18/12/12

265. QUAN PHẨM VÀ NHÂN PHẨM – 4


Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức 
Chương II. Nhân Phẩm
Làm việc thì dễ làm người mới khó 
Nghĩa là, quan lại chỉ tồn tại như một chức vụ lâm thời nay còn mai mất, hoặc năm nay còn sang năm đã thôi , như chức vụ tổng thống ở nhiều nước có nhiệm kỳ là bốn hoặc năm năm, đến kỳ bầu cử, nếu cử tri không tín nhiệm thì dù có tiếc vẫn cứ phải dời khỏỉ ghế, và như pháp luật của nước Mỹ, dù tổng thống nào đó có được cử tri tiếp tục tín nhiệm đi nữa, cũng không thể được giữ chức quá hai nhiệm kỳ- tức tám năm. Hoặc như người Trung Hoa nói: “Quốc phá sơn hà tại”, tức là: quốc gia dù tan vỡ, nhưng non sông dân tộc vẫn tồn tại.
         Quốc gia, tức là một chỉnh thể nào đó, thời phong kiến như các nhà Lý, nhà Lê, nhà trần, rồi nhà Nguyễn, nối tiếp nhau lên ngai vàng trị vì đất nước, dù ngai vua có đổi, thì vẫn chỉ là - và chỉ còn một dân tộc Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S này. Hoặc bên Trung Quốc, cho dù các dòng họ Hạ, Thương, Chu, Hán, Tuỳ, Đường,Tống, Nguyên, Minh, Thanh, hay Viên Thế Khải rồi nền cộng hoà của Tôn Trung Sơn có nối tiếp nhau nắm quyền bính điều hành quốc gia, mỗi lần binh biến đảo điên, ngai vàng lung lay, người trị vì thay đổi, thì dân tộc Trung Hoa vẫn còn nguyên đó chẳng hề thay đổi tính sắc tộc của mình. Hay như Pháp quốc, dù Napoleon đệ nhất, đệ nhị, đệ tam... rồi cách mạng Pháp 1789 khải hoàn ca lên nắm chính quyền thì vẫn cứ là dân tộc Pháp ấy, thuộc giống Gaulois, chẳng hề biến dạng trong huyết thống. 
Tất nhiên quan lại, cho đến cả chính thể, là giá trị lâm thời không thể nào sánh ngang giá trị của dân tộc, tức “nhân phẩm”, mang tính vừa phổ quát vừa trường kỳ, vừa là cội rễ, vừa xum xuê như hoa lá cành? Nhưng câu trả lời không hề dễ một chút nào, thậm chí nó còn chứa đựng bao nhiêu mập mờ, biện hộ, ngang trái kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, hay “nói một đằng làm một nẻo”. Bởi vì, cái gọi là nhân dân ư. Tuy rằng rất mênh mông, rất to lớn và quyết định mọi chuyện chăng nữa, người ta vẫn gọi quần chúng là đám vô danh, hoặc đám “vô lại” tức là thứ đông đúc, nhạt nhẽo, kém cỏi đến mức chẳng có gì để mà gặp lại. Nhiều chính trị gia còn ví: quần chúng như một chuỗi số không, chỉ khi nào có con số một, tức một anh hùng nào đứng trước, thì dãy số không mới trở nên giá trị; như con số một triệu kia, bao gồm: số một đứng trước, sáu số không đứng sau; nhưng không có số một, thì sáu số không hoặc có xếp dài thêm nhiều số không nữa cũng chẳng có ích lợi nào cả.  
Nhân phẩm chắc chắn là lớn hơn quan phẩm rồi, nhưng để trở thành một nhân dân “điều đó đâu có nghĩa gì”, trái lại, người ta thấy, ở đời đa số đang bon chen leo lên đầu nhau để được trở thành quốc phụ, quốc mẫu, nếu không thì tỉnh phụ, tỉnh mẫu, không được thì huyện phụ, huyện mẫu, không được thì cũng phải cố ngồi lên cái chức trưởng phòng, phó phòng, trưởng ban, phó ban, trưởng nhóm, phó nhóm, “vét đĩa” nhất cũng phải là tổ trưởng hay tổ phó. Bởi vì xét về mặt lý thuyết: dù nhân dân, dù dân tộc có quan trọng hơn mỗi cá nhân, điều đó cũng thật hiển nhiên; nhưng ai đó muốn có chức vụ, là chức vụ cao hơn các cá nhân khác, khi có chức vụ rồi, thì chức vụ đó được đồng hoá, được đồng nghĩa với giá trị Nhà nước. Tôi cao hơn anh, vì tôi có được chức sắc do Nhà nước ban cho cao hơn anh, và Nhà nước đó luôn luôn nhiều tính nhân dân hơn cả tôi và anh. 
Đến đây, chúng ta bắt đầu thấy, câu trả lời rất phức tạp. Nếu nhân dân có cao hơn con số rất nhỏ các vị quan lại, thì điều đó cũng chẳng khiến những người đã làm quan và đang muốn làm quan mếch lòng, vì số đông nhân dân vô danh kia có hơn mấy vị quan chức thì vẫn chẳng nói lên điều gì, trái lại người ta vẫn tiếp tục muốn làm quan to, để có được so sánh: tôi là một cá nhân, tôi thành đạt và cao hơn nhiều cá nhân khác (dù rằng tôi có bé hơn nhân dân cũng được, mà nhân dân lại chẳng là ai cả). Vấn đề của cuốn sách đặc biệt là ở chương này, chủ đích muốn bàn luận: 
1- “Quan nhất thời, dân vạn đại” hoặc “Quốc phá sơn hà tại”, là một điều hiển nhiên vì: một dân tộc phải có giá trị lớn hơn những cá nhất dù chức quyền to cỡ não. 
2- Nhưng chúng ta không bàn về so sánh lớn hơn cách hiển nhiên đó, mà là: ngay trong nhân phẩm của từng cá nhân cũng mênh mông, sâu sắc, cao cả hơn vấn đề chức sắc của vị trí làm quan. Nếu như làm quan là một mong ước đem lại cho người ta các lợi ích thật dễ thấy: như oai phong, được ăn trên ngồi chốc, được kẻ hầu người hạ; thì nhân phẩm đặc biệt trong thời buổi thoát khỏi ách phong kiến nô lệ, và được giải phóng này, mang lại cho người ta giá trị tự do, đạo hạnh, tự chủ, tự giác, tài năng thực sự, và một niềm vui cũng như sự thụ hưởng hạnh phúc cũng lớn hơn, mênh mông hơn, phong phú hơn, và cao cả hơn giá trị chức sắc của quan lại.  
Chúng ta cũng sẽ chứng kiến một cách thực chứng tự nhiên nhất, và cũng lý thuyết nhất, nhân phẩm cao cả hơn quan phẩm, không phải trên bình diện số đông số với số ít, mà là cá nhân so với cá nhân. Theo sự bình chọn của tạp chí Gala cuối năm 2005, thì trong mười ngôi nhà đắt nhất thế giới hiện nay thuộc về các doanh nhân, nhà sáng chế, tài tử điện ảnh, đạo diễn, ca sĩ gần như chẳng có một chính khách nào bén mảng đến “top ten” (tốp mười) đó. 
Trước hết, ngôi nhà đắt nhất 100 triệu euro thuộc về doanh nhân gốc Ấn Độ có tên là Lakeshmi Mital. Đó là ngôi biệt thự được xây dựng vào năm 1840 theo kiểu mẫu của một cung điện ở Florenz. Kế đó là ngôi nhà của Bill Gate ông vua của máy vi tính, người có trong tay 48,5 tỉ euro, và ở căn nhà 4.000m2, trong đó lắp đặt tất cả những phương tiện hiện đại nhất, với tổng trị giá là 75 triệu euro. Rồi nhà của ngôi sao điện ảnh người Ý Sylvester Stallone trị giá 24 triệu euro. Rồi nhà của nữ danh ca Jennifer Lopez trị giá 9 triệu euro... (báo Phụ Nữ Thế Giới Xuân Bính Tuất 2006). 
Hiện thực và những con số chính xác đó, phản ánh rằng, thời hiện đại đã khác hẳn ngày xưa, xưa kia chỉ có vua chúa là được ở trong những lâu đài, thậm chí các kiến trúc sư, nhà điều khắc, hoạ sĩ chỉ là những người làm công cho chủ, không thể nào có thể trở thành chủ nhân của những lâu đài. Vậy mà, giờ đây, ngay cả diễn viên điện ảnh, ca sĩ, thứ ngày trước kia coi khinh là kép hát “xướng ca vô loài”, có tài, thì có tiền, và ở trong những biệt thự mà chẳng một quan chức nào sánh nổi. Đủ thấy tương quan thời đại, đặc biệt với giá trị tự do dân chủ đã đặt con người vào khung cảnh tiến bộ nhường nào. Ngày xưa, người Việt nói: “Mắt thợ vợ quan”, điều đó cũng hàm nghĩa, là quan: có quyền, có tiền, mới có thể lấy gái đẹp làm vợ, và giữ được gái đẹp bên mình (nhưng than ôi, ngay cả Nguyễn Trãi là quan đại thần hạng một kia mà còn chẳng giữ được người vợ Thị Lộ của mình, đã thế, bị vua bẻ cành hái hoa chưa đủ, còn rước hoạ sát thân, sát gia, và sát cả ba họ nhà mình, thật thương thay!) 
Chúng ta hãy xét đến những con số còn cụ thể hơn, lương của Tổng thống Mỹ, một nước giàu mạnh nhất thế giới chẳng hạn, số tiền khoảng hơn 25.000 đô la mỗi tháng, vậy thì, có rất nhiều các kỹ sư, bác sỹ, giáo sư, chuyên gia dầu khí có số lương gần xấp xỉ, đặc biệt với một số nghề như đạo diễn điện ảnh, ngôi sao ca nhạc, hay minh tinh màn bạc, có thu nhập còn cao hơn nhiều số lương đó ngày xưa, người ta không dám khoe giầu, vì giầu quá có thể bị nhà vua ra lệnh xung công quỹ chẳng cần một lý do chính đáng nào cả, ngay ở Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XX vẫn còn xảy ra chuyện “vua lốp” kia, ông làm nghề bơm vá xe đạp, một nghề thấp kém hạng nhất của xã hội, do biết tự pha nhựa vá xe, bán cho những người bơm vá khác, sau đó là các cửa hàng, rồi giầu có lên, vậy mà cũng bị Nhà nước chụp cho cái mũ phát triển tư bản tư nhân, ba bận bốn phen ngồi tù. Hoặc như xa xưa hơn, các triều đình phong kiến Việt Nam, không cho thứ dân xây nhà hai tầng để sánh với cung vua, ở các nước cũng có những điều luật ràng buộc theo kiểu đó, không thế này thì thế khác, vì vậy người dân dẫu có giàu cũng không dám giàu, thậm chí phải giấu giàu để sống nghèo hèn, ở Trung Quốc chẳng hạn còn có cả một lý thuyết sống giả ngu để tồn tại, thì đúng là làm dân thường có giàu sang cũng không được sướng, chính xác hơn là không bao giờ được cả gan có quyền sống sướng hơn vua

quan. Nhưng giờ đây, thời đại dân chủ, như chúng ta đã chỉ ra bên trên, những ngôi nhà đắt nhất thế giới lại thuộc về những người có tài, tinh thông chuyên môn của mình, chứ không thuộc về lớp vua quan. 
Đó là hiện thực chi ly đến độ có thể đếm được, còn hiện thực diễn ra trên phạm vi toàn cầu trong suốt vài thế kỷ qua, mạnh mẽ, quyết liệt, bất khả chống cự, đó là cuộc giải phóng nô lệ và giải phóng phụ nữ. Ngày mùng một tháng giêng năm 1862, khi Tổng thống Mỹ Lincoln ký vào tuyên bố giải phóng ba triệu nô lệ da đen ở Mỹ, đó có thể được coi như một kết quả tất yếu trên đỉnh cao trào đã hun đúc cả thế kỷ, người da đen đấu tranh đòi quyền bình đẳng. Chưa hết, đầu thế kỷ XX, ngay cả phụ nữ da trắng, là một nửa kề vai sát cánh, là vợ, là em, là con cái của những người đàn ông da trắng kia đã cột mình cả vào những hàng rào sắt của Nghị Viện Anh Quốc, đòi cho được quyền bình đẳng, đòi được quyền bỏ phiếu, đòi được đi làm, một chân đánh máy trong công sở hay tiếp viên ở bưu điện đối với chị em khó như nơi mà chỉ có các nàng tiên mới dám ao ước. Phong trào lan khắp châu Âu, Bắc Âu, rồi châu Mỹ. Tại sao người phụ nữ phải đấu tranh ngay với cả những người đàn ông thân thiết của mình: là cha, là chồng, là anh em? Bởi lẽ họ không muốn mãi mãi cam chịu là công dân hạng hai. 
Hai trào lưu giải phóng có qui mô làm biến đổi bộ mặt cũng như tương quan toàn cầu đó, nói lên điều gì? Đó chính là nhu cầu giữa cái gọi là ông chủ và đầy tớ phải đổi thay. Buộc phải đổi thay không thể nào khác. Tại sao vậy? Như chúng ta đã bàn: nếu có người muốn làm ông chủ, làm quan trên, tức là họ muốn được trở thành mục đích của hạnh phúc. Còn kẻ dưới, kẻ nô lệ chỉ là phương tiện để phục vụ mục đích đó. Nhưng tiếc thay, lịch sử loài người đổ máu tang thương liên tục, chính là vì những kẻ dưới luôn luôn đấu tranh đòi lật đổ kẻ sống trên lưng mình. Và nếu có một tầng lớp, hay người nào đó còn bám riết đặc quyền làm ông chủ, thì kẻ dưới còn quẫy đạp, chống phá, và chờ thời cơ để lật đổ. Bởi thế “oan oan tương báo”, thâm thù nối tiếp thâm thù, người ta khó lòng được sống yên ổn, sau đó là hạnh phúc. Ngay cả, người vợ, người mẹ, người con, rồi đến các nô lệ thấp cố bé họng trong nhà cũng không thể cam chịu mãi cảnh mình chỉ là thứ phương tiện biết nói phục vụ ông chủ. Đó chính là lý thuyết của Platon về nền cộng hoà và dân chủ. Ông cho rằng, người ta sẽ lao vào cuộc xung sát nhau liên tục, nếu không biết chung sống người này tôn trọng quyền lợi của kẻ kia, và ngược lại. Giả sử, nếu ông chủ lấy thế lực tiền của ra ức hiếp nô lệ của mình, anh ta không thể chống lại tức thời liền xoay sang lười nhác, lẩn trốn công việc, đánh cắp đồ của chủ, và chờ cơ hội thuận tiện nhất để trả đũa chủ.  
Trong xã hội chẳng hạn, nếu có hiệp hội các nhà kinh doanh, tất nhiên họ luôn muốn bán đắt để thu lời, lại có hiệp hội người mua hàng, luôn luôn muốn mua rẻ. Nếu hiệp hội bán đòi giá cao quá, hiệp hội mua sẽ tẩy chay, làm cho hiệp hội bán không có đầu ra, phải phá sản; ngược lại hiệp hội bán có thể liên kết ngâm hàng, tăng giá, làm cho người mua phải mua đắt nếu không sẽ không có đồ dùng thiết yếu cho đời sống. Hiệp hội ông chủ và hiệp hội làm công cũng vậy, ông chủ muốn công nhân làm nhiều và trả lương ít, giới làm công thì muốn công việc nhàn hạ, công cao, được nghỉ nhiều. Nếu hai bên không biết thoả hiệp cùng nhau, thì một đằng chủ cứ trả lương thấp, thì một đằng công nhân đình công. Ông chủ liền cậy tiền thuê cảnh sát đến đàn áp, công nhân liền tổ chức lại vừa bãi công vừa đánh trả. Ngay cuối thế kỷ XX, việc công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan, tập hợp có tổ chức phản kháng lại mô hình chính trị xã hội chủ nghĩa trong nhiều tháng, kết quả chính thể cộng sản ở Ba Lan sụp đổ, là một bằng chứng khá rõ cho luận điểm này. Việc đề cao mình hạ thấp người khác dẫn đến những xung đột đẫm máu bi thương, phải kể đến trường hợp khét tiếng của Hitler, y muốn đề cao dân tộc Đức gốc Aryan là thượng đẳng, gây chiến với các dân tộc khác không khác gì số mệnh cuả con mèo phải ăn thịt lũ chuột hôi hám và hèn kém, đặc biệt là y đã thảm sát dân tộc Do Thái, đưa cả triệu dân Do Thái vào các trại giết người tập thể, đặc biệt là trại Auschwitz và khởi động Chiến tranh thế giới thứ II diễn ra trên quy mô toàn cầu, kết quả quân đội Đức đã bị nhiều nước liên minh đánh bại, Hitler tự sát, và nước Đức phải ký hiệp ước đầu hàng vô điều kiện. Việc các chính thể ở Liên Xô cũ và hàng loạt các nước Đông Âu sụp đổ, cũng bởi lý do chính là quá đề cao, tôn vinh giai cấp công nhân quá, thế còn những doanh nhân, trí thức thì sao? (ở Việt Nam từng có khuẩu hiệu “trí - phú - cường - hào đào tận gốc trốc tận rễ”, vậy đấy, trí thức cũng từng bị xếp cùng loại với cường hào, cả những người giầu có cũng bị xếp tội cường hào phải gạt bỏ triệt để khỏi cơ cấu của xã hội).
(Còn nữa) 

Không có nhận xét nào: