tâm hồn. Với đôi mắt ấy, Thuý Kiều trở nên quyến
rũ và xinh đẹp đến mức:
“Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành”.
Thành ngữ nói quá nghiêng
nước nghiêng thành lấy từ một điển
tích xưa ý nói sắc đẹp tuyệt vời của người phụ nữ có thể làm cho người ta say
mê đến mức điên đảo. Sắc đẹp ấy, đôi mắt ấy là của một tuyệt thế giai nhân hiếm
có, đẹp như thế thì trên đời này chỉ có một -“ Sắc đành đòi một”.
Với cách dùng cặp từ nhân hóa “ghen…hờn” nhà thơ muốn nói vẻ đẹp của
Kiều làm cho tạo hoá ganh ghét, đố kị. Thiên
nhiên vốn là vẻ đẹp vĩnh cửu vậy mà cũng phải “ghen”, “hờn” trước một nàng Kiều
“sắc sảo mặn mà”. Hoa không tươi thắm bằng dung nhan của nàng, liễu kém phần
tươi non so với sức sống, tuổi trẻ mơn mởn của Kiều. Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp nhân hóa để thổi linh
hồn vào câu thơ làm ý thơ thêm phần sống động và trước mắt ta hiện ra một náng
Kiều trẻ trung với tuổi xuân tràn đầy như hoa vừa đang độ nở, liễu đến kì xanh
tươi. Kiều sẽ phải sống thế nào trong bể đời “hồng nhan đa truân”.
Nguyễn Du tài hoa ở chỗ ông không chỉ miêu tả ngoại
hình để thể hiện tính cách, mà còn thông qua đó dự đoán số phận, cuộc đời nhân
vật. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du dùng cặp từ “thua, nhường” để miêu tả
Thúy Vân và cặp từ “ghen, hờn” để miêu tả Thúy Kiều. Ảnh hưởng, tác động của
nét đẹp hai Kiều với tạo hóa lại đi theo hai hướng khác nhau. Tả Vân, câu thơ
Kiều thanh thản bao nhiêu thì khi tả Kiều, câu chữ Tố Như lại trăn trở bấy nhiêu.
Như vậy đó, chỉ mới mươi câu Kiều mà đã giúp ta thấu hiểu tấm lòng ưu ái sâu
sắc, bao la của nhà thơ nhân đạo Nguyễn Du: ông yêu thương, nâng niu tất cả. Có
điều, với Thúy Kiều là cả một sự yêu thương, nâng niu đầy băn khoăn, lo lắng
trước số phận dự báo sẽ gặp nhiều éo le
đau khổ và bất hạnh.
Kiều là con người đa tài. Tài của Kiều đạt đến mức lí
tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến gồm cả thi, họa, ca ngâm.
“Thông minh vốn
sẵn tính trời
Pha nghề thi
hoạ đủ mùi ca ngâm”
Với những từ ngữ nghề…làu…nghề
riêng ăn đứt…tác giả muốn nói tài nào của nàng cũng đạt đến độ điêu luyện,
vượt lên trên mọi người, trở thành nghề
riêng của nàng. Tài năng như thế trên đời này thật hiếm có “tài đành hoạ hai”.
Đặc biệt với tài đàn là ngón nghề sở trường, Kiều đã sáng tác nên bản
đàn Bạc mệnh nghe rất sầu não, buồn thương:
“Khúc nhà tay
lựa nên chương
Một thiên Bạc
mệnh lại càng não nhân”
Dường như số phận đã nhập vào điệu
hồn riêng của nàng để hoá thân thành bản đàn “Bạc mệnh” mách bảo người nghe về
một tương lai dâu bể sẽ xô cuốn đời nàng. Câu chữ, lời thơ chất chứa sự ngợi
ca, ngưỡng mộ mà băn khoăn, lo lắng cứ xốn xang trên mỗi từ ngữ của Tố Như.
Nhưng làm sao khác được, “Thiên bạc mệnh” ai oán đã vận vào Kiều Khúc
đàn ấy cũng là tiếng lòng của một trái tim đa sầu, đa cảm, cũng là tín hiệu dự
báo cuộc đời sầu não, trắc trở của nhân vật.
Tả Thuý Vân, Nguyễn Du chỉ dùng
bốn câu thơ trong khi đó tả Thuý Kiều ông đã dùng đến mười hai câu thơ. Chân
dung của Thuý Vân chủ yếu là sắc đẹp, còn chân dung nàng Kiều là sự kết hợp của
sắc- tài- trí thông minh- tình cảm- tâm
hồn- tính cách- số phận. Về trình tự miêu tả, tác giả tả Vân trước làm nền,
tả Kiều sau để nàng được nổi bật trên cái nền ấy. Đó là bút pháp nghệ thuật đòn
bẩy, tả khách hình chủ nhằm làm nổi
bật chân dung nhân vật. Điều đó chứng tỏ nhà thơ đã dành nhiều quan tâm, ưu ái
dành cho nhân vật Thuý Kiều, nhân vật trung tâm của tác phẩm.
Đoạn thơ có kết cấu khá chặt chẽ, nhà thơ đã
đi từ giới thiệu khái quát đến miêu tả cụ thể từng bức chân dung nhân vật và
cuối cùng là đánh giá về nhân vật. Điều ấy nói lên cách miêu tả nhân vật rất
sâu sắc và tinh tế của tác giả.
Đoạn trích không chỉ cho ta thấy nghệ thuật miêu tả nhân vật bằng bút
pháp ước lệ cổ điển mà còn thể hiện cảm hứng nhân văn của nhà thơ trong tác
phẩm. Biểu hiện của cảm hứng nhân văn ấy là sự đề cao những giá trị con người.
Đó là vẻ đẹp, nhân phẩm, tài năng, ý thức về thân phận con người. Gợi tả tài
sắc chị em Thuý Kiều, Nguyễn Du đã trân trọng, dành hết tình cảm, sự ưu ái cho
nhân vật của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét