16/12/12

262. QUAN PHẨM VÀ NHÂN PHẨM - 1

Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức 
(Sinh năm 1957, học đại học An Ninh - Anh là một người khác thường mà nhà thơ Đỗ Minh Tuấn gọi là "Anh hề triết học, chàng Đông-ki-sốt văn chương" – NHĐ: “Với tôi, viết văn trước hết phải giống làm nghề chuyên môn để đưa ra sản phẩm chuyên nghiệp. Đó là tiêu chí tối thiểu khi tôi cầm bút. Nhưng viết văn là nghề đặc biệt, nghề mở đường hay cứu rỗi, hoặc khiêm tốn hơn là "trợ lực" cho các tâm hồn, đơn giản vì xã hội không có ngành dịch vụ nào thay thế được văn chương để trợ lực tâm hồn.”)
                                        -------------------------------------------------

            Chuyên luận này như tên gọi của nó “Quan phẩm và Nhân phẩm”, muốn nhắm đến việc lý giải: Quan phẩm đặc quyền mà mọi người đều thích, nhưng Nhân phẩm mới là giá trị cao nhất và rộng nhất của con người. Tất nhiên, chuyên luận không thể là những lý giải khiên cưỡng về giá trị, về đạo đức là thước đo cao nhất của con người theo các người ta vẫn gọi là giáo điều, mô phạm, hay võ đoán áp đặt cho đạo đức phải có một giá trị cao nhất, không ai có thể cưỡng được; mà bằng cách lý giải vừa khoa học, vừa cuộc sống, cuốn sách muốn thuyết phục mọi người cách minh nhiên và mạnh mẽ nhất: niềm hân hoan làm người rộng lớn mênh mông- cao cả hơn gấp bội nhãn hiệu làm quan.

            “Quan phẩm và nhân phẩm” đó là tên gọi được Hán hoá, kỳ thực nó có thể mang một cái tên thuần Việt hơn: “Học làm quan và học làm người”. Học làm quan khó hay học làm người khó? Hiển nhiên, theo cách nghĩ đơn giản nhất, không ít người nghĩ: người ta sinh ra đã làm người, không học, dốt nát vẫn cứ làm người, vẫn ăn, vẫn uống, vẫn xây nhà, vẫn dựng vợ gả chồng, đêm đông lạnh lẽo vẫn có bạn tình nằm bên gối ấp má kề, rồi vẫn sinh con đẻ cái, như vậy không là con người sao? Vậy tháng tháng, năm năm , ta vẫn dự đình đám của làng, vẫn dự hiếu- hỉ vẫn chu toàn cúng giỗ cho ông bà, cụ kị, tổ tiên của ta là người đi hai chân, ta vẫn đi hai chân, thì làm sao ta có thể tiếp tục không phải là người? Người Việt có câu: Văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền.

            Và cũng còn có câu đưa ra so sánh cái thú làm quan suy đi nghĩ lại trước sau không bằng cái thú làm người: Nhất sĩ nhì nông, Hết gạo chạy rông, Nhất nông nhì sĩ.

            Tuy nhiên, đây mới là một phép so sánh chưa đầy đủ mới căn cứ trên vấn đề ăn uống của dạ dày. Để bắt đầu một cách có chiều sâu, chúng ta thấy, ở đời, theo cách bình thường và phổ biến, người ta lo học hành đỗ đạt làm quan, chứ mấy ai lo học làm người bình thường? Người Trung Quốc có câu “Học nhi ưu tắc sĩ” (học mà giỏi thì làm quan) (1). Người Trung Quốc cũng có câu: Di tử thiên mãn kim / Hà như giáo độc thư / Dưỡng tử giáo độc thư / Trư trung hữu kim ngọc (Tức là: Cho con nghìn vàng / Không bằng dạy con đọc sách / Nuôi con bằng đọc sách / Trong sách có vàng bạc)

            Trong sách không chỉ có vàng bạc, khi người ta đã đỗ đạt làm quan, thì trong sách có tất cả. Theo nhà văn Vương Sóc của Người Trung Quốc lý giải thì, trong sách có quyền cao chức trọng, có bổng lộc cung tiến, có lầu son gác tía, có vô số gái đẹp đến chầu, nghĩa là, có tất cả. Chỉ có làm quan mới được sống trên vai người khác, theo cách người Hoa vẫn nói “ở dưới một người ( tức vua), còn ở trên vạn người”. Muôn người phải nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn ở, nhịn gái để cung tiến ta, làm gì làm quan chả thích? Vậy thì cái gọi là học làm người kia lấy gì để sánh?

            Bên trên, chúng ta đã đề cập, có người nghĩ: học làm người thì có gì mà phải học, vì chẳng cần học ta sinh ra vẫn cứ làm người. Tất nhiên, đó là tiêu chí con người chỉ đi hai chân. Nhưng cái chúng ta cần bàn là: con người xứng đáng làm người, vượt lên con người như động vật đi hai chân, để trở thành con người có nhân phẩm cao quý, và có trình độ thưởng thức đời sống vừa trọng thể, vừa hân hoan, vừa đáng giá vừa cao cả,. Chúng ta hãy thử quan sát cái nhìn của thi sĩ Walt Whitman: “Tôi và em chẳng một xu dính túi vẫn mua được hương thơm của trái đất này”.

            Tuy nhiên, khi dẫn thơ ra, chúng ta mới chỉ có được một cái nhìn chưa rõ nét, bây giờ nhìn vào cuộc sống mà xem, những buổi hoà nhạc ở Nhà Hát Lớn, tiền mua vé, so với những nhà giàu hay quan chức lớn thì có bõ bèn gì, vậy mà số người đến thưởng thức cứ vắng tanh vắng ngắt. Thật như người đời vẫn biết “có tiền chưa hẳn có hạnh phúc” và chắc sẽ có một câu nói song song “có quyền chưa hẳn đã hạnh phúc”. Hay âm nhạc không phải sở thích của nhiều vị có quyền, có tiền? Không hẳn ở những quán karaôkê, lại có không ít vị đến thưởng thức nhạc “bàn tay vàng” vừa hát vừa có thể vui vầy với các em mắt xanh mỏ đỏ, nhìn vào đấy so sánh thấy ngay đẳng cấp hạnh phúc, mấy thú vui karaôkê kia làm sao có thể sánh với giàn nhạc trong phòng hoà nhạc? Ngay các em mắt xanh mỏ đỏ có kể một câu chuyện rằng: hàng ngày các em tiếp các loại đàn ông đi xe đạp – có, đi ôtô - có, tóc xanh- có, tóc bạc-có, bình dân – có, đạo mạo - có ... ở ngoài cửa bọn em đều gọi các vị là “chú” là “bác”, vào đến bên trong bất chấp tuổi tác các em gọi các vị là “anh”. Nhưng sau khi tiễn các vị ra khỏi cửa bọn em đều coi các vị là “thằng”.

            Làm quan sướng vì sống trên đầu mọi người và có tất cả ư?

            Hãy nhìn Lý Tổng Quản giúp việc cho mẫu hậu Từ Hy Thái Hậu đời nhà Thanh ở Trung Quốc kia, bên dưới ngôi Thái Hậu, hao túng tất cả, từ các quan cấp dưới hay các tỉnh xin vào bẩm tấu đòi thăng quan tiến chức đều phải lót tay cho gã cả vạn lạng bạc, rồi đến những kẻ trong cung nịnh bợ đòi hắn nói đỡ cho một câu, khi thì tâng bốc khi thì nói lời thị phi làm hại đối thủ ... tất cả hắn đều thao túng như một ông vua, chỉ thua chức một ông vua khác là một bà già bị gã bịt mắt. Nhưng kết cục với quyền lực thao túng cả một đất nước lớn hàng đầu thế giới,tiền của trong tay nhiều không kể xiết như vậy hắn sống thế nào? Than ôi hắn chỉ là một hoạn quan, cái của quí của cha mẹ truyền lại để nối dõi cho đời sau, cũng là cái phương tiện trục lạc lớn nhất nơi thế tục , thế mà hắn bị người ta hoạn đi rồi thì còn biết sướng vào đâu. Bản thân hắn lúc nào đi cũng gập người xuống, thưa gửi bẩm tấu phải quì mọp, đúng là cuộc đời của thứ nô tài chẳng khác gì trâu chó? Chức tước to, bổng lộc nhiều mà sống thế liệu có thể sánh vai một ông xẩm được tự do gảy đàn ngoài chợ, mồm hát vang bài ca trữ tình, và ao ước tối về rửa chân lên giường cùng người đẹp? Đây không chỉ là những lời tán, một cách chính thức có nhiều quan chức cho rằng: nói chúng tôi làm quan chức là ở trên đầu hà hiếp mọi người ư? Không! chúng tôi cũng chỉ là nô tài cao cấp mà thôi, bên trên chúng tôi có rất nhiều vị quan lớn hơn và chúng tôi không thể không phục tùng. Một cách lý thuyết, như người ta vẫn nói làm quan chỉ là đầy tớ cho dân. Đây không phải là khẩu ngữ xuông mà tất cả hệ thống nhà nước ra đời cùng toàn thể chức năng hoạt động, quyền lực, và những con người thực thi, đều chỉ phục vụ con người. Giống một ngôi nhà, dù được trang trí, bầy đặt đẹp đến cỡ nào đi nữa ngôi nhà được làm ra là để phục vụ những con người trong đớ? Chứ không thể có chuyện ngược đời con người được sinh ra để phục vụ ngôi nhà. Giống vậy, Nhà nước chỉ là cái vỏ rỗng bao bọc bên ngoài để phục vụ mọi người, chỉ khi phục vụ con người nó mới có ý nghĩa; ngược lại không bao giờ mọi người đi bỏ phiếu lựa chọn quyền lực, lập lên Nhà nước, để mong trở thành những công dân phục vụ nhà nước, mà luôn luôn là nhà nước được lập ra để phục vụ mọi người. Về điểm này, Chúa Jesus cũng đã chỉ ra bài học, Ngài rửa chân cho các tông đồ, dạy họ hãy biết hạ mình để phục vụ lẫn nhau, và phục vụ người khác. Vào ngày lễ sa-bát, có kẻ thử Ngài, mách Ngài rằng chính môn đệ của Ngài đã ngắt lúa trong ngày lễ sa-bát, Ngài liền bảo : “người ta vì con người mà nghĩ ra ngày lễ sa-bát, hay vì lễ sa-bát làm ra con người?” Ngài nói thêm trong ngày lễ sa-bát, nếu người ta kiêng không làm việc, vậy con cái ngươi rơi xuống giếng, ngươi có cứu không? Tất nhiên câu hỏi của Chúa Jesus đã hàm chứa một câu trả lời rõ ràng: vì con người, người ta nghĩ ra ngày lễ sa-bát, cũng như tất cả mọi ngày lễ trên đời; ngược lại không thể nào có chuyện vì ngày lễ nặn ra con người.

Câu hỏi làm quan hơn hay làm người hơn?

Người Việt từ lâu đã nói: “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Nghĩa là, quan là giá trị điểm xuyết giữa cả đại dương nhân dân, quan trèo lên rồi lại tụt xuống, người có tài thì làm hết nhiệm kì, kẻ bất tài thì thay thế giữa chừng, đó là chưa kể các quan lại thanh trừng, đấu đá, hất cẳng lẫn nhau, vì thế: quan chỉ là nhất thời, còn dân vạn đại, vì dân là đại dương mãi mãi còn lại trong trời đất, như ngày xưa ví: dân là nước, quan là thuyền, nước có thể đẩy thuyền đi, cũng có thể nhấn chìm thuyền. Người Trung Quốc có câu: “Quốc phá sơn hà tại”, có nghĩa Nhà nước mất thì sông núi vẫn còn, Nhà nước có mất thì nhân dân vẫn không thể nào mất được.

Nhưng câu trả lời của chúng ta về việc làm quan hay làm người, không chỉ được quan sát theo những gì bên ngoài, mà nó còn được căn cứ trên những tư tưởng cũng như hệ thống lý thuyết của những bộ não lừng danh nhất. Triết gia Socrate đã phân cấp con người thành ba dạng như sau:

1 - Loại thấp: là Dạ Dày cầu mong những lợi ích và dục vong.
2 - Loại trung: là Tim, khao khát ý chí, tình yêu, danh dự.
3 - Loại cao: là bộ Não khao khát sự thông thái và tham vọng (2).
Ba cấp độ làm người trên, có thể cũng ứng với ba cấp độ làm người theo cách người Trung Quốc quan niệm:
1 - Lập công: là những loại người thiên về hành động cụ thể, làm ra chiến công.
2 - Lập ngôn: là những người làm nên sự nghiệp bằng ngôn từ như viết sách, hoặc đưa ra những phương ngôn mang tư tưởng.
3 - Lập đức: là những người đã làm nên giá trị đạo đức nào đó khiến người ta noi theo.

Xét theo đó thì những người đi buôn, quan chức có thể xếp ở hạng một, dù có làm quan đi nữa thì cũng nổi lên và xuất sắc ở hạng một thôi. Còn những hiệp sĩ theo đuổi ý chí cũng như danh tiếng của mình đã với đến bậc thứ hai. Còn người leo lên đỉnh chóp của giá trị con người thì là người theo đuổi giá trị thông thái và giá trị đạo đức thuần khiết.

Đến đây chúng ta có thể còn ngập ngừng nhưng triết gia Aristote, nhà bách khoa của những bách khoa, đã đặt nền móng triệt để đến mức, suốt hai nghìn năm nay, người ta khó lòng mà cưỡng lại. Aristote định đặt ba cấp độ con người dựa trên ba cấp độ mang tính khoa học.

1- Cấp thực hành (Pratique): là người hoạt động nhắm đến đối tượng nhưng không tạo ra cái gì ở bên ngoài mình. Là những người làm chính trị.
2- Cấp sáng tạo (có tính nghệ thuật-Poétique): là những người hướng đến việc làm ra những thứ bên ngoài mình, như kiến trúc sư tạo ra ngôi nhà chẳng hạn.
3- Cấp lý thuyết (Théorétique): là những người hướng đến nhận thức.

Theo đó, những quan chức dù lớn hay nhỏ có tiền hô hậu ủng chăng nữa, chỉ là những đinh ốc trong hệ thống công quyền. Việc của họ là ngày ngày tra dầu, vận hành máy móc để cho hệ thống hành chính trơn dầu chạy đều đều. Đó là một hệ thống trong sạch, còn với hệ thống tham nhũng, tham quyền, cố vị, hạch sách, gây cản trở và ách tắc thì bộ máy công quyền còn vận động ậm ạch, xộc xệch, có khi xin một chữ ký, một con dấu công chứng cũng thiên khó vạn nan.

Làm quan chức, không thể là người tạo ra lý thuyết, ngoại trừ những nhà chính trị đi tiên phong trên phạm vi toàn cầu. Họ cũng không phải những nghệ sĩ sáng tạo, như nhạc sĩ sáng tác bản nhạc, hoạ sĩ vẽ bức tranh, hay nhà văn viết tiểu thuyết. Công việc chính trị hầu hết được duy trì và vận hành bởi một hệ thống hành pháp – hành chính. Nó đều đều vận động với những công chức “cầm con dấu” mà người Việt vẫn nói “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Tất nhiên, giá trị làm quan không thể sánh với giá trị làm người, bởi lẽ làm quan giống với cột mốc cắm trên đường không thể nào sánh với tất cả con đường phải mang trên mình nó tất cả các phương tiện vận hành. Nhưng đặc biệt ở những nước châu Á cụ thể với Trung Quốc và Việt Nam, tình trạng muốn “học chỉ để làm quan” được ăn trên ngồi chốc người khác là rất nặng nề, thậm chí có thể chịu thiệt, chịu làm phi tần cả đời chẳng biết đến tình yêu, để được vào cung vua, được bảo hộ, được ăn ngon, được mặc đẹp dù phải đánh mất tất cả quyền lợi khác cao quí hơn của con người. Dân Trung Quốc sợ sệt đến độ, theo nhà văn Vương Sóc họ ngơ ngác làm những con cừu non, như vậy tất yếu bằng mọi giá họ muốn chen chân vào đường quan lại để tìm lấy “đôi cánh gà mẹ” che chở của cung đình.

Ở Việt Nam trước kia, triều đình phong kiến còn phân biệt rõ ràng đẳng cấp quan và đẳng cấp thứ dân. Chỉ có nhà vua mới được làm nhà có tầng hai, còn dân chúng thì tuyệt đối không được làm. Còn các quan, theo chức vụ của mình, có thể được xây nhà năm bậc, bảy bậc, hay chín bậc thềm. Theo đó, người dân dù có giầu đến mấy cũng không thể sống cách xứng đáng theo ý mình, mà buộc phải sống hèn mọn trong đẳng cấp của mình. Tình trạng này còn kéo dài sang tận cuối thế kỷ XX, dù các anh trí thức có học hàm học vị tiến sĩ, giáo sư đi nữa vẫn không thể có tiêu chuẩn nhà ở, bàn làm việc, hay xe ô tô đi công tác như mấy ông trưởng phó phòng, hay cục trưỏng, cục phó...

Mới đây còn có không ít người đưa ra luận điểm vì đường giao thông ở Việt Nam quá chật, bởi thế, không nên tạo điều kiện để cho nhiều người dân đi ô tô, trái lại nhiều ông quan đều đi tìm mua ô tô giá cao gấp ba tiêu chuẩn qui định cho mình, tiêu chuẩn khoảng 300 triệu đồng, thì các ông toàn mua xe cả tỷ đồng, càng mua giá cao thì vừa đi xe ông càng có được tiền phần trăm “lại quả” cho vào túi, theo cách nghĩ đó, thì đường chỉ dành cho quan đi ô tô, còn dân thì chỉ nên đi xe đạp, xe máy, xe buýt cho đỡ tắc đường. Xưa kia có lệnh cấm dân đen mặc quần, quần chỉ giành cho vua quan mặc, mà người Việt đã có câu ca rằng: Có quần ra quán bán hàng / Không quần ra đứng đầu làng xem quan!

            Vì sự phân biệt đối xử quá khác biệt giữa quan chức và dân chúng mà ở Việt Nam ta, đã hình thành xu hướng cạnh tranh rất căng thẳng để nhận vào làm việc trong hệ thống công quyền. Người ta chen chân, mới đầu là làm hợp đồng, sau đó là vào biên chế, xu hướng đó còn bắt đầu rất sớm với những khoản tiền kếch sù đóng cho con trẻ để bước vào trường chuyên lớp chọn của Nhà nước; sau là khoản tiền kếch sù hơn đóng cho cơ quan có được nhiều ưu đãi hơn ... Cứ thế, cứ thế, tình trạng cạnh tranh rất căng thẳng, và xu hướng đó đang đi ngược lại sự phát triển chung của toàn nhân loại. Ngay từ thời cổ đại, triết gia Socrate đã cho rằng: muông thú có muôn loài để chúng tìm kiếm những thức ăn khác nhau mà không rơi vào huỷ diệt, tôm cá dưới ao cũng có nhiều loài ăn theo ba tầng: tầng mặt nước, tầng giữa, và tầng đáy, để chúng có thể sống sinh sôi và nảy nở, nhân loại gồm những con người, mỗi người có một sở trường khác nhau, để họ có thể kiếm sống mà không cướp đoạt sự sống của kẻ khác; một xã hội muốn phát triển, thịnh vượng, thì phải “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, đằng này, nếu xã hội ta chỉ thu hút mọi người vào cửa quan, thì sẽ gây ra ắch tắc, dồn ứ, tồn đọng, lộn xộn “khôn ăn người, dại người ăn” dẫn đến tụt hậu, nghèo hèn cứ nghèo hèn mãi.

Vậy nên, trong chuyên luận của mình, tôi muốn đưa ra các luận cứ, để chứng tỏ một sự thật quá hiển nhiên rằng: cần phải ưu tiên việc làm người dồi dào, phong phú, cao cả, đáng chiêm ngưỡng hơn là ao ước chật hẹp chỉ muốn làm quan hưởng những đặc quyền, đặc lợi hơn người. Tất nhiên, trong xã hội, ai có sở trưởng chính trị cứ làm chính trị, nhưng còn, ai có sở trường nghệ thuật hãy làm nghệ thuật, ai có sở trường kinh doanh hãy làm kinh doanh.

Chúng ta đang sống trong một thời đại đã hoàn toàn lật sang một trang mới, chủ nghĩa phong kiến thối nát đã sụp đổ ở phía sau rất xa rồi, nô lệ đã được giải phóng, phụ nữ đã được giải phóng, vậy thì không còn lý do gì để chúng ta còn ao ước làm quan đến độ sẵn sàng chịu thiến để leo lên đầu thiên hạ. Vậy bây giờ cũng chính là lúc, chúng ta bàn đến việc làm quan và việc làm người cách bình thản, khách quan, ngõ hầu tìm ra cho mình một cách sống vừa hợp sở trường, vừa xứng đáng nhất.

Không có nhận xét nào: