Xưa nay, người ta vẫn
nói câu cửa miệng “mua quan bán tước”, mới đây có một vụ tham nhũng lớn hàng tỷ
đô la ở Trung Quốc bị phanh phui, ông quan đầu tỉnh bại lộ vì trong nhiều năm
trời đã nhận không biết bao nhiêu tiền hối lộ, để đưa người này người kia lên
chức lên lương. Khi bị bắt, ông
ta nói, tôi cũng chỉ là thứ nạn nhân của một dây chuyền quan chức, tôi đã lấy
tiền của nhiều người để bán chức quan cho họ, nhưng chính tôi leo lên chức quan
này, đã nhiều lần phải bỏ tiền ra mua, từng thang, từng bậc một.
Trong các sách
của Trung Quốc, người ta thấy cảnh ùn ùn gánh lễ vật lên huyện, lên tỉnh, lên
kinh đô để mua chức quan, đặc biệt là trong các ngày sinh nhật của cụ thân sinh
ra quan, của quan, rồi ngày rằm, ngày Tết. Lắm kẻ đần độn, nhờ tiền của cha mẹ
mua quan, nghiễm nhiên được làm quan, được hạch sách, được hưởng bổng lộc trên
đầu thiên hạ, làm gì chẳng sướng !
Đi mua quan, vẫn
chỉ là lo chức quan trên ngọn, khi ghế quan đã rõ ràng như một thứ quả chín.
Nhưng, để lo xa hơn, người ta lo chức quan từ lúc học hành thi cử. Người tốt
thì sôi kinh nấu sử, đèn sách ngày đêm mong thi đỗ được bổ làm quan. Nhưng cảnh
quan tham thì nhiều vô kể, và ở đời, kẻ dốt lúc nào cũng nhiều gấp bội người
khôn, nên người ta phải đi lo lót từ sớm, mong lấy tiền mua điểm, trong các
phim của Trung Quốc chiếu trên truyền hình, khán giả được thấy dường như chẳng
có khoa thi nào không có cảnh đút lót, thiên vị khi chấm điểm, có cả những kẻ
dốt nhất đỗ thủ khoa. Nhà vua nhiều lần phải ra tay vén bức màn vừa nhũng
nhiễu, vừa cản đường những nhân tài làm việc cho đất nước; nhưng khó khăn thay,
bức màn đó tầng tầng lớp lớp, vừa là các quan lại bịt mắt từ trên xuống dưới,
vừa là các vương gia, họ hàng quốc thích của nhà vua, làm sao để phanh phui
phơi rõ trắng - đen đây? Ngay đến học giả Lê Quí Đôn, một quan lại đầu triều,
rất tôn kính của nước ta, vậy mà cũng bị mắc vào cảnh, sai người ném bài cho
con trong phòng thi, việc bại lộ, khiến sự trọng thị của dân chúng giành cho
ông sa sút rất nhiều.
Làm quan, đâu chỉ
có mua quan, bán tước, hay mua điểm, mà còn diễn ra ngay trong các triều đình
hoặc chính phủ, cảnh chém giết đầu độc, âm mưu sát hại lẫn nhau, anh em giết
nhau, con giết cha giành ngôi báu, con giết mẹ để cướp quyền, thật là đau xót,
người ta dường như đổi mọi giá để lấy quyền hành. Tại sao vậy? Vì nếu có trong
tay quyền hành, người ta sẽ có mọi thứ từ cung điện vàng son, đến người hầu kẻ
hạ, bạc vàng thu thuế chất như núi, và gái đẹp bu đến cả đàn, chỉ sợ không đủ
sức để mà hưởng thụ.
Lịch sử quyền lực
của con người có thể nói trang nào cũng nhìn thấy chém giết, đầu độc, sát hại,
hạ bệ để giành ngôi. Chúng ta thử nhìn xem, vào năm 44 trước Tây lịch, Sê-da
một hoàng đế hùng mạnh rất cường tráng của La Mã, bị lừa đến phòng họp của nghị
viện, 60 nghị viên đã tập hợp lại, âm mưu giết ông. Khi Sê - da đến những kẻ ám
sát liền bu lấy ông, rút dao đâm lấy đâm lể, ông là một chiến binh rất cường
tráng, hoàn toàn có thể tả xung hữu đột để tránh đòn, theo như lời kể, khi ông
nhìn thấy người bạn thân nhất của mình là Brutus cũng rút dao đâm mình, ông bèn
kêu lên “Cả anh cũng thuộc bọn họ, Brutus?”
nói rồi ông thất vọng phó mặc cho số phận, những kẻ ám sát liền nhảy vào đâm
ông, nghe nói ông chết vì 23 vết đâm trên mình. Sau đó cháu ông là Octavian đã
kế vị ông (3).
Một hoàng đế của
La Mã là Nê - rông (Nero A. D. 37 – 68), nổi tiếng là tàn bạo nhất, ông trở
thành Hoàng đế do tay bà mẹ cũng nổi tiếng là mưu mô tàn bạo Agrippina sắp đặt.
Mới lên ngôi được một năm, ông đầu độc người anh cùng cha khác mẹ tên là
Britannicus, để khỏi lo lắng về việc có người cạnh tranh ngôi vị. Sau đó vài
năm, ông ra tay hạ thủ luôn cả mẹ đẻ của mình vì không chịu được cảnh chấp
chính mà cứ bị đàn bà ám trên đầu. Chưa hết, ông tiếp tục buộc người vợ thứ
nhất tên là Octavia sau khi đã ly dị phải chết. Chưa dừng lại, trong cơn giận
giữ, ông giết nốt cả người vợ thứ hai tên là Poppaea. Ông còn buộc thầy dạy
mình tên là Seneca vào tội có âm mưu lật đổ, và bắt phải tự tử. Không chỉ loại
bỏ người trong gia đình mình để giành lấy quyền lực độc tôn, Nê - rông còn lập
ra một đấu trường rộng lớn nằm ngay trung tâm La Mã, thả những người theo đạo
Thiên Chúa vào đó, cầm gươm giáo đấu lẫn nhau, chỉ kẻ nào sống sót sau cuộc đâm
chém tương tàn mới mong có hy vọng sống. Nhưng khi kẻ sống sót máu me đầy mình
còn chưa kịp đứng dậy, thì cửa chuồng khổng lồ đã mở ra, hàng trăm con sư tử
đang đói ăn, xông vào nạn nhân duy nhất còn lại, đòi ăn gan uống máu miếng mồi
còn tươi.
Xem cảnh chém
giết rùng rợn còn chưa đã cơn buồn chán, Nê - rông còn cho đốt cả kinh thành La
Mã để khói lửa cháy ngút trời, giúp y có hứng cầm chiếc đàn lia, vừa gảy, vừa
ngâm thơ. Thật, sự sống của cả một kinh thành không lớn bằng vài chục phút ngẫu
hứng muốn ôm lấy chiếc đàn lia của y. Sau nạn hoả hoạn khủng khiếp đó, dân
chúng còn ngập trong tang tóc, cảnh màn trời chiếu đất, không cơm ăn, không áo
mặc, thì Nê - rông đã đốc thúc sưu cao thuế nặng, để xây cho gã một cung điện
vàng (4).
Quyền lực không
chỉ là miếng mồi muốn theo đuổi tranh giành của đàn ông, mà ngay cả với giới má
hồng đào tơ liễu yếu, quyền lực cũng quyến rũ và thao túng đến độ, có thể phá
sản cả tình mẫu tử. Chuyện của Võ Tắc Thiên kia, khi mới làm phi tần đã muốn
cướp ngôi hoàng hậu. Hoàng hậu thì chưa có con, còn Võ Tắc Thiên thì mới sinh
con. Khi hoàng hậu đến chào mừng đứa trẻ, chưa kịp ra khỏi cửa, Võ Tắc Thiên đã
không ngần ngại bóp chết đứa con còn đỏ hỏn của mình, rồi lu loa khóc, đổ tội
rằng, chính hoàng hậu vừa đến bóp chết con của thị. Sự việc vừa xảy ra còn “sờ
sờ” trước mắt, hoàng hậu khó lòng “cãi” được, thế là vua đành phế truất ngôi
hoàng hậu, giam vào lãnh cung. Và cho Võ Tắc Thiên thay ngôi hoàng hậu.
*
* *
* *
Làm sao người ta
có thể đắm đuối trong cuộc chạy đua quyền lực đến vậy? Văn hào Dostoievski đã
từng nói: “Con người là một động vật thích
quyền lực, quyền lực ấy cho dù chỉ ở trên một con ruồi”. Chúng ta
thử ngắm, con người thích dạy voi, dạy khỉ để chúng làm việc theo ý mình, thậm
chí dạy cả một con vẹt để nó có thể bắt chước tiếng nói của mình. Đó là biểu
hiện của việc muốn thao túng, muốn dẫn dắt cả những con vật nhỏ bé nhất. Nhưng
ngay cả cái quyền muốn bên ở trên đó, kỳ thực biểu lộ rõ nhất ham muốn của con
người muốn ở trên con người. Triết gia Aristote đã nói “Phương tiện là nô lệ câm. Nô lệ chỉ là thứ phương
tiện biết nói”. Và như chúng ta đã biết, trước đó ông đã từng nói:
“Con người là một động vật biết dùng phương
tiện”. Con người hơn hẳn các động vật khác khi biết dùng phương
tiện, một con cáo thấy chùm nho quá cao, không với được, liền tặc lưỡi đánh lừa
chính mình “dẫu sao thì chùm nho vẫn còn xanh quá”. Con người thì không vậy, nó
biết chùm nho cao hơn tầm với, liền kiếm một cái que để chọc cho chùm nho rơi
xuống. Cái gậy trong tay con người là phương tiện giúp cho cánh tay người dài
thêm ra, nhưng cái gậy chỉ là thứ phương tiện câm, thụ động, người ta muốn dùng
đến nó, thì phải đi kiếm nó. Ngược lại, nếu có phương tiện biết nghe lời tức nô
lệ, thì tiện ích hơn nhiều, chưa nói nô lệ đã hiểu và tự chạy đến để nghe sai
bảo, hơn thế, nô lệ nam thì thực hiện những việc cơ bắp, còn nô lệ nữ vừa dọn
dẹp vừa giúp ông chủ hành lạc mà chẳng một thứ máy móc tinh vi nào có thể thay
thế được.
Trong cuộc đời
cái khác biệt căn bản nhất giữa con người với con người, cũng như cái bản lề
chí tử nhất để xác lập đạo đức cộng đồng, hay thước đo cốt yếu để đo giá trị
nhân văn của xã hội là gì? Theo triết gia Kant, người được mệnh danh là ông
hoàng của phúc âm mới, thì con người là phương tiện hay là cứu cánh của con
người? Khi ông chủ có một nô lệ, thì chính nô lệ đó là phương tiện của chủ; ông
chủ sai gì thì làm nấy, thậm chí bảo nhảy vào nước sôi lửa bỏng cũng nhảy; nô
lệ là phương tiện giống như chiếc ghế, chiếc bàn, cái giường, cái lọng hay cái
xe, giúp ông chủ hạnh phúc; chỉ có ông chủ là cứu cánh, tức là mục đích làm cho
mình được sung sướng và hạnh phúc; còn lại, nô lệ không thể coi mình có được
cứu cánh mong chờ hạnh phúc, mà chỉ là thứ phương tiện hy sinh thân mình phục
vụ cho hạnh phúc của chủ. Về kẻ trên người dưới, người ta vẫn được nhìn thấy
một hình ảnh khá phổ biến, đó là, một kẻ nô lệ gầy còm rách rưới đang bì bõm
lội trong bùn, cõng ông chủ to béo, ăn mặc sang trọng trên lưng. Vậy đấy đi qua
chỗ lội, ông chủ không muốn ướt giầy, bèn nhảy lên lưng thằng nô lệ, bắt nó
phải cõng.
Làm quan, như
người ta vẫn nói được “ăn trên ngồi chốc”, hay “đè dầu cưỡi cổ người khác”. Làm
người như thế mới được nâng cao, trái lại, làm nô lệ phải è lưng cõng ông chủ
trên lưng, sống như thế khác gì trâu ngựa.
Ai chẳng thích
làm quan vì trước hết làm quan là được sống trên lưng người khác, được ăn cơm
vua tức sơn hào hải vị, được ở nhà vua tức lầu son gác tía, được kẻ hầu người
hạ “nhất hô bá ứng” Tức một lời hô trăm tiếng “dạ” đáp lời, được “tiền hô hậu
ủng” nghĩa có người đi trước dọn đường, có người đi sau bảo vệ, rồi vì là quan
trên, quan được cầm cân nảy mực xét xử dân chúng, thế là quan có lộc “quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”, rồi địa
vị của quan mới có điều kiện nhận tiền “nén
bạc đâm toạc tờ giấy”, quan ở trên mọi người “lẽ phải thuộc về kẻ
mạnh”, rồi quan có thế lực đông đảo “một
người làm quan cả họ được nhờ”, nhà quan sẵn của nhiều tiền sẵn
sàng ban ơn cho các bề tôi, và họ hàng:
Lúc khó thì
chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em
Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em
Vây cánh của quan
lớn cả chiều rộng, dày cả chiều cao, bề rộng có tay sai, anh em họ hàng đông
đúc, đó là chưa kể quan “có tiền mua tiên
cũng được” cần mướn thêm hạng người nào có ngay hạng ấy, bề dày có
các quan từ phẩm bé leo dần lên phẩm trên, mấy ai dám rút dây động rừng, động
đến một quan, là động đến cả dây, từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, ai mà
muốn kiện chỉ có mà vô ích “con kiến kiện
củ khoai”. Người Trung Quốc vẫn hay nói câu cửa miệng:nhà dân làm
sao thắng được nhà quan, nhà nghèo làm sao thắng được nhà giầu. Hay như người
Việt bảo “Kim ngân phá lề luật”,
nhà quan, nhà giầu cậy tiền cậy của, khi gặp việc kiện tụng, họ bèn “nén bạc đâm toạc tờ giấy” thì nhà thứ dân
nghèo hèn làm sao chống đỡ? Không chỉ có vậy, làm quan còn có được nhiều gái
đẹp chầu rìa xin làm vợ, vì quan cám dỗ bằng tiền, quyền, lầu son gác tía, võng
lọng ô che, xe đưa xe đón, thì mấy người đẹp có đủ bản lĩnh đứng vững đây?
Người Việt nói: “Mắt thợ vợ quan”.
Mắt thợ thì tinh thông nghề nghiệp rồi. Còn vợ quan thì phải xinh đẹp hơn
người, vì “chim khôn đậu nóc nhà quan”,
đời nào, có ai muốn làm chim dại để đậu trên mái nhà của những kẻ khố rách áo
ôm hay bần hàn đến độ “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi?”
Kẻ trên không chỉ
có quyền điều binh khiển tướng, quyền dùng sức lực, trí tuệ của kẻ dưới, thậm
chí có cả quyền dùng bộ phận cơ thể của kẻ dưới, như cành cây khúc củi, thậm
trí quyết định số phận của kẻ dưới dễ như trở bàn tay. Chẳng hạn, khi vua nước
Yên muốn hậu đãi Kinh Kha, mong ông làm thích khách đi giết Tần Thuỷ Hoàng,
liền hậu đãi ông hết mực chiều chuộng, khi Kinh Kha muốn nhặt viên ngói ném con
vịt dưới nước, vua nước Yên bèn đưa ngay cho ông một thỏi vàng và nói, bàn tay
cao quí của ông không nên phí hoài khi nhặt mảnh ngói, mà ông hãy cầm lấy thỏi
vàng mà ném, khi Kinh Kha, nhìn thấy một vũ nữ, ông khen, “bàn tay xinh quá”
lập tức sau ít phút, bàn tay đó đã bị chặt đặt lên đĩa để dâng cho ông nhìn.
Vậy đấy, người ta có thể chặt cả bàn tay người như một tàu lá chuối, để làm vui
lòng thượng khách của mình trong chốc lát. Còn khi Từ Hy Thái Hậu, mẫu hậu thời
nhà Thanh, đầy hoàng hậu vào lãnh cung, bà ta hỏi các tì nữ, có ai tự nguyện để
theo hầu hoàng hậu, không thấy ai tự nguyện, bà ta liền ra lệnh cho các vệ binh
đóng chặt cửa, đập chết liền một lúc hơn bốn mươi tỳ nữ. Cuộc đời các tỳ nữ
chẳng khác gì những con cá nằm trên thớt.
Mới cách đây hơn
một thế kỷ thôi, chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại, nó giúp chúng ta có được cái
nhìn vẫn còn chưa cũ, về tương quan giữa ông chủ và nô lệ. Ông chủ ra chợ mua
nô lệ, ông vạch mắt xem tròng, vạch mồm xem răng, nắn bắp tay xem cơ bắp... tóm
lại, ông ngắm xem và chọn mua nô lệ, cả trai lẫn gái, chẳng khác gì những con
lợn, con bò. Chúng ta hãy thử nghe, nhà văn Vương sóc nói về nhà thơ Bạch Cư Dị
kiêm làm quan lại “đâu phải chỉ năm thê bảy thiếp, mà là nuôi gái điếm tơ. Ông
ta mua những cô gái mười bốn, mười năm tuổi đều còn trinh nguyên nuôi và chơi
cho đến khi mười tám , mười chín tuổi, cảm thấy đã già già, cũng đã chơi chán
chơi chê, liền đem những cô gái này ra chợ cùng bán một thể với bò ngựa súc vật
cần bán của nhà mình. Đời sống của ông ta giàu có như thế, song ông ta lại tàn
nhẫn với đàn bà như vậy, hoàn toàn không coi người ra gì. Không chỉ Bạch Cư Dị
đây cũng là một nếp sống của những con người có tiền thời đó. Nghe đâu ăn nằm
với những cô gái còn trinh, nhỏ tuổi thì có lợi cho tuổi thọ ... Ông ta đối xử
thế với thiếu nữ, những người đàn bà còn trẻ trạc hai mươi tuổi, già rồi đem
bán cùng lừa ngựa, như thế là quan tâm đến con người hay sao? Trong con mắt của
họ rút cuộc con người là thứ khái niệm gì? Tôi cứ cảm thấy, cái mà dân tộc này
thiếu nhất không phải là của cải, không phải là một hệ thống lễ nghĩa của con
người mà là đối xử với con người như thế nào, làm thế nào coi con người là
người, làm thế nào tôn trọng con người đến lợi ích lợi ích quốc gia, thậm chí
toàn cầu, đối với người Trung Quốc chưa phải là quan trọng(5).
Hình ảnh của một
quan lại có thể giản lược để dễ nhìn rằng: quan đi trong nhà, vẫn có người cầm
ô che cho. Quan vừa ngồi xuống ghế, liền có hai nữ tì đấm bóp hai bên vai. Khi
ăn có người đút. Những quán bia ôm, thậm chí cơm ôm ngày nay, vừa ăn – uống,
lại vừa có gái ngồi cạnh ôm ấp - đấp bóp sờ nắn, chính là tàn dư học đòi làm
quan theo kiểu ngày xưa. Chưa hết, quan như Hoà đại nhân, trong phim “Tể tướng
lưng gù” của Trung Quốc, vừa ngồi ghế bô (ghế có đục lỗ như trẻ con) vừa tiểu
tiện, lẫn đại tiện, đằng sau có người đứng hầu, phía trước có các quan lại cấp
bé vào chầu xin việc. Thật là sướng hết chỗ nói, ngay cả khi quan ngồi ghế đục
lỗ như trẻ con, làm cái việc bẩn thỉu hạ tiện nhất, cũng có người đứng hầu, và
vẫn đủ uy quyền của”pháp luật” để tiếp các quan lại cấp dưới. Đó là tương quan
giữa quan trên với quan dưới, thử hỏi tương quan giữa quan trên với thứ dân thì
còn cách xa nhường nào? Đó là Hoà đại nhân thứ quan lại còn phong kiến hủ bại,
nhưng ngay đến cả Viên Thế Khải là Tổng Thống của chế độ đại nghị thuộc nước Trung
Hoa quân chủ lập hiến ngay đầu thế kỉ XX, vậy mà như các nhà làm phim Trung
Quốc dựng lên, hình ảnh của ông ta trong phim “Tiến đến nền cộng hoà”là, ngồi
toa lét hiện đại, bên cạnh có gia nô cầm khăn đứng hầu, phía trước đứng xa là
các đại quan tiếp kiến đòi bàn chính sự. Than ôi, vận mệnh của một dân tộc đông
hàng tỉ người, nằm trong tay một Tổng Thống của một chế độ Đại nghị, người đem
vấn đề của quốc gia bàn ngay cả trên miệng nắp bô, cùng các đại quan nhu hèn
đến độ chun mũi ngửi mùi hôi hám, thử hỏi sinh mệnh nhân dân – vẫn chỉ được coi
là đám quần chúng vô lại, bị khinh rẻ và đối xử vô tâm đến mức nào?
Làm quan có quyền
sinh quyền sát, quyền sống trên đầu người khác như vậy, nên người ta đua nhau,
chẳng từ thủ đoạn nào để được làm quan, càng làm quan to, càng leo cao càng
tốt, thậm chí làm sao để leo lên chiếc ghế quyền lực cao nhất mới thoả khao
khát. Chúng ta, hãy thử nhìn lại lịch sử Việt Nam , đối với cuộc tiếm ngôi của Trần Thủ
Độ với nhà Lý.
“Năm Giáp Thân(1224), bệnh của vua
(Huệ Tông) ngày càng tăng mà không có con trai để nối nghiệp lớn, các công chúa
đều được chia các bộ làm ấp thang mộc, uỷ nhiệm cho một mình Trần Thủ Độ quản
lý các quân điện tiền hộ vệ cấm đình (6).
Mùa đông năm đó,
tháng mười, vua xuống chiếu lập công Chúa Chiêu Thánh làm Hoàng Thái Tử để
truyền ngôi cho. Sau đó, vua xuất gia tại Chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu
Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ nhất, tôn hiệu là
Chiêu Hoàng. Nhờ có Trần Thủ Độ coi giữ mọi việc quân sự ở trong và ngoài thành,
mà Trần Cảnh là cháu của Trần Thủ Độ, lúc lên 8 tuổi đã được vào chầu trực hầu
ở bên ngoài vương phủ. Một hôm Cảnh được bưng nước vào hầu bên trong, nhân đó
gặp Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng trông thấy Cảnh có vẻ thích, thường cho gọi Cảnh
vào chơi, cả ngày lẫn đêm, việc bưng nước hầu rồi té nước đùa nghịch mỗi ngày
thêm thân mật vượt qua lễ vua tôi. Chiêu Hoàng có lần lấy khăn ném Cảnh. Thấy
tình ý mỗi ngày thân mật một nhờn, Cảnh về báo cho Thủ Độ biết. Thủ Độ vừa
sướng vừa run kêu rằng: “Nếu thực sự như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị
diệt tộc đây? Thủ Độ sợ bị tiết lộ việc khi quân thì bị giết cả họ, liền đem cả
gia quyến họ hàng vào trong cung cấm. Thủ Độ còn cho đóng cửa thành và các cửa
cung, sai người coi giữ, các quan không được vào chầu. Sau đó, Thủ Độ tác thành
đám cưới cho Chiêu Hoàng với cháu mình là Trần Cảnh, loan báo rằng: “Bệ hạ đã
có chồng rồi”. Bắt các quan vào việc đã rồi, các quan đều vâng lời xin chọn
ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng, cũng là lúc Thủ
Độ thực hiện âm mưu chiếm ngôi. Thủ Độ ép Chiêu Hoàng xuống chiếu rằng: “Từ xưa
nước Việt Nam ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy
triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển các tiên thánh truyền nối hơn
hai trăm năm, chỉ vì Thượng Hoàng có bệnh, không có người nối dõi, thế nước
nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, xưa đến giờ chưa
từng có việc ấy. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp
đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm
thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để
cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi...Nay trẫm suy
đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử
hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao
Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem
nên nhường ngôi báu, để thoả lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết
lực cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo để thiên hạ mọi người
đều biết”. Tháng 12 ngày 11 Mậu Dần (1127), Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên
An, trút bỏ áo ngự, mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng Đế. Đổi niên hiệu là Kiến
Trung, xưng là Thiện Hoàng phong Trần Thủ Độ là Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi
việc trong nước. Sau đó Thủ Độ phong cho bố của Trần Cảnh là Trần Thừa là thượng
hoàng trông coi việc nước.
Sau khi đã phế bỏ
nhà Lý, đầy vua Huệ Tông ra chùa Chân Giáo, sợ dân chúng vẫn còn có tình cảm
với nhà Lý, Thủ Độ liền tính kế triệt hạ nốt ông vua Lý chỉ còn là một ông sư
có tên là Huệ Quang đại sư. Một lần Thủ Độ qua trước cửa chùa, thấy Huệ Tông
ngồi xổm nhổ cỏ, thì nói: “nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”.
Huệ Tông đứng
dậy, phủi tay nói: “Điều ngươi nói ta hiểu rồi”. Một hôm, Thủ Độ bày biện hương
hoa, sai người đến ép Huệ Tông. Huệ Tông bèn nói: “Ta tụng kinh xong sẽ tự tử”.
Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng: “Thiên hạ nhà ta đã về tay ngươi, ngươi lại
còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi khác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế”.
Nói rồi, thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa.
Thủ Độ ra lệnh
cho các quan đến khóc, khoét tường thành phía nam làm cửa (người bấy giờ gọi là
“cửa khoét”), đưa linh cữu ra vườn Yên Hoa để thiêu...
Các sử gia có
bàn: “Họ Lý được nước không kém gì Tam Đại, truyền nối nhiều đời, đến Huệ Tông
không có con trai... cho nên họ Trần mới có thể lấy được nước. Đã lấy được nước
của người ta, lại giết vua của người ta thì thật là bất nhân quá lắm.
Sau này Phế Đế
phải thắt cổ chết,Nguyên Quân bị giết, mình làm thế nào thì chịu thế ấy, đạo
trời là như vậy đấy. Dù không có lời nguyền của Huệ Tông, cũng tin là phải thế.
Thủ Độ coi việc đó là hết lòng trung, lo việc nước, nhưng có biết đâu thiên hạ
đời sau đều chỉ mặt gọi là giặc giết vua, huống chi làm thói chó lợn (ám chỉ
việc Trần Thủ Độ đã giết Huệ Tông lại lấy hoàng hậu của vua).
Để củng cố ngai
vàng của mình, hằng năm vào ngày 4 tháng 4, Thủ Độ buộc tể tướng và trăm quan
đến trực ngoài cửa thành từ gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều.... Ai nấy
đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành đến đền thờ núi Đồng
Cổ (ở Thanh Hoá) họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên
đọc lời thề rằng:
“Làm tôi tận chung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”.
“Làm tôi tận chung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”.
Đọc xong, tể
tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt năm quan tiền. Ngày hôm
ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như ngày hội lớn.
Triệt hạ vua áp chót của nhà Lý, ép Chiêu Hoàng cưới cháu mình và nhường ngôi cho nhà Trần, bắt các quan hằng năm phải thề bồi trung thành với nhà Trần, nếu không bị thánh thần bóp chết, thấy còn chưa đủ yên tâm, Thủ Độ đi một nước cờ triệt để cuối cùng, đó là hạ sát tập thể toàn bộ tôn thất nhà Lý. Năm Nhâm Thìn (1232), mùa đông năm ấy, nhân ngày họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Thủ Độ sai tay chân đào hố sâu và rộng, trên phủ cót, dựng mái, bắt cả tôn thất nhà Lý cỡ vài trăm người bước lên trên. Sau đó, đang lúc tế lễ, bèn sai người giật những chống đỡ bên dưới, làm tất cả những người trên sụp hố, tức thì những tay sai đã được chuẩn bị, hất đất phủ lên, chôn sống tất cả. Rồi Thủ Độ bắt tất cả những người họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, để cho thiên hạ khỏi nhớ về công đức của nhà Lý (dựa theo Đại Việt Sử ký toàn thư) (7).
Triệt hạ vua áp chót của nhà Lý, ép Chiêu Hoàng cưới cháu mình và nhường ngôi cho nhà Trần, bắt các quan hằng năm phải thề bồi trung thành với nhà Trần, nếu không bị thánh thần bóp chết, thấy còn chưa đủ yên tâm, Thủ Độ đi một nước cờ triệt để cuối cùng, đó là hạ sát tập thể toàn bộ tôn thất nhà Lý. Năm Nhâm Thìn (1232), mùa đông năm ấy, nhân ngày họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Thủ Độ sai tay chân đào hố sâu và rộng, trên phủ cót, dựng mái, bắt cả tôn thất nhà Lý cỡ vài trăm người bước lên trên. Sau đó, đang lúc tế lễ, bèn sai người giật những chống đỡ bên dưới, làm tất cả những người trên sụp hố, tức thì những tay sai đã được chuẩn bị, hất đất phủ lên, chôn sống tất cả. Rồi Thủ Độ bắt tất cả những người họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, để cho thiên hạ khỏi nhớ về công đức của nhà Lý (dựa theo Đại Việt Sử ký toàn thư) (7).
Làm quan sướng
đến cỡ nào để con người có thể lao vào cuộc chạy đua bất kể các thủ đoạn đến
vong thân như vậy? Các thủ đoạn cướp ngôi, tiếm quyền thời nào cũng có, nhưng
lịch sử Việt Nam, với giai đoạn Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý, chúng ta có được
sách sử chép khá đầy đủ, trọn vẹn, liên tục. Chúng ta hãy thử điểm lại tham
vọng, toan tính cũng như hành động cướp ngôi của Trần Thủ Độ. Cậy quyền là
người cai quản canh giữ quân sự trong và ngoài thành, trước hết Thủ Độ cho đóng
cửa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” dùng thế lực ép vua Chiêu Thánh còn nhỏ tuổi
phải lấy cháu mình cũng còn nhỏ tuổi là Trần Cảnh. Nhân lễ song hỉ của vua, Thủ
Độ cho các quan vào chầu để chúc mừng đám cưới, nếu quan nào không đến dự tất
nhiên sẽ bị khép tội khi quân phải chết. Thế là các quan lũ lượt vào chầu đầy
đủ. Nhân sự việc đã rồi đó Thủ Độ ép chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho
Trần Cảnh một đứa bé vắt mũi chưa sạch, mà những lời chiếu nghe như sấm nổ:
“Duy chỉ có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ... có tư chất thánh thần văn võ,
dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thánh Tông cũng không hơn được...” Vậy đấy, một đứa
trẻ đang tuổi đùa nghịch mới hôm qua còn bưng nước rửa chân cho Chiêu Hoàng,
vậy mà Thủ Độ sẵn sàng dùng những lời hoa mỹ khoa trương tâng bốc lên cả mây
xanh, chẳng kém cả “Hán Cao Tổ”, cả “Đường Thánh Tông”. Thật là vừa sướng vừa
tiện, có quyền trong tay thì nói thế nào thì nói. Dân gian có câu: “Nọc người
bằng mười nọc rắn”, quả là chí lý, với vài câu hoa mỹ, nhấc cháu chỉ là đứa trẻ
lên cai quản cả dân tộc. Người Việt cũng còn nói: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”,
nắm cả triều đình trong tay, có cả vạn quân trang bị vũ khí đầy mình, trong kho
sẵn có tiền quốc khố, thì làm gì chả nói mạnh được. Chưa hết Người Việt còn
nói: “Tiền bạc đi trước mực thước đi sau”, mực thước tức là công lý cũng bị
những kẻ cậy quyền cậy của nhiều phen ức hiếp. Và còn có câu ca dao:
Bên hông túi bạc kè kè
Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm
Sẵn quyền, sẵn
tiền thì có sẵn người nghe nhưng đó là người ta nghe tiền chứ đã nghe gì sự
thật, làm sao chỉ bằng vài lời sáo rỗng Thủ Độ có thể bắt người ta phải tin,
cháu y Trần Cảnh vắt mũi chưa sạch, được chú tiếm ngôi đưa lên ngai vàng có thể
sánh ngang được Hán Cao Tổ và Đường Thái Tông?
Cướp được ngai
vàng vẫn chưa đã lòng tham, để cho mình cũng như họ hàng vững dạ hoàn toàn, Thủ
Độ nói thẳng với vua Huệ Tông đã bị giam lỏng trong chùa “nhổ cỏ phải nhổ tận
gốc”, ép ông phải tự tử. Khi Huệ Tông chết, Thủ Độ hẹp hòi đến mức không cho
phép đưa xác ông ra ngoài theo cổng thành, mà lại đục một cái lỗ trên tường gọi
là “cửa khoét”để đưa xác ông ra. Thật là có quyền trong tay người ta làm cả cái
việc cố chấp hẹp hòi nhất, việc đưa ma người khác cũng bị chèn ép để cho hình
ảnh người chết bị bó hẹp teo tóp đi. Đó vẫn chưa phải là việc quyét dọn cuối
cùng, sau đó Thủ Độ còn tìm cách chôn sống cả tôn thất nhà Lý vài trăm người ở
Thái Đường, Hoa Lâm (Bắc Ninh). Đổi nhà Lý thành nhà Nguyễn để cho thiên hạ
khỏi nhớ về nhà Lý. Và để củng cố quyền lực lâu dài, hàng năm vào tháng tư, Thủ
Độ buộc tể tướng và trăm quan lũ lượt kéo về đền thờ núi Đồng Cổ ở tận Thanh
Hoá, họp nhau uống máu ăn thề, trong đó bao hàm cả sự đe doạ: “Làm tôi tận
trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này thần minh giết chết”. Kế đó còn
đóng chặt cửa sai điểm danh, phạt người vắng mặt năm quan tiền, số tiền này vào
thời ấy người ta có thể tiêu từ trinh đến xu, thì rất lớn. Than ôi, sống trong một
nước, quan cũng như dân, ai tận trung phải là tấm lòng tự giác của mỗi người,
đằng này lại đóng cửa điểm danh, thì có phải là bắt ép người ta không? Thêm
nữa, xưa nay người ta vẫn nói: “Vua hiền mới có tôi trung” . Và ngược lại, vua
chỉ là thứ hôn quân, làm sao có thể bắt người dân phải tận trung. Vì vậy, người
Trung Quốc có câu: “Nước chở thuyền, nhưng nước cũng làm lật thuyền”. Vua hiền
đem lại ích lợi cho dân, tự nhiên dân chúng muốn trung quân ái quốc, ngược lại
vua dốt nát độc ác thì làm sao có thể bắt người dân tận trung, bởi vì người dân
thấp cổ bé họng đi nữa làm gì không đủ nhận thức nhận ra đâu là minh quân, đâu
là hôn quân, tận trung với hôn quân khác nào “ngu trung”. Ngu trung thì khác gì
loài chó lợn như người việt bảo: “chó không chê chủ nghèo”.Lịch sử Đông cũng
như Tây đã bao lần chứng minh những bạo chúa hôn quân bị dân đứng lên lật đổ
,như Trụ Vương kia đắm đuối tửu sắc hạ sát trung thần,đến ngày thần dân ở khắp
nơi nổi lên như ong vỡ tổ biết trời đất cũng như lòng người chẳng còn chỗ nào dung
mình Trụ Vương leo lên đống củi, tự thiêu sống mình. Củng cố quyền lực bằng
những lời thề bắt ép khiên cưỡng, làm sao có thể đứng vững nếu không lập lên
công đức để nuôi dưỡng bền gốc?Dân Việt từ lâu đã cho rằng, đừng tưởng:
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa
Mà:
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra ở chùa.
Làm quan là kẻ ăn
trên ngồi chốc,kẻ coi người dưới là phương tiện cho mình, thậm chí dùng bộ phận
của người khác như những thứ đinh ốc có thể tháo dơì, như bắt thuộc hạ nam phải
thiến, thuộc hạ nữ phải bó chân đi lại khó khăn như người tàn tật, để cho bàn
chân nhỏ lại, phần đùi và phần hông to ra, để các quan nhìn cho đã mắt. Thế còn
chưa đủ, quan trên có thể chơi cả đầu lâu của người, đem sinh mệnh của người
khác ra làm trò tiêu khiển. Thêm đó, như trên đã nói, quan không chỉ sống trên
đầu trên cổ người khác, quan còn hưởng thụ mọi thứ hơn người, nhất là khoản đàn
bà, đối với quan có lẽ chỉ là thứ “phương tiện biết nói mang giống cái”. Chúng
ta hãy nghe một câu chuyện trong Kinh Thánh, phần Tân Ước. Thánh Giăng, tên đầy
đủ là Giăng Báp-tít, ông mặc áo bằng lông lạc đà, buộc dây lưng da ngang hông,
chỉ ăn châu chấu và uống mật ong rừng, ông đến đồng vắng vừa giảng đạo, vừa chỉ
cho mọi người cách ăn năn, để xứng đáng đón đợi Chúa ki-tô sẽ đến sau ông. Mỗi
ngày người đến nghe ông giảng đạo càng đông, uy tín của ông càng lớn, điều ấy
làm vua Hê-rốt khó chịu, vì quyền lực nhiều khi chẳng khác gì con buôn, người
ta khó chịu khi có kẻ khác danh tiếng nổi lên gây cạnh tranh về quyền lực với
mình, vua Hê-rốt liền sai người bắt Giăng, xiềng xích, giam vào ngục tối.
Tại sao vua
Hê-rốt ra lệnh bắt Giăng? Còn một nguyên nhân khác đó là, vua nghe lời vợ mình
là Hê- rô-đia. Bởi vì, Giăng đã can ngăn vua Hê-rốt không được cưới Hê - rô -
đia người vốn trước đó là vợ của vua em ruột vua tên là Phi – líp. Bởi lời can
ngăn đó đã từng cản trở đám cưới của Hê - rô - đia mà mụ đem lòng căm giận
Giăng, rắp tâm chờ dịp trả thù. Chẳng cần đợi lâu cơ hội đã đến đó là ngày sinh
nhật của mình, vua Hê - rốt mở tiệc đãi các quan lớn trong triều, các quan võ,
cùng các người thôn trưởng trong sứ Ga-li-lê. Chính con gái của Hê-rô-đia vào
nhảy múa, làm đẹp lòng vua Hê-rốt và các người dự tiệc. Vua nói cùng người con
gái đó rằng: Hãy xin ta điều chi ngươi muốn, ta sẽ cho, dầu xin phân nửa nước
ta cũng vậy. Nàng ra khỏi đó, nói với mẹ rằng: Tôi nên xin điều chi nhỉ? Mẹ
rằng:Cái đầu của Giăng-báp-tit. Tức thì nàng trở vào nơi vua mà xin rằng: Tôi
muốn vua lập tức cho tôi cái đầu Giăng Báp-tít để trên mâm. Vua lấy làm buồn
rầu lắm; nhưng vì cớ lời thề mình và khách dự tiệc thì không muốn từ chối nàng.
Vua liền sai một người lính thị vệ truyền đem đầu Giăng đến. Người ấy đi chém
Giăng trong ngục;rồi để đầu trên mâm đem cho người con gái, và người con gái
đem cho mẹ mình (Dựa theo sách Thánh Mác 1,2-7 và 6,14-28).
Làm vua là vậy
đấy, yến tiệc vào chè chén say sưa, lên cơn ngẫu hứng có thể hứa đem nửa nước
cho ngay một ả vũ công, quả là coi mạng người cũng như sinh mệnh của dân tộc
như cỏ rác. Và chẳng ngần ngại gì khi ra lệnh cho thị vệ chặt đầu người khác
nhẹ như hái quả, bưng lên mâm để mua vui làm hài lòng người đẹp. Như trên đã
trình bày, vua quan là kẻ ngồi trên, nếu không có nhân từ thì chỉ coi kẻ dưới
là phương tiện phục vụ cho lợi ích của mình từ việc cơm bưng nước rót, đến xả
thân cứu chủ. Thậm chí phải xả cả thân mình mua vui cho chủ hãy xem Trụ Vương
kia lấy một cô vợ xinh đẹp nhưng gian ác như quỷ cái tên là Tô Đắc Kỷ, người
Trung Quốc vẫn coi ả như một thứ hồ li tinh cả nghìn năm. Ả đang đứng trên
tường thành cùng Trụ Vương, thấy một ông già và một thanh niên chuẩn bị lội qua
suối. Ông già sắn quần lội ngay, còn tràng trai thì do dự rùng mình trước khi
lội nước. Đắc Kỷ liền bảo với Trụ Vương, ông già tuy cao tuổi nhưng vẫn dám lội
nước, vì trong ống xương tuỷ vẫn còn nhiều; còn chàng trai không dám lội vì tuỷ
đã cạn. Trụ Vương không tin. Đắc Kỷ liền bắt hai người giải đến, sai chặt chân
hai người, để Trụ Vương nhìn, quả là như ả đoán trước. Sau đó, Đắc Kỷ còn khoe
, ả có thể nhìn thấy trước, trong bụng mang thai cuả phụ nữ là trai hay gái. Để
tạo điều kiện cho Đắc Kỷ trổ tài, Trụ Vương bèn sai bắt hàng loạt phụ nữ có
thai đến, để xếp hàng, mổ bụng từng người xem có đúng không. Thật là man rợ!
Chỉ vì một lời nói, để làm hài lòng nhau, vua chúa có thể chặt tay chân, mổ
bụng người khác. Và đây, chúng ta hãy thử xem thủ đoạn mà kẻ có quyền đoạt vợ
người khác vơ thêm khoái lạc cho mình; một thứ khoái lạc mà vua chúa đã nhiều
đếm khôn kể xiết , hàng trăm cung tần, hàng nghìn mỹ nữ, có mỹ nữ ở trong cung
cả đời, mà chẳng một lần nhà vua dùng đến. Đó cũng là cách Chúa Trời vạch tội
Đa –vit, như một kẻ giàu có với vô số chiên bò, vậy mà lại đi bắt mất con chiên
nhỏ của hàng xóm mình, giết thịt đãi khách. Chuyện rằng:
Một buổi chiều
kia, Đa- vít ra khỏi giường đi dạo chơi trên nóc đền vua, thấy xa xa một người
nữ đương tắm. Đa- vít cho người đi hỏi, thì được biết rằng: đó là nàng Bát-
sê-ba. Đa- vít liền sai người đem nàng đến. Và hành lạc với nàng. Sau đó nàng
Bát- sê-ba sai người tâu với Đa-vít rằng:Tôi có thai.
Tiếp đó, Đa –vít
viết một bức thư cho một viên tướng của mình tên là Giô-áp, rằng hãy đưa chồng
của nàng Bát- sê-ba tên là U-ri lâm trận, hãy đặt chàng ta lên hàng đầu nơi
hiểm nguy nhất. Sau đó hãy rút đại quân ra xa,để kẻ thù giết chết chàng ta.
Tướng Giô-áp đã làm đúng như vậy, và U-ri chồng nàng Bat-sê- ba phải chết. Thế
là chỉ đợi nàng Bát- sê-ba mãn tang, Đa-vít liền đưa nàng vào cung để khai thác
triệt để.
Biết việc đó,
Chúa Trời bèn sai sứ giả là Na-than đến nhà Đa- vit kể một câu chuyện rằng:
Trong thành kia có hai người, người này giàu người kia nghèo. Người giàu có
chiên bò rất nhiều, nhưng người nghèo chỉ có duy nhất một con chiên cái nhỏ.
Người nghèo nuôi con chiên cái hết mực quí báu, nó cùng lớn lên với con cái
người tại nhà người, ăn đồ người ăn, uống đồ người uống, và ngủ trên lòng
người, nó như con gái người vậy. Vả , có một người khách đến thăm người
giàu,người giàu tiếc không đụng đến chiên bò của mình, bèn bắt con chiên cái
duy nhất của người nghèo giết thịt đãi khách. Nghe đến đó, Đa-vít bèn nhảy dựng
lên nổi giận nói cùng sứ giả rằng:Ta chỉ Chúa Trời mà thề, người phạm điều ấy
thật đáng chết. Hắn phải bồi thường bốn lần giá chiên con vì đã làm như vậy, và
vì không có lòng thương xót.
Bấy giờ sứ giả nói cùng Đa-vít
rằng:vua chính là kẻ nhà giàu đó! Và Chúa Trời có phán như vầy:Vì có ngươi giết
U-ri, cướp vợ của nó, Ta sẽ khiến tai hoạ quả báo giáng xuống trên đầu vợ con
ngươi.
Làm vua sướng
thật! Đi dạo trên thành hứng chí lên, liền triệu ngay thần dân đến phục vụ hành
lạc cho mình như thể đi làm nhiệm vụ quốc gia.Thế còn chưa đủ, lại bắt chồng
người ta xông pha hòn tên mũi đạn , rồi sai quân rút lui, bỏ mặc người lính
phải chống cự với kẻ thù đông gấp nghìn lần mình, để rồi bỏ mạng. Chỉ chờ có
thế, vua liền nẫng không vợ của người ta về làm của riêng cho mình. Khi thoả
mãn dục vọng vô biên của mình, liệu mấy ai thấy mình phạm tội xấu xa; khi sứ
giả đến kể câu chuyện nhà giàu kia bắt mất con chiên, Đa-vít liền la to: phải
giết đứa nhà giàu, phải đền gấp bốn. Than ôi, hình ảnh của tên nhà giàu tham lam
vô tận, chính là hình ảnh của Đa-vít, một đằng có vô vàn chiên bò trong tay vẫn
giết con chiên cái duy nhất của người nghèo để đãi khách; còn một đằng có vô số
cung tần mỹ nữ ở bên mình, vẫn bắt đi người vợ duy nhất của một chiến binh đang
lăn xả ngoài chiến trường, đã thế lại còn dùng âm mưu sát hại người chồng, có
khác gì kẻ giàu có sau khi ăn thịt con chiên duy nhất của nhà nghèo lại còn đòi
giết chết gia chủ, để khỏi phải đền. Và cho dù, Đa-vít có thể đền bù bốn phi
tần khác cho U-ri, như thể tên nhà giàu bị phạt phải trả bốn con chiên cho nhà
nghèo, thì than ôi anh chồng đã lâm trận bị tử vong kia, làm sao còn sống để
hưởng bốn phi tần được đền bù? Quả là, nhìn thấy tội của người khác thì dễ,
nhìn ra tội của mình thật khó, vì cái ham muốn thoả thuê dục vọng đã che mắt
người ta.
Đọc tiếp: "Quan phẩm và nhân phẩm" - phần 3
Đọc tiếp: "Quan phẩm và nhân phẩm" - phần 3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét