5/1/19

1.326. TẢN MẠN VỀ ĐỌC THƠ


Mộc Nhân

“Khi Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành thơ”; không biết tự lúc nào, người ta đã tự hào và tự trào rằng “Việt Nam là cường quốc thơ”. Trong một đất nước thường được gọi là nước thơ như Việt Nam, hẳn có nhiều người thích đọc thơ.

Đọc văn bản nói chung hay đọc thơ nói riêng, trước hết là đọc chữ, sau đó là hiểu nghĩa. Chữ thực chất là một thứ ký hiệu. Nó kí hiệu cho thông tin và ý nghĩa của thông tin.
Nhưng chữ trong thơ không phải là thứ kí hiệu đơn thuần mà nó có âm vang và màu sắc biến hóa riêng nên đôi khi đọc thơ dù đọc chữ nhưng chưa chắc đã hiểu đúng nghĩa. Đó là chưa kể đến sự biến hóa của chữ còn nằm ở những cách điệu về hình thức, phi hình thức, tân hình thức không theo một qui luật nào để tạo nên những ẩn ngôn trong thơ và ngoài thơ.
Vậy nên đọc thơ là truy tìm cấu trúc chữ nghĩa trong những quan hệ bên trong và ngoài bài thơ. Khám phá ra cấu trúc ấy để hiểu thông điệp mà tác giả muốn mang đến.
Tuy nhiên những cấu trúc ấy không cố định, bất biến và tự tại. Nó không ngớt được mở rộng và hóa thân ở mỗi người đọc cũng như ở từng lần đọc. Chính vì thế, nhiều người ví bài thơ cũng như dòng sông không ai có thể tắm hai lần được.
Mỗi một bài thơ, nhất là những bài thơ có giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật cũng có đến hai lịch sử: một là lịch sử nó được sáng tác và hai là lịch sử nó được đọc. Điều thứ hai mới trở thành tài sản thực sự của bài thơ bởi nó làm cho bài thơ giàu có và sâu sắc hơn hẳn. Một bài thơ từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ người đọc này qua người đọc khác luôn khơi gợi những gì chất chứa bên trong nó, mới mẻ hơn từ những phát hiện, cảm nhận hay thậm chí phê phán chối bỏ hoặc khoác lên nó những giá trị mới. Chính vì vậy mà Truyện Kiều của Nguyễn Du được bao nhiêu thế hệ đọc đi đọc lại mà vẫn thấy hay vì họ phát hiện ra những điều mới; bao nhiêu nhà nghiên cứu đã xới tung Truyện Kiều nhưng về sau người ta vẫn tiếp tục nghiên cứu về nó dưới những góc nhìn mới.
Cần hiểu rằng đọc thơ không phải chỉ là một tiến trình hướng ngoại, hướng đến tác phẩm tác giả mà còn là một tiến trình hướng nội, hướng vào thế giới mênh mông nhưng bí ẩn bên trong chính bản thân mình.
          Thế giới thơ là thế giới của cá nhân – tất nhiên nó phải tuân theo những yêu cầu của mỹ học, tri thức, trí tuệ, nhân loại chứ không phải cái cá nhân ngẫu hứng và tùy tiện.
Vậy nên hôm nay tôi vẫn còn đọc những điều mà người khác đã nhàm chán ; tôi viết ra những điều rất ít người quan tâm ; tôi lại phát hiện thêm vài điều hay và lạ trong những bài đã cũ, tôi khen bài thơ này nhưng người khác lại chê bai nó …
Tất cả những điều ấy là bình thường trong thế giới thơ.

Không có nhận xét nào: