7/3/13

310. ÁM ẢNH TÓC


Nguyễn Việt Hà
            Ở những năm cuối đời, thi sĩ Bùi Giáng có râu tóc bù xù ham chơi rong trên những vỉa hè của ồn ào đô thị đã làm một cặp câu lục bát vô cùng dịu dàng: Trăm năm còn lại những gì. Ấy là khu vực nhu mì của em”. Nhiều người yêu thơ ông, bâng khuân không biết Bùi tiên sinh gọi khu vực ấy là khu vực nào. Người mạnh dạn từng trải thì bảo là tay, người thơ mộng phóng khoáng thì bảo là tim, nhưng cũng có người tinh tế rụt dè thì cho đấy là tóc. Có lẽ hình như phải đấy là tóc thật. Bởi tóc là một trong vài ba bộ phận lãng mạn hiếm hoi mềm mại nhu mì vào loại nhất của cái đẹp phụ nữ. 
             
             Tóc là đặc trưng nét đẹp của đương nhiên đỉnh cao, vừa trong sang hiển lộ mong manh lại vừa huyển bí kín đáo thâm ẩn. Vì thế hầu hết những người đàn ông hoàn hảo, khi bâng quơ nhìn một phụ nữ nào đấy thì tất thảy đăm đắm nhỉ nhìn vào tóc. Trong trường thiên phóng bút mỹ miều “Tóc chị Hoài”, nhà văn cầu kỳ Nguyễn Tuân được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một đã cao ngạo nhận xét “Cái người nào mà trong suốt một đời người mà không được ngắm một mớ tóc cho tử tế, thì cái thẩm mỹ quan của người ấy còn lung lay lắm, chưa lấy gì là định”. (Tuyển tập Nguyễn Tuân – NXB Văn học – trang 242).
Tóc có vị trí thẩm mỹ độc đáo quan trọng như vậy là ví nó ở chỗ cao nhất của con người, trên cả đầu. Tóc tuy ở chỗ cao, nhưng khác hẳn với những thứ vớ vẩn cao đạo khác thường khăng khăng cứng nhắc xơ xác một kiểu, tóc luôn ung dung đa dạng đa cách tới vô biên nhiều kiểu. Tóc ngắn đã lắm kiểu lạ, tóc dài lại càng nhiều kiểu hoang mang quyến rũ. Tết này, buông xuôi này, búi này, cặp này. Xoăn tự nhiên cũng có mà thẳng tự nhiên cũng có. Hoặc hoành tráng phi dê bồng xù, hoặc mượt mà thong thả để lỏng. Hoặc trúc trắc đứt rồi lại nối, hoặc ngây thơ cũng nịu liền mạch. Trong văn học, phải hang chục năm vất vả lắm mới mong cách tân thể loại. Ở nghệ thuật làm tóc, chuyện đổi mới là chuyện cơm bữa. Không phải ngẫu nhiên đám văn sĩ lúc đi ngang qua tiệm hớt tóc thanh nữ đa phần đều âm thầm nuốt nước bọt thở dài. Hồi xa xưa, thiếu nữ để tóc đẹp nhất là tết bím đôi hoặc bím một thả đuôi sam. Thiếu phụ búi tóc đẹp nhất là kiểu tằng cẩu của cà người Thái đen và Thái trắng. Kiểu này sừng sững có vẻ hiếu khách mời mọc nhưng sâu xa lại thâm nghiêm trinh tiết bảo thủ. Chính vì thế, ở xa những vùng còn mộc mạc chân chất người Thái, trong các bữa rượu tiếp tân trân trọng cởi mở luôn nhấp nhô trùng điệp những tằng cẩu là tằng cẩu.
Tóc đặc sắc hơn những bộ phân nhu mì khác còn vì nó thanh nhã có mùi. Tay mà có mùi thì dung tục quá. Tim mà có mùi thì siêu hình quá. Chỉ duy nhất tóc. Vì “hương tóc”. Thời bao cấp Hà Nội đang mệt mỏi khó khăn, thì cái mùi tóc lãng đãng giăng đầy phố của sả của hương nhu đã làm bao thế hệ thanh niên bỗng thăng hoa tươi tỉnh mà yêu sống mà chăm chỉ lao động. Bây giờ cái hương thầm ấy đã phai, chỉ sặc sụa nhan nhản mùi dầu gội đầu hoá học, chẳng trách gì có một bộ phận giới trẻ đâm uể oải đi hít khói thuốc phiện.
Tóc còn là tín vật thiêng liêng của ái tình. Không những ở Huế mà thỉnh thoảng nhiều vùng ở nước Việt thậm chí lác đác nhiều nơi trên thế giới, các chị các cô rất hay đem tóc ra mà thề. Khi tiến người yêu đi xa, các thiếu nữ rất thích lấy kéo sắc nức nở cắt một đoạn tóc ở dưới chót rồi gói vào khăn lụa bạch hoặc khăn mùi xoa, thê thảm đưa tặng. Nhiều đàn ông chung tình, cho đến lúc lâm tuỵệt địa vẫn khư khư ôm mớ tóc thề ấy mà không biết tại sao người yêu của mình khi thề thốt không cắt tay hay cắt tim. Chẳng phải phụ nữ sợ đau, mà đơn giản là tay hay tim là những thứ khó có thể mọc lại. Việc cắt tóc chưa chi đã khó khăn linh thiêng đến thế, thì thao tác cạo sạch tóc xứng đáng phải coi là hành động hy sinh. Gần đây, ở hội thơ rằm Nguyên Tiêu tại Văn Miếu, báo chí xúc động kể là hơn một thiếu nữ đầu cạo trọc lóc trèo lên sân khấu rưng rưng đọc thơ. Chao ôi, thơ Việt Nam liệu có sang trang mới.
Nhưng đấy là thơ, còn ở những môn nghệ thuật khác chắc chắn đây là điều bất khả. Kịch tác gia nổi tiếng Eugene Ionesco (1909-1994) người Rumani chuyên viết kịch phi lý có kiệt tác “Nữ ca sĩ hói đầu”. Ca sĩ biểu diễn mà đầu bị hói thì phi lý thật. Cứ thử hình dung mà xem, Thanh Lam hay Mỹ Linh đầu trụi nhẵn hiện hình tha thiết hát bài “Tóc gió thôi bay”.
Tóc của hồ là liễu. Tóc của mây là mưa. Thiên nhiên vĩ đại mà còn vậy. Các chị em ạ, hãy biết hãy giữ hãy kính trọng để muôn đời nâng niu lấy tóc.

Không có nhận xét nào: