13/11/17

1.019. ĐỌC "CÔNG VIÊN CỨU HỘ LOÀI NGƯỜI"

                Mộc Nhân                 

          Y Ban là bút danh của một nhà văn Phạm Thị Xuân Ban (1961). Sau khi tốt nghiệp đại học, bà đã từng có thời gian làm giảng viên tại Trường Cao đẳng Y tế Nam Định và Trường Đại học Y Khoa Thái Bình. Trong thời gian giảng dạy, bà bắt đầu sáng tác truyện ngắn, lấy bút danh là Y Ban với ý nghĩa Ban ở trường Y. Năm 1989, bà bỏ nghề dạy học, chuyển hẳn sang viết văn, làm báo. Năm 1996, bà được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Bà được xem là một trong những nhà văn nữ có sức sáng tác và xuất bản đều đặn.

Y Ban thể hiện ra bên ngoài một phong cách xù xì, chả mấy nữ tính, đốp chát sắc sảo; văn chương tràn ngập yếu tố sex, thẳng thừng và bạo liệt nhưng bên trong đầy nhân cách phụ nữ. Với 15 đầu sách đã xuất bản gồm hơn 100 truyện ngắn, 2 tiểu thuyết và 2 truyện vừa, nhiều truyện ngắn của chị được giải thưởng của Tạp chí VNQĐ, Hội nhà văn… trong đó không ít tác phẩm gây bão dư luận như “I am đàn bà”… Nhiều tác phẩm của chị mang nội dung nhạy cảm nên chưa được xuất bản chính thức; tuy nhiên nó lại được xuất bản trên trang mạng và các nhà xuất bản tự do chẳng hạn như tiểu thuyết “Công viên cứu hộ loài người” của Y Ban vừa được Rạng Đông xuất bản năm 2016.
***
Tiểu thuyết “Công viên cứu hộ loài người” của Y Ban viết theo thể loại “hiện thực huyền ảo” – yếu tố thực và ảo trong tác phẩm xen lẫn nhau, bổ sung cho nhau để chuyển tải chủ đề của truyện.
Trong câu chuyện tưởng tượng với chuỗi sự việc trong hành trình cuả nhân vật chính tên Minh phải băng suối vượt rừng tìm em đứa gái bị bọn người xấu bắt cóc mang sang biên giới. Nhưng đó không phải là cốt lõi của chuyện; hành trình băng rừng cứu em chỉ là cái cớ để Minh tình cờ gặp gỡ, kết bạn với những con thú: một con khỉ, một chú trâu, một chàng gấu, một con chó. Những con thú ấy đều kể lại câu chuyện bi thương của mình; mỗi câu chuyện của chúng mang theo dấu ấn một thân phận tật nguyền do bị con người bóc lột, bạo hành, đày đọa… chúng đều là nạn nhân của loài người ác độc.
Tác giả để cho những con vật hiểu ngôn ngữ của nhau, nói chuyện với nhau và Minh là người có khả năng trò chuyện, nghe và hiểu được những con vật ấy. Anh làm trung gian phiên dịch để những con thú được hòa nhập với cuộc sống của loài người, để chúng có thể cùng tham gia vào ý tưởng về việc thiết lập một “công viên cứu hộ loài người”.
Điều thú vị là những con thú tật nguyền ấy không cần con người “cứu hộ động vật hoang dã” mà chính con người mới là đối tượng cần cứu hộ.
Xuyên suốt câu chuyện là những suy nghĩ, cái nhìn của tác giả về thực trạng xã hội với nhiều bất cập.
Chẳng hạn như về giáo dục, tác giả để cho các nhân vật nhận ra rằng: “Những người chế tạo ra chương trình học này họ không hiểu một cách sơ đẳng nhất rằng trong quá trình học tập chỉ có khoảng 20% đứa học giỏi. 60% đứa trung bình và 20% đứa học kém. Thế mà họ lại đưa ra cái chương trình cho cả 100% đứa học giỏi. Họ còn bắt phải giỏi toàn diện, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, văn thơ lý số tinh thông, nhạc kịch cũng hiểu mà tranh trừu tượng cũng phải rành…Chương trình học nặng nề buộc thầy cô phải nhồi nhét vào não của học sinh một khối lượng kiến thúc đồ sộ theo áp đặt của một số ông bà họp nhau lại soạn ra cái gọi là một bộ sách giáo khoa… Kiểu nhồi nhét giống như nhồi thức ăn vào họng gà vịt cho tăng cân để bán… Trẻ con học trên lớp không hết nên phải đi học thêm. Cô giáo mở lớp bắt đi học thêm. Cha mẹ cũng bắt đi học thêm. Suốt ngày phải học học học, xong rồi lại vào mạng ảo. Học sinh không có thời gian để chơi, để cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên cây cỏ, cảm nhận được tình yêu thương của cuộc đời… bắt bọn trẻ con học như thế để làm gì… Chúng không được sống trong bình minh và cũng không được chứng kiến cảnh hoàng hôn. Chúng không đắm mình trong ánh nắng ban trưa. Chúng không được nghe tiếng chim hót. Chúng không cảm nhận được sự mịn màng của những cánh hoa, chúng không được nhìn thấy những lá cỏ mơn mởn trong làn mưa rây dịu dàng. Chúng lại càng không bao giờ biết đến sự nũng nịu thần tiên của chú mèo và sự vui mừng tột độ của chú chó khi đón chủ về nhà. Và cả những ánh mắt yêu thương tràn đầy của cha mẹ mỗi ngày qua chúng cũng không cảm nhận được. Chúng chỉ tưởng rằng đương nhiên cuộc đời này chỉ là những bài toán được điểm 9 điểm 10, những bài văn bỗng thành bài văn lạ được tung lên mạng. Chúng quên cả cách ôm mẹ và nói lời ngọt ngào với cha…
Về xã hội: “Con người đang rất thích nghi với đức tính đớn hèn của mình… đi xuống phố mà xem, thối nát ngột ngạt luôn. Mặt người nào cũng phừng phừng như đang trúng gió bởi rất nhiều người đang phải ngậm cứt trong mồm để chờ thời…
Cái công viên cứu hộ loài người ấy thực chất là cứu hộ niềm tin. Cuộc sống mất niềm tin thì không còn gọi là cuộc sống. Hiện tại niềm tin đang bị bào mòn với tốc độ đáng báo động, một ngày kia niềm tin sẽ biến mất vĩnh viễn trong xã hội loài người. Trong cái xã hội cần cứu hộ ấy, thực giả, xấu tốt lẫn lộn, khó nhận ra: nếu “mẹ mìn” trông bộ dạng giống như một bà phù thủy trong phim thì các em sẽ nhận biết nhanh chóng. Nhưng trong thời đại chúng ta đang sống thì “mẹ mìn” có khác gì chúng ta đâu, thậm chí còn vô cùng xinh đẹp và quyến rũ như nàng Bạch Tuyết ấy chứ? Vấn đề ở đây là làm sao để trẻ em không bị dẫn dụ bởi “mẹ mìn”.
Việc cứu hộ loài người được thực hiện ưu tiên với trẻ em. Trong cái công viên ấy mỗi đứa trẻ sẽ được phát một que diêm, chỉ một que diêm duy nhất cho một tuần trải nghiệm trong khu rừng. Từ một que diêm đó chúng sẽ học cách nhóm lên một ngọn lửa và ngọn lửa đó sẽ giúp chúng tồn tại. Trong khu rừng này chúng sẽ học cách làm việc nhóm để bắc một chiếc cầu vượt qua sông. Quan trọng hơn chúng sẽ học được cách không để bị bạn bắt nạt cũng như biết cách kiềm chế để không hành hung bạn. Trong khu rừng này sẽ dạy bọn trẻ biết mơ mộng trở lại. Chúng sẽ biết mơ mộng những điều khác hơn ngoài điểm số và đồng tiền. Đặc biệt trong khu rừng này chúng sẽ phải học cách động chạm tích cực, có nghĩa là chúng sẽ phải học cách tỏ lòng yêu thương bằng những cái ôm và cảm nhận những cái ôm của người khác. Chúng sẽ biết cách ôm những con vật mà không phải sợ hãi. Và để những con vật ôm lại chúng… Khi chúng ta cảm nhận được nỗi đau của người 

khác thì cũng là lúc chúng ta biết cách yêu thương.
Mỗi con vật trong tác phẩm cũng có cơ hội để trình bày về đặc điểm của giống loài mình. Con trâu nói về hiện tượng bầy đàn của mình: Loài người luôn dùng từ bầy đàn để chỉ về một hiện tượng mang ý nghĩa tiêu cực, một sự chưa tiến hóa, một sự trở lại bản năng thú vật…Với loài vật, bầy đàn chính là sức mạnh và đoàn kết, là sự sinh sôi và phát triển. Bầy đàn của loài vật rất khác bầy đàn của loài người. Có bao giờ các bạn nhìn thấy bầy trâu, bầy linh dương giẫm đạp lên nhau để chết? Chúng cùng nhau chạy về hướng có đồng có xanh mượt, về một hồ nước trong trẻo, mát lành. Ở đó chúng thong thả gặm những đám cỏ non, rồi chúng  nằm bên nhau sưởi nắng và nhai lại đám cỏ đang được giữ trong dạ dày. Giữa một đàn trâu khổng lồ hàng vạn con có một gia đình nhỏ yêu thương. Chúng cùng nhau sinh con đẻ cái, cùng sóng bước bên nhau những chiều hoàng hôn. Những con đực khỏe mạnh sẽ có thêm một nhiệm vụ bảo vệ đàn của mình, chiến đấu chống lại những con sư tử hùng mạnh. Vậy bầy đàn phải là một sự tiến hóa rất cao chứ không phải để miệt thị. Bầy đàn trong loài người đã bị biến tướng theo cách của loài người, khi loài người hành hương về miền đất hứa thì lại tự giẫm đạp lên nhau đến chết. Khi loài người không tự giẫm đạp nhau chết thì sẽ cùng nhau xâu xé một đồng loại của mình đến chết. Và họ gọi đó là bầy đàn. Bầy đàn của loài người không giống với bầy đàn của loài thú. Nó đã được tiến hóa theo trí tuệ của loài người và theo trường phái hủy diệt.
Con Gấu nói về sức mạnh của loài gấu: Sức mạnh đó là trời ban cho giống loài chúng tôi. Và chúng tôi đã sử dụng sức mạnh đó chỉ với hai mục đích, duy trì nòi giống và tồn tại. Khi chúng tôi đói chúng tôi phải chiến đấu với đối thủ để giành thức ăn. Khi đến mùa sinh sản chúng tôi cũng phải dùng sức mạnh để giành con cái khỏe mạnh và đẹp đẽ. Chúng tôi sẽ gieo hạt giống của mình vào dạ của con cái. Những đứa con sinh ra cũng sẽ khỏe mạnh nhờ chính sự lựa chọn đó. Nòi giống của chúng tôi sẽ được duy trì. Tuy nhiên chúng tôi chỉ đói mới đi tìm mồi, khi đã no chúng tôi hiền hòa như cây cỏ. Thậm chí cả một mùa đông lạnh lẽo chúng tôi chỉ ngủ chứ có ăn gì đâu. Khi gấu ngủ thì cũng gần như gấu chết mà thôi. Sự sinh sản của chúng tôi cũng theo mùa, thường thì một năm chỉ có vài ngày. Khi hết mùa sinh sản chúng tôi cũng ngừng sự giao cấu. Sức mạnh của gấu trong loài người cũng bị biến tướng theo cách của loài người. Dùng sức mạnh gấu để đàn áp đồng loại, ăn hiếp đồng loại.
Loài khỉ: chúng tôi ngoài việc duy trì nòi giống ra thì không có cái việc lấy giao cấu làm trò vui hoặc trò tiêu khiển. Loài người là đỉnh cao của trí tuệ nhưng sao người cầm đầu, người lãnh đạo lại không đưa dân tộc của họ đến nơi ấm no hạnh phúc? Vẫn còn bao nhiêu các dân tộc nghèo đói trong thế giới loài người đó thôi. Lại còn có những người đứng đầu không muốn cho người dân của họ được no ấm hạnh phúc, họ cầm tù cả một dân tộc dưới trò chơi họ áp đặt? Cái sự này thì tôi không phục loài người. Tôi khâm phục ông khỉ đầu đàn của tôi hơn. Ông ấy luôn tìm ra nơi có nhiều thức ăn, nơi có nguồn nước dồi dào cho chúng tôi.
Loài người đặt ra luật lệ cho họ rồi họ luôn vi phạm. Họ đặt ra ba bữa ăn hàng ngày nhưng thực chất là họ ăn liên miên, ăn liền tù tì. bạ lúc nào là ăn lúc ấy. Hàm răng của họ khỏe nhất trong muôn loài. Họ đã ăn nhiều như thế và họ lại còn muốn để dành cho ngày mai ngày kia ngày kìa. Ăn không hết còn để phần cho đời con cháu chút chít của họ nữa…Khi lúc nào họ cũng muốn ăn và phải ăn “cho nhiều người” thì tất yếu bản năng tranh giành miếng ăn phải tăng cao. Đấy lý do vì sao họ đánh nhau liên miên. Lý do thứ hai vì sao họ đánh nhau khốc liệt vì họ giao cấu liên miên. Họ tự khống chế ra số cá thể để duy trì nòi giống, có nghĩa là một cuộc đời của con người chỉ cần hai đến ba lần giao phối để duy trì nòi giống, còn lại hàng nghìn lần chỉ là để chơi. Vấn đề ở đây là bản năng, dù để chơi thì vẫn có sự tranh giành, đôi khi còn khốc liệt hơn ấy chứ. Thế là họ đánh nhau liên miên.
Những chương cuối của của tác phẩm tác giả đặt vấn đề mạnh mẽ hơn: “Tại sao chúng ta lại cứ phải cứu hộ những động vật hoang dã? Trong khi chính loài người chúng ta đang đứng trên bờ diệt vong?
Tôi phát hiện ra rằng, cái thời chúng ta đang sống đây là thời mạt pháp, ô nhiễm trên bình diện cả năm châu lục, kẻ tiểu nhân đắc thế kẻ quân tử chờ thời. Trời đất sinh ra những loài vi khuẩn độc hại mà không tìm ra thuốc chữa. Muốn không bị lây nhiễm phải luyện trí óc thông minh chứ không phải luyện cơ thể khỏe mạnh.
Ở đoạn “Vĩ thanh”, tác giả liên hệ cái xã hội loài người trong cuốn sách “Trại súc vật” - không hiểu tại sao đã 70 năm rồi mà vẫn còn nhiều người sợ hãi cuốn sách này. “:Chiểu theo phần trăm ăn thì đồng chí nào ăn nhiều hơn thì trách nhiệm nhiều hơn. Nhưng ở trại súc vật thì lại không phải thế. Khi có sai phạm xảy ra thì trách nhiệm sẽ được trút xuống cho đồng chí được ăn ít nhất. Đỉnh cao trí tuệ của con người là tiếng nói và chữ viết cũng bị những con vật chiếm giữ rồi thì chúng ta sẽ bị chúng sai khiến. Chúng ta chỉ chờ ngày diệt vong mà thôi.

Không có nhận xét nào: