GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG - MỘT GÓC NHÌN
Lê Đức Thịnh
( Bài tham luận trong hội nghị Nhà giáo và Lao động - Năm học 2011 – 2012 )
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo
Quí vị đại biểu
Thưa toàn thể hội nghị
Được sự phân công của Ban chủ trì hội nghị, tôi xin trình bày bản tham luận về giáo dục Đạo đức, Nhân cách và Kĩ năng sống cho học sinh.
Đây là một vấn đề lớn, bao hàm nhiều nội dung nên t rong bản tham luận này, chúng tôi sẽ không đi sâu vào phương pháp, biện pháp giáo dục KNS cho học sinh bởi đó là vấn đề thuộc chuyên môn. Tôi chỉ xin trình bày vài suy nghĩ, cách nhìn của mình về vấn đề giáo dục KNS cho học sinh hiện nay.
Chưa bao giờ vấn đề giáo dục KNS được ngành giáo dục quan tâm như gần đây. KNS đã được đưa vào nhà trường, được tích hợp trong dạy học nhiều môn học ở bậc Trung học; trở thành một môn học riêng trong trường tiểu học. Điều đó theo tôi có hai lí do :
- Xã hội đang lên tiếng báo động về KNS trong giới trẻ.
- Yêu cầu cập nhật trong công tác giáo dục hiện đại.
Trước hết xin quay lại một số định nghĩa về KNS được nêu trong các tài liệu chuyên môn gần đây :
- KNS là khả năng điều chỉnh và lựa chọn hành vi đúng đắn, giúp người ta thực hiện các nhu cầu của bản thân một cách hợp lý và ứng phó trước những thách thức trong cuộc sống hàng ngày của mình.
- KNS là năng lực tâm lý xã hội của mỗi người làm chủ bản thân, ứng xử với những người khác và với xã hội một cách hợp lý.
- KNS là năng lực cá nhân để tham gia vào cuộc sống hằng ngày. Làm cho cá nhân có thể thích nghi và giải quyết có hiệu quả các yêu cầu và thách thức của cuộc sống nhất là trong giai đoạn xã hội phát triển như hiện nay.
Với các cách định nghĩa như trên về KNS thì chúng ta có thể thấy rằng vấn đề KNS hướng vào năng lực, hành vi của cá nhân với cộng đồng.
Tôi có thể nói ngay rằng hiện nay giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng không phải là hoàn toàn thiếu KNS, thậm chí là thừa KNS.
Xin nêu lên vài dẫn chứng:
- Trong ăn mặc các em biết cách chọn trang phục hợp thời trang.
- Trong giao tiếp biết cách làm quen, kết bạn.
- Trong quan hệ biết cách tặng quà, ga-lăng với bạn khác giới.
- Biết cách lấy lòng thầy cô giáo hoặc cấp trên.
- Trong học tập biết cách lấy tài liệu, thông tin để phục vụ cho việc học tập.
- Trong cuộc sống đời thường biết đi xe máy, biết sử dụng điện thoại và các tiện nghi hiện đại.
- Trong tư duy biết cách nhận xét, đánh giá người khác qua hành động, ngôn ngữ, cử chỉ …
Có thể nói học sinh ngày nay thì có rất nhiều KNS trong học tập, giao tiếp, sinh hoạt, quan hệ … và chúng ta cứ nghĩ các em có thể thích nghi và giải quyết có hiệu quả các yêu cầu và thách thức của cuộc sống nhất là trong giai đoạn xã hội phát triển như hiện nay.
Tuy nhiên nhìn ở góc nhìn khác chúng ta lại thấy nhà trường và xã hội vẫn lên tiến về tình trạng học sinh thiếu KNS biểu hiện qua ngôn ngữ, hành động, thái độ trong các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường : Ứng xử thiếu văn hóa trong giao tiếp nơi công cộng. Ăn mặc phản cảm. Thiếu lễ độ với thầy cô giáo, cha mẹ, người lớn tuổi. Chưa có ý thức về bảo vệ môi trường. Gây phiền hà cho người khác khi sử dụng xe máy, điện thoại di động …
Tất cả dường như mâu thuẫn giữa biểu hiện của KNS và nhận thức về KNS.
Trả lời cho sự mâu thuẩn này chúng tôi xin nêu lên hai lí do cơ bản là :
- Các em đang sống cuộc sống văn minh nhưng thiếu cái gốc văn hóa.
- Các em có thừa kĩ năng sống nhưng lại thiếu nền tảng đạo đức, nhân cách.
Từ cách nhìn vấn đề như trên, theo tôi nhà trường cần chú trọng, đạt nặng vấn đề giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh hơn là giáo dục KNS; nói cách khác những biểu hiện của KNS phải đặt trong những giá trị của nhân cách đạo đức.
Giáo dục đạo đức, nhân cách là cái gốc; còn giáo dục KNS là hoa lá.
Một cái gốc rễ vững chắc thì mới có hoa thơm trái ngọt làm đẹp, có ích cho đời.
Cái cần ở học sinh hiện nay là làm sao các em hãy trong trắng, hồn nhiên đúng với tuổi của mình, chú tâm vào việc học, trau dồi kỹ năng học tập hiệu quả và sống chân thật giản dị, hơn là có nhiều kĩ năng trở thành kĩ xảo trong cuộc sống hiện đại.
Nói thế để thấy rằng, vấn đề không phải KNS mà trước tiên, mỗi học sinh phải là một con người có nhân cách sống đàng hoàng, được tôn trọng, được đối xử dân chủ, bình đẳng, được tự do thể hiện cá tính sáng tạo của mình một cách chân thật…
So với thế hệ học sinh những thập niên trước, chúng ta thấy họ không được giáo dục KNS một cách bài bản trong nhà trường nhưng họ là những con người có tâm hồn, nhân cách, rất tự tin, bản lĩnh, và rất đáng yêu …
Tố Hữu có câu thơ “Anh nắm tay em sôi nổi vụng về”… xét ở khía cạnh tâm lý thì “sôi nổi” là tình cảm chân thật; “vụng về” là kỹ năng. Đấy là cái đáng yêu còn đọng lại. Nếu quan hệ tình cảm mà đạt đến kĩ năng kĩ xảo thành thục thì thật đáng cho ta phải suy nghĩ!
Việc giáo dục KNS thực chất là giáo dục lối sống cho thế hệ trẻ. Mục tiêu giáo dục KNS phải là một trong các mục tiêu giáo dục toàn diện nhằm bổ sung, hoàn chỉnh cho các nhiệm vụ giáo dục Đạo đức, Trí tuệ, Thể chất, Thẩm mỹ.
Do đó không nên xem giáo dục KNS chỉ đơn thuần là giáo dục theo kiểu lồng ghép trong một số môn học. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà phải có sự gắn kết với các hoạt động gia đình, cộng đồng, xã hội.
Giáo dục KNS trong nhà trường phải vượt qua khuôn khổ lí thuyết bởi bản chất của KNS là thực hành, thực tiễn ( vì vậy có người giễu cợt chữ KNS thành “Kẻ Nói Suông” )
Nhân cách đạo đức học sinh không đàng hoàng thì KNS có thể thành xảo thuật trong cuộc sống!
Nói cách khác nhân cách, đạo đức quyết định kỹ năng, chứ không phải kỹ năng quyết định nhân cách!
Vì vậy đừng quá chú trọng đến KNS mà xao lãng việc giáo dục chiều sâu của nhân cách!
Muốn vậy giáo dục phải tôn trọng, đánh giá đúng học sinh với tư cách là chủ thể, có ý thức sâu sắc về hoạt động học tập, rèn luyện nhân cách của mình, tìm kiếm những giá trị thực, dám dấn thân.
Nếu không chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ chỉ biết lo sợ, răm rắp thi đua theo kiểu làm theo, tự hào về những thành tích ảo, vươn tới những danh hiệu giả, và lối tư duy rập khuôn thiếu sáng tạo.
Từ xưa, ông cha ta đã khái quát các vấn đề này qua một số câu nói ngắn gọn, hàm súc mà vẫn còn nguyên giá trị.
Về giáo dục nền tảng nhân cách, đạo đức ông cha ta đã khái quát thành chân lí : “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Về giáo dục KNS thì : “Học ăn, học nói, học gói, học mở.” Đó là các kĩ năng về ngôn ngữ, ứng xử, giao tiếp … không chỉ được giáo dục trong một vài bài học, vài môn học mà là sự giáo dục và tự giáo dục cả đời người.
Để kết thúc bài tham luận này tôi xin trích ra đây câu nói nổi tiếng của nhà khoa học Albert Einstein :
“Không phải ai cũng thành đạt
Nhưng ai cũng phải thành người”
Vâng, nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục học sinh thành người chứ không phải đào tạo các em trở thành người thành đạt.
Mà muốn thành người thì các em phải được giáo dục để có đạo đức, có nhân cách và hiểu được những chân giá trị của KNS.
Mà muốn thành người thì các em phải được giáo dục để có đạo đức, có nhân cách và hiểu được những chân giá trị của KNS.
Xin cảm ơn quí vị đã lắng nghe.
Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Lê Đức Thịnh - tháng 10 / 2011
Mời đọc thêm Bài phát biểu tham luận về "Đạo đức nhà giáo..." tại Hội nghị NG&LĐ năm học 2009 / Kích vào đây
Mời đọc thêm Bài phát biểu tham luận về "Đạo đức nhà giáo..." tại Hội nghị NG&LĐ năm học 2009 / Kích vào đây
Một số hình ảnh về những đồng nghiệp của tôi :
Tổ Ngữ văn / trường thcs Nguyễn Trãi / Đại Lộc - QN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét