15/12/12

261. NGÔN NGỮ TÌNH TRONG LỜI RU XỨ QUẢNG

Phạm Đạt Nhân
Tình yêu và trí thức là hai mặt tác dụng không thể thiếu vắng trong một con người giữa các cộng đồng lớn nhỏ ; không có tình yêu cuộc sống sẽ đóng băng và không có trí thức con tim sẽ mù lòa. Một trong những thứ tình cao cả thiêng liêng là tình mẹ thương con. Tình yêu ấy bộc lộ qua tiếng hát ru của mẹ bên quai nôi. Thi sĩ Xuân Quỳnh thú nhận: Dẫu con đi suốt một đời , cũng không quên hết những lời ru xưa " . 
          Trong lời hát ru của người dân xứ Quảng Nam có chứa đựng một thứ ngôn ngữ tình giàu chất triết lý nhân sinh mà không nơi nào có được . Ngôn ngữ ấy đã kết tinh từ hoàn cảnh tâm lý của những lưu dân đi mở cõi và hoàn cảnh địa lý sông nước Thu Bồn. Sông Thu Bồn từ Tí Sé , Dùi Chiêng chảy xuống đến Hội An, Cửa Đại có một mối dây liên lạc mật thiết trên những chuyến đò dọc theo gió mùa mậu dịch ( buổi mai nam ta trông bạn , buổi chiều nồm bạn trông ta ). Tâm tình của người dân Quảng Nam thật là nồng thắm , tươi nhuận thể hiện qua lời ru và lời ru thì chứa đựng biết bao ngôn ngữ tình giàu chất triết luận.
          Trong thời đại hiện nay , với những ngôn ngữ thực dụng của loại trí thức điện toán , kê tính , với những âm thanh xập xình, gào thét, thở than của dòng nhạc trẻ ... ta thử lội ngược dòng để tìm kiếm, lượm lặt một vài ngôn ngữ tình ấy; hoặc thử làm người thợ lặn, lặn sâu dưới đáy đại dương để chắt chiu những trầm tích từng bị bỏ quên.
          Hát ru thuộc thể loại thơ ca dân gian như hò đối, hát hò khoan, bài chòi v..v...đều có đặc điểm diễn xướng (trình diễn bằng âm thanh nhạc điệu với nhiều người). Riêng hát ru lại có đặc điểm riêng là chỉ hát cho một đối tượng nghe mà thôi, đó là em bé nằm trong nôi. Em bé ngủ được là do âm điệu êm ái của tiếng hát ru. Còn phần ý tứ sâu xa, tâm tình thầm kín thì chỉ có người hát mới biết. Có khi em bé ngủ rồi mà người mẹ ( người chị vẫn còn hát tiếp dăm ba câu nữa cho cạn nốt bầu tâm sự). Trong lời ru có những ngôn ngữ , những cách nói ẩn ý như một thứ mật mã vừa rất trữ tình - bay bỗng lãng mạn- lại vừa đậm chất triết lý . 
          Trước hết phải nói đến câu hát " Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm" mà không một người dân Quảng nam nào không thuộc . 
          Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm 
          Rượu hồng đào chưa nhấm đà say 
          Gặp nhau chưa mấy lăm ngày 
          Để mang ơn nặng nghĩa dày tình thâm
 
          Có người cho rằng hai câu đầu là cách nói tỷ hứng , thậm xưng , nói quá . Nhưng suy cho cùng thì cũng không quá chút nào . Thứ nhất , về mặt địa lý đất ở đây được bồi đắp bởi phù sa của sông Thu bồn phì nhiêu , màu mỡ nên thường xuyên có độ ẩm . Còn say ở đây là say say tình say nghĩa ...Cụm từ chưa mưa đã thấm không chỉ nói đến độ thấm của đất mà còn nói đến độ nhạy cảm của người dân đất Quảng .Phải công nhận rằng Quảng nam có những con người tiên phong trong nhiều lãnh vực như chính trị , phong hóa , thơ ca ...Khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp nổ ở biển Sơn Trà -Đà Nẵng ( 1858 ) thì người dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã cùng với Nguyễn Tri Phương lập phòng tuyến chống giặc , ngăn chận bước tiến của chúng khiến chúng phải chạy vào Gia định ( 1859 ). Quảng Nam là điểm đầu tiên xuất phát phong trào chống sưu thuế . Cụ Phan chu Trinh là người đầu tiên xướng xuất thế chiến dân chủ thay chế độ quân chủ ; cụ và cụ Huỳnh Thúc Kháng là những người đầu tiên cổ xúy phong trào cắt tóc ngắn để gọn gàng , mạnh mẽ. Cụ Đỗ Đăng Tuyển và cụ Châu Thượng Văn là những người đầu tiên đấu tranh bất bạo động kiểu Gandhi; tuyệt thực đến chết trong tù để đấu tranh chính trị với thực dân Pháp . Đặc biệt trong thi ca, người con Quảng Nam - Phan Khôi - là người đầu tiên xướng xuất phong trào thơ mới với bài Tình già nổi tiếng một thời. Đúng là " Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm " bởi vì họ rất ưu thời mẫn thế , nhạy bén với thời cuộc .
          Sắc thái văn hóa Quảng Nam cũng mang màu sắc sông nước , núi rừng hiểm trở .
          Dù cho cạn nước Thu Bồn 
          Ô Gia* chảy ngược , biển đông thành đồi 
          Dù cho cay đắng trăm chiều 
          Cũng không lay được tình sâu nghĩa dày
 
          Con sông Thu Bồn phát nguyên từ Tí Sé , Dùi Chiêng và xuôi về hạ nguồn chảy ra Cửa Đại .Còn sông Vu Gia từ phía tây Đại Lộc chảy xuống hợp lưu với Thu Bồn tại Giao Thủy - Quảng Huế .Thi ca dân gian hò vè ...được sáng tác ngẫu hứng trên các bãi dâu xanh hai bên bờ sông hoặc trên chuyến đò dọc lên ngược về xuôi. Trên những chuyến đò dọc có nhiều khách thương tứ xứ : người các Chú ( Tàu ) , người Chà và ( Ấn độ )...Họ mang đến nơi đây một nền văn minh Trung Ấn hội nhập với văn minh Đại Việt . Cái rốn của sự giao lưu này là Giao Thủy Khi những con đò dọc nhổ sào xô ra từ Quảng Huế , nó sẽ tỏa ra mọi nẻo đường quê hương : Khe Rô , Quảng Đại , Trang Điền , Kim Liên , Lệ Trạch , Vân Ly , Đa Hòa ...
          Kể từ Quảng Huế xô ra 
          Khe Rô, Quảng Đại, Ô Gia, Trang Điền
          hoặc 
          Kể từ Quảng Huế ra đi 
          Kim Liên , Lệ Trạch , Vân Ly , Đa Hòa
 
          Tất cả các địa danh đó mang hơi hướng của quê hương mình giao lưu cùng nhau trên những chuyến đò dọc , xuôi về cửa Đại để rồi " Rạng mai đến phố đôi ta trao lời ". Đất Giao Thủy vì vậy mà có độ thấm ,độ ấm ghê gớm.
          Giao Thủy đất tốt trồng hành 
          To cây lớn củ lại lành con trai
 
          Độ thấm đẫm của đất đem lại cho người dân xứ Quảng một tâm hồn ướt át , nồng thắm ân tình , được biểu đạt qua lời ăn tiếng nói hằng ngày trong các câu ca ngẫu hứng bất chợt :
          Trồng trầu thả lộn dây tiêu 
          Con đi đò dọc mẹ liều con hư 

          Đây là lời người mẹ tự nhủ với lòng khi ra vườn hái trầu bắt gặp vài dây tiêu bò lẫn với dây trầu rồi liên tưởng tới hình ảnh con gái mình vì kế sinh nhai phải buôn chuyến trên đò dọc . Trên chuyến đò dọc chở sản vật từ đầu nguồn về bán ở phố và lại chở hàng ở phố lên bán cho các chộ miền núi ."Mít non chở xuống , cá chuồn chở lên ". Trên chuyến đò dọc ấy , ai cũng tìm chỗ để ngủ qua đêm. Họ nằm lẫn lộn , bất kể nam nữ đều dồn hết vào mui ghe chật hẹp: "Lửa gần rơm không bén cũng tròm trèm". Người mẹ nào có con đi buôn đò dọc mà không lo chứ . Chữ " Liều " trong câu ca nói lên kế sinh nhai nghiệt ngã. Vì cuộc sống mà người ta còn phải làm nhiều việc hiểm nguy hơn, sá chi đò dọc. Nợ áo cơm phải trả lấy hình hài.
          Một người con gái bị một chàng trai lừa phỉnh, cay đắng hát bên quai nôi :
          Chim xanh ăn trái xoài xanh 
          Ăn no tắm mát đậu cành cây đa 
          Cực lòng em phải nói ra 
          Chờ trăng trăng xế , chờ hoa hoa tàn

          Người con gái đi lấy chồng đoạn tuyệt với người tình cũ . Và còn gởi lời nhắn nhe với người cũ :
          Đất Phú Hanh trồng tranh mau nhảy 
          Em gởi lời về cậu Bảy thôi thương 
          Em có chồng như ngựa có cương 
          Ngõ anh anh đứng , đường trường em đi
          Ngôn ngữ tình của người dân xứ Quảng còn có tính thật thà chơn chất " có răng nói rứa tự hồi mô đến chừ ". Ăn cục nói hòn không có nghĩa là kiểu " dùi đục chấm mắm cái "mà nói kiểu thực lòng không đĩ đưa môi mép 
          Thương anh để nón về dầu 
          Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay 

          Tại sao người Quảng không nói " cởi áo cho nhau " mà nói " để nón về dầu ?Bởi vì " để nón " là đúng sự thật hơn .Phải chăng họ không thích nói quá !. Hai chữ " về dầu " nghe sao mà thương !Về dầu tức là về đầu trần - Thà em mưa dãi nắng dầu- chứ không nỡ nhìn Anh về chân đất đầu dầu vượt truông.
          Ấn tượng nhất là những lời ru sau ;
          Giả đò mang giỏ hái dâu 
          Ghé vô thăm bạn nhức đầu khá chưa
 
          Chưa khá ta băng đồng chi sá 
          bẻ một nồi lá vô xông 
          Phải chi nên điệu vợ chồng 
          Đổ mồ hôi ta quạt , ngọn gió lồng ta che 

          Đến bây giờ tôi mới hiểu cái ý nghĩa thâm thúy của câu hát , đặc biệt là hai chữ " Giả đò '" Vì sao phải vờ vịt , giả vờ , giả đò như thế ? Là bởi gia phong ngày xưa rất nghiêm . Con trai tới nhà con gái là loạn , con gái tới nhà con trai là dâm ( Nam đáo nữ phòng nam tắc loạn , nữ đáo nam phòng nữ tắc dâm ) . Nhưng ở đây không có tà ý dâm loàn chi cả - chẳng qua nghe " bạn " nhức đầu ta ghé ta thăm và ta mong được gần kề để được quan tâm chăm sóc cho " bạn " được chu đáo .
          Cho dẫu sau này vì hoàn cảnh không ở đặng với nhau lâu dài thì cũng chỉ than lên một tiếng : 
          Ân tình chưa đặng bao lâu 
          Tằm sao nỡ bỏ nghĩa dâu hỡi tằm ? 

          Thật là đằm thắm , thật là nhân hậu .
          Sắc thái, phong hóa của người dân đất Quảng gắn liền với màu xanh của bãi mía, nương dâu, của rừng sâu núi thẳm; của sông dài tách nhánh. Nơi đây kết nối giao thoa của nhiều nền văn minh: Văn minh Champa ảnh hưởng Ấn Độ, văn minh Sa Huỳnh đại Việt ảnh hưởng Trung Hoa. Trên thế giới có những nền văn minh tựu thành trên lưu vực của những con sông như: Văn minh sông Loire, văn minh sông Nil, văn minh sông Hằng ....thì Quảng Nam quê chúng ta chắc chắn có một nền văn minh sông Thu Bồn. ..Những cuốn địa chí hiện nay chỉ mới ghép về đất đai, dân cư, kinh tế, xã hội ... chứ chưa động bút tới lãnh vực triết lý, ngôn ngữ phong hóa… của địa phương mình.
          Ngôn ngữ tình trong lời ru của xứ Quảng Nam là một loại ngôn ngữ đặc thù, giàu chất triết lý nhân sinh . Nó là sự kết tinh tâm lý của đoàn lưu dân đi mỡ cõi -trong một hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt sơn lâm chướng khí ...- do vậy mà lời ăn tiếng nói của họ thẳng thắn , bộc trực , vừa thực tế vừa bay bỗng vừa bình dân vừa điển nhã , vừa nôm na vừa bác học Hoàn cảnh địa lý , ý thức thân phận , tâm hồn phiêu lãng ...đã sản sinh ra một ngôn ngữ ru đặc thù của một dân Quảng nam như thế. Những nhà thơ lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi ... nhờ học hỏi lời ăn tiếng nói trong dân gian mà có được những kiệt tác bất hũ. Ở Quảng Nam có nhà thơ Tường Linh , nhà thơ Thu Bồn ... đã sử dụng nhiều chất liệu thơ ca dân gian làm giàu cho tác phẩm của mình. Riêng với Bùi Giáng có điều lạ là xa quê hàng mấy chục năm mà giọng nói vẫn đặc sệt tiếng Quảng Nam và trong khối lượng thơ ca đồ sộ của ông vẫn ngồn ngộn , đậm đặc ngôn từ đất Quảng. Phải chăng "ngôn ngữ tình Xứ Quảng" mãi mãi là chất liệu tươi nguyên trong tim của mỗi con người xứ Quảng !
PĐN (Đại Lộc, Q.Nam)

Không có nhận xét nào: