14/10/11

31. NOBEL VH NĂM 2011

Mộc Nhân – tổng hợp từ các nguồn  Nguyễn Trọng Tạo, Tiền Vệ, Lê Thiếu Nhơn để mang đến cho bạn đọc một cái nhìn khá toàn diện về chủ nhân của giải Nobel văn chương 2011.


Nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtroemer - Nobel văn chương 2011


***
Cứ mỗi năm vào dịp đầu tháng 10, giới văn chương toàn thế giới lại thấp thỏm đợi chờ Viện Hàn lâm Thuỵ Điển sẽ công bố Giải Nobel của năm.
Nobel Văn chương năm 2011 đã trao cho Tomas Transtroemer, nhà thơ Thuỵ Điển -bởi “qua những hình ảnh trong sáng, súc tích, ông đã mang tới cho mọi người cách tiếp cận hiện thực mới mẻ”. Ông cũng là người đã từng vào danh sách ứng cử của giải này vài lần.  


I. GIỚI THIỆU TÁC GIẢ :

Tomas Transtroemer sinh năm 1931 làm thơ từ lúc mới 13 tuổi. Năm 1954, hai năm trước khi tốt nghiệp đại học, ông cho xuất bản tập thơ đầu tay, 17 dikter (17 bài thơ). Tập thơ tức khắc gây nên tiếng vang và được giới phê bình đón nhận như một tài năng thi ca lớn. Thơ của ông được dịch ra tiếng Việt từ nhiều năm trước bởi Diễm Châu, Lê Đình Nhất-Lang, và nxb Văn Học đã in “Toàn tập thơ” (11 tập) của ông vào năm 1990 do Nguyễn Xuân Sanh dịch từ tiếng Pháp. Thơ ông là “nơi ánh sáng và bóng tối, nội tâm và ngoại giới xung đột để tạo nên những nối kết bất ngờ với thế giới, lịch sử và với chính chúng ta.” Để đạt được điều đó, Tranströmer thường quan tâm đến việc làm mới ngôn ngữ. Có lần ông phát biểu: “Ngôn ngữ đồng hành với các đao phủ. Bởi vậy, chúng ta phải tạo ra một ngôn ngữ mới” (The language marches in step with the executioners. Therefore we must get a new language). Cái mới trong ngôn ngữ thơ của Tranströmer thường nằm ở hình tượng. Nhiều nhà phê bình trên thế giới cho ông là một bậc thầy về ẩn dụ (a master of metaphor).
Ông là  một tác giả lừng danh khắp toàn cầu - tác phẩm thơ của ông đã được dịch sang hơn năm mươi thứ tiếng trên thế giới.
          Thơ ông rất đặc biệt ở khía cạnh tứ thơ rất chặt chẽ, ngôn ngữ thơ cô đọng, độc đáo và giàu sức biểu hiện. Một điều hết sức bất ngờ là: Tomas Transtromer sinh ra và lớn lên trong trường văn hoá Âu Châu, thế mà ông lại sử dụng thể thơ cổ điển Haiku của Nhật Bản phương Đông rất thành công. Điều này gợi cho chúng ta rất nhiều điều phải suy nghĩ nhất là đối với những người làm thơ hiện nay quá ngưỡng vọng các trào lưu thơ hiện đại phương Tây.
Thơ của Tomas Transtromer rất hiện đại, mà phảng phất nét cổ điển của phong cách thơ phương đông. Có thể nói đây là sự giao thoa tinh tuý của hai trường thơ Đông phương và Tây phương chăng?

II. TOMAS TRANSTROEMER VÀ BẠN ĐỌC VIỆT NAM :

Có thể với phần đông các nhà thơ Việt Nam chưa biết Tomas Transtroemer là ai, nhưng với giới dịch thơ và mê văn học dịch, ông không còn xa lạ, vì từ mấy chục năm trước, thơ ông đã hiện diện trong văn học Việt.
Nhìn lại lịch sử giải Nobel Văn học, Việt Nam thường rất chậm trễ trong việc dịch và giới thiệu các tác giả đoạt giải này. Thậm chí đến nay, có vài tác giả đã thành kinh điển, Việt Nam vẫn chưa dịch một tác phẩm nào của họ. Sự chậm trễ có nhiều lý do, trong đó có sự hạn chế về ngôn ngữ và định kiến của dịch giả - không thích thì không dịch.
Nhưng với Tomas Transtroemer thì hoàn toàn khác. Ông xuất bản tập thơ đầu tiên năm 23 tuổi, với tên gọi 17 bài thơ, đến nay, ông mới in khoảng 13 tác phẩm tiếng Thụy Điển, thì đã có hơn 11 tác phẩm được dịch ra tiếng Việt.

11 tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn từ 1954 đến 1996, thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh dịch qua bản tiếng Pháp từ đầu thập niên 1990, NXB Văn học in năm 2000 với tên gọi “Toàn tập thơ”. Tuyển tập này gồm các tập: 17 bài thơ (1954), Những bí mật trên đường (1958), Bầu trời một nửa đã xong (1962), Tương đồng và dấu ấn (1966), Hình tượng ban đêm (1970), Những lối mòn (1973), Biển Baltic (1974), Rào cản của chân lý (1978), Quảng trường hoang dã (1983), Vì người sống và người chết (1989), Du thuyền tang lễ (1996). Tuyển này ít được chú ý không phải vì dịch thuật kém, mà do bìa 1 in sai tên nhà thơ, làm nhiều người bất bình không mua; và do truyền thông yếu, hơn 10 năm trước, chẳng mấy người để ý đến Tomas Transtroemer.
Năm 1998, Nguyễn Xuân Sanh đã sang Thụy Điển để gặp Tomas Transtroemer, cùng đàm đạo và làm sáng tỏ nhiều ý tưởng mà ông muốn chuyển sang tiếng Việt. Họ đã trở thành “hai người bạn chí thân”, như trong lời tựa tuyển tập đã đề cập.
Cũng xin nói thêm, Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920 tại Đà Lạt, lớn lên tại Hà Nội, quê ở Quảng Bình. Năm 1942, ông cùng các văn nghệ sĩ như Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Văn Hạnh... lập nên nhóm Xuân Thu nhã tập với những tuyên ngôn và cách tân về nghệ thuật. Sự nghiệp văn học của ông khá đồ sộ. Ông đã sáng tác, dịch và xuất bản gần 20 tác phẩm thơ, trải rộng từ thơ Nga, thơ Pháp, thơ Indonesia... cho đến thi phẩm của từng thi sĩ.
Trước khi đoạt giải Nobel, tác phẩm của Tomas Transtroemer đã được dịch ra gần 60 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, đủ biết đây là một người có nhiều bạn đồng hành. Bởi trong vô số các định nghĩa về dịch thơ, thì việc cảm, việc viết lại và đồng hành với tư duy của tác giả được nhiều người ủng hộ. Bởi thơ gần như không thể dịch, mà chỉ có thể đồng sáng tạo, thông qua việc đồng hành với thi sĩ.
Đến nay, thơ Bắc Âu và thơ Thụy Điển còn khá xa lạ tại Việt Nam, chủ yếu do cách ngăn ngôn ngữ, dịch giả không cảm được thì không thể dịch được. Dù Bộ Văn hóa Thụy Điển có rất nhiều nỗ lực trong việc giới thiệu văn học và văn hóa của nước mình, nhưng tình hình chưa phải là khả quan. Năm 2009, quyển Thơ Thụy Điển (NXB Hội Nhà văn) ra đời, trong đó có nhiều thơ của Tomas Transtroemer, cũng thỏa mãn một phần “cơn khát”. Năm kế tiếp, quyển Các nhà văn Thụy Điển giải Nobel (NXB Lao động) phát hành, cái nhìn về văn học Thụy Điển mới được cải thiện đôi chút. Có được điều này, không thể phủ nhận công sức của Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây của dịch giả Đoàn Tử Huyến.
Trở lại chuyện Tomas Transtroemer, trước khi ông đoạt Nobel, thì từ thập niên 1980, nhà thơ Diễm Châu đã dịch nhiều bài của ông ra tiếng Việt. Tiếp theo là công phu của Nguyễn Xuân Sanh với 11 tập dịch; rồi nhà thơ Lê Đình Nhất Lang... cũng dịch nhiều bài in trên mạng. Quả là Tomas Transtroemer có nhiều hấp lực. Chính bậc thầy Joseph Brodsky cho biết mình đã mượn của Tomas Transtroemer nhiều ẩn dụ; nhà thơ đương đại người Scotland là Robin Robertson (sinh 1955) vay mượn của ông nhiều thủ pháp để “viết lại”.
  
III. TÁC PHẨM :

* Một số chùm thơ độc đáo của Tomas Transtromer viết theo lối thơ Haiku :



Ở NƠI TẬN CÙNG CỦA CHIỀU SÂU

1. Sau bức tường kính kia –
Là những con bò sát
Lạ lùng, nằm im.

2. Người phụ nữ phơi áo
Trong lặng im.
Một cái chết thanh thản.

3. Ở nơi tận cùng của chiều sâu
Hồn tôi bay –
Nhẹ nhàng như sao chổi.


TRẠI GIAM

1. Thật rối bời
Trong lúc chơi đá bóng:
Quả bóng bỗng vụt bay qua tường.

2. Người ta làm rùm beng
Cho thời gian hoảng sợ
Để nó chạy đi nhanh hơn.

3. Cuộc đời nhầm lẫn
Vẻ đẹp nơi đây –
Là những bức tranh trong các vết xăm mình.

4. Sự tất bật của công việc
Cùng nóc nhọn tháp canh
Làm cho rừng ngạc nhiên vô kể.

5. Tấm lưới sắt đã được kéo lên
Chúng tôi vào trong sân
Một thời điểm khác của năm.

6. Ngọn đèn soi bức tường
Những con ruồi nhìn thấy vết bẩn
Của ánh sáng ảo huyền.

7. Đêm. Chiếc xe vận tải đi qua
Giấc ngủ người tù
Run rẩy.

8. Uống sữa xong
Chàng ta thiu thiu ngủ
Buồng giam – Bà mẹ sắt đá!

9. Chàng trốn trại bị bắt ngay trở về
Dốc ngược hết cả túi quần, túi áo
Chứa đầy lá xanh.


ĐIỀU BÍ ẨN NHIỆM MẦU

1. Những mảnh vườn treo
Trong tu viện Tibet
Một bãi chiến trường.

2. Con hươu nhìn mặt trời…
Đàn ruồi xanh lập loè thoáng hiện
Đơm bóng đen vào đất.

3. Bức tường tuyệt vọng…
Những con chim bồ câu ngây thơ
Bay đến rồi bay đi.

4. Mặt trời mùa đông…
Bóng tôi lồng lộng bơi
Rồi mờ đi.

5. Cái chết nghiêng xuống bờ vai tôi
Tôi chỉ là một quân cờ
Hắn thông tỏ mọi đường đi, nước buớc.

6. Mặt trời ghé qua
Những con tàu mõm chó
Nhìn tôi.

7. Ở những nơi lồi lên
Của đường nứt và lối mòn
Là giấc ngủ và núi băng trôi.

8. Trời nắng gắt
Đàn dê leo lên đồi
Xuỵt xuỳ nhóm lửa.

9. Những chiếc lá vô giá lìa cành
Như là bao tiếng réo
Của Biển chết.

10. Họ viết hoài, viết mãi
Chất keo chảy thành dòng
Qua cả bến Xơtíc.

11. Một khu rừng rậm
Ngôi nhà tuyềnh toàng của mặt trời
Những bức tường toả sáng.

12. Buông lỏng dây cương mặt trời
Theo lối mòn lần bước –
Có ai gọi mình chăng?

13. Mặt trời trôi…
Những lá buồm đen sẫm
Mọc lên từ ký ức.

14. Nắp quan tài bị nứt
Tử thi liền nhìn tôi –
Ồ đây là gương mặt!

15. Cái lặng im của màu tro tàn…
Người khổng lồ xanh đi qua, 
Ngọn gió lạnh thổi từ biển cả…

* Một số bài thơ khác tuyển chọn từ các tập thơ của Tomas Transtroemer :

ĐƯỜNG RAY


Đêm, hai giờ sáng: ánh trăng. Xe lửa đã dừng
giữa cánh đồng. Những chấm sáng xa lắc trong thành phố
lấp lánh lạnh lẽo nơi đường chân trời.
Như khi ai đó đã chìm quá sâu trong giấc mơ
sẽ không bao giờ hắn có thể nhớ mình đã ở đó
lúc trở lại căn phòng.
Như khi ai đó đã ở quá sâu trong bệnh tật
những ngày tháng cũ trở thành những điểm nhấp nháy, một chùm,
lạnh lẽo và yếu ớt ở chân trời.
Xe lửa đang đứng yên.
2 giờ sáng: trăng tròn, vài ngôi sao.

PHÁC HỌA THÁNG MƯỜI


Một chiếc tàu kéo lốm đốm gỉ sét. Nó đã làm gì từ đó đến nay
trên đất liền?
Đó là một chiếc đèn nặng trĩu tắt ngúm trong giá rét
Nhưng những hàng cây có màu sắc hoang dã: gửi tín hiệu đến bờ bên kia.
Như thể những con người muốn được mang đi.
Trên đường về nhà, tôi thấy nấm mọc
xuyên qua bãi cỏ.
Chúng là những ngón tay, đang vươn ra cầu cứu, của một ai đó
đã từ lâu nức nở khóc thầm trong bóng tối dưới kia
Chúng ta là con người trên mặt đất.

TRẦM TƯ XAO ĐỘNG


Một cơn bão làm xoay tít những chiếc cánh máy xay gió
trong đêm đen, đang nghiền nát trống không. — Mi
mất ngủ cũng vì một lý sự ấy.
Bụng con cá mập xám là ngọn đèn mờ nhạt của mi.
Những kỷ niệm mơ hồ chìm xuống đáy đại dương
để sững lại dưới ấy—những pho tượng dị kỳ. —Xanh rêu
là cây nạng của mi. Kẻ
đi biển trở lại hóa đá.

ĐÁ


Những tảng đá chúng ta đã ném tôi nghe rơi rơi,
trong như pha lê qua năm tháng. Dưới lòng thung
bay đi những việc làm hỗn độn của khoảnh khắc
kêu ré từ
đỉnh cây tới đỉnh cây. Trở thành câm nín
trong bầu khí loãng hơn của hiện tại, chúng lướt nhanh
như chim én qua hết ngọn núi này
tới ngọn núi khác, cho đến khi
tới mãi những vùng cao nguyên xa xôi nhất
ở mép lề cuộc sống. Rơi rơi
mọi hành động của chúng ta
trong như pha lê
không vào một đáy sâu nào hết
ngoại trừ ở bên trong chính chúng ta.
(17 bài thơ, 1954)

NHỮNG BÍ MẬT TRÊN ĐƯỜNG


Ánh sáng ban ngày đụng phải người nằm ngủ.
Y mơ một giấc mơ xao động hơn
nhưng không tỉnh dậy.
Bóng tối đập vào khuôn mặt kẻ đang bước
giữa hết thảy những người khác dưới những tia nóng nảy
của một mặt trời gay gắt.
Đột nhiên trời u ám như trước một trận mưa rào.
Tôi đang ở một nơi chứa đựng mọi khoảnh khắc —
một viện bảo tàng bướm*
Tuy nhiên mặt trời lúc ấy vẫn mạnh như trước.
Những cây cọ nóng nảy của mặt trời đang vẽ thế giới.
(Những bí mật trên đường, 1958)

LISBOA


Những chiếc tầu điện màu vàng reo ca trên những con dốc ở khu phố Alfama.
Ở đấy có hai nhà tù. Một dành cho những kẻ trộm cắp.
Những người này vẫy tay qua hàng rào song sắt ở cửa sổ.
Họ kêu la họ muốn được chụp hình!
«Nhưng ở đây», người bán vé nói với tôi, nhạo cười như một kẻ ngại ngần,
«ở đây người ta nhốt tù chánh trị đấy». Tôi nhìn cái tiền diện, cái tiền diện, cái tiền diện
và tít trên cao trong một khung cửa sổ, có một người đàn ông
với ống nhòm trước mắt đang ngắm biển.
Áo quần phơi phóng trên trời. Các vách tường nóng bỏng.
Những con ruồi đang lần mò dò những chữ nhỏ xíu.
Sáu năm sau tôi hỏi một bà ở Lisboa:
«Có phải là đúng như thế không hay là tôi tưởng tượng ra?»
(Hòa âm và vết tích, 1966)

VỚI DÒNG SÔNG


Chuyện trò với những người đồng thời với tôi, tôi đã thấy, tôi đã nghe sau khuôn mặt của họ
dòng sông
đang trôi đi đang trôi đi cuốn theo cùng với nó những người tình nguyện và những người không được tình nguyện như thế
Và con người với đôi mắt phết hồ
những muốn ruổi rong giữa dòng chảy
không run rẩy lao mình xuống đấy
trong một nhu cầu giản dị thật dữ dội
Qua đi những dòng nước lúc nào cũng ào ạt hơn
như ở đây nơi dòng sông xiết chặt lại và biến thành
thác — ở nơi tôi dừng chân
sau một chuyến đi trong những khu rừng héo khô
một buổi chiều tháng Sáu: đài bán dẫn truyền đi tin mới nhất
về phiên họp đặc biệt. Kossyguine, Eban.
Một vài ý tưởng họa hiếm khuấy nhiễu tôi không thôi.
Một vài người họa hiếm ở dưới kia trong làng.
Và, dưới cây cầu treo, những khối nước sụp xuống
dưới mắt tôi. Kìa gỗ nổi đã đến. Một vài mình cây
lao thẳng tới như những trái ngư lôi. Những thân cây khác
xoay ngang, xoay vòng vô phương và lười biếng
hay bỏ đi hít mạnh đôi bờ
len lỏi giữa đá tảng và củi giạt, kẹt cứng
dồn đống như những bàn tay chắp lại
trơ ra trong tiếng ồn ào huyên náo này…
tôi đã thấy, tôi đã nghe trên cây cầu treo
trong một đám mây muỗi
với mấy đứa con trai. Xe đạp của chúng
vùi dưới đám lá xanh — duy những chiếc sừng
ló ra.
(Những viễn ảnh ban đêm, 1970)

GỬI NHỮNG NGƯỜI BẠN Ở BÊN KIA MỘT BIÊN GIỚI

I
Tôi đã viết cho các bạn thật ít ỏi. Nhưng những gì tôi không thể viết
đã phồng lên và phồng lên như một khinh khí cầu kiểu xưa
và cuối cùng trôi đi qua bầu trời đêm.
II
Lá thư lúc này ở nơi người kiểm duyệt. Y bật đèn.
Trong ánh sáng chói chang những chữ của tôi bay lên như những con khỉ trên tấm song sắt,
rung lách cách, dừng lại, và nhe răng.
III
Hãy đọc giữa những hàng chữ. Chúng ta sẽ gặp nhau trong 200 năm nữa
khi những máy vi âm trên vách tường khách sạn bị quên đi
và rốt cuộc có thể ngủ yên, trở thành những giống tôm cua hóa thạch thời nguyên thủy.
(Những lối mòn, 1973)

DƯỚI ĐỘ ĐÓNG BĂNG


Chúng tôi đang dự một buổi tiệc không ưa chúng tôi. Cuối cùng buổi tiệc để rơi mặt nạ và lộ nguyên hình: nó là một bến đổi cho những tàu chở hàng. Trong sương mù những khối khổng lồ lạnh lùng đứng trên đường ray. Vết phấn nguệch ngoạc trên cửa tàu.
Người ta không thể nói lớn, nhưng có rất nhiều bạo động bị đè nén ở đây. Đó là lý do tại sao các đồ trang bị trông có vẻ quá nặng nề. Và tại sao rất khó để thấy sự hiện diện của những thứ khác: một vạt nắng di chuyển trên những bức tường nhà và lướt qua một rừng những khuôn mặt vô tình nhấp nhánh, một câu thánh kinh chưa bao giờ được chép xuống: “Hãy đến với tôi, bởi tôi cũng đầy những mâu thuẫn như bạn.”
Sáng hôm sau tôi làm việc ở một thị trấn khác. Tôi lái xe vun vút trong buổi bình minh giống như một chiếc xi lanh màu xanh thẫm. Sao Thiên Lang treo lơ lửng trong băng giá. Trẻ em đứng trong một đám đông im lặng, đợi những chiếc xe buýt của trường, những đứa con nít không ai mong đợi. Ánh sáng mọc lên dần như tóc của chúng tôi.

 

GỌI VỀ NHÀ


Một cú điện thoại chảy tràn vào đêm, và nó lấp loáng đây đó
trên những cánh đồng, và ở những vùng ngoại thành.
Sau đó tôi ngủ không yên trên giường khách sạn.
Tôi giống cây kim địa bàn người chạy định hướng mang theo
khi anh chạy với quả tim đập mạnh.

CƠN BÃO


Người đàn ông trên một lối đi bộ bỗng nhiên gặp cây
sồi cổ đại như một con nai sừng tấm hoá đá với
cặp sừng khổng lồ nổi lên trên tường thành màu lục đậm
của đại dương mùa thu.
Cơn bão từ phương bắc. Ðã gần đến lúc quả
thanh hương trà chín tới. Thao thức trong đêm hắn
nghe thấy những chòm sao xa phía trên cây sồi
giậm chân trong chuồng.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ ĐÁNH THỨC BỞI MỘT BÀI HÁT PHÍA TRÊN MÁI NHÀ


Sáng. Mưa tháng Năm. Thành phố vẫn im lìm
như túp lều của một người chăn cừu.
Ðường sá im lìm.
Và trên trời một động cơ máy bay đang ầm ầm màu lục hơi xanh lơ.—
Cửa sổ mở.
Giấc mơ của người đàn ông đang ưỡn người ngủ
trong giây phút đó trở thành trong suốt. Hắn trở mình, bắt đầu
mò mẫm dụng cụ của ý thức hắn—
gần như trong không gian.

KYRIE


Thỉnh thoảng cuộc đời tôi mở to mắt trong bóng tối.
Một cảm giác về những khối người xô đẩy mù quáng
qua đường phố, một cách khích động, đi về một phép lạ nào đó,
trong khi tôi nằm đây và không ai trông thấy tôi.
Cũng giống như một đứa trẻ thiếp ngủ trong khiếp sợ
lắng nghe tiếng đập nặng nề của tim nó.
Trong một lúc lâu, thật lâu tới khi bình mình đặt ánh sáng vào ổ khoá
rồi cánh cửa của bóng tối mở ra.

CẶP VỢ CHỒNG


Họ tắt đèn đi, và quả cầu trắng của nó rực lên
trong giây lát rồi tan ra, như một viên thuốc
trong một cái ly của bóng tối. Rồi một cuộc nổi dậy.
Những bức tường khách sạn đâm lên bóng đêm cõi trời.
Những cử động của họ yếu dần, và họ ngủ,
nhưng những ý nghĩ thầm kín nhất của họ bắt đầu gặp gỡ
như hai màu gặp gỡ và loang vào nhau
trên tờ giấy ướt trong bức vẽ của một cậu học trò.
Trời tối và yên tĩnh. Tuy nhiên thành phố đã tới gần
đêm nay. Với các cửa sổ của nó đóng lại. Nhà cửa kéo tới.
Chúng đứng chen chúc và chờ đợi rất gần,
một đám đông người với những khuôn mặt trống rỗng.

CÁI CÂY VÀ BẦU TRỜI


Cái cây bước quanh trong cơn mưa
đi qua chúng ta trong màu xám ướt át.
Nó có một việc phải làm. Nó nhặt sự sống ra khỏi cơn mưa
như một con sáo trong vườn anh đào.
Khi mưa vừa dứt, cái cây cũng ngừng.
Nó chỉ đứng đó, không động đậy trong những đêm quang đãng,
chờ y như chúng ta chờ tới cái thời điểm đó
khi những bông tuyết tự quăng mình ra không gian.

MỘT ĐÊM ĐÔNG


Cơn bão đặt môi nó vào căn nhà
và thổi để làm một tiếng động.
Tôi ngủ không yên, trở mình, với mắt
nhắm đọc cuốn sách của cơn bão.
Nhưng mắt đứa trẻ mở lớn trong bóng tối
và cơn bão khóc thút thít cho đứa trẻ.
Cả hai thích xem bóng đèn đong đưa.
Cả hai đang ở nửa đường đi tới tiếng nói.
Những cơn bão có tay như trẻ em và có cánh.
Ðoàn xe vùng chạy về phía Lapland
và căn nhà cảm nhận được những chùm đinh
giữ những bức tường của nó lại với nhau.
Ðêm yên tĩnh bên trên tầng của chúng tôi
(nơi mọi bước chân đã chết đi
đang nằm như những chiếc lá chìm trong ao
nhưng bên ngoài thì đêm dữ dội!)
Một cơn bão nghiêm trọng hơn đang qua trên tất cả chúng ta.
Nó đặt môi vào linh hồn ta
và thổi để làm một tiếng động. Ta sợ
cơn bão sẽ thổi bay hết mọi thứ trong ta.

DÁNG THẪM ĐANG BƠI


Một bức hoạ Thời Ðồ Ðá
trên một tảng đá Sahara:
một hình dáng mờ nhạt bơi
trên một dòng sông nguyên sơ cổ đại.
Không có vũ khí, không một kế hoạch,
không nghỉ ngơi mà cũng không vội vã,
người bơi tách ra khỏi cái bóng của hắn
đang tuột lại dọc theo đáy sông.
Hắn đã chiến đấu để vượt thoát
khỏi hàng triệu chiếc lá đang ngủ,
để tới được bờ bên kia
và nhập lại vào cái bóng của hắn.

NHẠC CHẬM


Toà nhà không mở cửa hôm nay. Nắng chen vào qua những khung cửa sổ
và làm ấm mặt trên của cái bàn giấy
đủ mạnh để mang số mạng của những kẻ khác.
Hôm nay chúng tôi ở ngoài trời, trên triền dốc dài rộng.
Vài người mặc đồ sậm. Nếu bạn đứng trong nắng, và nhắm mắt lại,
bạn cảm thấy như bạn đang được thổi về phía trước.
Tôi rất ít khi xuống tới biển. Nhưng lúc này tôi đã tới,
giữa những tảng đá cỡ lớn với những tấm lưng êm ả.
Những tảng đá đã đi lùi dần ra khỏi biển.

KHOẢNG THỞ THÁNG BẢY


Người đàn ông nằm ngửa dưới những đại thụ
hắn cũng ở trên cây. Hắn phân ra thành hàng ngàn nhánh nhỏ.
Hắn lắc lư qua lại,
hắn ngồi trên chiếc ghế giàn phóng ầm ầm đi tới trong cảnh quay chậm.
Người đàn ông đứng dưới ụ tàu vít cặp mắt mình vào mặt nước.
Ụ tàu già nhanh hơn người ta.
Chúng có những cây cột xám bạc và đá cuội trong ruột chúng.
Ánh sáng loá mắt đâm thẳng vào.
Người đàn ông nằm nguyên ngày trên một con thuyền không mui
đang đi qua những bờ vịnh phát sáng
cuối cùng sẽ ngủ thiếp đi bên trong cái chụp đèn xanh của hắn
khi những hải đảo bò như loài bướm đêm khổng lồ trên mặt địa cầu.


Không có nhận xét nào: