Mộc Nhân
Bùa mê, dối trá và bưng bít – dường như ba thứ này là
hoàn toàn khác nhau nhưng chúng lại có một sợi dây liên hệ chung là “nỗi sợ”.
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa “sợ” như
sau:
- Coi là nguy hiểm và cảm thấy lo lắng
- Không dám chống lại
- Ngại ngùng
- Không yên tâm trước một khả năng nguy
hiểm hoặc có hại
Dù định nghĩa như thế nào, dù chữ “sợ” hiểu theo nghĩa
đen hay nghĩa bóng thì nó cũng diễn tả một trạng thái tâm lí phức tạp thường
thấy của con người trước hiện thực khách quan.
Xem ra con người có quá nhiều thứ để sợ: khi cảm thấy “không yên tâm trước một khả năng nguy hiểm hoặc
có hại” như núi lửa tuôn trào, động đất… thì họ “sợ” thì là bình thường
vì đó là thuộc tính tâm lí thuộc về bẩm sinh, bản năng của mỗi con người.
Tuy nhiên có
những nỗi sợ xuất phát từ chính mình mà không có căn cứ gì cả bởi vì chỉ đơn
giản là do ngại ngùng, rụt rè, hèn nhát như sợ ma, sợ đứng trước đám đông… cái
sợ này phần nào phản ảnh tính cách con người.
Cũng có những nỗi sợ do con người đã trải nghiệm từ
cuộc sống nên mới có thái độ “Kiêng canh
nóng mà thổi rau nguội” một cách thận trọng…
Sợ là một điều tự nhiên bởi nó là một
phản xạ tâm lí trước những tác động bên ngoài. Nhưng về bản chất, sợ hãi tạo
tác từ lẩn tránh, trốn chạy. Chúng ta có thói quen tạo ra một ý tưởng về sợ hãi
nhưng chắc chắn, chúng ta không bao giờ lắng nghe tiếng nói bên trong của sợ
hãi: một trong những nguyên nhân chính của sợ hãi là
chúng ta không muốn đối diện với chính mình.
Và cũng như một phản xạ
tâm lí, con người tìm cách chống lại nỗi sợ, bảo vệ cho mình, tìm sự an toàn bằng
nhiều cách khác nhau.
Vì sợ ma nên mới tin vào
bùa mê.
Vì sợ khó khăn nên không dám đối mặt với thử thách
khiến con người trở nên nhỏ bé nên tự hạn chế khả năng của mình, ai đó đã nói: “Có những người vì sợ gãy chân mà không dám
bước đi. Nhưng không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy?”
Vì sợ mất đi quyền lực và quyền lợi nên con người dễ
dàng bị khuất phục, cúi đầu để được sống mà dẫm đạp nên mọi giá trị.
Vì sợ sự thật nên con người chọn sự cách giả dối “Xấu che, tốt khoe” . Nói dối có nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng giả dối một
khi đã trở nên phổ biến trong xã hội nó sẽ lấn lướt, trở thành cái đối lập
với sự thật, tạo ra sự khủng hoảng niềm tin trong xã hội . Đó là con đường ngắn nhất dẫn đến tự huỷ hoại nên ngay
cả khi nói thật cũng không ai tin.
Vì sợ những điều sai trái bị phanh phui ra trước công luận nên con
người tìm cách bưng bít thông tin theo kiểu “chặn blog”, “cấm đọc blog đen”, “cấm
đưa tin”… Một khi cái trí bị trói
buộc trong sợ hãi sống trong hoang mang thì tạo ra cách hành xử bạo lực, hung
hăng, và bị biến dạng.
Vì sợ kẻ thù của dân tộc mà trở nên “hèn
với giặc, ác với dân”, xem dân như thế lực thù địch nên hành xử ít khoan
dung và hoà giải. Và càng sử dụng bạo lực, càng cho thấy sự sợ hãi.
Tuy nhiên, sợ cũng không hẳn là điều tiêu cực bởi lẽ cái sợ sẽ khiến
con người trở nên cẩn trọng hơn. Sợ thất bại ta sẽ cẩn trọng để không phải mắc
sai lầm, để đi đến thành công chắc chắn hơn. Sợ chết khiến con người biết trân
trọng cuộc sống, yêu đời hơn. Sợ sự trừng trị nghiêm minh con người sẽ biết “sống
và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Sợ kẻ thù nên phải tìm cách chống lại
kẻ thù chứ không nên an phận phụ thuộc hay nô lệ.
Cách tốt nhất để chúng ta vượt qua sự sợ hãi đó là đối
mặt và vượt qua nó: “Chớ thấy sóng cả mà
ngã tay chèo”. Sợ hay không sợ - ranh giới đó do chính mỗi người tự đặt ra
khi đối diện với mọi vấn đề trong cuộc sống, đừng để cái sợ trở thành một thứ
trở lực bởi: “Kẻ nào sợ bị khuất phục, kẻ
đó sẽ thất bại”. Dù sợ hay không sợ thì ta vẫn luôn hành xử một cách đúng
mực, thuận theo chân lí chứ không tạo cho mình những “bùa mê, giả dối và bưng bít”.
3 nhận xét:
Chỉ một chữ "sợ" mà Thầy có một Cái nhìn và phân tích thật sâu sắc nhắc nhở không chỉ cho riêng ai khỉ đối mặt với cuộc sống để là chính mình
Căm ơn thầy rất nhiều
em-Thu sen
sao e thấy nó khá giống vs bài văn lạ về nỗi sợ của một nữ sinh cấp 3:))))))))
Em thấy nó giống với bài nào em cứ dẫn nguồn ra đây để xem thử, không nên nói khơi khơi như thế thì ai nói cũng được.
Chúc em học tốt và đọc nhiều hơn.
Đăng nhận xét