22/1/12

104. Ý NGHĨA MÂM NGŨ QUẢ

BÀI 1 : Ý NGHĨA MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT 


Ngày Tết, cho dù ở thành thị hay thôn quê, giàu sang hay nghèo khó, trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách, hầu như nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả, và cố thể hiện sao cho vừa đẹp mắt vừa hàm ý những điều ước nguyện của gia chủ.
Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả để "thiết kế" mâm ngũ quả.

Tuy nhiên, dù là loại quả gì, mâm ngũ quả vẫn mang một ý nghĩa chung: dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định.
- Lê (hay mật phụ), ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
- Lựu, nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
- Đào thể hiện sự thăng tiến.
- Mai, do điển phiếu mai, con gái phải có chồng, hạnh phúc, không cô đơn.
- Phật thủ giống như bàn tay của Phật, chở che cho con người.
- Táo (loại trái to màu đỏ tươi) có nghĩa là phú quý.
- Hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
- Thanh long - ý rồng mây gặp hội.
- Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn
- Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy nắng sương đọng thành quả ngọt và che chở, bảo bọc.
- Quả trứng gà có hình trái đào tiên - lộc trời.
- Dừa có âm tương tự như là "vừa", có nghĩa là không thiếu.
- Sung gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
- Đu đủ mang đến sự đầy đủ thịnh vượng.
- Xoài có âm na ná như là "xài", để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.
Do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ nên để thể hiện cao nhất lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, đồng thời cũng nhằm thể hiển tính trình bày mỹ thuật trong con mắt thẩm mỹ độc đáo của nhân dân, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc "ngũ quả" nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Nhiều hơn, nhưng người ta vẫn gọi là "mâm ngũ quả" và, dù đựng trong đĩa cũng vẫn gọi theo xưa là "mâm". Bởi đó là một “sản phẩm văn hóa” đã xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài, được khuôn đúc theo quan niệm về “bộ ngũ hoàn hảo”.
Tùy theo quan niệm của từng vùng, miền, người ta sử dụng những loại quả có ý nghĩa riêng. Ví dụ mâm ngũ quả của người Bắc bao giờ cũng có nải chuối - thể hiện sự che chở của đất trời cho con người, nhưng người Nam thì lại cho rằng từ chuối - có âm giống từ "chúi", thể hiện sự nguy khó, không ngẩng lên được nên không dùng. Hay người Nam cũng không trưng quả cam bởi câu "quýt làm cam chịu" nhưng mâm ngũ quả của người Bắc thì không thể thiếu quả cam với màu vỏ vàng tươi rói. Mâm ngũ quả của người Nam thường có các loại quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu "cầu vừa đủ xài sung"), thêm "chân đế" là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Trong khi với người Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày trên mâm ngũ quả, không kiêng cả quả ớt (cay đắng), miễn sao đẹp mắt và "hoành tráng" là được...
Trưng bày mâm ngũ quả trong những ngày thiêng liêng đầu năm đầu tháng mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa cội nguồn cực kỳ độc đáo của dân Việt ta. Vì vậy, những người trẻ, cho dù tin hay không tin về ý nghĩa của từng loại quả theo những quan niệm của người dân ở từng địa phương, cũng nên lưu tâm, tránh dùng hay tặng các loại quả mà người ta kiêng kẻo bị nghĩ oan, rằng ta cố tình đem điều xui xẻo đến cho họ.

Tại sao lại là ngũ quả?
Ngũ, con số 5 là con số chỉ trung tâm. Người ta tìm thấy nó ở ngăn giữa Lạc thư. Tự dạng chữ “ngũ” nguyên thể có hình chữ thập của bốn nguyên tố, cộng với điểm trung tâm. Sau này, hai vạch song song được chêm vào đấy, tức trời và đất mà giữa chúng, âm và dương tạo nên năm nguyên tố tương tác sinh khắc của vạn vật, gọi là ngũ hành. Theo quan niệm cổ đại phổ biến trong khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, thường cho rằng các quy luật phổ biến đều gộp vào con số 5. Trong Đại từ điển, “ngũ” có đến mười hai nghĩa và một ngàn một trăm bốn mươi tám từ kép ghép với nó. Phổ biến, chúng ta có ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương), ngũ sắc, ngũ vị, ngũ âm, ngũ tạng, ngũ kim, ngũ quan, ngũ luân, ngũ cốc,… Như vậy, số 5 là biểu hiện chung của sự sống và ở đây “ngũ quả” tự nó biểu trưng một tập thành được coi là đầy đủ của loại lễ vật dâng cúng là quả.
Đối với cư dân nông nghiệp ngũ cốc (đạo/nếp hương, lương/gạo, thúc/đậu, mạch/ lúa mì, tắc/kê) là lương thực chủ đạo và ngũ quả (trái cây nói chung) là thứ yếu. Do đó, theo Chiêm thư người ta thường quan sát sự tốt xấu của “ngũ quả” sau đây để dự đoán việc được mùa của ngũ cốc: 1) Mận chủ vào đậu; 2) Hạnh chủ về lúa mì; 3) Đào chủ vào tiểu mạch; 4) Lật (hạt dẻ) chủ vào nếp hương; 5) Tảo (táo) chủ vào lúa. Theo sự xác tín đã trở thành tập tục phổ biến trong dân gian nên có thể “ngũ quả” nêu trên là “chuẩn” của năm thứ quả dùng làm lễ vật bởi lẽ việc dâng lễ vật nào đều có thể là cách biểu thị sự cầu mong của người dâng lễ. Ở đây, đối với người nông dân thời cổ thì điều cầu mong lớn nhất là được mùa ngũ cốc.
Quả (trái) - biểu tượng của sung túc. Trái cây nói chung là biểu tượng của sự sung túc, dồi dào. Vì quả thường chứa nhiều hạt được đồng nhất với quả trứng vũ trụ, biểu tượng cho mọi nguồn gốc, mọi sự khởi nguyên; biểu trưng quả (với hạt bên trong của nó) biểu thị cho sự phồn thực, sinh sôi và khao khát sự bất tử-hiểu theo nghĩa là sự nối truyền dòng giống miên viễn. Theo chiều hướng này, quả bao gồm cả ý nghĩa biểu trưng vượt lên trên nhịp điệu sinh tồn của vạn vật: sự xen kẽ luân hồi của sự sống và cái chết; giữa cuộc sống dưới đất (của hạt giống) và cuộc sống dương thế… Trong văn hoá, cụ thể là trong văn học và nghệ thuật tạo hình, quả vừa là biểu trưng chung vừa là biểu trưng có ý nghĩa riêng - hoặc theo sự đồng âm của nó hoặc nó được xác định bởi các tình tiết văn học truyền kỳ, thần tiên…

Huỳnh Ngọc Trảng (nguồn : blog Nguyễn Xuân Diện)


BÀI 2 : NGŨ HÀNH VÀ MÂM NGŨ QUẢ






"Mỗi năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, trên bàn thờ mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả. Với màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo cùng những ý nghĩa sâu xa, mâm ngũ quả làm cho ngày Tết sinh động hơn, thiêng liêng hơn..
Theo quan niệm của người phương Đông xưa, thế giới được tạo nên từ 5 bản nguyên - gọi là "ngũ hành": kim (kim loại), mộc (gỗ), thuỷ (nước), hoả (lửa), thổ(đất).. Tư tưởng cùng hình ảnh "ngũ hành" xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của các dân tộc phương Đông với rất nhiều biểu hiện - một trong số đó là tục lệ thờ mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam.
Mâm ngũ quả truyền thống của người Việt thường chỉ gồm 5 loại quả, được xếp kiểu hình tháp lên đĩa to hoặc mâm, đặt trên bàn thờ. Ngày nay, cuộc sống hiện đại cùng sự giao lưu phong tục làm cho mâm ngũ quả ít nhiều biến đổi : số quả có thể nhiều hơn 5, cách xếp tự do hơn, trang trí hoa lá, cắm nến để tạo ánh sáng, kết những dây đèn điện tử nhiều màu xung quanh... Tất cả các loại quả trong dịp Tết đều có thể đem bày: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, trứng gà, hồng xiêm, táo v.v... Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng: nải chuối, phật thủ như bàn tay che chở; bưởi, dưa hấu căng tròn, mát lành hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt...
Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhìn chung nhỏ hơn mâm ngũ quả ở miền Nam và không thể thiếu 3 loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam). Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, bởi vì cầu - dừa - đủ - xoài theo tiếng người miền Nam có nghĩa là "cầu vừa đủ xài" - mong ước phổ biến nhất của họ trong năm mới ! Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả bình thường một chùm sung và quả đu đủ với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn "đầy đủ, sung túc".
Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hoà với màu xanh mát của dưa hấu, đỏ rực của hồng, nâu mịn của hồng xiêm, vàng tươi của bưởi, cam, dứa... Nó thể hiện sinh động ý nghĩa triết học - tín ngưỡng - thẩm mỹ ngày Tết cùng những ước vọng lạc quan mà mỗi gia đình mang theo khi bước vào năm mới."
Bài này để dẫn nhập và dẫn chứng cho chủ đề mà qua bài viết này tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa nguyên thủy của phong tục truyền thống của những lễ tết của Việt Nam và đặc biệt là Tết Nguyên Đán. Nên trước khi đề cập đến ý nghĩa của mâm Ngũ Quả tôi xin nhắc lại đây nguyên nghĩa của hai chữ Truyền Thống mà có lẽ hầu hết người Việt mình chỉ hiểu với nghĩa thông thường là truyền sách, truyền vở, truyền chữ, truyền nghĩa, hay truyền lại cái phong tục tập quán ... thì đó không phải là truyền Thống ! Nhưng Thống là cái Thống Kỷ, Thống Quan, tức cái nguyên lý thống nhất thâm sâu, nó linh động liên tục và hiện diện cách u linh trong tư tưởng, biểu lộ ra bề ngoài qua lời nói, với thái độ và bằng động tác coi như rời rạc nhưng thực ra đều nhịp theo một tiết điệu uyên nguyên, đó là sự vận hành của trời đất qua thời tiết. Do đó mà tiền nhân mới nói : "tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai", tức là biết "theo đúng thời mới là nghĩa thì tất là đại tài vậy", cho nên còn nói là "quân tử kiến cơ nhi tác", có nghĩa là chỉ có "quân tử mới biết thời cơ và tác động đúng lúc".
Để nói dân tộc Việt Nam từ thời Tần, Hán đến nay, với một lịch sử trên hai ngàn năm đầy những giai đoạn thăng trầm với chiến tranh khói lửa, nên đã bị thất truyền cái Thống Kỷ, Thống Quan đó, nên đâm ra mất thống nhất và tự nhiên là dẫn đến hậu quả khốn cùng của cả một dân tộc cho đến ngày nay mà ai cũng biết ! Cho nên tôi không lạ gì những bài viết có tính chất văn hóa truyền thống dân tộc đều bị sai lạc đối với nghĩa truyền Thống để đừng nói là bẻ quặt hay tuyên truyền xuyên tạc !
Bài này cũng là phận sự để nhắc nhở cho mọi người Việt biết ý nghĩa nguyên thủy của mâm Ngũ Quả mà tìm về Nguồn, nhân dịp ngày đại lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam đó là Tết Nguyên Đán sắp tới 23/01/2012 .
Bánh Giầy (Dầy), bánh Chưng hay bánh Tét trong ba ngày Tết chỉ có người Việt mình mới ăn, Cho nên bánh Chưng hay bánh Tét (ở miền Nam thay thế bánh Giầy và bánh Chưng) là một món ăn không thể thiếu trong ba ngày Tết, vì nó mang ý nghĩa Tết ! Đó là một sự khác biệt nền tảng mà căn do chính là văn hóa, vì người Tàu đâu có biết chuyện Tiết Liêu, nên làm sao biết cách làm bánh Giầy, bánh Chưng hay biết ăn bánh Tét ! Vì vậy tôi xin tóm tắt cốt chuyện này để cho thế hệ trẻ nếu chưa biết thì nên đọc:
"Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng : "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cúng tổ tiên cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho". Các hoàng tử đua nhau đi khắp nơi tìm kiếm của ngon vật lạ đem về cho vua cha, với hy vọng mình được thưởng ngai vàng. Trong khi đó, người con trai thứ 18 c ủa Hùng Vương, là Lang Liêu có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, lại quanh quẩn chỉ tìm ở nhà. Một đêm nọ hoàng tử Lang Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo : "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành". Lang Liêu sáng tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt gói thành bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào nồi chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi gói thành bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Giầy. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Lang Liêu thì chỉ có Bánh Giầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Lang Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Giầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi cho hoàng tử Lang Liêu vì đã biết trình bầy việc ăn uống ngày Tết như hình Trời Đất . Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Giầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất vì dân chúng đã thấu hiểu triết lý đó nên kêu là vua Tiết Liệu : tiếng này vừa có nghĩa món ăn ngày Tết (tiết), mà cũng hàm ý biết lo liệu đúng tiết điệu của Đất, Trời, Người."
Câu chuyện này ẩn giấu triết lý nhân sinh của Việt tộc, tức con người là kết tinh của linh lực trời đất và hình ảnh vuông tròn với bánh Giầy (tròn) bánh Chưng (vuông) là biểu tượng để nhắc nhở cho chúng ta cái nền tảng của Đạo làm người. Tức muốn làm người thì phải biết trọn vẹn (tri chu) để sống bao Dung mọi tương quan hai chiều đối nghịch của âm dương trong vạn vật như trời đất, sao cho vuông thành tròn thì mới có thể Hòa hợp thiên với địa nơi mình và vũ trụ vạn vật để thành Nhất Thể, thì mình mới thành Nhân tài vì đã hội được Thiên tài với Địa tài là Tam tài. Do đó quan niệm này đã được tổ tiên Hùng Vuơng phổ biến từ thời lập quốc Văn Lang trong dân gian qua câu tục ngữ "mẹ tròn con vuông", để nhắc nhở dân chúng sống Đạo bằng sự thông hiệp với trời đất qua việc cúng tế trời đất tổ tiên, vì vậy mà đến nay người mình vẫn nói "mẹ tròn con vuông" nhưng hầu hết đã quên mất ý nghĩa cao siêu của nó.
Tương tự ý nghĩa mâm Ngũ Quả, cũng từ nhân sinh quan đó nhưng lại tiềm ẩn nguyên lý "ngũ hành" theo tỉ lệ quân thiên là "Tam thiên lưỡng địa", tức là 3 trời 2 đất, 3 tròn 2 vuông,... tức 3+2= 5 nên gọi là ngũ. Nên Ngũ hành là triết lý hành động "thuận thiên" theo tiêu chuẩn 3 tình 2 lý, 3 tâm linh (tinh thần) 2 vật chất, hay 3 vô vi 2 hữu vi... cho mọi sự vật cũng như cho con người mà mọi vấn đề bên trong hay bên ngoài đều có tương quan liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với toàn thể. Do đó khi con người quan niệm và ý thức được sự hội tụ hay "giao chỉ" của đức trời đức đất nơi mình và biết hành động đúng theo nguyên lý ngũ hành, nghĩa là tác động đúng theo vận hành âm dương của trời đất qua những biểu tượng tương giao sinh khắc như hai cặp Kim-Mộc, Thủy-Hỏa, thì mới thành Nhân Hoàng, tức là vua giống như Tiết Liêu để an bang tế thế, nên được ở giữa thiên hạ còn gọi là Hoàng Cung Trung Th ổ. Vì hành Thổ ở trung tâm của Ngũ hành theo sự vận hành của âm dương qua hai trục ngang là Kim-Mộc và trục dọc là Thủy-Hỏa hay còn gọi là Đông-Tây / Nam-Bắc, theo khung Hồng Phạm cửu trù.
"Hiền triết khi đạt Đạo cũng giấu minh triết vào nếp sống của xã hội nên từ đó đã thiết lập ra nhiều thể chế, nhờ đó đời sống được thấm nhuần triết lý : chẳng hạn từ việc cao trọng bậc nhất như lễ tế thiên, cho đến các việc thường ngày ăn vận (giầy vuông, mũ tròn) cũng vâng theo luật vũ trụ đó. Ở đây chỉ có ý nói cách riêng đến nguyệt lệnh là một thể chế biểu lộ nguyện vọng "thuận thiên"." (Kim-Định/Chữ Thời) (Xem bản Nguyệt lệnh dưới đây)
 
Ngũ Hành
Thủy
Hỏa
Mộc
Kim
Thổ
Ngũ Tiết
Đông
Hạ
Xuân
Thu
Tứ Quý
NgũPhương
Bắc
Nam
Đông
Tây
Trung Ương
Ngũ tạng
Thận
Tâm
Can
Phế
Tỳ
Ngũ Sự
Thị
Thính
Mạo
Ngôn
Ngũ sắc
Đen
Đỏ
Xanh
Trắng
Vàng
Ngũ vị
Mặn
Đắng
Chua
Cay
Ngọt
Ngũ Cung
Chuỷ
Giốc
Thương
Cung
Ngũ số
6
7
8
9
5
Thiên
Can
Nhâm
Quý
Bính
Đinh
Giáp
Ất
Canh
Tân
Mậu
Kỷ
 
Do đó, mâm Ngũ Quả có nghĩa là muốn nhân thành quả tức là muốn đạt quả Đạo làm Người thì phải biết sống bằng ngũ sự (mạo, ngôn, thị, thính, tư), và hành động đúng theo vận hành âm dương qua luật tương giao sinh khắc của ngũ hành (kim mộc, thủy hỏa, thổ) theo đúng thời tiết là ngũ kỷ (tuế, nguyệt, nhật, tinh, số) thì sẽ được ngũ phúc (thọ, phú, khang ninh, hiếu đức, chung mệnh). Đó là cứu cánh của con người là hạnh phúc tròn đầy viên mãn ! Vì vậy mâm ngũ quả đã trở thành mỹ tục như hương hoa đèn nến trong tất cả các dịp "lễ tế giao" với trời đất tổ tiên và đặc biệt là lễ Tết Nguyên Đán.
Cho nên mọi hoa quả đều là hương vị tinh túy của trời đất theo thời tiết, chứ không chỉ có những loại mẳng cầu, dừa, đu đủ, xoài,... để rồi in trí là xin cho "cầu vừa đủ xài" trong năm mới thì đâm ra là mê tín dị đoan ! Vì vậy, phải biết rằng với minh triết là Đạo Việt xây dựng trên nền tảng bất di bất dịch là Âm Dương tượng trưng bởi huyền số 2 mang ý nghĩa Thái Hòa, với cơ cấu vững chắc như kiềng ba chân là Tam Tài tượng trưng bởi huyền số 3 có ý nghĩa Nhân Chủ và nguyên lý "ngũ hành" tượng trưng bởi huyền số 5 là ý nghĩa Tâm Linh, chứng tỏ Việt tộc đã có một nền văn hóa nông nghiệp độc nhất vô nhị với quan niệm con người cao cả siêu việt có chiều kích vô biên ngang hàng với trời đất thánh thần, do đó không hề có mê tín dị đoan. Trái lại, sự mê tín dị đoan nếu có là do bọn Vu nghiễn tuyên truyền, tức là những kẻ vô đạo với văn hóa,
Vì vậy, khi người mang tiếng trí thức viết ra cách vô minh theo dư luận quần chúng mà không hiểu biết ý nghĩa ngũ hành để đi nói "thế giới được tạo nên từ 5 bản nguyên - gọi là "ngũ hành": kim (kim loại), mộc (gỗ), thuỷ (nước), hoả (lửa), thổ (đất)", thì quả là mê tín và đúng là dị đoan khi đi phổ biến tư tưởng "cầu vừa đủ xài" ! Vì dân tộc Việt không bao giờ có đầu óc mê tín vừa cắt nghĩa ở trên, nên tiền nhân đã nói "tri túc tiện thị túc", tức "biết đủ tức là đủ", do đó không cần cầu xin mà chỉ cần thông hiệp tế giao với trời đất thì có tất cả vạn vật.
Đó là ý nghĩa nguyên thủy của mâm Ngũ Quả, cho nên trí thức vô danh viết bài kiểu huề tiền để tỏ vẻ hiểu biết và phổ biến sự mê tín dị đoan cho thiên hạ như tôi đã dẫn chứng, thì sẽ lãnh quả báo. Vì phần đông ai cũng cho mình là đúng trong chủ quan của mình. Nghĩ rằng đúng mình mới làm, nhưng lỡ nó không đúng mình phải chịu quả báo ! Vì có lời chép rằng : "Ý nghiệp thể hiện qua lời nói trở thành khẩu nghiệp. Ý nghiệp thể hiện qua hành động trở thành thân nghiệp. Nếu cái nghiệp này tràn lan gây một tầm ảnh hưởng lớn rộng, kéo theo nhiều sai lầm khác, thì nghiệp càng dày càng sâu, quả báo càng lớn, rồi phải chịu tác động bởi luật Trời, bởi luật nhân quả để dạy phần hồn học hỏi tiến hóa mà thôi !"

(Bài này do bạn đọc gởi đến -  không rõ tác giả và nguồn / mong được lượng thứ và chỉ dẫn)

Không có nhận xét nào: