Thật ngẫu
nhiên, trong nhiều “đội hình” có xếp vị thứ thì con lợn luôn đứng cuối: nó đứng
cuối cùng trong mười hai con giáp với tên Hợi; đứng cuối trong lục súc -
sáu con vật được con người chăm nuôi (mã, ngưu, dương, kê, khuyển, thỉ); đứng cuối trong tam sinh - ba
con vật tế thần (ngưu, dương, thì); còn chú Trư trong bộ tứ thầy trò Đường Tăng
thỉnh kinh thì luôn thủng thẳng đi cuối hàng rồi xảy ra nhiều điều sinh sự.
Xem ra việc con
lợn nằm ở vị thứ cuối cùng trong các chỉ dấu văn hóa đại chúng là ngẫu nhiên,
thuận vần, thuận chuyện bởi đứng cuối chưa hẳn là giá trị thấp nhất. Thậm chí
là ngược lại.
Lợn có nhiều
tên nhất trong các thứ con, từ tên chữ cho đến tên tục, có thể kể ra các danh từ
gọi con vật này như : heo, ủn, trư, hợi,
lợn, ỉn, thỉ… mỗi tên gọi đều hợp lí tùy hoàn cảnh khác nhau mà không hẳn
là xấu.
Lợn biểu trưng
cho nhiều cái nhất ở các thái cực: lười biếng nhất – “ngủ li bì như lợn”, phì nộn nhất – “mập như heo”; thủ lợn trong mâm lễ được đặt ở vị trí trang trọng
nhất; thịt lợn được người Việt ưa dùng nhất – “nhất thủ nhì vĩ” ; phàm ăn tục uống nhất – “tạp như heo”; bẩn thỉu, dơ dáy nhất – “bẩn như lợn” ; câu chửi “đồ
con lợn” là câu hạ nhục nhất; nuôi lợn theo cách nuôi truyền thống là nghề
nhàn nhã nhất – “nuôi lợn ăn cơm nằm,
nuôi tằm ăn cơm đứng” ; lợn đi đầu trong dàn sính lễ cưới xin “lợn đầu, cau cuối”…
Xem ra rất nhiều
thành ngữ so sánh có yếu tố lợn (heo) đủ thấy con lợn từ đời sống đi vào ngôn
ngữ bình dân một cách tự nhiên và có sức sống ngồn ngộn : từ ngợi ca đến chế giễu,
từ trân trọng đến khinh khi, từ tôn vinh đến hạ nhục đối phương đều có bóng
dáng chú ỉn.
Tuy hình hài xấu
xí nhưng đôi khi lợn lại là thẩm mỹ liên tưởng trong một số trường hợp; nhà
trai chọn nàng dâu thì “Mua heo chọn nái,
mua gái chọn dòng” ; nhìn hình thức mà xét đoán nội dung thì “Trông mặt mà bắt hình dong, Con lợn có béo thì
lòng mới ngon” ; nhìn vào yếu tố nào đó để đánh giá phẩm chất con vật thì “đầu gà, má lợn”…
Ở Việt Nam xưa,
lợn gắn liền với nền nông nghiệp, nông thôn và chăn nuôi nhỏ lẻ nên hầu như nó
theo con người đi vào mọi ngóc ngách đời sống : từ ẩm thực đến nghi lễ, ứng xử
và ngôn ngữ ẩn dụ phẩm chất.
Còn đối với thế
giới, ngoài những giá trị ẩm thực, lợn là con vật gắn với tín ngưỡng nhiều hơn.
Thời Hy Lạp cổ đại, lợn được dùng để tế cho nữ thần Demeter (thần sinh sản) vì
nó là con vật mà thần yêu thích; trong Ấn Độ giáo và Bà La Môn giáo, dù vị thần
bảo hộ Vishnu hóa thân thành con lợn rừng trong những phù điêu hoặc tượng thờ
nhưng tôn giáo này lại không cấm tín đồ ăn thịt lợn. Trong khi người
theo Hồi giáo và người Do Thái giáo thì bị cấm ăn thịt lợn vì theo những
phán dạy trong kinh sách liên quan đến tôn giáo của họ, chúng là loài dơ bẩn. Ngày
xưa, tín đồ của Công giáo cũng không ăn thịt lợn nhưng họ “lách luật” bằng câu
chuyện về giấc mơ của Thánh Pierre thấy Thiên Chúa cho phép nên về sau họ ăn thịt
lợn như thường với câu dẫn nổi tiếng : “Không
có gì đi vào miệng của con người làm cho con người dơ bẩn. Chỉ có những gì đi
ra từ miệng người mới có thể làm con người dơ bẩn.” (Matthew 15:10).
Trong lĩnh vực
sáng tạo nghệ thuật, heo lợn cũng chịu thiệt thòi. Trong khi các con vật trâu
bò, dê cừu, gà vịt, hổ báo, chim cá, mèo chó… đều khơi gợi cảm hứng sáng tác
thi ca, âm nhạc, hội họa một cách phong phú thì heo lợn nhà ta xuất hiện khá là
khiêm tốn, dè dặt… Ngoại trừ các câu nói dân gian có hàm ngôn về lợn và chùm
tranh dân gian Đông Hồ có hình bóng chú heo tròn trĩnh tượng trưng cho no đủ đã
đi vào bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…” thì ít thấy chú hợi nào bay bổng
trong tác phẩm văn nghệ.
Trong
tiếng Anh, từ “Pig” ngoài nghĩa gốc
là con heo, lợn còn có một nghĩa lóng để ám chỉ tầng lớp trung lưu rởm đời
trong xã hội nước Anh. Vậy nên nhạc sĩ tài danh George Harrison – thành
viên ban nhạc nổi tiếng số một thế giới “The Beatles” sáng tác bài hát “Pigges”
(Những chú lợn) để châm biếm tầng lớp này ở Anh. Ca từ có những câu dịch ra như
sau : “Nhìn kìa một bầy lợn/ lăn lộn dưới
bùn lầy/ và tất thảy bọn chúng/ chơi một cuộc bầy hầy/ những chú lợn lớn hơn/
sơmi trắng tinh tươm/ hoạt náo dưới bùn nhơ/ đóng vai người lịch lãm/ Chuồng trại
và giam cầm/ chúng cũng đều mặc xác/ mắt nhìn đời phách lác/ cần nện chúng đòn
đau…” (bản dịch thơ: Mộc Nhân). Tuy nhiên ở
Mỹ từ “Pig” ngoài nghĩa heo, lợn
lại là tiếng lóng ám chỉ cảnh sát. Vậy là khi ca khúc này nổi tiếng ở nước Mỹ
thì nhiều phần tử quá khích lại diễn dịch bài hát thành một phong trào thách thức
chống đối cảnh sát khiến tác giả bị vạ lây !
Trong tiếng
Pháp, từ “cochon” ngoài nghĩa gốc là
heo, lợn còn có nghĩa chuyển là bẩn, dơ, tục… Tên gọi “phim con heo” có xuất xứ từ đây để chỉ loại phim có
nội dung đồi trụy.
Vậy là cũng là
một đối thể nhưng các giá trị văn hóa đời sống mỗi nơi mỗi khác. Ở ta chẳng ai
nuôi lợn làm cảnh nhưng ở phương Tây, chú heo đôi khi lại là con vật cưng (pet)
được ở chung, dắt đi dạo, được bồng ẵm thậm chí là ngủ chung với người. Ở các
nước phương Tây, chú lợn mang những giá trị mặc định về tín ngưỡng, văn hóa
trong khi ở ta lợn đa tính cách, được nhìn nhận đa chiều đôi khi hàm ẩn nhiều
giá trị thậm chí trái ngược nhau : lười nhác – siêng năng, ngu đần – thông
minh, xấu xa – tốt bụng, hiền lành – tham lam, dục vọng, khen ngợi – chê bai…
Đối
với người trung hoa và người Việt nam, năm Hợi được gọi bằng cái tên trang trọng
là năm Heo Vàng trong khi những năm con giáp khác thì không được gọi như vậy -
với ý nghĩa heo tượng trưng cho sự phú quý, tài lộc, may mắn, hạnh phúc cả về mặt
tâm linh, phong thủy hay phồn thực…
Dù coi con heo
như thế nào đi nữa, các nền văn hóa khác nhau trên thế giới đều thể hiện con
heo trong không gian sinh hoạt của mình với các giá trị, minh họa và ẩn dụ khác
nhau. Sự khác biệt đó xuất phát từ cách nhìn, cách ứng xử, cách tưởng tượng
khác nhau của mỗi dân tộc. Và điều thú vị là chúng không làm cho thế giới mâu
thuẩn nhau mà trái lại làm cho mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa, mỗi phong
tục và tín ngưỡng đều có tính cách riêng, cái đẹp riêng, sự tàn nhẫn riêng…
trong cuộc giao thoa hài hòa và ứng xử linh hoạt của nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét