2/3/13

307. BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG THƠ NGUYỄN HẢI TRIỀU

 Huỳnh Minh Tâm

 Hai tập thơ của Nguyễn Hải Triều
Thiển nghĩ, không phải tự dưng mà Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật toàn quốc đã trao giải thơ năm 2012 cho tập “Lời ru lá cỏ” (Nxb Đà Nẵng, 2012) cho nhà thơ Nguyễn Hải Triều, cũng như trước đó, tập “Rơm rạ mùa” (Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam, 2007) đã đoạt giải khuyến khích Văn học Nghệ thuật Quảng Nam 10 năm 1997-2007 . Có lẽ Ban Giám khảo nhận ra nhiều cái hay nét đẹp trong thơ anh, đặc biệt là nét văn hóa đằm thắm, bền vững, độc đáo đã trầm tích thành “quặng thơ” đáng quí, đáng trân trọng !?
         
             Theo sát hành trình thơ của Nguyễn Hải triều, tôi nhận ra, thơ anh thật riêng biệt, hào sảng trong dòng chảy thơ ca bùng vỡ của các cây bút Đất Quảng trong thời gian gần đây. Không riết róng ngôn từ như thơ Đỗ Thượng Thế. Không mông lung giọng điệu như thơ Phạm Tấn Dũng. Không “ phân mảnh” rạo rực như thơ Nguyễn Giúp. Không “ kiêu sa thời thượng” như thơ Nguyễn Tấn Cả. Không góc cạnh đa ngôn như thơ Mai Thanh Vinh. Thơ anh rỉ rả, giản dị giải bày tâm sự về quê xứ, có lúc nhỏ nhẹ, từ tốn, có lúc
nhộn nhịp miên man. Nổi trội một tình yêu bền chặt, đượm nồng như bếp than hồng với gia đình, làng xóm, bạn bè, dòng sông, bến nước, cây đa, con đò, bãi đồng, phù sa, ngọn núi. Tất thảy những hình ảnh đẹp đẽ của  làng quê ở thì quá khứ hòa quyện trong cái nhìn trong sáng, đắm đuối , trong cảm xúc thăng hoa rào rạt của thi nhân trong thì hiện tại tạo ra những dòng thơ trinh nguyên, giọng điệu trữ tình da diết:
          tôi còn rơm rạ mùa quê
          thương sông con nước bộn bề phù sa
          ngẩn ngơ làn nắng tháng ba
          tiếng chim bìm bịp vừa xa vừa gần   
          về nghe sóng kể mênh mang
bến trăng quê một lỡ làng xa xôi
cau vàng vôi trắng trầu xanh
ngày em búi tóc mà thành sơn khê
                               (Rơm rạ mùa)
Những dòng ký ức tiếc thương, những vô thường trường cửu đang bám đuổi khách giang hồ tha phương cầu thực ở chốn Ta Bà, những hình ảnh biến chuyển từ thực đến ảo,  từ sầu đau số phận đến  đau buồn lênh loáng nhân quần đã tạo ra độ rung nhất định của câu thơ, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc.
Như tự giới thiệu trong tập “Lời ru lá cỏ”. Nguyễn Hải Triều sinh năm 1958, quê Đại Lộc, Quảng Nam. Nơi làm việc: Phòng Văn hóa và Thông tin Huyện Đại Lộc. Tôi con biết thêm, những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước anh từng  là lính của  sư 2 , tham gia chiến trường “ K” , vào sinh ra tử. Nhiều bạn bè của anh đã đi xa trong lửa đạn và máu tanh. Dường như chính quãng đời đầy chông gai, nhưng cũng nhiều dấu ấn và “giai thoại đẹp” về tình nghĩa và bè bạn đã tạo cho anh một cách nhìn “ đời” chín chắn, thâm trầm, làm thơ anh cảm giác lúc nào cũng có chất “ lửa”, chất “ lính” yêu đời và “ say đời”:
Mịt mờ khoảng trời viễn xứ
Rừng xưa đồng đội đâu rồi
Nhớ mảnh vá trên vai áo lính
Chiều biên cương khuất lẩn sương trôi
Thuở trăng treo góc rừng võng khuyết
Bên nhau nỗi nhớ khôn cùng
Đêm rôm-vông cô gái Miên múa hát
Nụ cười bạn tôi rung theo ánh lửa bập bùng
                                                              (Phía ấy bạn tôi nằm)
Đọc thơ Nguyễn Hải Triều, người viết bài này thường có những cảm nhận: làng  là biểu trưng của tính văn hóa ổn định, nền nếp và gắn bó. Thơ anh có những câu về làng thật gợi, xúc động:
Đường cày xoắn vòng úp mặt suy tư
Đất bệ tháng Ba cơm áo
Nứt nẻ mùa màng ngực cha đón bão
Ruộng quê nhuốm phèn gió thở phía trăng lên
                                                            (Quê Nội)
Hay:
Về đắm cơn mưa nát nhàu ký ức
Ai đốt rơm chiều gió phiêu bạt mấy phương
Mang quê kiểng theo mây trời bụi bặm
Lá thu
         bay rụng cuối đường
                                                   (Mưa chiều)
Ở trên làng trở thành một bức tranh đẹp, day dứt, tình cảnh hòa điệu, một nỗi thương tiếc ngẩn ngơ. “tiếng gà giữa thinh không xao xác/ hỏi em có về/ tôi gởi mùa theo?”. Đọc đoạn này làm tôi chợt nhớ nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên cùng quê kiểng, như tri âm, cùng “nợ” làng với những cảm xúc thật tròn đầy, viên mãn: “ Mỗi ngày sông mỗi đi xa/ chảy vơi một ít quê nhà của tôi/ mẹ xa, em cũng xa rồi/ cỏ xanh thôi gắng đắp bồi ngày xưa/ cát im lặng một miền quê// bỗng dồn dập bước chân về giục vang/ ven sông cải đã hoa vàng/ nắng mê mải chở mùa sang tìm người” (Bờ bãi riêng tôi, trong tập Khúc hồi âm của lá, Nguyễn Nhã Tiên, Nxb Hội Nhà văn, 2004).
 Sông là biểu trưng của văn hóa dịch chuyển, tồn lưu, mở ra “một cõi lòng mênh mông sông nước. Đôi khi lạc bước quê nhà, sông là nhịp cầu về nơi cố quận: “khúc dạ hành đời sông di trú/ giấc mơ xanh quê ấm một giọng cười” (dấu con đường). Con sông lặng im dạy người biết im lặng.Cơ hồ những lở bồi là nghiệp dĩ của đời sông, đời người. An nhiên của sông trước vô thường sóng gió, trùng trùng dâu bể là một công án hạnh ngộ lấp lánh nụ cười vô ngại” (Cũng may còn có dòng sông nhớ người- Nguyễn Hữu Vĩnh).
Bữa về chỉ bến và tôi
Ngẩn ngơ một cánh buồm trôi giữa dòng
Lưng chừng nắng với mênh mông
Lặng im sông chảy mà không nói gì
Hình như  lau cũng già đi
Lơ thơ tóc muối người đi sông buồn
                             (Bài lục bát gửi sông)
Hương là biểu trưng văn hóa của cái đẹp. Mà dường như cái đẹp thường mong manh, dễ vỡ. Mối tình đầu và ẩn ức giấc mơ trở thành  sự “ nuối tiếc mòn mỏi” của bao tao nhân mặc khách, đề tài huyền nhiệm của thi ca.
Cung bậc thăng trầm khúc hát tàn phai
Hoài niệm quẫy đạp em gọi về mùa sương phiêu lãng
Mùa bồng bềnh của mây trời tháng tư
Tôi gói hương vào vĩnh hằng
Lúc ngọn cỏ đêm xuân giật mình
Làn gió nhẹ nhàng ve vuốt vết tích bàn chân giẫm vội
Tôi ngóng đợi khát vọng của cơn sóng xô bờ
 Nhưng chỉ còn lại sự nuối tiếc mòn mỏi
Dòng sông kỷ niệm đã trôi xuôi
                            (Hương)
Mẹ, em, bè bạn, con cái là biểu trưng văn hóa cái thiện và tình yêu, là cái còn sót lại sau muôn cái ra đi vào một chốc kia lúc nọ.  Giả sử những thể tính xảy ra, thì mẹ, em, bạn bè, con cái vẫn mãi là những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời tĩnh mịch, đen tối và cô đơn:
Có bàn tay mẹ run run cầm vào âu lo và khát vọng
Bữa cơm chiều khuyết mòn nỗi đau
Ngày anh đi lá sầu đông trước ngõ đã xanh màu
                                                 (Thượng Đức)
Em, người đàn bà duyên dáng
Tôi gặp trong cuộc đời ngốc nghếch của mình
Nếu em giấu nụ cười vào đêm dĩ vãng
Nụ cười tôi sẽ như chiếc lá rơi vào lúc bình minh
                                ( Thơ bốn câu 1)
Những câu thơ gợi cái hồn “ văn hóa ngốc nghếch”, “ văn hóa run rẩy” đẹp biết chừng nào. Và như tôi cũng đã từng viết về anh : Dường như anh “ ít ý tứ”, ít “nói vòng vo”, mà bập ngay vào sự kiện, bỗ bã, đã đời: “ Chếnh choáng với đời dôi chén rượu/ ta còn lưng túi mấy câu thơ/ nơ áo cơm đi cầm bớt tuổi/ nên tóc xanh sớm bạc đến bây giờ”(Thơ bốn câu 7). Tuy nhiên, đọc nhiều thơ anh, lại thêm, gợi lòng tôi bao trắc ẩn, xốn xang : “ Lúng liếng mắt cười trẻ mành khăn đỏ/ nhạc rung hồn lãng phách lưng trời/ ai ủ ngày lên gót hài chinh chiến/ Ghé quán bên đường “ mùa em thơm nếp xôi” (Qua Mai Châu nhớ Quang Dũng). Thơ anh đôi lúc hóm và ý vị đáo để!
Viết về thơ Nguyễn Hải Triều mà không “ xưng danh” lục bát, không trích ra “ kí thác nỗi lòng” (Chữ dùng Nguyễn Hữu Vĩnh viết về anh) của anh nặng nợ với lục bát thì xem như người viết thấy thiêu thiếu một thứ gì đó, như bài viết “ đã hỏng”. Anh có những rặng lục bát phong nhiêu, trong trẻo:
Thưa em từ thuở nguyên khôi
Tôi xưa tôi lại là tôi bây giờ
Ngày mai khuất nẻo xa mờ
Sông trôi phía núi trăng chờ phía mây
Dòng đời vạn nẻo đục trong
Hãy thương cho trọn tấm lòng mà thôi
                                                      (Gởi một người)
Một ý thức văn hóa về tình yêu, là cái đẹp của khởi đầu và cuối cùng.
Và rồi dường như cũng có một hơi thở phong sương lính chiến trong các câu lục bát của anh, bởi anh đã từng là lính chiến phong sương và giờ vẫn phong sương bụi bặm. Bởi phong sương bụi bặm nên tếu táo hóm hỉnh. Rồi cái giọng thơ đặc mùi quê, tình quê, đặc buồn rầu ly biệt
          À ơi cùng với lời mưa
Ru ta ngọn gió se sưa ngoài vườn
nẻo đời trăm mối tơ vương
vì nên ảo mộng vô thường thế thôi
nhả tơ tằm chịu mồ côi
thương nhành dâu héo một đời bên sông
ru em thân phận má hồng
ru ta còn có bão giông thác nguồn
      (Khúc hát ru của người mất ngủ)
Rồi văn hóa của buồn đau, hy vọng, ý thức việc làm mới mẻ thơ ca để thơ ca cất lên tiếng vọng về đời sống, mở ra cánh cửa của hạnh phúc và “Thiên đàng”:
Trời chia
vạt nắng
cuối sân
em xanh bên ấy
trắng ngần phía tôi
buồng cau đỏ mắt
đợi người
lơ ngơ thốt
 tiếng trái  rơi
động hồ…
           (Quán chiều)
Hay văn hóa của kỷ niệm và tuổi trẻ, cứu cánh của những bến bờ mang mang tự chảy, tự nghiền ngẫm, tự đắc, tự ngộ:
Mai
em
màu tóc sẽ phai
Đã rồi
vương lấy
tình ai một đời
Thu
trời
nhặt lá vàng rơi
Nghe
rưng
kỷ niệm
của thời tóc xanh
    (Màu tóc)
Cuộc đời của nhà thơ dường như gắn chặt, lèn chặt với đất đai ttoor tiên, nên từ ấy cảm thức của anh cũng bật dậy hồn cốt lục bát quê nhà
Đi từ làng nhỏ bên sông
Ôm hơi đất ủ khói đồng tha hương
Câu thơ nhặt giữa phố phường
Mỗi trang giấy cứ như vương vấn bùn
                               (Với quê)
Tôi xin nhặt ra đây những hình ảnh và ngôn từ: “ lau cũng già đi”, “lở bồi với sông”, “Vu Gia sông mẹ mãi xanh dòng”, “tìm gió đầu truông”, “ mùa sim đang trổ nụ”, “tìm về gọi em chim sẻ chim sâu”, “tròng trành gánh nhớ quảy về phù sa”…, và tất cả những gì đã trình bày, có thể khẳng định thi nhân là một hồn cách quê kiểng đậm đà, u uẩn, một giọng thơ chao chát nắng và gió. Nhịp thơ không gấp gáy, thời thượng, mà tròn trịa, đêù đặn, dễ đọc, dễ yêu. Ở đây, người viết bài này, chợt nhận ra, có một ý thức văn hóa hẳn hoi, rành mạch để gìn giữ chất thơ truyền thống, các hình ảnh, các di chỉ văn hóa quê xứ cần khơi ngòi, với chất thơ giản dị, mộc mạc, ám gợi những câu ca dao đằm thắm, sâu sắc.
          Và thiển nghĩ, văn học là văn học của con người và đất đai. Dễ dàng nhận thấy nhà thơ nguyễn Hải Triều không bị nô dịch, lai căng một thứ văn hóa nước ngoài nào. Dòng máu cha sinh mẹ đẻ, văn học dân gian, “ lời ru lá cỏ” quê nhà mãi chảy, thông lưu trong huyết quản của nhà thơ, rạo rực và ấm nóng. Chính nó là “ cha đẻ” cho cảm hứng sáng tạo của anh tung hoành, bùng vỡ, nhất thể, và những gặt hái, những thành công của anh là minh chứng cho một hướng nhìn, hướng đi đúng đắn, bền bỉ, bản sắc của một cái đẹp sẽ lan tỏa trong thời đại thơ ca đang nhiều “ méo mó”.
     * Huỳnh Minh Tâm
       GV Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Q. Nam
       Hội VHNT – Q. Nam
                - Đọc bài liên quan : "Lời ru lá cỏ trong dòng chảy đồng quê"
                                                   "Bài thơ tình tháng chạp"

Không có nhận xét nào: