10/11/15

709. TẤC LÒNG CỦA CHU THẦN CAO BÁ QUÁT

            Phạm Đạt Nhân         
            
         Có một bài thơ chữ Hán của Chu Thần  Cao Bá Quát  không được phổ biến, không được giảng dạy trong sách giáo khoa và cũng không thấy đăng tải trong thơ văn hợp tuyển của nhiều tác giả. Đó là bài Văn tế vua Lê Thái Tổ. Bài thơ được sáng tác trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt và là tài liệu giúp hậu thế hiểu đúng về tấc lòng ưu ái của nhà thơ đối với đất nước. Rất may là vào năm 1939 cụ Ứng Hòe Nguyễn văn Tố đã phát hiện và cho đăng trong Văn Học tạp chí bài thơ hy hữu nầy. Theo cụ Ứng Hòe thì sau vụ khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại cả dòng họ của Cao Bá Quát bị tru di tam tộc; riêng họ Cao bị bắt bỏ củi đem về kinh để hành hình. Khi đòan người giải tù đi ngang qua làng Bố Vệ, tỉnh Thanh Hóa, Cao Bá Quát chợt thấy đền vua Lê Thái Tổ ông xin vào miếu để tế tam sinh. Bài thơ nầy được ứng khẩu đọc trước linh vị của vua Lê Thái Tổ:

          Ngô sinh bất phụ thử sơn hà
          Thiên địa vô tình khả nại hà 

          Vĩnh biệt sầu văn nam phố khúc 
          Hoàn hương tu tụng đại phong ca 
          Thiên niên cố quốc tinh linh tại 
          Nhất khứ anh hùng ẩm hận đa 
          Điếu bái miếu đường chung nhật cảm 
          Y nhiên tích tụ phát kim hoa 
                           ( Văn học tạp chí năm 1939 )

          (Ta sinh ra vốn không phụ với nước non nầy 
          Trời đất vô tình với ta không biết bao nhiêu nữa 
          Vĩnh biệt buồn nghe khúc ca Nam phố 
          Về làng nên đọc bài ca khải hoàn 
          Nước cũ ngàn năm còn lại tinh túy thiêng liêng 
          Một bước ra đi khách anh hùng uống nhiều hận
          Lạy tạ miếu đường suốt ngày cảm động 
          Cây lá xưa vẫn như cũ nở cành hoa ngày nay.)
         

Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương do Lê Duy Cự , một cựu thần nhà Lê khởi xướng và Cao bá  Quát làm quân sư. Cuộc khởi nghĩa chẳng may bị bại lộ, nghĩa quân đốt cháy giai đoạn nên dẫn đến thất bại; triều đình Tự Đức kết án phản loạn. Tất nhiên các sử thần của vua đều ghi chép như vậy. Nhưng rất tiếc một vài trí thức sau nầy cứ dựa y vào sử ghi để kết tội họ Cao. Điển hình là Trúc Khê Lê văn
 Triện - ông viết: "Theo nhận xét của tôi bằng những tài liệu chứng cớ còn lại thì việc biến Mỹ Lương là việc có thật mà việc ấy là việc cuồng vọng của nhà văn sĩ họ Cao bất đắc chí chứ không phải là việc do một cái tư tưởng cách mạng sản sinh ra".
          Trúc Khê Lê văn Triện làm ở viện bác cổ nên "những tài liệu và chứng cớ" mà ông có là sử liệu được ghi chép bởi các sử thần. Sử quan ăn lộc vua tất nhiên phải viết tốt cho triều đình. Nếu Trúc Khê có đọc kỷ toàn bộ thơ văn của Chu Thần, đặc biệt là bài thơ tế Lê Thái Tổ trên đây thì sẽ không có nhận xét bất công và nông nổi như thế.
Bất cứ một sự kiện lịch sử nào đã xảy ra đều đã xảy ra trong một bối cảnh thời đại và một môi trường xã hội , với nhiều nguyên nhân xa, gần khác nhau.
Xét về khởi nghĩa Mỹ Lương không thể không xét đến triều Tự Đức, đến sự nhiễu nhương của thời đại, đến sự bất ổn của chính trị xã hội; và đặc biệt là hoài bảo chí hướng và lý tưởng của Cao Bá Quát. Không thể hồ đồ phiến diện chỉ xét đến khía cạnh "cuồng vọng" , "bất đắc chí" của họ Cao. Vả lại theo quan niệm nho gia thì kẻ sĩ, hiền nhân chỉ thờ hiền vương minh chủ. Dù rằng (theo Nguyễn công Trứ): "Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông" song cũng  không phải vì công danh sự nghiệp mà phải cam lòng làm một ngu trung.
"Ta sinh ra không phụ với nước non nầy
Trời đất vô tình với ta không biết bao nhiêu nữa ..."
Đọc hai câu nầy làm sao mà chúng ta  không thấy được Cao Chu Thần đã nặng lòng với đất nước biết dường nào !?
Hành động của Cao bá Quát xuất phát từ nguyên động lực vì nước vì dân. Hoài bảo chí hướng vì dân vì nước đã nung nấu trong lòng của tiên sinh ngay từ còn nhỏ tuổi - những muốn kề vai "gánh vác giang sơn cẩm tú ", đã muốn làm con dân của vua Nghiêu, vua Thuấn, đã say mê sự nghiệp Trình, Chu, quyết "xây bạch ốc lại lâu đài" …
Chuyện kể: quan đốc học thấy Cao bá Quát còn nhỏ mà hóng chuyện người lớn, bèn ra câu đối: “Nhữ hiếu sinh hà xứ đắc lai, cảm thuyết Trình Chu sự nghiệp? (Mày là học trò nhỏ ở đâu tới đây dám nghe sự nghiệp Trình Chu ? )

 Cao Bá quát đáp ngay: “Ngã quân tử kiến cơ nhi tác dục vi Nghiêu Thuấn quân dân” (Tôi là người quân tử gặp thời cơ sẽ hành động , lòng những muốn vua và dân trở thành vua và dân  thời Vua Nghiêu Vua Thuấn).
Ngay từ rất bé, Cao bá Quát đã có khát vọng tự do, căm ghét quân quyền chuyên chế áp bức. Một hôm vua và tùy tùng tuần du qua sông thấy cậu bé  Cao bá Quát đang  trần truồng bơi lội, quan quân bắt tội cậu, trói dẫn đến vua. Vua ra câu đối  (và bảo nếu đối chỉnh thì tha cho): “Nước trong leo lẻo cá đớp cá”. Cậu bé Cao đối ngay: “Trời nắng chang chang người trói người”.
Cao bá Quát thuộc loại cá thể đột biến . Những cá thể đột biến thường không theo lẽ phải thông thường , không rập khuôn vào thông lệ, không ép mình theo công thức để thích nghi với một tình trạng tệ hại kéo dài .. Những nhân tố tiên phong của phong trào cách mạng đều thuộc loại cá thể đột biến . Có một câu nói : " Lịch sử thường được làm nên bởi những phần tử không theo lẽ phải ."Cao Bá quát tha thiết với sự đổi mới và canh tân đất nước .. Ông cực lực phản đối cái học tầm chương trích cú , nhai văn nhá chữ của bọn hủ nho . Cái học đó sản sinh ra hư văn mà không có thực tài , thực lực .Chính vì vậy mà ông dám chê bai , khinh thị mỉa mai hội tao Đàn do vua Tự Đức làm chủ soái : “Ngán thay cái mũi vô duyên 

Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An”. Trong khi đó Vua Tự Đức lại thành thực ca ngợi văn tài của Cao bá Quát : “Văn như  Siêu Quát vô tiền Hán / Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”.
Cao bá Quát có tư tưởng tiến bộ , có tầm nhìn chiến lược về tương lai đất nước , có tâm huyết canh tân , đổi mới. Nhân chuyến đi sứ Tân Gia Ba (Singapore), ông được chứng kiến nền văn minh tiến bộ của xứ người và không khỏi đau lòng trước sự lạc hậu của nước nhà do cái học hư văn:
"Nhai văn nhá chữ buồn ta 
Con giun còn biết đâu là nông sâu 
Tân Gia Ba vượt con tàu 
Mới hay vũ trụ một màu bao la 
Giật mình khi ở xó nhà 
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi "
Cao Bá Quát xiển dương phong trào canh tân đất nước , giao thương với các nước phương tây , học hỏi văn minh của các quốc gia tiên tiến trên thế giới để theo kịp thời đại.
“Không đi khắp bốn phương trời 
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai” 
Ông mỉa mai khinh thường đám kẻ sĩ háo danh , khom lưng , cúi đầu , cúc cung phụng sự cho một triều đình thối nát: "Mũ cánh chuồn đội trên mái tóc/  nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn/  Thương ai bó gối nằm tròn / người trong bốn mặt danh sơn rỡ ràng / Cao nhân dấu cũ mơ màng / Chữ danh chi để buộc ràng thân nhau ?! "
Cao bá Quát dùng văn chương như một vũ khí công kích bọn quân quyền cầu an , nhu nhược ; những mong triều đại lung lay rồi thay đổi chính sách . nhưng bọn tôi tớ ký sinh , hoàng thân quốc thích cố bám lấy sự duy trì đế chế để vinh thân phì da . Thế là khởi nghĩa Mỹ Lương nổ ra . Cao bá Quát bị xử trảm. Cả ba họ cũng bị tru di.
Nhưng trước khi chết , tiên sinh đã có một niềm lạc quan tin tưởng "Cây đời mãi mãi xanh tươi ", “Ngàn năm sau vẫn còn lại tinh túy thiêng liêng”.
Cho dù: "Một bước ra đi khách anh hùng uống nhiều hận”.
Cao tiên sinh lạy tạ miếu lê Thái Tổ và cảm thấy mình xứng đáng với khí thiêng của trời đất với hồn thiêng của người anh hùng áo vải Lam sơn: "Cây lá xưa vẫn như cũ nở cành hoa ngày nay”.
Cũng có người cho rằng sự phản kháng của Cao là do kiêu ngạo và phẩn uất. Nhận định nầy có phần đúng nhưng chưa đủ. Kiêu ngạo là hiện tượng ý thức tự ý thức biết mình tài giỏi hơn người, biết mình thông minh trác việt, lỗi lạc vượt trội.
Cao bá Quát đã khiến cho nhiều người khó chịu vì câu nói "Cả thiên hạ có bốn bồ chữ, một mình tôi chiếm hai bồ, anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn Siêu  một bồ, còn một bồ phân phát cho thiên hạ" . Thật vậy,  Cao Bá Quát luôn đỗ đầu trong các kỳ thi; văn tài đến nhà vua cũng phải nể trọng . Có điều ông chỉ tỏ ra cao ngạo với bọn quân quyền sĩ phiệt còn đối với hàn nho , bần dân và các môn đồ ông rất khiêm hạ, thân thiện , gần gũi.
Phẩn uất là phản ứng tự nhiên của một con người luôn bị chèn ép , hảm hại . Từ bất bình sinh ra phản ứng là quy luật tự nhiên ( vật bất bình tắc minh ) . Sự phản kháng của Cao Bá Quát đi từ ôn hòa đến bạo động là do tình hình đất nước ngày càng đen tối , chế độ phong kiến ngày càng đánh mất vai trò lịch sử ; Vua quan triều Tự Đức ngày càng nhu nhược , đớn hèn khi liên tục phải ký các hiệp ước bất bình đẳng với thực dân Pháp.
Cao bá Quát ra đời khi Gia Long đã vững vàng đế nghiệp . Ông Vua nầy có công đưa giang sơn quy về một mối . Thống nhật được lãnh thổ nhưng lòng dân không nhất thống . Đất nước có hòa bình nhưng chưa được thái bình . Ấy là do chính sách phân biệt Nam - Bắc , sự trả thù hèn hạ , tàn nhẫn đối với nhà Tây Sơn . Đến đời Minh Mạng , Thiệu Trị nhờ có văn học , biết vận dụng chính trị Tống Nho nên đất nước có ổn định về nội trị song vấn đề đối ngoại có những sai lầm vụng về nghiêm trọng . Đó là chính sách " bế quan tỏa cảng" và giết hại giáo dân . Đến thời Tự Đức không cải cách canh tân được gì mà còn thêm bảo thủ , lạc hậu . Ngay việc lên ngôi của Tự Đức cũng là mầm mống của huynh đệ tương tàn , nồi da xáo thịt . Theo di chiếu của Thiệu Trị thì Hồng Bảo là Hoàng trưởng tử lên làm vua . Hồng Bảo là người có tư tưởng tiến bộ , có óc duy tân , có chí hướng mở cửa giao thương với các nước láng giềng , bang giao với phương Tây , gây thanh thế trên vũ đài quốc tế .. Hồng Nhậm  là em Hồng bảo cải di chiếu , bắt nhốt anh mình vào ngục tối , bỏ đói cho đến chết rồi lên ngôi lấy hiệu là Tự Đức . Trong suột 36 năm trị vì ( 1847- 1883) Tự Đức không làm được gì cho đất nước ngoài việc xướng họa văn thơ với các triều thần dua nịnh ; ngoài việc xây lăng Vạn Niên hao tốn biết bao nhân mạng , biết bao của cải của dân lành . Chính sách cấm đạo , bế môn tỏa cảng .. tạo ra cái cớ cho thực dân Pháp xâm lược nước ta . Tự Đức là một ông vua nhu nhược , đớn hèn , Khi  tướng Hoàng Kế Viêm dâng sớ lên vua xin xuất quân , Tự Đức phê vào sớ : " Kim nhật thỉnh chiến , hựu nhật thỉnh chiến , chiến nhi bất thắng , ngô gia mẫu tử tri vô hà địa ? " ( nay chiến tranh , mai lại chiến tanh chiến mà không thắng thì còn đất đai mô cho mẹ con trẩm ở ? "Thì ra Vua chỉ lo toan cho lợi ích cá nhân mà không đếm xỉa gì đến vận mạng nước nhà , đến sự tồn vong của quốc gia và sự an nguy của xã tắc.
Do chính sách chuyên chế của nhà vua , sự tham nhũng của quan lại , sự đục khoét của hoàng tộc khiến  cho đời sống của dân lành càng trở nên bức bách , bần cùng , đói khỏ . Giặc cướp nổi lên tứ tung ( giặc Nông văn Vân , giặc Phan bá Vành , giặc Lê Duy Lương ...)
Buồn thay , trong hoàn cảnh quốc gia suy vong mà một số kẻ sĩ vẫn xuất chính làm quan , cúc cung phụng sự triều đình để có được cái bả vinh hoa . họ là những phần tử thích nghi với hoàn cảnh và thực hiện trung hiếu của nho gia một cách cứng ngắc . Điển hình là ông Nguyễn công Trứ với quan niệm " ra khỏi bụng mẹ là đã có vua để thờ "( xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân thân ". Nguyễn công Trứ lúc nào cũng " Sắp hai chữ quân thân mà gánh vác " và luôn nghĩ rằng " Đạo vi tử , vi thần đâu có nhẹ ". Nguyễn công Trứ quên rằng lẽ xuất xử của Nho gia có hai lối : Nếu gặp minh quân , chân chúa thì ra làm quan còn nếu gặp hôn quân , bạo chúa thì ẩn dật chờ thời . Vậy nên Nguyễn Trãi mười năm sống ở Đông quan ,nghèo khổ ẩn nhẫn vẫn không chịu hợp tác với nhà Minh ; đợi khì có hội thề Lũng Nhai mới ra đầu quân với Lê Lợi dâng Bình Ngô sách.
Cao Bá Quát và Nguyễn công Trứ là hai danh sĩ đồng thời , đồng thế hệ ,đều là môn đồ của Nho gia nhưng hoài bảo và chí hướng của  hai con người nầy thật quá khác nhau.
Cao bá Quát là một thiên tài lỗi lạc  ôm ấp chí cao mộng lớn; từ thuở nhỏ đã tôn thờ lý tưởng  vì dân vì nước. Năm 40 tuổi Cao bá Quát mới thực hiện hoài bảo của mình trong khởi nghĩa Mỹ Lương.
Tuy giấc mộng không thành, dòng họ lại bị tru di nhưng cái anh linh của tiên sinh không hề mất  bởi "thác là thể phách còn là tinh anh" (Nguyễn Du).
Câu thơ cuối như một lời trăng trối với hậu thế: “Y nhiên tích tụ phát kim hoa" (cây lá xưa vẫn như cũ nở cành hoa ngày nay).
“Thật đáng trách cái chế độ hà khắc, trong giai đoạn suy vong lại càng ác liệt đến không dung dưỡng nổi một tâm hồn mẫn tiệp, ham sống. Đó cũng chính là cái sống bền bĩ, muôn đời mà cũng là những gì tiêu biểu cho quyền sống con người nghìn thuở hướng vươn lên" (Phạm văn Diêu).

                                   Đăng lại từ nguồn: http://vuphamdatnhan.blogspot.com/

Không có nhận xét nào: