11/1/18

1.050. BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC

Báo này vừa đăng một truyện nhảm nhí, tệ hại

Báo Văn Nghệ số 50 vừa đăng truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc" của Trần Quỳnh Nga có đề cập đến các nhân vật lịch sử Trần Ích Tắc, An Tư, Thoát Hoan. Truyện đã gây ra những phản ứng của công luận vì sự sáng tạo méo mó đi ngược với lịch sử truyền thống dân tộc: Trần Ích Tắc từ kẻ bán nước lại trở thành "một kẻ vì nước, mà hy sinh cả tiền tài, danh vọng và thân phận của mình để làm một kẻ nội gián"; còn công chúa An Tư thì che chở cho Thoát Hoan để cùng Thoát Hoan trốn về nước…
***
Nguyên văn truyện ngắn BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC của Trần Quỳnh Nga đăng trên Báo Văn Nghệ số 50 (16-12-2017):
Nàng đã chọn cho mình một cách sống
Bởi nàng chỉ có một cuộc đời.
1. 
Bấy giờ, vào khoảng đầu năm Ất Dậu (1285), quân Nguyên đã đánh tới Gia Lâm vây hãm Thăng Long. 
Kinh thành thất thủ nhanh như một hơi rượu.
Quân Trần tan tác. Tàn quân đi thuyền ngược dòng sông Hồng, lên Tam Trĩ rút về Quảng Ninh tản mát dọc các con sông bờ suối rậm rịt um tùm.
Tháng giêng. Tháng lễ hội còn chưa kết thúc. Đâu đó trên các tuyến phố trong kinh thành đèn lồng còn giăng đỏ rực. Những sới vật dở dang, những bãi chọi gà đông đúc, những góc chợ rộn rã cờ lọng giờ tan hoang dưới vó ngựa kẻ thù.
Hoa đào rụng như chém gốc.
Thăng Long kiêu sa lừng lẫy phút chốc buồn như một phế nhân.
Thoát Hoan dẫn đại quân Mông Cổ rầm rập tiến vào kinh thành Thăng Long như vào chỗ không người, trong lòng hắn cũng lấy làm đắc ý lắm. Đại Việt vốn dĩ từ trước tới giờ mang tiếng là quân chư hầu nhưng trong lòng không hề chịu khuất phục. Lại thêm việc khước từ cung cấp binh lương cho nhà Nguyên đánh Chiêm Thành như đổ thêm dầu vào lửa làm nên cuộc chiến tranh Đại Việt lần 2. Những tưởng Đại Việt là đấng anh hào, ấy vậy mà mới chỉ vài ba trận đánh nhỏ thôi đã như ong vỡ tổ. Thoát Hoan thừa thắng đã cho quân truy sát đám tướng lĩnh và quân đội nhà Trần. Không lâu nữa sẽ bắt được hai vua cho xứng với câu của tổ phụ: “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc cái nòi giống ương ngạnh và không chịu khuất phục của một nước nhược tiểu”. Thoát Hoan cười gằn: “Để rồi xem, vó ngựa Nguyên Mông sẽ khiến cho cỏ nước Nam các người còn sức để vươn lên nữa hay không?”
Đêm đó, Thoát Hoan khao quân ầm ĩ trong kinh thành Thăng Long.
Cũng đêm đó, thuyền nhỏ của hai vua ngược dòng Tam Trĩ. Mùa này nước lớn, dòng sông bị kẹp giữa hai bên vách núi dựng đứng, cao vút khiến dòng sông giống như một khe nước vừa sâu, vừa hẹp, với địa hình vô cùng hiểm trở. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống chỉ thấy mây trắng bồng bềnh, những ghềnh đá lởm chởm, những khúc cua nghiêng ngả rợn ngợp.
Thượng Hoàng Trần Thánh Tông ngồi trầm ngâm đầu mũi thuyền lặng lẽ buồn. Chẳng lẽ cứ ở mãi trong chốn tận cùng hiu hắt này để trốn tránh vây bắt trong khi thế nước đang như ngàn cân treo sợi tóc. 
- Hoàng thượng nắm được tình hình thế nào từ phía quân Mông Thát?- Thượng hoàng quay lại hỏi
- Bẩm phụ hoàng, Thoát Hoan là một người trẻ tuổi và rất dũng võ. Dưới trướng lại có những tướng tài nên trong cuộc chiến lần này, ta đã vì chủ quan mà thua thế quân địch. Giờ hắn đang cho mở yến tiệc khao quân ngay trong kinh thành Thăng Long.
- Hoàng thượng có nhận được tin gì từ phía Nghệ An lên không? Phải mau chóng tập hợp quân đội để bàn kế sách phản công chứ không cứ mãi ở lâu trong lau lách um tùm này được. Thế này sẽ làm nhụt chí nghĩa quân “sát thát”.
- Nhưng quân của Thoát Hoan bây giờ đang mạnh, sợ quân ta khó lòng cầm cự nổi chứ chưa tính đến chuyện phản công nhanh. Đỗ Khắc Chung đã đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của quân Nguyên, nhưng không có kết quả. Trong khi lúc này tướng Trần Bình Trọng đã hi sinh, Trần Kiện, Trần Lộng và cả hoàng thúc Trần ích Tắc cũng mang gia quyến chạy sang trại giặc. Ta cần phải có thời gian để củng cố lực lượng, Thượng hoàng có kế sách gì với Thoát Hoan không để ta tạm cầu hòa?
Thượng Hoàng không nói, ngồi lặng nhìn hai bên bờ sông bạt ngàn lau lách thở dài nghĩ về Hoàng đệ của mình giờ đang bị lên án như một vết nhơ làm tổn thương cả hoàng tộc mà lấy làm đau lòng. Xét về tình thủ túc, mất một người em làm sao người không đau lòng được. Xét về tình quân vương người lại càng nuối tiếc nhiều bởi Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc là một vị tướng toàn tài mà không ai có thể sánh bằng được.
- Phụ hoàng- hoàng thượng Trần Nhân Tông ngập ngừng- nhi thần có ý này, nhân việc Hoàng thúc Trần Ích Tắc đang là điều nghi kị của quân Nguyên Mông. Chi bằng ta xử tội thúc ấy vắng mặt bằng cách...- hoàng thượng ghé vào tai Thượng hoàng thì thầm- chỉ có cách đó mới làm quân Mông Thát kia không khỏi nghi kị.
Chỉ mới nghe thôi mà Thượng hoàng đã lặng hết cả người.
2. 
           Trong thung sâu hun hút này con thuyền của An Tư chỉ là một chấm đen nhỏ xíu.
Những thuyền khác của hậu cung cũng nằm ở đấy, neo lại bên những bụi cây trong thung trật tự và nhường nhịn. Hình như chỉ đến nước này hậu cung mới thôi ồn ĩ và ganh tỵ lẫn nhau. Thuyền nào thuyền nấy yên ắng lạ thường. Nơi đây khuất gió. Thung trong như một tấm gương xanh. 
An Tư nhìn qua rèm cửa. Trời đã dần về chiều. Trên vách đá cheo leo chỉ thấy khói sóng và mây trời ảm đạm. 
- Không biết bây giờ cây đào trước phòng ta có còn nữa không nhũ mẫu?- An Tư phá tan sự tĩnh lặng bằng một câu hỏi chợt thốt ra như vậy.
- Cây đào! chắc Hoàng cô lại nhớ Hoàng thúc chứ gì- một công chúa nhỏ cao giọng nghi hoặc- hoàng thúc giờ là một kẻ phản đồ. Nếu hoàng cô còn nghĩ đến hoàng thúc thì sớm muộn gì cũng bị liên đới.
- Chắc đã nở rồi thưa công chúa - nhũ mẫu trả lời khe khẽ rồi nhanh chóng phá tan sự nghi hoặc của mọi người đang nhìn công chúa nhỏ - công chúa lại đang nghĩ đến chuyện gom hoa làm phấn nụ đấy à . Hoa đó mà làm phấn nụ thì màu sắc sẽ tươi lắm đó! 
- Ước gì …
Công chúa bỏ dở câu nói nửa chừng nhìn ra khoảng không trước mắt. Thung sâu lúc trời chuyển tối đen thẫm lại đáng sợ. Ánh sáng từ trên cao yếu ớt loang ra vẽ nên những hình thù kì dị khó hiểu. 
Lòng An Tư như có lửa đốt. Nàng đang lo lắng cho hoàng huynh vô cùng. Ai cũng nhìn công chúa với vẻ ái ngại bởi trong cung này ai cũng biết đến mối thân tình đặc biệt của hoàng thân Trần Ích Tắc với tiểu muội của mình. Chỉ ngặt điều họ không muốn bàn ra nơi đây một chuyện mà họ xem là một mối nguy hại.
Ngoài kia yên ắng như tờ. Ánh trăng đầu tháng cong vênh tỏa ra thứ khí trời bàng bạc nhuốm trắng cả một khúc sông loang lổ.
3. 
          So với các con của Trần Thái Tông, An Tư là nàng công chúa phải chịu thiệt thòi. Mẹ nàng vốn là một phi tần của Thượng hoàng nhưng lại không được sống trong cung mà ở trong một nông trại phía đông của phủ Long Hưng. Nàng sống với mẫu thân cho đến khi thân mẫu của nàng lâm bệnh rồi mất. Năm Thượng hoàng mất, mẹ nàng cũng mất. Năm đó An Tư chỉ vừa mới năm tuổi. Nàng được đưa vào cung.
Nàng không bao giờ có thể quên được cảm giác nhỏ nhoi của mình khi đứng trước những người anh em mà nàng chưa hề biết. Cả hoàng tộc đang nhìn vào đứa trẻ đứng run run trước ngai vàng với cặp mắt vừa xa lạ vừa chần chừ. Đứa trẻ cúi mặt xuống đất muốn khóc mà không thể khóc được cho đến khi có một bàn tay chạm vào bờ vai và giật mình. Trước mặt công chúa là một người thanh niên đang mỉm cười vô cùng hòa ái: “hoàng muội, đừng sợ! ta là anh của muội, tên ta là Trần Ích Tắc” là ngay lập tức, bao nhiêu niềm tin yêu vào phép màu cứu rỗi và che chở đã nằm lại ở khoảnh khắc đó vĩnh viễn. Công chúa nắm chặt lấy tay hoàng huynh.
An Tư nhớ lắm. Nàng nhớ rất rõ khuôn mặt hiền lành của Trần Ích Tắc huynh mỗi khi bế thốc nàng lên cổ chạy vòng vòng quanh phủ như chơi với con gái. Nàng cũng lại nhớ hình ảnh người đàn ông lực lưỡng trong bộ áo giáp, vai mang cung tên mới từ chuyến đi săn về vội vã ào vào phủ trên tay ôm một bầu cây sai người trồng ngay trước cửa sổ phòng của nàng mà dặn dò “đây là một gốc đào quý huynh kiếm được khi phường săn ngược cổ trấn Kinh Bắc. Cây đào tượng trưng cho sự ấm cúng, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu hi vọng. Ta muốn muội phải tập cách tin vào chính bản thân mình. Và nữa, muội phải nhớ là lá ngọc cành vàng nên muội tuyệt đối phải tập cho mình cái cốt cách mỹ nhân giống như hoa đào vậy”
                                                  ***
            Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc- Đệ tam hoàng tử của tông thất nhà Trần thông minh hơn người, làu thông kinh sử, văn chương hơn người lại am tường võ nghệ trong thiên hạ ít người có thể sánh nổi. Người đã từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương quy về một mối. Người đã nhân từ đưa tay mình ra nắm lấy tay An Tư khi nàng trở nên lạc lõng trong chính gia tộc của mình…Con người toàn tài cả về phẩm chất lẫn tư cách đang được kính trọng đó trong một đêm binh biến đã trở thành tội đồ, trở thành vết nhơ cho cả hoàng tộc.
Điều đó làm An Tư sốc. 
Cuộc đời nàng so với nỗi đau mất mẹ thì nỗi đau này ghê gớm hơn nhiều. Bởi với một đứa trẻ 5 tuổi như An Tư hoàng huynh chính là cha, là mẹ, là người thân duy nhất. Người đã vượt qua tất cả những rào cản, những hạn chế của xã hội mà dạy cho nàng tất cả kinh sử, lẫn võ thuật. Người đã dành tâm huyết của mình vì một lòng trung quân ái quốc, đã dạy cho nàng phải biết tu dưỡng phẩm chất và đức hạnh của người Hoàng tộc “muội là công chúa thì phẩm chất của muội cũng phải là một công chúa, phải biết đối nhân xử thế, biết thương dân như thế muội mới được nhân dân tôn trọng và nghe theo được. Học kiếm phổ cũng thế, hiểu được tuyệt kĩ của nó tự khắc con người ta sẽ đạt được đến đoạn tịnh độ. Muội hãy cố gắng học được Bạch Vân kì kiếm để phòng thân khi không còn ta bên cạnh để lo cho muội...”
Lời dặn giống như lời trối. 
Người đã bỏ nàng mà đi.
Nàng đâu biết rằng, dưới màn sương dày đặc kia, bóng một con thuyền nhỏ vừa vút qua để lại một mùi thơm khiến nàng nao lòng: mùi của kinh thành, mùi của những viên kẹo hồ lô nàng được hoàng huynh Trần Ích Tắc mua cho trong những lần cùng huynh ra phố. Nàng giật mình nhìn theo vào màn sương mờ đục lặng tờ.
Tất cả chỉ là ảo giác!
Nàng thất thần. 
Giọt nước mắt rơi dài trên gò má của nàng thiếu nữ vừa chạm tuổi 16.
         4. 
         Ngay sau khi vào kinh thành, Thoát Hoan đã ra lệnh cất quân lần theo dấu vết quân Trần hốt gọn mẻ lưới cuối cùng để cùng đoàn quân nam tiến. Vậy mà một tuần trôi qua vẫn chưa bắt được hai vua. Hắn nhìn thời gian trôi nhanh trong lòng đã thấy bồn chồn liền cho quân rời kinh thành ra ở lán trại phía tả ngạn sông Hồng chờ tin tức.
            - Ta sẽ ra lán trại ở tả ngạn sông Hồng. Các người cứ ở lại đây chiếm giữ kinh thành. Hễ có biến phải san bằng kinh thành trong nháy mắt.
            Thoát Hoan nói rồi nhảy lên ngựa thong dong đi ra cổng. Con ngựa hãn huyết thần thánh với bộ lông đen bóng nổi bật trên nền đá xám lạnh của sân rồng. Trên đầu, hoa đào ken kín trông xa như những đám mây khiến Thoát hoan không thể lạnh lùng qua mau được. Trước cảnh hoa đào đẹp đến lặng lẽ như thế, đột nhiên thôi, trong lòng hắn thoáng chút bồn chồn nuối tiếc “giá Đại Việt cứ khuất phục đi, khuất phục làm chư hầu như bao đời nay vẫn thế thì có phải những chốn thiên thai này sẽ còn lại mãi mãi?”
            Sinh ra từ thảo nguyên, từ bé đến giờ chỉ sống trên lưng ngựa với cung kiếm và những trận chinh phạt trải dài từ nam chí bắc Thoát Hoan hiểu được rằng, dòng dõi Đại hãn không bao giờ được yếu đuổi hay để chuyện riêng tư làm ảnh hưởng đến gia tộc hùng mạnh của mình. Đó là nguyên tắc bất biến mà bất kì Khả Hãn nào cũng phải nắm vững. 
            Vậy mà Thoát Hoan đã gìm cương xuống ngựa, thảnh thơi dạo trong vườn thượng uyển.
Vườn ngự đẹp quá, những cành hoa sà xuống gần mặt đất non tơ cỏ xanh làm sáng cả một góc vườn. Nó gợi lên trong lòng Thoát Hoan về một kinh thành tinh tế và hoa lệ nhưng cũng rất đỗi gần gũi thân thuộc. Ở Trung nguyên đại lục của hắn thiếu gì những cảnh sắc đẹp đẽ. Nhưng đẹp đến bi uất như chốn kinh thành Thăng Long tiêu điều này thì đến bây giờ Thoát Hoan mới nhận ra được. Phải chăng ngay cả lúc điêu tàn nhất, nước Nam vẫn là một điều kì dị và bí hiểm đến mê hoặc?
Đang nghĩ vẩn vơ bỗng Thoát Hoan chợt dừng lại trước một cây đào lạ. Hoa màu bích đào, hoa tám cánh nở to hơn bình thường trên những cành đào mốc thếch sần sùi những vẩy địa y bám chặt. Nhưng dáng cây lại tinh tế lạ lùng. Trông như dáng một con hạc đang kiễng chân, vỗ cánh như chuẩn bị bay lên vậy:
- Đây là loại đào gì?
- Dạ bẩm, đây là hoa đào rừng ạ. Một loại bích đào hiếm có được tìm thấy trong thung sâu. Chính Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc đã tìm ra và đem về tặng cho Hoàng muội của người đó ạ.
- Hoàng muội của Trần Ích Tắc? 
- Là công chúa lưu lạc trong nhân gian vừa được sắc phong.
- Sao trong đám thị tì không có nàng ấy?
- An Tư công chúa đã cùng hậu cung chạy trốn rồi ạ 
- An Tư? Mỹ nữ đẹp nhất trời Nam? - Thoát Hoan nói thế rồi cười lớn- Hảo!
***
Trong đại điện lúc đó, Chiêu văn vương vừa lỡ tay làm đổ chén trà cung đình. Chén trà rơi xuống đất vỡ tan. Nước bắn tung tóe!
5. 
           An Tư là người thứ ba sau hai vua được nghe tin từ phía trại giặc. Nó như một tiếng sét làm kinh động đến trái tim non nớt của nàng. An Tư nhắm chặt mắt. Nỗi sợ hãi duềnh lên trong lòng thiếu nữ. Nàng biết làm gì đây khi mang danh phận công chúa Trần triều lại bị chính tướng giặc yêu cầu cống nạp cho lần bang giao sắp tới. Bị đưa đến chốn hang hùm, nàng sẽ ra sao, sẽ bị đối xử như thế nào dưới thân phận của một nô lệ khi nàng mới chỉ vừa tròn 16 tuổi?
An Tư đã chịu đựng nỗi băn khoăn đó một cách cô độc. Cả triều đình đang nâng niu nàng như một thánh nhân mà không hề nghĩ đến nỗi sợ hãi sâu thẳm của một người thiếu nữ. Anh của nàng, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, người vừa trao lại quyền năng cho nàng đã cùng lúc tước đi sự tự do của nàng đang ngồi im như phỗng làm nàng sợ hãi. Giá như Thượng Hoàng nói với nàng vài lời chắc An Tư cũng sẽ can đảm như những bậc trung thần khác sẵn sàng hi sinh thân mình cho đất nước nhưng người lại im lặng. Im lặng là đau lòng hay lạnh lùng thì nàng không thể nào hiểu nổi.
An Tư đi lại phía cửa sổ nhìn dòng sông mùa xuân xanh rờn một màu xanh nguyên thủy yên bình chảy. Sự tĩnh lặng làm nàng như rơi vào trạng thái ảo giác. Trong cơn hỗn độn đó nàng thấy mình đang ngồi khóc nơi bậc thềm. Dưới tán hoa đào bung như mây hồng và tiếng vó ngựa khấp khấp đổ dồn rộn rã:
- Hoàng huynh! Hoàng huynh.
- Sao hoàng muội lại khóc chứ.
- Muội sợ huynh bỏ muội mà đi.
- Đời ta sinh ra là để phụng sự nước nhà. Nếu không bỏ xác ngoài sa trường thì ta sẽ không bao giờ buông tay muội. Muội là đứa em mà ta thương yêu nhất.
- Nhưng…
- Muội nên nhớ rằng bây giờ muội là hoàng cô của Hoàng thượng rồi. Dòng máu hoàng tộc không chỉ nuôi sống cơ thể chúng ta mà nó còn là huyết mạch nuôi dưỡng tinh thần quật cường, đức hi sinh, lòng kiêu hãnh của cả một triều đại.
- Thế tại sao huynh có thể…
- Ta đã chọn lựa cách sống của riêng mình và ta không hổ thẹn với nó. Cũng như muội giờ đây, muội phải lựa chọn cuộc sống cho riêng mình chứ không chỉ cứ ngồi chờ ta và khóc như một đứa trẻ nữa.
Hoàng huynh nói rồi mất hút trong một trận cuồng phong làm mặt nước nổi sóng duềnh khiến An Tư tỉnh giấc.
                                                             ***
            Chiều! Chiều rồi! bóng nắng khuất dần sau núi chỉ còn lại vài vệt yếu ớt từ đám mây trên đỉnh trời hắt xuống. Dòng Tam Trĩ dài dằng dặc chảy từ thượng nguồn núi Am Váp xuôi về đến hạ lưu giống như một con rắn lục khổng lồ vắt mình qua những dải rừng nguyên sinh thâm trầm bí hiểm trườn ra phía biển. An Tư nhìn dòng sông phía cuối hạ lưu thao thiết chảy. Nàng nhớ đến giấc mơ của mình thoáng chút ngỡ ngàng: chẳng lẽ đó là điều mà hoàng huynh mộng báo ?
                                                                        ***
Tháng 2 năm Thiệu Bảo thứ bảy - năm 1285. Mùa xuân năm đó, cây cỏ đìu hiu. Hơi thở đóng băng. Cả kinh thành được ví như hình rồng uốn lượn giờ cũng hiền lành náu mình trong sương giăng kín lối. Đêm đó, người ta trang điểm cho công chúa thật đẹp. Nàng mặc bộ áo lụa đỏ, đi hài đỏ, ngồi trên một cây kiệu đỏ có 8 người khiêng đi về phía trại giặc. Không ai biết được trong lòng công chúa nghĩ gì. Chỉ thấy khuôn mặt nàng khi tái nhợt, khi bừng đỏ. Đôi mắt nàng khi long lanh ngấn lệ, khi lạnh băng như nước hồ thu. Nàng đang đi về một nơi mà nàng không hề ngờ tới.
6. 
- Múa đi! Múa để ta xem sức bền của người Giao Chỉ các ngươi chịu đựng đến đâu trước sức mạnh của Trung Nguyên đại lục. 
Từ sau bức mành trúc, tiếng người vừa ra lệnh cho nàng múa không ai khác chính là tướng quân Mông Cổ Trấn nam vương Thoát Hoan. Người mang mặt nạ sắt đang ngồi bên bàn rượu trông uy nghi, đạo mạo, giọng nói trầm hùng.
- Đã một tuần trăng qua, thần thiếp đã múa hết các điệu múa của Đại Việt rồi, bây giờ, thần thiếp muốn múa điệu múa của người Mông Cổ.
An Tư cung kính cúi đầu trước Trấn Nam Vương rồi nhỏ nhẹ tiếp lời:
- Đêm nay, thiếp xin hầu Trấn Nam Vương điệu phi thiên vũ.
- Phi thiên vũ?
An Tư không đáp lại lời Trấn Nam Vương. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng đó, tiếng đàn mã cầm đầu đột nhiên vút lên não nề. Tiếng đàn da diết mà lại rất phóng khoáng, mênh mang như tâm hồn dân du mục vùng thảo nguyên bát ngát và cánh chim thiên vũ vút lên trời xanh như một mũi tên đang kể chuyện về cuộc đời tự do của mình khiến Thái tử trung nguyên ngỡ ngàng không thể rời mắt. Từ bé tới giờ Thoát Hoan chỉ ở trên thảo nguyên rộng lớn. Cái khoáng đạt của lòng người cũng như lòng thảo nguyên bao la và có phần lãng tử. Chàng chắc cũng đã được biết nhiều đến các mỹ nhân, nhưng đẹp và tài hoa như An Tư quả là chàng chưa thấy bao giờ. An Tư đã khéo léo lột tả được vẻ đẹp của sức mạnh và sự nhu nhị lại với nhau. Bài múa là sự phối hợp giữa nội lực và sự uyển chuyển cho nên nét nhu càng nổi bật hơn. Người ta thường nói, nhu năng khắc cương là cái thần của bài múa chính là như vậy.
Từ khi thấy An Tư từ trên kiệu hoa bước xuống, Thoát Hoan đã thấy sững sờ trước đệ nhất mỹ nữ nước Nam rồi nhưng cái đẹp khiến hắn đắm say lại chính là từ điệu múa phi thiên vũ nhuần nhuyễn đến nghi hoặc này. Rốt cuộc nàng là ai? Là công chúa lưu lạc trong dân gian không danh phận hay một tiên nữ giáng trần để thử lòng kiêu hùng của tướng quân Khả Hãn? Câu hỏi chưa kịp thốt ra đã bị quên lãng. Tâm thế Thoát Hoan đã bị cuốn vào trong điệu vũ tiếp đất thanh thoát của nàng. Thế hạc tấn khiến xiêm áo nàng tung bay như một bông hoa đang nở. 
- Trời!
Tiếng hét ngỡ ngàng không kìm được của Thoát Hoan làm An Tư bối rối. Nàng sững sờ chới với một lúc rồi ngã xoài ra đất. Âm nhạc tắt lịm. Không gian quánh lại nghẹt thở. Cả lán trại ồ lên phút chốc lại yên lặng đến nghẹt thở. Quần thần lặng im bởi ai cũng biết rằng mỗi khi Trấn nam vương cắt lời ai thì người đó không có quyền được sống nữa. Giờ thì đã hết! tiếng hét của Thoát Hoan là mũi tên cắm sâu vào lồng ngực. Con chim đã trúng tên rơi tự do xuống đất. Nàng nhắm mắt. Trời xanh vừa khép lại trên đầu nàng. Dẫu nàng biết rằng từ khi đến đây ngày nào với nàng cũng là ngày cuối nhưng nàng vẫn thấy sao thời gian lúc này đây dài lê thê đến thế. Nàng nằm im chờ đợi sự phán quyết cuối cùng không hề sợ hãi hay nuối tiếc bởi khi nhìn con chim bồ câu đưa tin bay lên trên bầu trời xanh thẫm sáng nay, nàng biết sứ mệnh của nàng đã hoàn toàn chấm dứt. Vì thế, nàng chọn điệu Phi thiên vũ để múa bằng tất cả những đam mê tự do cuối cùng của riêng mình.
- Hoàng huynh! ...vĩnh biệt.... 
7.
Vậy là sau một tháng giãn binh ở kinh thành Thăng Long, quân đội Đại Việt đã phủ đầu đại quân Mông Nguyên bằng những cuộc phản công thần tốc.
Vó ngựa rền rĩ.
Tiếng chiêng trống thúc dục liên hồi.
Bốn bề là biển lửa !
Tiếng binh khí loảng xoảng. Tiếng hò hét điên loạn: Phải bắt sống Thoát Hoan! Phải bắt sống Thoát Hoan.
8. 
An Tư choàng mở mắt. Đêm tối đen. Ánh sáng từ cây đèn bạch lạp lấp lánh ở góc phòng không đủ sáng để soi rõ khuôn mặt người đàn ông đang ngồi trước mặt nàng. Là Thoát Hoan vừa lay gọi nàng dậy. Đây là lần đầu tiên An Tư được diện kiến khuôn mặt không mang mặt nạ sắt của kẻ khét tiếng hung tợn đất Trung Nguyên. Nàng đã từng tưởng tượng rằng đằng sau dáng ngồi kềnh càng như một con gấu lớn với tấm áo khoác da thú tanh đầy mùi máu phải là một người kì dị chứ không phải là một trang nam tử Hán trong một bộ áo dài màu nâu viền vàng gài khuy chéo được quấn bằng một dây đai nạm ngọc tinh tế làm lộ rõ thân hình đẹp đẽ.
- Nàng tỉnh rồi !
An Tư bừng tỉnh. Nàng chưa kịp hiểu ra sâu xa điều gì khi Thoát Hoan nói thế. Thoát Hoan không thể nào nói thế. Một đất nước luôn mang trong mình khát vọng bành trướng lãnh thổ bằng cách thôn tính các nước nhược tiểu chỉ có thể sản sinh ra những con người gồ ghề, máu lạnh sẵn sàng hủy hoại tất cả những gì ngáng trở trên con đường thành công của chúng. Ấy vậy mà trong hoàn cảnh tính mạng đang bị dồn đến đường cùng hắn vẫn đang ngồi đây và nói những lời gần như vô nghĩa khiến nàng không thể nào hiểu nổi. Nàng hít một hơi sâu trong lồng ngực để biết rằng mình không bị ảo giác. Mình không mơ. Nàng biết mình đã lọt vào đường cùng:
- Giết ta đi.
- Ta đã từng nghĩ rằng ta sẽ bóp chết nàng như bóp chết một con nhạn nhưng ta không thể. Vì nàng đã chạm đến trái tim ta chứ không phải mưu lược của anh nàng khiến ta bị lừa gạt.
Chẳng lẽ, nàng không muốn gặp lại hoàng huynh của người sao?
- Hoàng huynh của ta?
- Chiêu văn vương Trần Ích Tắc, một kẻ ngông cuồng, một kẻ vì nước mà hi sinh cả tiền tài, danh vọng và thân phận của mình để làm một kẻ nội gián đáng chết.
-  …
- Nhưng ta sẽ không cho hắn được chết. Cho hắn chết chẳng khác nào để cho hắn trở thành anh hùng trong lòng dân các ngươi ư? Ta sẽ cho hắn sống, sẽ cung phụng hắn, bao bọc hắn trong nhung lụa. Hắn đã muốn hàng ta sẽ cho hắn đầu hàng… và lúc đó không chỉ hai vua mà cả Trần triều đều coi hắn là một kẻ phản quốc. Hắn sẽ sống không bằng chết.
- Ngươi…
- Ta đã có thể thoát khỏi đây một cách nhanh chóng nhưng ta vẫn ở đây bởi vì ta yêu nàng. Vừa yêu vừa căm hận. Nàng cũng giống như hoàng huynh của nàng thôi, cũng sẽ chết trong tay ta nếu ta muốn thế.
- …
- Bây giờ chúng ta phải cùng nhau lựa chọn thôi, hoặc là bắt đầu hoặc là kết thúc - Thoát Hoan đứng dậy nhìn ra phía cửa sổ.
- Là sao?
- Là ta đã vì nàng mà trở thành tội đồ của dân tộc ta. Nàng cũng đã vì ta mà mang tội che giấu kẻ thù với triều đình. Nếu cả hai việc đều bị vỡ lở thì không chỉ ta, cả nàng cũng bị xử tội. Chi bằng chúng ta hãy chọn mở đầu để kết thúc mọi chuyện. Chúng ta sẽ sống cho cuộc đời của chúng ta. Sẽ biến mất khỏi cuộc chiến này một cách vĩnh viễn.
An Tư mở choàng mắt tỉnh hẳn. Trân trân nhìn vào con người đang ngồi trước mặt mình một cách lạnh lùng. Ngoài song, quân triều đình đã áp sát chặn mọi ngả đường hắn sẽ không còn lối thoát. Đồ ngạo mạn ấy cuối cùng cũng sẽ bị giết dưới tay quân đội triều đình thôi. Không ai khác chính nàng sẽ tự tay giết chết hắn. Nàng nghĩ thế nhưng rồi khi chạm phải ánh mắt của Thoát Hoan làm nàng chùng lòng. Ánh nhìn đó khiến nàng nhớ đến ánh mắt của hoàng huynh khi đưa tay nắm lấy tay nàng hồi thơ bé.
Lại có tiếng hò hét rượt đuổi ngoài cổng thành. Quân triều đình đã vây kín mọi lối thoát. Cánh cửa phòng nàng bật mở. Trong tích tắc, An Tư như bừng tỉnh. Nàng vùng dậy, kéo tấm chăn bằng lụa điều rồi đẩy Thoát Hoan vào đó.
Cho đến canh ba thì tiếng hò hét biến mất. Thinh không phút chốc trở lại yên ắng lạ thường. Gió lạnh ngoài sông thổi về gấp gấp. Trong đêm tối tĩnh mịch có hai người vội vã rời khỏi kinh thành. Ngựa phi nhanh như gió. Sau lưng họ, hoa đào rụng trắng như tuyết dưới ánh trăng đẫm sương ướt át. Mùi thơm còn đọng lại trên nhụy đài chan chát ngọt ngào. 
T.Q.N.
-------------------------------------------
Tóm tắt các lời bàn của công luận trên diễn đàn MXH:
- Truyện này ý đồ thanh minh cho hành vi bán nước của Trần Ích Tắc khá rõ. Ai cũng biết đời Trần oanh liệt là thế nhưng vẫn có những Trần Kiệm, Trần Ích Tắc những kẻ thuộc tôn thất nhà Trần nhưng đã đi ngược lại quyền lợi chung của dân tộc. Cho nên từ lâu, rất lâu rồi những nhân vật ấy luôn được coi là những nhân vật phản diện những kẻ bán nước. Nói đến bán nước hại dân là nghĩ ngay đến Ích Tắc! Trần Quỳnh Nga đã làm một việc có thể nói là vô cùng dại dột! Dại dột ở chỗ cả gan đi ngược lại truyền thống ấy! Chính sử chép lại rất rõ Trần Ích Tắc vì thèm khát ngai vàng mà cam tâm bán nước chứ chẳng vì hèn nhát hay bị ép buộc gì hết hay bị hoàn cảnh xô đẩy chi cả. Chuyện của Lê Chiêu Thống sau này tuy có vẻ gần nhưng còn có chỗ "cảm thông" được vì khi chạy sang Tàu cầu viện không xong bị đối xử tệ bạc họ Lê còn có những hành động ăn năn, sám hối và có những việc làm khả dĩ đáng trọng! Quyền sáng tạo là rất thiêng liêng nhưng không có quyền thay đen đổi trắng!
- Truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga in trên tờ Văn Nghệ cũng đã tạo được sự chú ý của khá đông bạn đọc! Không phải vì nó độc đáo xuất sắc gì! Mà vì tác giả hình như rảnh rỗi quá sinh ra nông nổi, dại dột kiểu trẻ trâu!
Vì đất nước hai vua Trần đã phải dằn lòng dùng An Tư thực hành mĩ nhân kế mà kìm chân giặc. Vì đất nước nhà Trần cũng đành bỏ mặc lăng miếu tổ tiên! Lịch sử chép rằng ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tí (18-4-1288), sau chiến thắng Bạch Đằng, triều đình đem các tướng giặc bị bắt làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tông). Tại đây, vua Trần Nhân Tông trông thấy chân mấy con ngựa đá đều lấm bùn (vì trước đó giặc Nguyên đã phá Chiêu Lăng và định đập bỏ ngựa đi mà chưa kịp), tức cảnh ngâm hai câu thơ Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã; Sơn hà thiên cổ điện kim âu. Lịch sử triều Trần là thế! Hào hùng và bi tráng! Cho nên cái truyện ngắn kia đúng là “ma đưa lối quỷ dẫn đường” lối quang không đi lại đâm quàng bụi rậm! Mấy quý ông ở báo Văn nghệ hình như cũng rảnh rỗi quá định bày trò chăng?
- Hội nhà văn VN và báo Văn Nghệ đang làm trò gì khi đăng truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc" của Trần Quỳnh Nga có đề cập đến các nhân vật lịch sử Trần Ích Tắc, An Tư, Thoát Hoan. Về Trần Ích Tắc thì là "một kẻ vì nước, mà hy sinh cả tiền tài, danh vọng và thân phận của mình để làm một kẻ nội gián". Có thể thấy rõ: tác giả còn non tay nghề viết truyện lịch sử, nếu không muốn nói là rất ngây ngô. Nhiều câu thoại với những dòng đại loại như "Hoàng Thượng nắm được tình hình thế nào..." chẳng khác chi ngôn từ hiện đại…
- Tác giả đã chẳng thèm đếm xỉa gì đến lòng tự trọng, tinh thần bất khuất của Dân Tộc khi viết những câu: "Kinh thành (Thăng Long) thất thủ nhanh như một hơi rượu"; rồi, ngu xuẩn hết mức khi mượn "lời" (ý nghĩ) của Thoát Hoan đoan chắc rằng Đại Việt đã “... khuất phục (Tàu) làm chư hầu (cho tàu) như bao đời nay vẫn thế”?!…
- Hơi oan khi nói tác giả dốt nát mà phải chỉ vào mặt báo Văn Nghệ rằng, việc cho in dòng chữ PHẢN QUỐC trên, là Tội Ác!
- Tác giả còn truy hoan sự hoang tưởng trần trụi của mình bằng cách ỡm ờ cho người đọc biết Công chúa An Tư, trắng trong nhường ấy (16 tuổi), yêu Trần Ích Tắc vô cùng, nhưng lại bỏ trốn cùng Thoát Hoan (hoặc cùng Trần Ích Tắc(!), ai muốn hiểu sao thì hiểu)?!...  Đau đớn, Buồn và Phẫn uất đến mức chẳng thể bình luận thêm!..
 - Trong tiểu thuyết lịch sử, giữa hư cấu và bịa đặt, đổi trắng thay đen lịch sử; giữa giải thiêng, giải ảo và xuyên tạc lịch sử... những điều ấy tưởng là giống nhau mà thực khác nhau - khác nhau một trời một vực. 
- Nhân vật có thể hư cấu nhiều là nhân vật để lại những dấu vết phức tạp trong sử liệu, còn những tên tuổi đã mang những định đề "chốt chặt" trong nhận thức về lịch sử, kiểu như Trần Ích Tắc, thì mọi hư cấu đều cần hết sức thận trọng. Quả là không thể ngạo ngược "đổi trắng thay đen" như trong truyện ngắn này! Sáng tạo như vậy là thiếu kiến thức và người biên tập càng thiếu tỉnh táo ! 
- Hư cấu này có vẻ hơi quá, tới mức đổi trắng thay đen. Biến Trần Ích Tắc từ kẻ phản quốc trong lịch sử thành anh hùng hy sinh vì nước!
- Văn học thậm chí được quyền hư cấu đến phản lịch sử, nhưng phải là một sáng tạo đủ sức mạnh làm thay đổi nhận thức lịch sử. Trên thế giới, và ngay ở Tàu, đã từng có nhiều tác phẩm như vậy. Nhưng ở truyện ngắn này không có sức mạnh sáng tạo ấy ngoài ru ngủ con người bằng cái giọng văn mùi mẫn cải lương.
- Không nên khuyến khích ai đọc loại văn hoá nặng mùi nhân dân tệ nầy.
- Hơn bao giờ hết, ta nên đoàn kết vì mối an nguy trước kẻ thù thâm độc, thay vì hiểu lầm, bất đồng. Và càng cảnh giác trước loại biệt kích văn hoá đang ngày càng ló mặt, như thuỷ triều đen đang lên, kẻo lại vô tình trở thành cổ động viên cho chúng! 
- Lỗi do người phụ trách báo VN. Người cho đăng phải chịu trách nhiệm. Người viết nói nhảm cỡ nào cũng được - nếu chỉ là chuyện cá nhân của anh ta. Anh ta nói vung vít giữa vườn hoang, thậm chí đưa lên FB của anh ta có lẽ vẫn được, nhưng chọn đăng để phổ biến cho công chúng với uy tín của một tờ báo thì đúng là Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm. Hư cấu lịch sử khác với xuyên tạc lịch sử. Giải thiêng, giải ảo khác với bóp méo lịch sử. Mấy từ ấy tưởng là giống nhau mà khác nhau một trời một vực. 
- Tại sao 50 năm trước nhân văn giai phẩm vừa ló mặt đã bị chụp mủ , truy sát tàn bạo... còn loại "văn hoá" gián điệp phá hoại nầy lại ngang nhiên được lưu hành trên báo chí nhà nước ?!!!
- Bản thân tác phẩm vô tình hay hữu ý đang phục vụ chính trị đấy bạn ạ. Bởi cái món tình yêu cải lương mùi mẫn trong câu chuyện không là mục đích mà chỉ là phương tiện để đi đến chủ đề: minh oan cho kẻ bán nước. Không phải nó đang tuyên truyền chính trị: chủ nghĩa bá quyền lâu nay được đánh tráo thành tình hữu nghị môi răng sao? Có thể tác giả không cố tình, nếu như thế, thì là một tư tưởng đang bị nhồi sọ rất nặng. Bằng chứng bị nhồi sọ nằm ở chỗ: toàn truyện rất ít sáng tạo. Riêng phần miêu tả tình yêu, tác giả rặt motif cải lương. Phần "minh oan" cho Trần Ích Tắc rất sống sượng, giống tuyên giáo hơn là nghệ thuật... 

                            - Bài viết của Trần Bảo Hưng trên báo Đại Đoàn Kết:
Tất nhiên là nhà văn có quyền hư cấu nhưng không được phép thay đổi bản chất của lịch sử, của nhân vật lịch sử nhất là khi những sự kiện lịch sử ấy, những nhân vật lịch sử ấy đã được ghi chép, đánh giá thống nhất trong chính sử, cũng như đã được minh định bền vững trong tâm thức của dân tộc từ trước đến nay.

          Chính sử nước ta hết sức khách quan khi viết về Trần Ích Tắc: Đó là một người có tài và có bụng liên tài. Do đó ngoài việc trau dồi tài năng của mình, ông còn mở trường học, tập hợp và đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Nhưng chính sử cũng ghi rất rõ: Tháng 3/1285, Trần Ích Tắc đưa tất cả gia quyến sang hàng giặc và được phong là An Nam Quốc Vương. Khi quân Nguyên đại bại, Trần Ích Tắc cũng theo giặc về phương Bắc. Gần một năm sau quân Nguyên lại sang xâm lược nước ta với chiêu bài là đưa An Nam Quốc Vương về nước, nhưng lại bị đánh cho đại bại. Nhưng nhà Nguyên vẫn định xâm lược nước ta lần thứ 4, cũng với chiêu bài đưa An Nam Quốc Vương về nước vào cuối năm 1293. Âm Mưu chưa được tiến hành thì đầu năm 1294 Hốt Tất Liệt qua đời, từ đó việc xâm lược nước ta mới chính thức bị Nguyên Mông bãi bỏ.

        Một kẻ phản bội Tổ quốc đến cùng như thế, lại được tác giả truyện ngắn “úp úp mở mở” coi là người trung quân ái quốc, khi cho Thoát Hoan đánh giá: “Trần Ích Tắc một kẻ ngông cuồng một kẻ vì nước mà hy sinh cả tiền tài, danh vọng và thân phận của mình để làm một kẻ nội gián đáng chết”. Một kẻ như thế không đủ tư cách để khuyên răn An Tư công chúa (dù chỉ trong một giấc mơ): “Dòng máu hoàng tộc không chỉ nuôi sống cơ thể chúng ta mà nó còn là huyết mạch nuôi dưỡng tinh thần quật cường, đức hy sinh, lòng kiêu hãnh của cả một triều đại”. 
Ca ngợi Trần Ích Tắc là người ái quốc, có lẽ tác giả Trần Quỳnh Nga bị ảnh hưởng bởi một dư luận (tuy không phổ biến): Trần Ích Tắc là một người yêu nước, một gián điệp được nhà Trần “cài cắm” vào hàng ngũ giặc. Dư luận này hoàn toàn hoang đường, suy diễn chủ quan, vì lịch sử của Việt Nam và cả Trung Quốc hoàn toàn không có dòng nào ghi chép về sự kiện này, mà chỉ ghi Trần Ích Tắc được nhà Nguyên trọng dụng và chết trên đất nước. Những năm sống tha hương, Trần Ích Tắc có những bài thơ nói về lòng yêu quê hương, đất nước, nhưng không thể coi những lời ân hận muộn màng của một kẻ phản quốc là một tấm lòng “trung quân ái quốc”. 

           An Tư công chúa vốn được nhân dân ta kính trọng bởi bà đã dám hy sinh cả danh tiết (và có thể cả tính mạng) thực hiện kế hoạch mỹ nhân kế của vua quan nhà Trần, để kìm chân quân giặc, giúp triều đình có đủ thời gian tập trung binh lực đánh giặc. Sau khi kháng chiến thành công, sử nhà Trần không có một dòng nào viết về bà, có thể là một cách bảo vệ bà, vì bà đang sống trên đất giặc.

           Sử Trung Quốc ghi rằng, bà có hai con với Thoát Hoan, còn trong tiềm thức của dân tộc, bà là một tấm gương dũng liệt, hy sinh vì dân vì nước. Có tin là bà tự tử chứ không chịu theo Thoát Hoan về nước (Sau này viết “An Tư công chúa”, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng sử dụng chi tiết này). An Tư công chúa có thể nhầm lẫn khi coi tình cảm của Trần Ích Tắc dành cho mình (và ngược lại) là tình cảm lớn nhất, thiêng liêng nhất trong đời, cho nên bà đã xốc khi nghe tin Trần Ích Tắc thành giặc.

           Tác giả Trần Quỳnh Nga có quyền hư cấu như thế và sự hư cấu này có những hợp lý nhất định. Nhưng khi tác giả cho An Tư cứu Thoát Hoan: “Quân triều đình đã vây kín mọi lối thoát. Cánh cửa phòng nàng bật mở. Trong tích tắc, An Tư như bừng tỉnh. Nàng vùng dậy, kéo tấm chăn bằng lụa điều rồi đẩy Thoát Hoan vào đó”. Và cuộc đào thoát của An Tư và Thoát Hoan được tác giả miêu tả như cuộc trốn chạy thơ mộng của một đôi tình nhân: “Trong đêm tối tĩnh mịch có hai người vội vã rời khỏi kinh thành. Ngựa phi nhanh như gió. Sau lưng họ, hoa đào rụng trắng như tuyết dưới ánh trăng đẫm sương ướt át. Mùi thơm còn đọng lại trên những nhụy đài chan chát ngọt ngào”.

            Và để An Tư – một tâm hồn trong trắng, có thể quên ngay tình cảm với Trần Ích Tắc, tác giả phải không hết lời ca ngợi tướng giặc Thoát Hoan: Một người biết rung động trước vẻ đẹp của một thiên nhiên, một kinh thành: “Vườn ngự đẹp quá, những cành hoa sà xuống gần mặt đất non tơ cỏ xanh làm sáng cả một góc vườn. Nó gợi lên trong lòng Thoát Hoan về một kinh thành tinh tế và hoa lệ…”.

            Rồi cảnh Thoát Hoan đứng trước một cây đào lạ - cây đào mà Trần Ích Tắc mang về tặng An Tư: “Hoa màu bích đào, hoa tám cánh nở to hơn bình thường trên những cành đào mốc thân sần sùi những vẩy địa y bám chặt. Nhưng dáng cây lại tinh tế lạ lùng. Trông như dáng một con hạc đang kiễng chân, vỗ cánh như chuẩn bị bay lên vậy”. Và Thoát Hoan nói với An Tư tại sao hắn không giết nàng “vì nàng đã chạm đến trái tim ta”. Thoát Hoan cũng là kẻ nói đến vua tôi nước Việt với một giọng miệt thị: “Giá Đại Việt cứ khuất phục đi, khuất phục làm chủ hầu như bao đời nay vẫn thế thì có phải những chốn thiên thai này sẽ còn lại mãi mãi”.

               Ca ngợi những kẻ như Trần Ích Tắc, Thoát Hoan… tất yếu tác giả phải hạ uy thế của quân dân Đại Việt: “Kinh thành thất thủ nhanh như một hơi rượu”; “Thăng Long kiêu sa lừng lẫy phút chốc buồn như một phế nhân”… Trong khi đó hai vua Trần được miêu tả như những kẻ thất trận thảm bại: “Thượng Hoàng Trần Thánh Tông ngồi trâm ngâm đầu mũi thuyền lặng lẽ buồn. Chẳng lẽ cứ ở mãi trong chốn tận cùng hiu hắt này để trốn tránh vây bắt trong khi thế nước đang như ngàn cân treo sợi tóc”. Còn hoàng thượng Trần Nhân Tông thì bạc nhược… “quân của Thoát Hoan bây giờ đang mạnh, sợ quân ta khó lòng cầm cự nổi chứ chưa tính đến chuyện phản công nhanh”.

             Có thể nói tác giả khá nhất quán khi thực hiện ý đồ nghệ thuật của mình: đã đề cao bên này thì phải hạ thấp bên kia. Nhưng điều đáng nói ở đây là tác giả đã nhầm lẫn hoặc nói cho đúng hơn là đã bóp méo lịch sử, thậm chí là xuyên tạc lịch sử.

           Tôi không nói đến sự yếu kém của tác giả khi hành văn, khi xây dựng các hình tượng nhân vật, mà chỉ nói đến sự lú lẫn, bệnh hoạn của người viết khi nhìn nhận lịch sử. Tôi cũng không quy kết lập trường, quan điểm của tác giả, bởi có khi người viết chỉ muốn nói khác đi, nói ngược lại với những gì đã quá quen thuộc. Làm mới, làm khác nhưng không được sai lầm, không được bôi nhọ lịch sử. Ở đây tác giả đã phạm phải sai lầm chết người này.

           Điều nghiêm trọng hơn, là tác giả đã vô tình đi ngược lại tâm thức của dân tộc, điều đã trở thành thiêng liêng trong trái tim người Việt bao đời. Và điều đáng trách là Ban biên tập báo Văn nghệ có thể đã đọc không kỹ để lọt một truyện ngắn không đáng được in trên một tờ báo của một hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn Việt Nam. 
                                                                                  Trần Bảo Hưng


      --------------------
* Nguồn văn bản truyện: Từ báo VN số nói trên
* Nguồn lời bàn: cá nhân và các ý kiến khác trên facebook.

Không có nhận xét nào: