9/8/15

659. MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI CẤP THCS (4)

    (Trích tài liệu Tập huấn Mô hình Trường học mới Việt Nam môn Ngữ văn - 2015)

GIỚI THIỆU VỀ HỘI ĐỒNG TỰ QUẢN HỌC SINH
Cơ cấu tổ chức của Hội đồng tự quản học sinh như sau:


Hội đồng tự quản học sinh là một tổ chức của học sinh, do học sinh thành lập ở từng lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh để tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi của chính các em đồng thời quản lí, giám sát, điều chỉnh các hoạt động đó; bảo đảm cho các em tham gia một cách dân chủ và tích cực vào đời sống học đường; khuyến khích các em tham gia một cách toàn diện vào các hoạt động của nhà trường và phát triển lòng khoan dung, sự tôn trọng, bình đẳng, tinh thần hợp tác và đoàn kết cho học sinh.
Tổ chức Hội đồng tự quản học sinh là một biện pháp giáo dục nhằm thúc đẩy sự phát triển về đạo đức, tình cảm và xã hội của học sinh thông qua những kinh nghiệm hoạt động thực tế của học sinh trong nhà trường và mối quan hệ với những người xung quanh.
Tham gia Hội đồng tự quản học sinh, học sinh sẽ có những tiến bộ rõ rệt về khả năng tự ý thức, lòng tự trọng, tính tự tin, các hành vi cư xử tôn trọng và bình đẳng giữa học sinh nam và học sinh nữ; phát triển kĩ năng ra quyết định, kĩ năng hợp tác và kĩ năng lãnh đạo đồng thời cũng chuẩn bị cho các em ý thức trách nhiệm khi thực hiện những quyền và bổn phận của mình.

5.2. Quy trình thành lập Hội đồng tự quản học sinh
a) Chuẩn bị thành lập Hội đồng tự quản học sinh
Quá trình tiến hành thành lập Hội đồng tự quản học sinh nhất thiết phải có sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm và cha mẹhọc sinh với vai trò là người cố vấn khích lệ, hỗ trợ, giám sát và cung cấp nguồn lực cho các em. Giáo viên chủ nhiệm cần thông báo trước cho cha mẹ học sinh về việc thành lập Hội đồng tự quản học sinh để bất kì mối lo ngại, băn khoăn nào cũng sẽ được nêu lên ngay từ đầu chứ không phải trong một vài tuần đầu khi Hội đồng tự quản học sinh đã đi vào hoạt động, bởi vì những tuần đầu tiên là thời điểm mà hoạt động của Hội đồng tự quản học sinh dễ bị “trục trặc” nhất.
Giáo viên chủ nhiệm cũng phải chuẩn bị để thích ứng dần với vai trò hỗ trợ, định hướng của mình, khi học sinh được tin tưởng trao quyền chủ động hơn.
Học sinh nên được tạo cơ hội thảo luận cùng nhau về các vấn đề thế nào là Hội đồng tự quản học sinh? Mục đích thành lập Hội đồng tự quản học sinh là gì? Vì sao học sinh nên tham gia Hội đồng tự quản học sinh? Những lợi ích có thể có của Hội đồng tự quản học sinh tới cuộc sống của chính các em trong nhà trường? Những vai trò, trách nhiệm mà các em sẽ gánh vác?
Giáo viên chủ nhiệm cùng học sinh trao đổi về kế hoạch hoạt động (nội dung, cách thức hoạt động) của Hội đồng tự quản học sinh; các ban chuyên trách có thể thành lập và nhiệm vụ của các ban; tiêu chuẩn học sinh được tham gia vào các ban; kế hoạch bầu cử,…
b) Tiến hành sinh hoạt tập thể để tổ chức bầu Hội đồng tự quản học sinh
b1. Hoạt động chuẩn bị cho việc bầu cử Hội đồng tự quản học sinh Sau khi đã hoàn thành bước chuẩn bị về tư tưởng cho học sinh, giáo viên chủ nhiệm cùng học sinh thảo luận về cơ cấu của Hội đồng tự quản học sinh. Thông thường là 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch. Tuy nhiên, số lượng phó chủ tịch có thể khác nhau tuỳ vào  đặc điểm của từng lớp. Với sự định hướng của giáo viên chủ nhiệm, học sinh trao đổi về những phẩm chất, năng lực cần có của các bạn trong Hội đồng tự quản học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm lưu ý sửdụng những ngôn từ đơn giản, dễ hiểu cho học sinh. Sau đó, học sinh lập danh sách ứng cử (những học sinh tự nguyện đăng kí) và
danh sách đềcử (những bạn được các bạn khác tín nhiệm giới thiệu). Học sinh tiến hành bầu ban kiểm phiếu gồm trưởng ban và một số các thành viên tuỳ vào số lượng học sinh của lớp. Giáo viên chủ nhiệm lưu ý hướng dẫn kĩ cách làm việc của ban kiểm phiếu: chuẩn bị phiếu bầu (có thể phải có dấu hiệu gì đó để đảm bảo là phiếu của ban kiểm phiếu phát ra như chữ kí của trưởng ban kiểm phiếu hay của giáo viên chủ nhiệm), cách ghi phiếu bầu, kiểm phiếu bầu, công bố kết quả kiểm phiếu. Các ứng viên sẽ có thời gian để chuẩn bị phần tranh cử của mình. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm tạo điều kiện cho học sinh được cảm thấy sự dân chủ, công bằng, bình đẳng và được học cách thuyết trình trước đám đông. Học sinh có thể nhờ tới sự tư vấn, hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh và các bạn học trong việc chuẩn bị tranh cử. Bài tranh cử của học sinh cần có những nội dung như: Giới thiệu về bản thân, những mong muốn của em về lớp học, những việc em sẽ làm nếu em trở thành Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh,… Những lời hứa này phải khả thi.
Với sự hỗtrợ của giáo viên chủ nhiệm, một học sinh sẽ được hướng dẫn trước để điều khiển quá trình bầu cử.
b2. Tổ chức bầu cử Hội đồng tự quản học sinh
Việc tổ chức bầu Hội đồng tự quản học sinh cần được tiến hành đúng quy trình, dân chủ, tự nguyện và hấp dẫn như một ngày hội.
- Bầu Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh:
Học sinh điều khiển quá trình bầu cử thông qua nội dung hoạt động của Hội đồng tự quản học sinh và tiêu chuẩn nhân sự.
Các ứng viên sẽ lần lượt tranh cử bằng các bài thuyết trình đã được chuẩn bị trước. Giáo viên chủ nhiệm lưu ý không để học sinh cầm giấy đọc mà để các em chủ động thể hiện khả năng thuyết trình của mình.
Sau khi các ứng viên đã thuyết trình xong, ban kiểm phiếu làm việc (phát phiếu bầu, thu phiếu, kiểm phiếu). Các học sinh có sốphiếu cao nhất từtrên xuống sẽ trúng cửvào vị trí Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh. Chủ tịch, các Phó chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh ra mắt cả lớp.
- Thành lập các ban chuyên trách:
Chủ tịch và các Phó chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh giới thiệu với cả lớp về mục đích thành lập các ban chuyên trách như: Ban học tập; Ban thư viện; Ban văn nghệ, thể thao; Ban đối ngoại; Ban vệ sinh; Ban hoà giải,… và nhiệm vụ của mỗi ban. Sau khi cả lớp đã thống nhất và quyết định thành lập một số ban nào đó trong lớp, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch cho các bạn trong lớp tự nguyện đăng kí tham gia các ban.
Nên khuyến khích mỗi học sinh trong lớp đều tham gia ít nhất một ban. Với những học sinh không đăng kí tham gia một ban nào, giáo viên chủ nhiệm có thể dành thời gian để tìm hiểu sở thích, nguyện vọng của các em đó để tư vấn đúng hướng hoặc nhờ tới sự trợ giúp của cha mẹ học sinh và các bạn trong lớp. Trong trường hợp vẫn còn một số học sinh do nhút nhát không tự đăng kí vào bất cứ ban nào, giáo viên chủ nhiệm có thể thành lập riêng một ban dành cho các em và gọi là Ban hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm.
Giáo viên chủ nhiệm cần trực tiếp hỗ trợ, động viên và tổ chức cho học sinh, cho cha mẹ học sinh giúp đỡ từng em trong Ban, tạo điều kiện cho từng em làm giúp thầy cô một số công việc trên lớp để các em mạnh dạn dần, đến khi các em chủ động đăng kí vào một ban nào đó.
Sau khi học sinh đã đăng kí xong vào các ban, Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh cùng giáo viên chủ nhiệm thống nhất danh sách các ban, có thể vận động một số học sinh chuyển sang ban khác nếu cần thiết để có sự điều chỉnh hợp lí đối với từng ban. Tiếp theo, các ban sẽ tổchức bầu Trưởng ban. Dưới sự điều khiển của Trưởng ban, các thành viên cùng lập kế hoạch hành động và phân công nhiệm vụ cụ thể theo nguyên tắc tất cả các thành viên trong ban cùng tham gia hoạt động. Để giúp các ban hoạt động hiệu quả, mỗi ban nên có sự hỗ trợ, tư vấn của cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm. Lưu ý là ở mỗi ban, các học sinh trong ban có nhiệm vụ đề xuất hoạt động và theo dõi việc thực hiện hoạt động đề ra. Các hoạt động này không phải chỉ do các bạn trong ban thực hiện mà cần có sự tham gia của học sinh cả lớp. Do vậy, quá trình thực hiện các hoạt động cũng giúp bản thân học sinh tự hiểu được mình phù hợp với ban nào và giúp giáo viên chủ nhiệm tư vấn dúng cho học sinh trong việc chuyển đổi ban. Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh phân công các Phó chủ tịch nhận trách nhiệm phụ trách các ban trong lớp theo khả năng và nguyện vọng của các Phó chủ tịch.
Một sốlưu ý:
- Hội đồng tựquản học sinh có thểthay đổi để đảm bảo tất cảhọc sinh trong lớp
đều có cơhội được tham gia và trải nghiệm. Thời gian thay một hay toàn bộcác thành viên nòng cốt tuỳthuộc vào tình hình mỗi lớp học. Giáo viên chủnhiệm cần nói rõ điều này ngay từ đầu đểtránh cho học sinh khỏi những cảm xúc tiêu cực khi không được tham gia các vai trò quan trọng nữa.
- Nhìn chung, quá trình thành lập Hội đồng tựquản học sinh nên cố gắng bám sát thực tiễn bầu cử của đất nước và địa phương để giúp học sinh hiểu được quá trình bầu cử tự do, công bằng và dân chủ. Trong quá trình thành lập, giáo viên chủ nhiệm nên khuyến khích học sinh có những biện pháp, ý tưởng mới của chính các em. Học sinh và giáo viên chủ nhiệm cùng tổ chức quá trình bầu cử. Cha mẹ học sinh và đại diện cộng đồng có thể được mời tham gia với tư cách quan sát viên.
5.3. Tăng cường năng lực cho Hội đồng tự quản học sinh
Sau khi Hội đồng tự quản học sinh của lớp được thành lập, giáo viên chủ nhiệm cần bồi dưỡng những kĩ năng hoạt động cần thiết cho Hội đồng tự quản học sinh, các kĩ năng cần có của Chủ tịch, Phó chủ tịch và các Trưởng ban.
Để Hội đồng tự quản học sinh hoạt động có hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm nên vận dụng kinh nghiệm của bản thân, của đồng nghiệp để hướng dẫn tổ chức hoạt động cho Hội đồng tự quản học sinh. Giáo viên chủ nhiệm có thể thực hiện những công việc sau:
- Họp với Chủ tịch, Phó chủ tịch và cácTrưởng ban để giúp các em lập kế hoạch hoạt động cho từng ban một các thực tế và khả thi.
- Thường xuyên rút kinh nghiệm về nội dung hoạt động của Hội đồng tự quản học sinh với sự tham gia của học sinh và cha mẹ học sinh trong lớp.
- Thường xuyên giám sát, hỗ trợ Hội đồng tự quản học sinh, đồng thời động viên, khuyến khích nhiều học sinh mạnh dạn tham gia ứng cử vào Hội đồng tự quản học sinh. Giáo viên chủ nhiệm nên chủ động thực hiện các hoạt động mẫu để hướng dẫn các em làm quen và dễ dàng thực hiện; cần kiên trì hướng dẫn, trân trọng từng hoạt động của học sinh.
- Luôn làm mới Hội đồng tự quản học sinh về nội dung và cơ cấu tổ chức nhân sự, mỗi năm học cần kiện toàn tổ chức Hội đồng tự quản học sinh ít nhất 2 lần.
- Theo dõi, đánh giá học sinh và ghi nhật kí đánh giá. Thực hiên đánh giá và khen thưởng kịp thời cuối học kì, cuối năm học và khen thưởng đột xuất với những cá nhân có đóng góp tích cực, hiệu quả tốt cho Hội đồng tự quản học sinh.
5.4. Một số hoạt động do Hội đồng tự quản học sinh tổ chức
Để Hội đồng tự quản học sinh biết cách chủ động thực hiện các nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục và các sinh hoạt vui chơi khác, bên cạnh các công cụ hỗ trợ trong lớp học, giáo viên cần giới thiệu cho học sinh một số hoạt động và hướng dẫn cách thức tổ chức các hoạt động đó để các em có thể thực hiện tốt vai trò “tự quản” của mình. Căn cứ vào nội dung học tập, vui chơi và tình hình lớp học, Hội đồng tự quản học sinh dưới sự hỗ trợ của giáo viên sẽ lựa chọn các hoạt động phù hợp và tổ chức một cách có hiệu quả các hoạt động học tập, hoạt động hỗ trợ quá trình học tập, hoạt động vui chơi... tránh hình thức và lặp đi lặp lại quá nhiều.
Một số hoạt động của Hội đồng tự quản học sinh đã được thử nghiệm và khẳng định là hữu ích cho công tác quản lí ở lớp học, trường học bao gồm:
a) Tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động quản lí lớp học
-Mục đích: Hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm về quản lí lớp học; quản lí các hoạt động vui chơi; tổ chức các hoạt động nhóm; tự tổ chức các hoạt động giáo dục; truyền đạt ý kiến phản  ánh của học sinh trong lớp. Những hoạt động trên giúp học sinh phát triển sự tự giác, chủ động khi tham gia các hoạt động của lớp; tạo cơ hội cho học sinh cảm nhận được mình là một phần của tập thể và có trách nhiệm để tập thể đó hoạt động và phát triển tốt; phát huy sự sáng tạo và để các học sinh có điều kiện được hỗ trợ lẫn nhau.
- Cách tiến hành: Giáo viên chủ nhiệm trao đổi với học sinh trong lớp về việc các em sẽ tham gia tổ chức và quản lí các hoạt động của lớp. Chủ tịch, Phó chủ tịch với sự hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm và các Trưởng ban xây dựng dự thảo Kế hoạch hoạt động và trao đổi về các hoạt động dự kiến sẽ thực hiện với cả lớp. Khi Kế hoạch hoạt động đã được cả lớp nhất trí thông qua, Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh sẽ họp với Phó chủ tịch và các Trưởng ban để phân công nhiệm vụ cho từng ban theo dõi, quản lí, sử dụng các công cụ hỗ trợ đã được xây dựng và đang có trong lớp. Ví dụ:
+ Ban Kỉ luật chịu trách nhiệm về bảng theo dõi sĩ sốvà việc thực hiện nội quy của lớp. Trưởng ban cần tổng hợp tình hình và báo cáo hằng tuần trước lớp.
+ Ban Học tập chịu trách nhiệm định kì hằng tuần hoặc hằng tháng chia sẻ thông tin trước cả lớp về các lĩnh vực mà các bạn học sinh trong lớp đạt thành công hay tiến bộ, những vướng mắc cần sự hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm hoặc cha mẹhọc sinh. Trưởng ban sẽ thay mặt cả lớp trình bày về điều này trong cuộc họp cha mẹ học sinh.
+ Ban Đối ngoại phụ trách việc bảo quản và thống kê cảm tưởng của những người khách đến thăm trường/ lớp hoặc cảm xúc của học sinh khi đi thăm một nơi nào đó. Ban đối ngoại có thể viết một bản tin định kì để công bố những thông báo hay kết luận quan trọng về các hoạt động được liệt kê trong Sổ ghi chép khách tham quan. Những thông tin này vừa được lưu giữ làm kỉ niệm, vừa là cơ sở cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm có những cân nhắc điều chỉnh cùng như là cơ hội cho học sinh lưu ý vào những điều hay khi mình đến thăm một nơi nào đó. Đây còn là cơ sở để phục vụ cho các dự án nghiên cứu của học sinh sau này để huy động cộng đồng tham gia.
Thời gian đầu, giáo viên chủ nhiệm nên hướng dẫn chi tiết và theo dõi cụthể, thường xuyên các ban hoạt động. Dần dần, giáo viên chủ nhiệm giảm bớt sự kiểm soát và để các nhóm chủ động hoạt động. Thành viên của các ban có thể luân phiên thay đổi để đảm bảo tất cả các học sinh đều được tham gia vào các hoạt động quản lí lớp học...


Không có nhận xét nào: