Phùng Hi
1. Đánh giá người học
Về đánh giá học lực,
xin bàn ở cấp trung học phổ thông. Học sinh cấp học này ở độ tuổi mười lăm, độ
tuổi ham quan sát, tìm hiểu, học tập, nhận xét mọi sự vật, hiện tượng xảy ra
xung quanh. Nói như thầy Khổng: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học” (Ta mười lăm
tuổi là có chí về học). Chữ “học” ở đây không chỉ gói gọn trong các môn học mà
ngành giáo dục xếp đơn thuần năm bậc: giỏi, khá, trung bình, yếu và kém.
Còn bề sâu tại sao chưa
tới? Là vì có những học sinh chỉ giỏi duy nhất một môn, hoặc chỉ giỏi một phần
của môn, ví dụ học sinh chỉ giỏi một phần của môn Toán là Lượng giác, một phần
của môn Vật lý là Cơ học, một phần của môn Văn là Văn nghị luận chẳng hạn, thì
không có thang điểm đánh giá và cơ chế khuyến khích. Tài năng đó sẽ liền bị
thui chột, vài trường hợp có nguy cơ bị loại khỏi trường học vì quá đam mê một
môn, bỏ bê các môn học khác trong một khoảng thời gian nào đó. Nguyên do chúng
ta chuộng kiểu đánh giá cào bằng, dễ dãi, chung chung, ngại đi vào chi tiết.
Đôi khi con người chỉ
giỏi một lĩnh vực rất hẹp lại cống hiến hữu hiệu cho đời sống!
Về đánh giá hạnh kiểm.
Hạnh kiểm là bao quát chung những phẩm chất, đạo đức biểu hiện trong ứng xử,
trong hành động, trong công việc. Thế nhưng vì chuộng sự dễ dãi, chúng ta đã
làm chưa tới nơi, chưa đúng mực trong đánh giá hạnh kiểm học sinh, không có
định chế đi vào chiều sâu cá tính của học sinh. Những học sinh thực hiện đúng
nội qui nhà trường, khôn lỏi, tránh mọi va chạm thì được xếp hạnh kiểm loại
tốt. Ví dụ học sinh A bị các bạn cùng lớp và thầy cô giáo nhận ra ngay là một
kẻ vị kỷ, nhưng A vẫn được xếp hạnh kiểm tốt vì trong thang đánh giá không có
tiêu chí này. Nhưng học sinh B học lực yếu thì lại có ràng buộc không được xếp
hạnh kiểm tốt. Học sinh C thông minh, hiếu động, biết giúp đỡ bạn bè nhưng hay
vượt ra ngoài khuôn khổ, nội qui, liền bị hạnh kiểm trung bình hoặc yếu. Chúng
ta quan niệm sai lệch và vô lý về hạnh kiểm của người học đã mấy chục năm rồi.
Kiểu đánh giá học lực và
hạnh kiểm quá đơn giản, hời hợt, áp đặt đã luôn tạo ra xung đột ngầm, tồn tại
một kiểu bất phục trong lớp học, rộng hơn là trong một trường. Học sinh thầm
thì: “Con X đó mà hạnh kiểm tốt ư?”, “Thằng Y đó mà học sinh tiên tiến à?”.
Những xung đột, bất phục ngấm dần dẫn đến bất tuân, tạo ra sự mất niềm tin ở
giới trẻ vào người lớn, vào hệ thống giáo dục. Ai mà lường hết những hệ lụy nảy
sinh?
Có người nay đến tuổi
làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà vẫn còn uất ức vì bị đánh giá sai lệch học lực
và hạnh kiểm thời học phổ thông.
2. Đánh giá người dạy
Có thể nói việc đánh giá
người dạy ở Viêt Nam
lâu nay gói gọn trong hai chữ “thi đua”. Thang đánh giá bắt đầu từ thấp lên cao
là: không hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, lao động tiên tiến, và sau
cùng là mức chiến sĩ thi đua các cấp. Không tìm đâu ra chỗ nào đánh giá một
giáo viên tài năng, đức độ? Vì không có tiêu chí cho tài năng nên nếu cần thì
bất kì ai cũng có thể coi là tài năng được! Tiêu cực lập tức xuất hiện mỗi khi
có quyền lợi treo trước mắt như phần thưởng, chức vị hay một sự ưu đãi nào đó.
Thế nào là một giáo viên tài năng, đức độ chắc phải bàn một dịp khác. Nhưng xin
đưa một ví dụ nhỏ, một giáo viên đã phát hiện sai sót trong một cụm kiến thức ở
sách giáo khoa (dùng cho học sinh cả nước), chứng minh một cách thuyết phục và
người soạn sách đã chỉnh lý thì thang đánh giá nào ghi nhận? Giáo viên đó không
được ghi nhận mà còn có cơ bị đố kỵ.
Thi đua nói ở trên đồng
nghĩa đừng sai phạm điều gì, cả những điều vớ vẩn nhất như “không được có học
sinh nào ở lại lớp”. Giáo viên càng yếu chuyên môn càng chỉn chu công việc,
ngày nọ họ nhận ra: “Ồ, đi dạy thật là dễ dàng, sao quá dễ qua mặt cấp quản lý
thế này! Thi đua ư? quá dễ để đạt chiến sĩ thi đua”. Họ luôn đứng đầu thi đua,
và thật tai hại, họ ngộ nhận mình là giáo viên giỏi. Cấp quản lý buộc xếp họ vô
bộ phận “giáo viên nòng cốt” của trường. Ngược lại, những giáo viên có lòng tự
trọng, cộng chút tài năng thường tỏ ra độc lập, thẳng thắn, chống lại sự giả
dối, tạo được không khí dân chủ trong trường học… dẫn đến hệ quả thường bị loại
khỏi hệ thống hoặc họ tự loại mình ra khỏi “guồng máy thi đua” một cách oan
uổng. Oan uổng cho họ và lớn hơn là cho ngành giáo dục.
Một xã hội chỉ chuộng
những gì đơn giản, ngại sự phức tạp, thích sự dễ dãi thì có khác nào muốn quay
lại xã hội nguyên thủy? Nhớ rằng “sản phẩm” của giáo dục là học sinh, thứ “sản
phẩm” chỉ riêng ở ngành giáo dục, có khả năng đánh giá lại người đã “sản xuất”
ra nó. Chúng ta máy móc, hời hợt, thiếu khách quan trong đánh giá giáo viên sẽ
bị học sinh làm phép so sánh, dẫn đến coi thường các chuẩn mực. Thứ nữa là có
tội, trước hết với lương tâm chúng ta, sau đến con em chúng ta.
Chúng ta không phân biệt
đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh (mục đích). Xin ví dụ, mục đích việc học
chưa đặt ra rõ ràng, rốt ráo lại lo đánh giá người học một cách vội vàng và lấy
số liệu đẹp sau đánh giá (phương tiện) làm thước đo giáo dục. Mục đích dạy học
cũng chưa được định hướng bằng những tiêu chí khoa học, cụ thể (bằng chứng chưa
có định chế khuyến khích giáo viên tài giỏi, nếu có chỉ là ngẫu hứng) thì lại
đưa ra thang điểm thi đua phản tác dụng, làm mệt mỏi cả người quản lý giáo dục
lẫn người bị quản lý. Một kiểu làm mà các bậc thức giả đang báo động là lấy
phương tiện thay cho cứu cánh.
Những gì chúng ta đánh
giá người học, người dạy đang lìa xa mục tiêu của Ủy ban Quốc tế về Giáo dục
của UNESCO, đó là: learning to learn, learning to do, learning to create and
learning to live together (học để biết học, học để làm, học để sáng tạo và học
để chung sống). Cái chúng ta đã và đang tạo ra trong giáo dục là: học để ganh
đua, học để thi, và học để sướng bản thân.
---------------------------
Mời đọc cụm bài liên quan: BẤM VÀO ĐÂY
1 nhận xét:
Thầy oi ! mai mot cham thi giao vien giỏi thì Sao???
Đăng nhận xét