1/10/11

20. BÀN VỀ SỰ DỐT

Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh

Người ta thường chửi nhau : đồ dốt !
Người ta thường đánh giá tiêu cực về nhau : ngu  dốt !
Người ta thường chê bai, hạ nhục nhau :  dốt nát !
Đấy là thứ từ ngữ mà từ người bình dân cho tới kẻ sĩ đều đem ra mà dùng đặng.


***
Dân gian có câu thành ngữ “dốt đặc cán mai” để chỉ cái tận cùng của sự dốt.
Lại có câu tục ngữ “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” để nói về cái dốt lưng chừng !
Nói về kẻ dốt toàn diện thì “văn dốt, vũ dát” .
Dốt đến độ trào lộng thì “dốt có chuôi”.
Khi hằn học nhau, người ta còn chẳng tiếc lời “dốt  như bò” .
Xem ra, sự dốt cũng nhiêu khê chẳng kém gì sự đời !
“ Sự đời như chiếc lá đa
Đen như mõm chó, chán cha cái sự đời ! ”
Ấy là tôi thấy như thế !
***
Phải chăng nói đến dốt thì phải có đối cực là giỏi ! Hẳn nhiều người nghĩ như vậy.
Đáng thương thay đó là một lối tư duy hoàn toàn dốt !
Dốt không nằm trong tương quan nhị nguyên với giỏi bởi lẽ chỉ có dốt nhiều hay dốt ít mà thôi !
Kẻ gọi người khác là dốt thường cao ngạo mà tự cho rằng mình là giỏi mà không biết rằng mình chỉ là kẻ ít dốt hơn người. Có khi lại dốt nhiều hơn chăng !
Ngẫm cho kĩ thì tri thức nhân loại là không cùng, sự biết và sự học của con người chỉ là một hạt cát, như vậy ai mà chả dốt !
Cho nên kẻ nào chửi người khác là dốt hoặc tự cho mình giỏi là kẻ dốt vậy !
Ấy là tôi nghĩ như thế !
***
Dốt cũng có nhiều lẽ :
Dốt vì thiếu học hay thiếu điều kiện học tập - ấy là cái dốt đáng thương, cần thông cảm và chia sẻ.
Dốt vì thiếu nhận thức về cái lẽ vô tận của con người và cuộc đời - ấy là cái dốt đáng ghét, cần phê phán.
Dốt vì nóng giận hoặc thiếu bình tâm suy xét lẽ thị phi - ấy là cái dốt đáng giận, thiếu tính nhân văn.
Ấy là tôi biết như thế !
***
Thầy giáo chửi học trò là đồ dốt.
Đồng nghiệp chê bai nhau là dốt.
Thủ trưởng nói với cấp dưới là dốt …
Đáng thương thay, sự dốt đang ngày càng lan rộng, nhiều người đang tự làm cho mình dốt thêm và đầu độc bầu không khí quan hệ giữa người với người :
Kẻ dốt nhiều nghe thì lùng bùng, ấm ức.
Người dốt ít nghe nhưng nhức chướng tai.
Người không dốt nghe gai gai, ngứa họng.
Ấy là tôi đã bị như thế !
Nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân nổi tiếng về sự chướng và kì cục gọi cái kiểu ăn nói như vậy là “ỉa vào mồm nhau” – mà cái sự ỉa đái bậy bạ như vậy thì thật đáng chê trách lắm lắm !
***
Vậy nên Đồ dốt là một kiểu tư duy cực kì dốt nát được diễn đạt bằng hình thức ngôn ngữ vô lối cần loại ra khỏi đời sống bởi lẽ :
Xét về  tư cách người nói, nó vừa thể hiện sự hỗn xược, vừa hàm hồ.
Xét về nhận thức, nó tỏ ra thiếu thấu đáo về mình, về người.
Xét về ứng xử, ấy là lời nói thiếu tính nhân văn !
Ấy là tôi nghĩ  như thế !
***
Mà suy cho cùng thì dốt cũng chẳng có tội gì.
Chỉ có thái độ của con người về sự dốt  là có tội .
Kẻ dốt có mấy khi tự cho rằng mình dốt - càng không muốn người khác nói mình là đồ dốt - đấy là lẽ tự nhiên của nhận thức và tâm lí.
Kẻ ít dốt hơn càng không nên tự cho mình giỏi mà chê người khác dốt, đấy là lẽ đời.
Đi đến tận cùng của cái dốt để biết dốt.
Lặn ngụp trong cái dốt để hiểu được sự dốt.
Vượt lên cái dốt để khỏi dốt.
Đấy cũng là lẽ tự nhiên của sự vận động.
Ấy là tôi thương mình nên nhủ như thế !
***

Đừng để cái sự dốt trở thành một thứ trầm tích đáng ghét trong xã hội và con người.
Đừng để lời nói về sự dốt đưa mọi người xuống địa ngục - một địa ngục trần gian như cách nói của Jean Paul Sartre “ Người khác là địa ngục của ta ” (*) .
Ấy là tôi tự nói với mình như thế !                                                               

                 MN - LĐT

 (*) : Jean Paul Sartre : triết gia hiện sinh Pháp đầu thế kỉ XX
                              Mời đọc bài liên quan : BẤM VÀO ĐÂY

Không có nhận xét nào: