Lê Đức Thịnh
Bỗng
dưng một ngày, nhân lúc lục đống giấy tờ cũ tình cờ tôi nhặt lại vài bức thư: một
bức thư viết cho bạn gái cũ nhưng có lẽ lúc đó còn e dè nên chưa gởi, rồi ép ở
đâu đó trong đống giấy tờ cá nhân; một lá thư của học trò viết cho thầy để tỏ
bày tâm tư suy nghĩ sau một đợt học tập; vài lá thư bạn bè…
Tôi đã quên những lá thư
này nhưng chắc chắn nó gợi nhắc tôi có ý thức lưu nhưng gì gọi là “thư” vào một
góc trong ngăn tủ kín đáo, hay ép trong một cuốn sách nào đó… Lưu thư như lưu
giữ một kỉ niệm nên những lá thư gọi là kỉ vật cũng không sai. Lưu đấy nhưng rồi
quên mất mình đã từng lưu nó. Một ngày tình cờ lục ra, nhận thấy những bức thư ấy
dù được giữ gìn nhưng giấy đã bắt đầu ố, nét chữ đã phai nhoè và thường thì khi
bắt gặp lại nó, người ta hay đọc lại và tần ngần nghĩ ngợi mông lung.
Rồi nhân đó mới hỏi con,
hỏi học trò, hỏi ai đó thuộc lớp trẻ rằng: các con có từng viết thư cho ai
không? Câu trả lời luôn là “không” kèm
theo cái cười cợt nhả: “thời này ai lại viết thư hả bố (thầy)…”
Hôm nay ai đó ngồi nhắc
lại chuyện viết thư (thư tay, viết trên giấy) hay lưu giữ bức thư là một chuyện
lạ nhưng cũng đầy cảm hứng; nhất là đối với thế hệ, những người sinh ra từ trước
1975, lớn lên trong những năm 70- 80 của thế kỉ trước. Và khi nhắc đến thư, người
ta hay lôi lại những kí ức xa xăm về tình bạn, tình yêu, tình người, tình cảm
gia đình… Tất cả được nhắc đến một cách hồ hởi, như mới tinh, ăm ắp buồn vui và
tiếc nuối man mác.
Cái thú của viết thư là
cảm giác phấn chấn hay đầy tâm trạng khi bạn nghĩ về người mình gởi đến. Chắc
chắn đó là người quan trọng, người mà mình yêu thương nhất, có nhu cầu gởi gắm
nhất. Khi chắp bút thì tấn ngần nghĩ xem mình sẽ viết cái gì, diễn đạt ra sao để
thể hiện cảm xúc, rồi nắn nót con chữ cho thật đẹp nhất có thể; vậy là từng
dòng chữ tuôn trào cho đến khi kết thúc. Viết xong đọc đi đọc lại trước khi xếp
vào bì thư, ghi địa chỉ cho đầy đủ, chọn con tem đẹp dán ngay ngắn trên góc bì
thư, và cuối cùng bỏ vào thùng thư. Một cảm giác lâng lâng chờ đợi hồi âm…
Cái thú khi nhận thư là
kết quả của những ngày dài ngóng đợi. Đọc thư cũng là niềm vui, dù cũng rất hồi
hộp khi lướt chầm chậm (có khi ngấu nghiến) từng dòng chữ. Đọc thư là tiếp nhận
một tấm lòng được sẻ chia thấu hiểu và toại nguyện nhưng đôi khi cũng hẫng hụt
mông lung.
Từ rất lâu rồi, dường
như cảm giác ấy đã phai nhạt trong mọi người. Thứ phương tiện kết nối con người
với con người ấy đang ngày càng bị lãng quên.
Nói đến thư là nói đến
tem bưu chính dù không phải thư viết tay nào cũng được gởi qua đường bưu điện.
Thư đã chết nên tem bưu chính cũng đang dần chết trong đời sống hiện thực. Kể từ
lúc con tem đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1840, cho đến thời kỳ đỉnh
cao vào những năm 1900, tem thư đã gắn bó mật thiết với cuộc sống, trở thành
phương tiện trợ lực truyền thông quan trọng. Những năm tháng chiến tranh khốc
liệt, tem thư trong nước vẫn hoạt động mạnh mẽ, chuyển tải thông tin giữa các
miền. Tuy nhiên, tem bưu chính giờ đây chỉ khơi lên những tiếc nuối. Những con
tem và thư viết trên giấy đang ngày càng thưa vắng dần. Hiện một số quốc gia hầu
như chỉ phát hành tem dành cho người sưu tập qua đó quảng bá sâu rộng những giá
trị của tem về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước.
Khi những lá thư tay chỉ còn là dĩ vãng, tem bưu chính cũng chỉ còn thứ để ngắm
nghía, sưu tập.
Xét
trên một góc độ nào đó, thư (nhất là những thư hay vượt ra khỏi phạm vi giao tiếp
thông thường) là sản phẩm của một nền văn hoá, là văn bản văn học nên nhiều khi
nó được sưu tầm, in thành sách và giới thiệu đến công chúng một cách trân trọng.
Trước 1975 tôi đã biết đến những cuốn sách như: “100 bức thư tình của Napoleon”;
cuốn “Những bức thư hay” là tập sách xuất bản những thư văn chương, thư trao đổi
của các tên tuổi như: thư của nữ văn sĩ Pháp De Sévigné (với những bức thư gửi
cho con gái), thư Patrick White - nhà văn Úc (với những bức thư gửi cho mẹ và
cho bạn), thư của Rainer Maria Rilke – nhà văn Áo (thư cho bạn đọc), Henry Miller
– nhà văn Mỹ gốc Đức (thư cho người yêu) …
Ở Việt Nam có Nguyễn
Trãi viết cả mấy chục lá thư để dụ dỗ tướng giặc Vương Thông và các tướng giặc
khác kêu gọi họ qui hàng, nộp thành để khỏi hao binh tổn tướng (về nhau những
thư này được in trong sách “Quân Trung Từ Mệnh Tập” và trở thành tập văn chính
luận xuất sắc thời Trung Đại).
Từ thư giao tiếp đến thư
văn học là một bước gần - nếu người viết có tâm và dụng công nghệ thuật. Tác giả
Ovid (thời Hy Lạp cổ đại) viết cuốn “Epistulae Heroidum” dưới hình thức mười
tám bức thư của những phụ nữ nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp gửi cho những
người chồng hay những người yêu của họ, và ba bức thư hồi đáp. Cuốn tiểu thuyết
“Lady Susan” của Jane Austen- nữ văn sĩ người Anh (1775-1817) được cấu trúc bằng
41 bức thư và một lời kết luận ngắn. Cuốn sách “Grands Coeurs” của Edmond
de Amicis - nhà văn Ý, mà bản tiếng Việt quen thuộc là “Những tâm hồn cao thượng” (Hà Mai Anh dịch)
được viết theo hình thức nhật kí của nhân vật chính Erico Bottini, trong
đó có nhiều bức thư giáo dục con người các vấn đề về gia đình, bạn bè, lòng yêu
nước… Một số đoạn trong cuốn sách đã được trích đưa vào giảng dạy trong nhà trường
và trở nên gần gũi với bạn đọc.
Tất cả những điều ấy nói
lên thư có ý nghĩa quan trọng trong xã hội, văn học và văn hoá. Từ chỗ là một
văn bản giao tiếp thư trở thành một thể loại văn học trong đó ngoài chức năng
trao đổi, nó còn là cách để người viết trình bày các quan điểm của mình ở cả
phương diện nhận thức và phương diện tình cảm.
Về xã hội thư là phương
tiện giao tiếp; về văn hóa nó là một vẻ đẹp trong ứng xử, về văn học nó là một
thể loại văn chương nơi lưu giữ những dấu tích về tác giả tác phẩm.
Ý thức được vai trò và ý
nghĩa văn hóa của thư, nhiều tổ chức đã tìm cách cứu vãn thư. Liên minh Bưu
chính Quốc tế UPU trong 46 năm qua (1971 – 2017) đã phối hợp với Tổ
chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) hàng năm tổ chức
cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học dưới hình thức lá thư dành cho thiếu
niên trên toàn thế giới. Đây được xem là cuộc thi dành cho thiếu niên được tổ
chức quy mô nhất thế giới, đồng thời cũng là cuộc thi có uy tín, được tổ chức
chặt chẽ nhất trong tất cả các cuộc thi Quốc tế.
Thư viết tay trên giấy
đã chết. Thỉnh thoảng trên các trang mạng xuất hiện các thư xã hội, thư công vụ
là những lời kêu gọi, động viên, san sẻ… Thư văn học chỉ còn là những sáng tác
khả dụng.
Thư tay để trao đỏi, tâm
tình đang chết lặng lẽ, không thể nào cứu vãn, chẳng còn quyền lực văn bản nào
trước sự tấn công dồn dập của điện thoại cố định, điện thoại di động, của
email, của tin nhắn trên mạng xã hội… Đành rằng mỗi thứ có những công năng khác
nhau nhưng cái gì mình yêu quí và gắn bó mà lại mất đi thì không khỏi chạnh
lòng. Không còn hoài nghi gì nữa, viết thư trên giấy không bao lâu nữa chỉ còn
là hoài niệm – một hoài niệm hiếm hoi.
Rất tiếc viết thư chưa
là thói quen của giới trẻ hiện đại nhưng đã chết trong thời đại bùng nổ công
nghệ.
Dù vậy, tôi tin rằng những
lá thư tay vẫn còn vị trí trong cuộc sống hiện nay bởi người ta chỉ viết thư
cho ai đó mà họ cảm thấy quan trọng. Nên nếu một ngày nào bạn nhận được thư tay
từ một ai đó gửi cho bạn, hãy tự nhủ rằng bạn có ý nghĩa với người viết.
Vậy nên hãy trân trọng
những lá thư tay dù đôi khi không khỏi chạnh lòng: Thư – “hồn ở đâu bây giờ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét