29/3/13

327. MỘT BÀI DÂN CA XỨ QUẢNG


            Bùi Thị Lân
           

            Là người Quảng, chắc hẳn ai cũng ít nhất một lần được nghe câu hát dân ca sau:
            Nam:
                        Hỏi thăm cây quế mấy nhành
                        Sum nguyên mấy cụm, phụ mẫu sinh thành mấy nơi? 
            Nữ:
                        Mẹ cha sinh đặng mười người
                        Năm trai, năm gái tốt tươi như rồng
                        Ba người làm thợ Kim Bồng
                        Ba người lấy chồng về đất Bồng Miêu
                        Ba người buôn bán chợ Chiều
                        Mình em ở lại dắt dìu mẹ cha...
           Đây là bài dân ca hát đối đáp giao duyên giữa một đôi trai gái, được in trong tập Văn học dân gian Quảng Nam, của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn. Lời bài hát có cấu trúc là một cuộc hội thoại gồm hai lượt lời trao - đáp rất hoàn chỉnh. Có thể thấy mối quan hệ giữa hình thức và nội dung ngữ nghĩa của bài ca từ nhiều phương diện khác nhau.

            Trước hết, về mặt hình thức, bài ca được sáng tác theo thể lục bát truyền thống. Vần, nhịp rất chuẩn tuy rằng số tiếng trong cặp lục bát đầu tiên là một biến thể, câu bát có chín âm tiết, nên vần trong cặp lục bát này là tiếng sáu câu lục vần với tiếng thứ bảy câu bát:
                        Hỏi thăm cây quế mấy nhành
                        Sum nguyên mấy cụm, phụ mẫu sinh thành mấy nơi? 

            Các câu còn lại trong bài ca đều theo đúng lục bát nguyên thể, vần, nhịp đều rất chuẩn. Chính vần nhịp ấy đã tạo nên tính liên kết chặt chẽ cho bài ca.
            Về từ ngữ, các lớp từ được phối hợp và phân bố trong bài ca một cách hợp lí đã tạo nên giá trị riêng cho bài ca. Đó là sự phối hợp giữa lớp từ Hán-Việt với từ thuần Việt; từ địa phương với từ toàn dân, lớp từ ngữ xưng hô, từ chỉ số đếm... theo một tỉ lệ nhất định đã tạo nên tính chỉnh thể và góp phần làm nên giá trị nội dung của bài ca.
            Các từ Hán - Việt: sum nguyên, phụ mẫu, sinh thành... được sử dụng trong lượt lời của chàng trai thể hiện nội dung chàng trai hỏi thăm cô gái là rất quan trọng, phong cách nói năng của chàng trai cũng rất tao nhã, trịnh trọng. Điều đó chứng tỏ đây là người có học thức, đàng hoàng. Các từ Hán-Việt ấy kết hợp với các từ thuần Việt một cách hợp lí trong lượt lời của cô gái đã tạo nên tính thân mật, dân dã, dễ gần. Đặc biệt cô gái đã sử dụng nhiều từ ngữ chỉ địa danh của quê hương trong câu trả lời cho thấy cô là người Quảng “chính hiệu”. Hệ thống các từ ngữ chỉ địa danh xứ Quảng như: Kim Bồng, Bồng Miêu đã được khai thác và sử dụng một cách triệt để nhằm làm tăng tính địa phương cho bài ca. Sự có mặt của các từ địa danh này như một sự giới thiệu khéo léo về quê hương đất Quảng: Kim Bồng là làng nghề thủ công mĩ nghệ, nay thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Nơi đây nổi tiếng với nghề mộc tinh xảo, thợ mộc Kim Bồng được rước đi làm nhiều nơi, kể cả ra Huế tham gia việc xây dựng các lăng tẩm. Bồng Miêu là nơi có mỏ vàng lớn, nay thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh. Xưa, mỏ vàng Bồng Miêu nổi tiếng khắp Trung Kỳ được người Pháp triệt để khai thác.
            Về cách dùng từ ngữ xưng hô, tiếng Việt có một hệ thống đa dạng, mỗi từ ngữ biểu thị một sắc thái tình cảm khác nhau. Trong bài ca, có thể thấy, chàng trai hỏi thăm cô gái là để làm quen, để dò xét về gia cảnh, chưa biết dùng từ ngữ xưng hô cụ thể nào cho hợp lẽ. Do vậy, chàng trai đã dùng lối nói trống không, thể hiện một khoảng cách nhất định trong quan hệ với cô gái. Ngược lại, cô gái đã xưng hô em rất ngọt ngào, thể hiện sự thân thiện, dễ gần cũng như sự hợp tác cao trong giao tiếp. Cách dùng từ xưng hô như vậy đã rút dần khoảng cách từ xa lạ đến thân mật, gần gũi. Và cách nói phụ mẫu trong lời chàng trai và mẹ cha trong lời cô gái mà không kèm từ xưng hô đi kèm kiểu như: phụ mẫu cô/ em, cha mẹ em/ tôi,... cho thấy quan hệ giữa hai người đã phần nào thân mật, gần gũi hơn. 
            Cùng với các lớp từ ngữ trên là các từ chỉ số đếm: Mẹ cha sinh đặng mười người/ Năm trai, năm gái, tốt tươi như rồng/ Ba người làm thợ Kim Bồng/ Ba người lấy chồng về đất Bồng Miêu/ Ba người buôn bán chợ Chiều. Trong dân gian, số mười thường chỉ sự hoàn thiện, đầy đủ, trọn vẹn. Và phải chăng trong gia đình mười người con ấy có năm trai, năm gái thể hiện sự quân bình, sự hoàn bị, sự tương hợp trong đời sống của một gia đình? Trong gia đình năm trai, năm gái ấy có ba người làm nghề thủ công mĩ nghệ, ba người làm nghề khai thác khoáng sản, ba người buôn bán, một người làm nông. Cơ cấu kinh tế 3- 3- 3- 1 như trên là cơ cấu lí tưởng thể hiện một quan điểm kinh tế rất tiến bộ của ông cha thuở trước: nghề nông chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu ngành nghề. Bởi lẽ, đây là vùng đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt quanh năm, nếu chỉ sống chủ yếu bằng nghề nông thật khó có thế làm cho quê hương phát triển giàu có được.
            Không chỉ nhịp thơ, sự hiệp vần rất chuẩn mà việc sử dụng các từ ngữ cùng trường nghĩa như: cây, nhành, cụm hay: mẹ, cha, trai, gái, chồng, em... đã làm cho tính liên kết trong văn bản càng thêm chặt chẽ. 
            Như vậy, có thể thấy, việc sử dụng đa dạng các lớp từ ngữ trong bài ca đã phần nào hé mở cho người đọc hiểu về nội dung ý nghĩa mà tác giả dân gian muốn thể hiện.
Thứ hai, về mặt nội dung, có thể thấy cấu trúc hình thức của bài ca như trên đã diễn đạt ý nghĩa của bài ca dưới nhiều góc độ khác nhau.
            Về cấu trúc thông tin, bài ca gồm hai lượt lời mang hai nội dung thông tin trao - đáp tương ứng nhau. Trong lượt lời của chàng trai, phần thông tin cần thông báo (cần biết) nằm ở cuối câu, phần đầu là phần đề từ. Do vậy, cấu trúc thông tin trong câu hỏi này theo mô hình cũ/ mới:
                        Hỏi thăm cây quế mấy nhành
                        Sum nguyên mấy cụm, phụ nữ sinh thành mấy nơi? 
            Câu hỏi tuy dài, nhưng phần đầu chỉ là lời dặm hỏi để làm quen, phần cuối: phụ mẫu sinh thành mấy nơi mới là thông tin cần biết, là điểm nhấn cho câu. Và lượt lời của cô gái cũng vậỵ Cô gái đã kể đầy đủ, rành rọt về gia cảnh của mình nhưng phần thông tin cần báo là phần cuối cùng trong lời đáp ấy: Mình em ở lại dắt dìu mẹ cha. Đây mới là thông điệp chính cô gái muốn gửi gắm đến chàng trai và cũng là đích của cuộc giao tiếp này, là “tiêu điểm”, là “điểm nhấn” của toàn bài ca.
            Có thể thấy cấu trúc tuyến tính được thể hiện một cách có chủ ý của các nhân vật giao tiếp trong bài ca này. Chàng tr phụ mẫu sinh thành mấy nơi. Và cô gái cũng chọn cách trình bày theo quan hệ từ xa đến gần: nói về người trước, bản thân mình sau, cũng có thể thấy cách trình bày này còn thể hiện quan hệ thứ bậc: anh chị trước, em sau.à sum nguyên mấy cụm àai đã trình bày cách hỏi thăm của mình theo quan hệ từ xa đến gần, tiến dần đến điều muốn nói: Hỏi thăm cây quế mấy nhành  
            Như trên đã nói, bài ca có cấu trúc là một cuộc hội thoại, là khúc hát giao duyên của một đôi nam nữ đang tìm hiểu nhau. Không rõ cô gái là người thế nào, đã có gia đình chưa. Chàng trai đã dùng chiến lược lịch sự âm tính: nói vòng vo, lảng tránh điều muốn nói, bằng cách hỏi thăm cây quế mấy nhành, sum nguyên mấy cụm và cuối cùng tiến gần hơn đến đích của cuộc giao tiếp là: phụ mẫu sinh thành mấy nơi. Nhưng đây cũng chưa phải là điều cuối cùng chàng trai muốn biết, điều chàng trai quan tâm nhất đó là “em đã có chồng chưa”. Chàng trai đã sử dụng những lời ướm, lời nói kín đáo để thực hiện điều muốn nói. 
            Ngược với chiến lược nói kín của chàng trai, cô gái đã thực hiện lối nói trắng. Không cần vòng vo, dài dòng, cô gái trả lời thẳng vào câu hỏi của chàng trai:
                        Mẹ cha sinh đặng mười người 
                        Năm trai năm gái tốt tươi như rồng.
            Và cô còn giới thiệu thêm một cách tỉ mỉ, rành rọt với một thái độ vui vẻ, tự hào về gia đình, về quê hương. Có thể thấy ở đây cô gái đã cố tình vi phạm phương châm về lượng, tức nói nhiều hơn những gì cần nói để tạo sự chú ý. Ngoài việc trả lời về số lượng người con của gia đình, cô còn giới thiệu thêm về nghề nghiệp của từng người để có cơ hội nói về mình. Như vậy, cách nói trắng trong câu trả lời của cô gái lại thể hiện một hàm ý khác không được nói ra nhưng mong cho người khác hiểu: cô chưa có gia đình, các anh chị cô đều đã yên bề gia thất. Với câu trả lời: Mình em ở lại dắt dìu mẹ cha, cô gái đã “bật đèn xanh” cho chàng trai tiến xa hơn nữa. 
            Nghĩa bề mặt của bài ca dao là lời hát giao duyên, lời tỏ tình của một đôi trai gái. Nhưng đằng sau lớp nghĩa bề mặt ấy, bài ca còn chứa đựng nhiều hàm ý. Thông qua lời giới thiệu của cô gái về các anh chị với các ngành nghề khác nhau như nghề mộc Kim Bồng, khai thác khoáng sản, Bồng Miêu, buôn bán chợ Chiều... tác giả dân gian đã ngầm giới thiệu về rừng vàng, biển bạc ở Quảng Nam. Nơi đây có nguồn tài nguyên phong phú, người dân đã sớm biết khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên ấy để trao đổi hàng hóa với các khu vực khác, phục vụ cho cuộc sống của mình, góp phần xây dựng quê hương, thúc đẩy xã hội phát triển.
            Bài ca như một minh chứng cho mối quan hệ giữa cấu trúc hình thức và cấu trúc nội dung, ngữ nghĩa của văn bản. Hình thức nào, nội dung ý nghĩa ấy. Việc lựa chọn sử dụng các phương tiện từ ngữ, kết cấu hình thức là nhằm thể hiện nội dung. Và cũng chính nội dung ý nghĩa đó quy định hình thức của bài ca.
                 Nguồn: Tạp chí “Đất Quảng” số 85

Không có nhận xét nào: