9/1/18

1.048. TỪ BOB DYLAN ĐẾN H’HEN NIÊ

           Mộc Nhân

Bob Dylan là ca sĩ, nhạc sĩ tài năng người Mỹ được trao giả Nobel Văn chương 2016  và H’Hen Niê, tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017; hai cái tên với lãnh vực, phạm vi và mức độ nổi tiếng khác nhau, thuộc hai sự kiện văn hóa khác nhau nhưng đều nói với chúng ta điều gì về tư duy, văn hóa và ứng xử?

1. Ngày 13/10, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển khiến giới chuyên môn và truyền thông ngỡ ngàng khi công bố chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn chương 2016 chính là nhạc sĩ, ca sĩ Bob Dylan "vì đã tạo nên những biểu đạt đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ."
Khi kết quả trên vừa được công bố đã vấp phải vô số phản ứng ngược. New York Timesthẳng thắn khẳng định ông không xứng đáng với giải thưởng cao quý này, vì một sự thật rõ ràng: ông là ca sĩ, nhạc sĩ kiêm hoạ sĩ, nhưng những gì ông viết ra không phải là tác phẩm văn học, ông không phải nhà văn đích thực.
Bob Dylan xứng đáng với tất cả những giải Grammy từng nhận, trong đó có giải Thành tựu trọn đời năm 1991, ông chính là một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến văn hoá đương đại Mỹ. Nhưng với việc trao giải thưởng văn học danh giá cho một người không phải là nhà văn, Uỷ ban giải Nobel đã kiến nhiều người thất vọng, cho rằng đó là vô lí như việc Murakami hay Milan Kundera được ghi tên mình vào các giải thưởng âm nhạc vậy… Và từ đó nảy sinh những phát biểu trái chiều như: Bob Dylan không xứng đáng với giải thưởng, uỷ ban Nobel đã trao giải nhầm đối tượng. Việc trao giải thưởng văn học lớn nhất hành tinh cho một nhạc sĩ, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã bỏ mất cơ hội tôn vinh một nhà văn khác, xứng đáng hơn, và có nhiều đóng góp hơn cho nền văn học thế giới… Bob Dylan không cần một giải Nobel Văn học, nhưng nền văn học cần một giải Nobel đúng nghĩa.
Vì sao dư luận lại có phản ứng đó? Lâu nay người ta chỉ quen tư duy giải Nobel văn chương chỉ có thể trao cho một nhà văn hay nhà thơ nổi tiếng đó là minh chứng cho thấy các tác giả, tác phẩm ấy chính là thành tựu rất đáng tự hào trong nỗ lực của một người cầm bút.
Và mọi chuyện đều có cái lí của nó. Uỷ ban giải Nobel có thể không có ý xem nhẹ tiểu thuyết hay thơ văn với sự lựa chọn này. Bằng việc tôn vinh một biểu tượng âm nhạc với giải Nobel Văn học, các thành viên trong hội đồng tuyển chọn có thể mong muốn đưa giá trị của văn hoá mới đến với giải thưởng hàn lâm, để khiến nó trở nên gần gũi hơn với giới trẻ.
Nhưng điều quan trọng nhất sau sự kiện này là chúng ta cần làm quen với việc thay đổi thị hiếu, thẩm mỹ, tư duy và cách đánh giá… Thành tựu của Bob Dylan trong suốt hơn 50 năm qua không chỉ ở hoạt động nghệ thuật miệt mài, tìm tòi và khám phá tạo nên những bản sắc mới… mà ông còn là “một nhà thơ vĩ đại trong nền văn học Anh ngữ” và chất thơ ấy nằm trong những ca từ đầy tính ẩn dụ, vừa có cái riêng vừa gắn với mạch nhịp biến động của đời sống toàn cầu của một dạng thức văn hóa đại chúng.
2. H’Hen Niê, người dân tộc Ê đê, là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 được đăng quang trong đêm chung kết cuộc thi 6/1 vừa qua. Khi ban tổ chức cuộc thi vừa xướng tên người đoạt vương miện, công luận đã phản ứng trái chiều dữ dội. Khen cũng nhiều mà chê cũng lắm.

Sự đánh giá trái chiều không dừng lại ở những lời bình phẩm mà biến thành sự miệt thị, lăng mạ, sỉ nhục, soi mói, thậm chí lôi cả xuất thân của một cô gái dân tộc thiểu số ra để hạ thấp… rồi nào là: "Hoa hậu gì mà da đen, tóc ngắn, khuông mặt trông như đàn ông".
Lâu nay chúng ta thường quen tư duy hoa hậu Việt Nam ngoài những qui chuẩn chuyên môn còn phải đại diện cho những tiêu chuẩn mang tính chất cảm tính cộng đồng như: phải là người dân tộc Kinh, nước da trắng, tóc dài tha thướt, khuông mặt hài hòa dễ thương mang nét đẹp Á đông, dáng vẻ sexy, thuyết phục người nhìn… H'Hen Niê sở hữu một vẻ đẹp đi ngược lại với những chuẩn mực mà chúng ta vẫn thường dùng để đánh giá các hoa hậu: Nước da nâu đồng, mái tóc tém ngắn và một gương mặt không xinh đẹp theo kiểu đại chúng. H'Hen Niê hoang dã, mạnh mẽ và rắn rỏi, cái vẻ đẹp mà trước giờ chưa một cuộc thi hoa hậu nào ở Việt Nam tôn vinh, vậy mà cô đã đăng quang.
Chẳng lẽ, chỉ vì đẹp một kiểu riêng biệt, nên một cô gái không thể lên ngôi hoa hậu vì không xinh đẹp theo kiểu của hàng trăm, hàng nghìn cô gái khác? 
H'Hen Niê không đạt được tiêu chuẩn nào của một vẻ đẹp chung, nhưng cô lại có một nét đẹp riêng không thể trộn lẫn. Và đó mới là điều khiến H'Hen Niê có thể kiêu hãnh nhận chiếc vương miện của mình mà không phải cúi đầu trước bất cứ lời nhục mạ nào.
Lần đầu tiên, vương miện đại diện cho sự đa dạng ngoại hình, đa dạng sắc tộc. H'Hen Niê xứng đáng có được chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn vũ không chỉ vì cô đẹp, hay cô đã có màn thể hiện xuất sắc trong đêm chung kết. Mà còn bởi, chúng ta đang cần nhiều hơn những hình mẫu đại diện cho các vẻ đẹp khác biệt, và những xuất thân đặc biệt.
*** 
          Hai sự kiện, hai con người, hai tầm văn hóa khác nhau; sự so sánh liên hệ ở đây có thể là khập khiễng nhưng điểm chung ở đây là người ta thường tư duy một chiều, theo lối đã mòn, đường đã cũ nên bất cứ sự đổi mới nào cũng không tránh khỏi phản ứng hoặc không đồng thuận.
Người ta chưa bao giờ quen tư duy với việc một tài danh trong lĩnh vực âm nhạc lại được giải thưởng văn chương lớn mang tầm quốc tế.
Người Việt Nam cũng chưa bao quen tư duy với việc một cô gái dân tộc thiểu số, da ngăm, tóc ngắn, khuông mặt góc cạnh, dáng hình rắn chắc… lại được tôn vinh là hoa hậu.
Đã đến lúc những giá trị thẩm mỹ phải bắt đầu thay đổi. Nhưng trước khi những giá trị ấy được chấp nhận thì việc đầu tiên con người phải thay đổi tư duy, làm quen với những cách nhìn nhận mới, những giá trị văn hóa mới.
Đành rằng văn hóa là sự lựa chọn của mỗi cộng đồng trong các điều kiện khác nhau nhưng với kiểu tư duy cũ, mang tính bảo thủ khi tiếp cận giá trị mới của thế giới thì sự kiêu ngạo về mình, xét về văn hóa, thì đó là hành vi “thiếu văn hóa” nhất!

Không có nhận xét nào: