Bài viết này tôi dành cho cựu học sinh K.81, nghĩa là nó có tính cách nội bộ giữa những người từng gặp gỡ nhau dưới mái trường Đại Lộc / Huỳnh Ngọc Huệ. Đây là những lời thân tình, chân thật và khá tản mạn cho nên không cầu sự kín cạnh, chặt chẽ về ý tưởng lẫn lập luận, nhiều ý còn để ngõ. Mong các bạn đọc bài này với tấm lòng rộng mở, được ý hãy quên lời.
Ngưòi ta khi mới chào đời đã có sẵn một lưng vốn thời gian. Chẳng ai biết cái vốn ấy là bao nhiêu, chỉ biết chắc một điều là không quá ba vạn sáu. Vài người có nhiều hơn một ít nhưng cũng chẳng để làm chi. Con số ba vạn sáu là cái chốt chặn không lay chuyển nổi.
Lại có câu nói “Sống một
ngày tức là chết một ngày” ngầm bảo rằng đời người là chiếc đồng hồ đếm ngược,
từ ba vạn sáu trở về số không. Chiếc đồng hồ ấy vừa khởi động là bắt đầu đềm
ngược. Hầu hết mới đếm nửa chừng thì số không xuất hiện, đồng hồ đứng lại vĩnh
viễn. Hiếm có chiếc nào đếm đúng thứ tự cho đến số không.
Lối tính toán có vẻ cơ học
này làm nổi bật cái qui luật lạnh lùng của thời gian-đời người.
Chẳng có mấy ai thấy đời mình dài. Phần lớn cảm nhận cuộc đời này ngắn ngủi, thậm
chí quá ngắn, cái ba vạn sáu trôi đi như tên bay, ngựa chạy, thoi đưa: “Nhân
sinh nhất thế gian/ Như bạch câu quá khích” (Một đời người qua nhanh như bóng ngựa
vụt qua khe cửa.)
Đời người qua nhanh đến nỗi
dường như không có thực: “như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm
bao”.
Vốn thời gian chóng cạn.
Từ đó, ý thức về thời gian đời người trở thành gánh nặng cho từng cá thể của
nhân loại: phải có thái độ và cách ứng xử thế nào với cái vốn ít ỏi đó. Thế
nhưng hãy còn rất nhiều người thờ ơ, tuy mức độ khác nhau, với cái gánh nặng ấy.
Họ quan tâm đến những gánh nặng khác, thực dụng hơn và thường không vượt quá giới
hạn của cái tôi. Vì vậy, họ rất sợ “con số không” xuất hiện nửa chừng khi họ
chưa tiêu hết cái vốn ba vạn sáu.
Ý thức thường xuyên về thời
gian-đời người và có được thái độ, có cách ứng xử tốt đẹp sẽ làm cuộc sống có ý
nghĩa và giảm nhẹ nỗi sợ hãi đối với “con số không định mệnh”. Ở trường ta có một
thầy giáo dạy toán đã qua đời hơn hai năm. Thầy đã sống và làm việc rất xứng
đáng với cái vốn thời gian ít ỏi bị chấm dứt nửa chừng. Xin kính cẩn viết hai
câu tặng Thầy và những ai đang sống cuộc đời như Thầy: “Ở với đời, biết theo đường
thiện mỹ/ Sống là đi, đâu còn sợ ngắn dài.
Biết chọn đường thiện mỹ
để đi là chuyện nên làm của con người, còn mệnh yểu hay thọ không ai làm chủ được.
Đi trên con đường thiện mỹ tất nhiên sẽ không mang theo nhiều tham dục riêng
tư, tâm và trí sẽ sáng suốt hơn để hiểu cuộc đời vô thường này.
Tùy thuộc cuộc sống mà mỗi
người đang nhận lãnh, tùy thuộc tâm trạng, cảm giác do cuộc sống gây nên cho từng
người, chúng ta thường có những ảo giác rất khác nhau về thời gian. Người xưa
có lời nhắc nhở rất ý vị: “Thất nhất túc thành thiên cổ hận/ Tái hồi đầu thị
bách niên thân (Sẩy một bước chân nghìn thu mang hận/ Quay đầu nhìn lại thân
này trăm năm).
Thân trăm năm làm sao
mang nổi cái hận nghìn thu?! Ảo giác về thời gian là điều hết sức bình thường.
Ngày hoan lạc thì “ngắn chẳng tày gang”, ngày sầu đau thì dài bằng “ba thu” thậm
chí “nghìn thu”. Lại có cả những phút giây hóa thành “bất tử”. Người ta nhốt được
cái vô cùng vào trong một khoảnh khắc hoặc kéo dài một khoảnh khắc thành vô tận.
Có vẻ như đây là sự mầu nhiệm của cảm xúc làm cho thế gian được điểm tô thêm
nhiều nét đẹp và có thêm nhiều ý vị. Điều này rất tốt nhưng nói cho cùng thì chẳng
thay đổi được gì cái bước đi lạnh lùng của thời gian từ nôi đến mộ.
Khi thật tỉnh táo người
ta sẽ nhận ra rằng điều hệ trọng nhất là làm sao làm chủ được cái vốn ba vạn
sáu ấy, không thể để phần lớn đời mình trong tình trạng phi thời gian. Không thể
nói “Ừ, thì hết một năm.”, “Ừ, thì 30 tuổi.” và “Ừ, thì 50 tuổi” .v . v… Sống
phi thời gian có cái tuyệt diệu của nó-như người ta ở tuổi trẻ thơ-nhưng chắc
không ai trong chúng ta có thể sống như thế, có muốn cũng không được, trừ phi
quá vô tâm. “Vô tâm” chỉ là một cách nói.
Thật ra con người chịu sức
ép quá lớn của đời sống, nó thiên hình vạn trạng và rất ác liệt, lôi kéo con
người về đủ mọi hướng, chẳng chịu buông tha hay giảm nhẹ. Chuyện cơm áo, lợi
danh, ganh đua, thụ hưởng, quan hệ, buồn vui, yêu thương, hận thù… rồi vất vả
lo toan, rồi mưu ma chước quỷ… Cuộc sống cứ vây chặt, trói buộc, áp chế, điều
khiển, cám dỗ, ám ảnh, thậm chí làm con người tha hoá, vong thân. Quá bận rộn
hoặc say mê, nhiều người không có thì giờ nhìn lại mình trong một ngày, một
tháng, một năm.
Con người còn quá ít thời
gian và tâm trí để sống với chính mình, để thật sự làm chủ được mình, để tự
quán chiếu và tự điều chỉnh. Trừ những kẻ tài năng lỗi lạc còn con người nói
chung muốn làm chủ dược mình thì trước hết phải làm chủ thời gian của mình dù
mình đang ở đâu, đang làm việc gì. Con người dùng gần hết cái vốn ba vạn
sáu ấy để hướng ngoại, trong đó có những việc cần thiết và không cần thiết, phần
hướng nội chẳng đáng là bao. Đến giờ phút phải đối diện với “con số không định
mệnh” mới nhận ra một điều ghê gớm: ta chỉ “chạy loanh quanh” chứ chưa thật sự
sống cuộc đời của mình. Nhạc sĩ TCS đã nói rất hay về điều này: “Bao nhiêu năm
rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng
nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
Trong số những người chạy
loanh quanh, có nhiều người thành công lớn nhưng không bao giờ ra khỏi trạng huống
này: “Việc mọn chốn hồng trần/ Nghĩ mình lập đại công/ Chợt nghe vô thường gọi/
Hiện tiền lẽ sắc không.
Quá say mê hướng ngoại đến
lúc không thể không nhìn lại mình thì đã muộn rồi.
Một vị thiền sư có nói:
“Đối với những người biết đủ, sự cô đơn là nguồn hạnh phúc lớn lao”. “Biết đủ”
là dừng lại, bước ra khỏi vòng xoáy bất tận của lợi danh, “cô đơn” là quay trở
về với chính mình, không để tham dục sai khiến, tâm hồn thanh thản sáng suốt để
tự nhìn lại mình. Càng hiểu mình thì càng trả lời đúng đắn câu hỏi gắn liền
với số kiếp: ta nên sống thế nào, ta phải làm gì. Đây là một thứ hạnh phúc
trong sáng nhưng không dễ cảm nhận.
Xin trở lại ý vừa nói một tí. Để tự hiểu mình, người ta thường đặt ra nhiều câu
hỏi, ví dụ: ngoài vật chất, ta thật sự cần điều gì, ta tin vào điều gì, ta thừa
nhận và tôn trọng những giá trị nào, có bao nhiêu giá trị tinh thần thẩm thấu
được vào ta làm thay đổi đời ta, ta có thật sự sống theo một hệ thống đạo đức
nào không .v. v… Người có tôn giáo còn đặt ra những câu hỏi nghiêm khắc hơn nữa.
Việc đặt những câu hỏi
như thế chỉ có con người mới làm nổi. Những câu hỏi này đòi hỏi dứt khoát người
đặt ra phải trả lời. Không ai, không một ai có thể né tránh được. Thật ra câu
trả lời đã có sẵn rồi, dù nó là thế nào đi nữa, của riêng mỗi người và tuyệt đối
bí mật. Từ đó mỗi người tự hiểu mình.
Xin nhắc lại đây ý
tưởng của câu nói đầy tâm huyết đối với con người của nhà bác học thiên tài
Einstein: “Không phải ai cũng thành đạt/ Nhưng ai cũng phải thành người”.
Lời nói này đã chỉ rõ mục
đích lớn lao của con người khi sử dụng cái vốn ba vạn sáu.
Ai cũng muốn sống nhưng yêu cuộc sống lại là một chuyện khác. Nói vắn tắt, yêu
cuộc sống là biết sống tốt đẹp đời sống riêng để làm tốt đẹp đời sống chung. Nếu
chỉ là muốn sống, hoặc chỉ muốn sống sung sướng thì thật đáng sợ. Rất nhiều người
dùng cái lí lẽ “muốn sống” này để làm hại cuộc sống, làm cuộc đời chung xấu đi
đến mức khiến cho nhiều người khác không thể sống nổi. Sống theo kiểu đó, một số
người có thể không làm gì thêm mà vẫn phong lưu trong dăm ba thế kỉ nữa, nếu họ
vượt được cái giới hạn ba vạn sáu … Hiển nhiên, cái giới hạn này là sự công bằng
lớn nhất và duy nhất, đầu tiên và sau cùng, cho nhân loại, nó đứng trên tất cả
mọi bất công đang tràn ngập thế gian.
Chỉ thuộc về con người,
cái vốn thời gian ấy mới phát huy hết giá trị của nó. Tâm hồn, trí tuệ con người
qua hàng ngàn năm tích hợp đã làm nên bộ mặt nhân văn cho thế giới ngày nay.
Nói tâm hồn, trí tuệ, í chí…cũng là nói đến một chữ tâm duy nhất từ đó phát
sinh ra biết bao nhiêu năng lực và phẩm chất tinh thần của con người. Chữ tâm
hoàn thiện theo nghĩa rộng là tinh hoa cao tột của con người. Vẫn biết “Phật
cao một thước, ma cao một trượng”, cái ác, cái xấu cũng rất khủng khiếp,
bám sát loài người như một thách đố lì lợm nhưng không bao giờ thắng được cái
tâm sáng suốt và yêu thưong.
Kiếp nhân sinh ngắn ngủi
ba vạn sáu ngàn ngày trở thành cuộc chiến đấu trường kì không chỉ để sống mà
còn để sống cho ra con người trong tất cả mọi hoàn cảnh. Thực chất cuộc chiến đấu
này bên trong mỗi con người là sự kiên trì, can đảm để rèn luyện cái tâm vừa
sáng suốt vừa mạnh mẽ, càng hoàn thiện bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đó là
thành tựu lớn nhất, quí báu nhất của đời người. Đó cũng là mục đích, ý nghĩa
không chỉ của một kiếp sống hiện tiền này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét