14/8/17

981. MỘT CUỐN SÁCH ĐÁNG ĐỌC

            Mộc Nhân

          Tôi đang nói đến cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu” do tác giả Hoàng Tuấn Công biên soạn (nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2017).  Sách dày gần 600 trang, khổ lớn (16x24 cm) giá bìa 235.000 đồng, vừa xuất bản đã tạo nên một  hiệu ứng trong giới học thuật ngôn ngữ (với ai có quan tâm).

Đây là cuốn sách đáng đọc bởi lẽ:
1. Nó là một quyển sách vừa phê bình - phản biện vừa khảo cứu hiệu chỉnh cuốn “Từ điển tiếng Việt” của một vị giáo sư tên tuổi – Nguyễn Lân – mà nhiều bài báo, bài viết, cá nhân trước đây tôn vinh ông là “Quốc sư”.
2. Sách của ông Nguyễn Lân lâu nay được xem như sách chuẩn để tra khảo các mục từ tiếng Việt, là cơ sở để biên soạn các quyển tự điển khác; nhưng sách của Hoàng Tuấn Công lại như là một cuốn từ điển mới về tiếng Việt; đặc biệt tác giả đã chỉ ra hàng ngàn mục từ mà Nguyễn Lân đã chú giải sai do: tùy tiện, cảm tính, đoán mò, sao chép từ các nguồn sai trước, hiểu biết hạn chế…
3. Nhờ có sách của Hoàng Tuấn Công mà bạn đọc nói chung cũng như giới học thuật ngôn ngữ nói riêng có điều kiện để chuẩn hóa từ và nghĩa tiếng Việt trong mối quan hệ giữa đồng đại và lịch đại; đưa ta tới một hiệu ứng kép: vừa đọc lại công trình Nguyễn Lân vừa giúp ta tạo ra những giá trị mới từ những tri thức mà mọi người ngỡ là đã đúng, chuẩn.
4. Hoàng Tuấn Công thuộc lớp trẻ (tuổi thuộc hàng cháu của giáo sư Nguyễn Lân), anh không là thành viên của nhóm biên soạn từ điển nào, không thuộc hội đoàn nào, tốt nghiệp ĐH Tổng hợp, làm chuyên viên phụ trách mảng thông tin của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa nhưng với vốn Hán học và sự tự học uyên thâm, anh đã bỏ công nghiên cứu, viết một cuốn sách khảo cứu rất có giá trị - một việc mà nhiều nhà khoa học có học hàm, học vị khác đã không làm được.
5. Đọc sách của Hoàng Tuấn Công, chúng ta khâm phục trước công phu nghiên cứu của anh. Sách của anh không chủ trương “đánh, chửi” hay bới lông tìm vết mà là phản biện công trình học thuật của tiền nhân. Anh đã phải đọc hết mọi công trình của gs Lân, so sánh, đối chiếu với một kho tư liệu đồ sộ đồng thời biết đưa thông tin kỹ lưỡng, chính xác, thẳng thắn, không khoan nhượng, có sức thuyết phục trên tinh thần học thuật và tôn trọng tính khách quan khoa học để khỏi bị giới học thuật “đánh” lại.
6.  Cuốn sách còn nói với chúng ta rằng trong khoa học không có rào cản về học vị, trình độ, tuổi tác… Mỗi công trình đều có giá trị trong một giai đoạn, nhưng nó cũng cần có sự kế thừa, bổ sung để hoàn thiện hơn. Giáo sư Nguyễn Lân có cả đời để làm nên công trình của mình, kết thúc lúc ông 90 tuổi; Hoàng Tuấn Công năm nay khoảng 50 tuổi, đã dành nhiều năm để đọc và khảo cứu từ điển Nguyễn Lân, anh dám dấn thân vào một công việc quá khó khăn, phản biện một bộ tự điển khi nó có quá nhiều sai sót mà bao người chỉ biết ngắm nhìn và im tiếng vì… sợ (!) các “quốc sư”, “quốc sĩ”…
7. Sách của Hoàng Tuấn Công còn gởi đến mọi người một thông điệp: hãy  bảo vệ chân lý và giá trị của khoa học phải được đặt trên sự chính xác. Làm khoa học phải cẩn thận, không thể cẩu thả, phải luôn có tinh thần cầu thị, nếu sai thì nhận sai và sửa chữa; điều ấy thật đáng quí. Giáo sư Nguyễn Lân dù đã mất nhưng ông vẫn phải chịu trách nhiệm về công trình khoa học của mình và hậu duệ ông phải cầu thị để khắc phục sai lầm của cha ông. Việc kính trọng tuổi tác, vị thế của ông lúc đương thời hay khi đã mất và việc phản biện những sai sót của ông trong khoa học là 2 việc khác nhau, chúng ta không nên đánh đồng.
Khi sách của Hoàng Tuấn Công được phát hành rộng rãi, con của gs Nguyễn Lân là gs Nguyễn Lân Dũng có nói trong một diễn đàn: Hoàng Tuấn Công là đứa nào mà dám cả gan “đánh” ông cụ nhà tôi, sao chưa thấy ai là học trò cụ nhà tôi đánh lại nó nhỉ (?); gs Đỗ Ngọc Thống, người viết đề dẫn cho sách của Hoàng Tuấn Công đã đáp lời: ông yên tâm, Hoàng Tuấn Công không đánh ai cả, nó chỉ đáp lời kêu gọi của cụ nhà ông là “mong rằng bạn đọc chỉ ra sai sót trong quyên tự điển này”, nếu Hoàng Tuấn Công đáp lời phản biện sai thì sẽ có nhiều giáo sư, tiến sĩ có học vị học hàm (và cả tôi nữa) sẽ "đánh" nó, ông lo gì…

Cuốn sách phát hành đã hơn 1 tháng qua, nhận được nhiều lời khen của báo chí và sự khâm phục của nhân sĩ, trí thức dành cho tác giả; chưa thấy có ai phản biện ngược với Hoàng Tuấn Công.
Một cuốn sách đáng đọc.
Nhất là đối với giáo viên ngữ văn.

Không có nhận xét nào: