7/10/11

26. CON RẬN

Lê Đức Thịnh st

Lớp học của anh giáo viên nọ có một cậu học sinh “cá biệt”.
Lo lắng cho tương lai trò sau này có thể trở thành người ăn bám xã hội, anh bạn bèn ra một đề bài văn “Em hãy tả về con rận” để cậu học sinh “cá biệt” có thể liên hệ mà tiến bộ chăng…
 Cậu này vốn lười học và không hề sợ điểm kém, vậy mà ngay hôm sau cậu ta đã nộp một bài viết rất hay về những thứ tồi tệ nhất của loài rận… Phải nói, đó là một bài “tế” loài rận: “Rận là một loài ký sinh trùng hút máu, chuyên ăn bám và truyền bệnh… Rận là… Rận là… đủ thứ, Rận phải bị tiêu diệt, vân vân và vân vân…” Bài viết hay, với học lực ấy, hẳn cậu học trò này đã “chôm” của ai đó.



Để vạch rõ thực chất “tài năng” của cậu trò “cá biệt”, anh liền ra một đề tài khác “hiền” hơn: “Em hãy viết về con chó”.
Cậu học trò chẳng mấy vội vã, và cuối giờ đã nộp bài. Bài văn viết khá ấn tượng: “Con chó là loài vật thông minh, cực kỳ trung thành với chủ, gần gũi và là bạn thân thiết của con người… Chỉ tiếc chó lại nhiều lông, làm chỗ cho loài rận cư ngụ… nên bị bọn rận cắn… Rận là một loài…”
Ông thầy chẳng hiểu cái đầu cậu học sinh “cá biệt” này nghĩ ra trò gì mà viết về đề tài Con chó mà vẫn quay lại Con rận! Tai quái thật.
Tức khí, anh liền nghĩ ra một đề bài khác, để xa hẳn cái chuyện rận rệp đi, vạch cho ra trò quấy quá của cậu học trò. Lần này, đề bài văn là: “Em hãy kể về con lươn”… Phen này chắc hẳn cậu trò “cá biệt” sẽ “đo ván”… - anh thầm nghĩ.
Cậu ta chẳng mấy đã lại đáp ứng yêu cầu: “Lươn là loài lưỡng cư, sống trong bùn lầy, da trơn để luồn lọt cho nhanh… May cho con lươn là không có lông… chứ nếu mà lươn có lông, thì chắc hẳn sẽ bị loài rận cấu cắn cho… Rận là một loài…”.
Đến đây thì anh giáo viên kêu trời về cậu học trò “cá biệt”. Quả là cá biệt, chuyện gì nó cũng lôi được về chuyện “Con rận”… chẳng lẽ trong đầu cậu ta, đâu đâu cũng có rận?!
Không thể chịu thua, anh nghĩ cách để “hạ đòn” bằng được cậu học trò: “Em hãy bình câu thơ của Nguyễn Du: “Chữ tâm ấy cũng bằng ba chữ tài”.
“Thế nhá, lần này thì cậu chết với ta… Chuyện thơ ca, hết chỗ mà lôi rận rệp ra nhé!” – anh mừng thầm.
Chẳng đắn đo, cậu trò nhận đề tài với nét mặt nghiêm như thể người ta cầm quyết định lên chức. Rồi chốc lát đã nộp bài với sự phân tích rất sâu sắc về tâm – đức con người: “Con người sống có tâm thì thường thanh thản, mà thanh thản thì sống lâu. Càng sống lâu thì càng biết nhiều và nhân gian có câu: Thức khuya mới biết đem dài” nên khi đó “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”… Rận là một loài…”.
Thầy giáo suýt xỉu vì bất ngờ… Cậu học trò “cá biệt” này đã trở nên “cá biệt” thật sự! Tuy vậy, anh ta vẫn không chịu thua, và quyết tung một “chưởng” cuối cùng: “Em hãy viết về một nhà hoạt động xã hội mà theo em là đáng kính trọng”.
Hôm sau, cậu ta lại nộp bài đúng hạn, giọng văn vẫn bình thản như mấy bài trước. Người mà cậu ta đề cập đến là một chính khách. Kết thúc bài, hình như không dừng được, cậu lại buông bút: “Khi tranh luận giữa rất nhiều quan chức, ông thường có động tác đưa tay ra sau lưng, và gãi… Đích thị ông ta bị rận cắn… Rận là một loài…”
“Rận là một loài…” cái điệp khúc ấy đã làm ông thầy phát sốt: 

Chả lẽ mọi chốn trong cuộc đời bây giờ không thể thoát được loài rận ư?!

1 nhận xét:

Duyên Trần nói...

em nhớ thầy kể câu chuyện này rồi, nhưng đọc lại cũng thấy vui vui nhỉ!