23/11/12

249. VĂN HỌC VIỆT NAM CÓ CƠ HỘI SOI GƯƠNG


Nguyễn Hoàng Đức
Văn học Việt quả rất cần soi gương, bởi lẽ sự phản tỉnh của người Việt xưa nay vẫn rất yếu đuối vì dựa trên tâm trí văn hóa tiểu nông nhũn nhẽo cảm xúc, lý trí bấy bớt, thiếu đào tạo về kỹ năng tư duy phản tỉnh, quen tự hào vặt vãnh, rồi mắc chứng đố kỵ tủn mủn không muốn ai hơn mình, ngay cả con lợn nhà khác cũng không nên có quyền lớn nhanh hơn con lợn nhà mình.  
Dân trí chung đã thế, xét vào giới văn học, lại chủ yếu là các nhà thơ sản phẩm của đời sống nông nhàn, rong chơi vu vơ không có mục đích chính yếu nào của cuộc đời lớn hơn việc nhàn tản, nhưng vẫn tranh thủ vừa du hí vừa lượm lặt kiếm tí danh nhà thơ - nhà văn… Nói dài dòng nhưng có thể chốt lại một câu: trên bình diện chung, chưa có một phản tỉnh nào chính thức của giới văn học Việt Nam về trình độ tác phẩm văn học của mình.
           Nói thế này có lẽ chưa được khách quan lắm, công bằng mà nói, mới đây nhà thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học và nghệ thuật đã nói đại ý “thế hệ của chúng tôi không có tác giả lớn. Trong ao không có cá to chúng ta đành bắt tép”. Nhưng đây vẫn chỉ là một sự phản tỉnh hiếm hoi muộn mằn, trà dư tửu hậu nhiều hơn là chính thức xác nhận. Vậy còn các thế hệ sau ông thì sao? Những 5x, 6x, 7x, 8x, rồi 9x liệu đã sủi tăm một dấu hiệu nào khả dĩ làm cây bút lớn cỡ văn hào hoặc thi hào chưa?
Đây chúng ta hãy thử lắng nghe những phản tỉnh của các văn nhân lớn của Trung Quốc:
1- Tôn Trung Sơn, lãnh tụ lập thuyết của Trung Quốc, có trình độ học vấn khá cao, bằng bác sĩ, biết tiếng Đức, tiếng Nhật, tác giả cuốn “Chủ nghĩa tam dân” đã phản tỉnh: Sách Trung Quốc chỉ rặt bạo lực và hận thù, càng đọc ít sách Trung Quốc càng tốt. Không đọc gì là tốt nhất.
2-  Lỗ Tấn, được coi là cha đẻ của văn học hiện đại Trung Quốc, học vấn cao, biết nhều ngoại ngữ. Ông phản tỉnh: Người Trung quốc chỉ giỏi ăn thịt người. Câu phản tỉnh này bao hàm nghĩa rất rộng, giỏi ăn thịt người tức là trình độ còn dã man hoang rợ lắm, nói gì đến văn hóa hay văn học?
3-  Nhà văn võ hiệp Kim Dung, một người nổi tiếng đến mức, người Trung quốc nói “không thể là người Trung Quốc nếu chưa đọc kiếm hiệp của Kim Dung”. Vậy mà tại lễ sinh nhật thứ 80 của mình ông tự nhận: “Tôi chỉ là Á văn học”. 
Xét thấy, văn hóa của Kim Dung rất cao, ông không vì quá nổi tiếng mà thấy mình thế nọ thế kia. Có một câu rất phổ biến trong bóng đá mà tuần nào chúng ta cũng được nghe rằng “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Nhà văn Kim Dung đã nhận ra điều đó, rằng dù ông có nổi tiếng bao nhiêu, những với văn học võ hiệp chỉ có đâm chém, không chuyển tải những ý tưởng hoài bão về lý tưởng hay giá trị con người, văn học của ông chỉ là hạng hai. Chỉ là á văn học thôi.
Tại sao văn học Việt không tự mình soi gương mà cứ phải soi gương Tầu? Bởi như trên đã nói, vì đời sống lý trí suy xét và phản tỉnh của người Việt rất thấp, chúng ta không soi mình vào những thước đo, vì thế nhân có thước đo của nước láng giềng khổng lồ bên cạnh, là một cơ hội rất cần thiết cho chúng ta. Kim Dung đã vậy, thử hỏi mấy tác giả của ta, in ra mấy cuốn sách lèo tèo, được chục nghìn bạn đọc, đã đăng đàn tuyên bố hoành tráng này nọ, lại còn nhận vơ mình hậu hiện đại, lên giọng tự hào và dạy dỗ người khác cả những điều mình không hề có như cách tân, nhân cách, đạo đức thì chẳng vớ vẩn lắm sao? Văn học Trung Quốc với các tác phẩm đồ sộ như “Hồng lâu mộng”, “Tam quốc”, “Thủy hử”, “Tây du ký”, đã đoạt hai giải Nobel là Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn, hoàn toàn xứng là đại ca để chúng ta soi gương.
Vậy mà mới đây, nhà văn Tàn Tuyết, trong bài ‘Tác phẩm vĩ đại trong mắt tôi‘ đã đưa ra những phản tỉnh rất thẳng thắn và mạnh mẽ, lại là một cơ hội hiếm có khác khiến giới văn học Việt Nam soi lại mình, để thấy tầm vóc mình ở chỗ nào? Tôi xin trích vài đoạn trong bài của ông: “Bởi quá đề cao và sùng bái truyền thống của dân tộc mình (Trung Quốc), cho nên họ đã không thấy được hoặc không có khả năng tiến sâu vào địa giới của tinh thần. Mà những tác phẩm này chỉ dừng lại cái gọi là “kinh nghiệm dân tộc”, “tả thực”. Và sức sống của chúng tất nhiên chỉ là sự ngắn ngủi và tạm bợ; cường độ phê bình về chúng cũng đáng ngờ”.
“Những tác phẩm vĩ đại đều là những tác phẩm tự kiểm điểm, tự phê phán. Trong danh sách những vì sao sáng của tôi, có nhiều nhà văn như vậy, chẳng hạn: Homer, Dante, Jonh Milton, Shakespeare, Cervantes, Goethe, Kafka, Borges, Calvino, Tolstoy, Gogol, Dostoievski… Trong danh sách này chủ yếu là các nhà văn phương Tây và có quan niệm phương Tây, bởi tôi cho rằng ngọn nguồn của văn học là ở phương Tây. Còn Trung Quốc, từ khởi thuỷ, văn học không được xem là sản phẩm tinh thần tồn tại độc lập. Văn học Trung Quốc từ xa xưa cho đến nay đều thiếu khuyết đặc trưng cơ bản nhất của văn học – đó là sự nhận thức tự giác về bản chất tự thân của chính con người. Có nghĩa là, văn học Trung Quốc hoàn toàn thiếu sự mâu thuẫn giữa chúng với nhau, nó biến các mâu thuẫn này thành tác dụng và kỹ xảo một cách triệt để. Văn học truyền thống xưa nay đều dựa vào đó và hướng ngoại (tức là dừng lại ở tầng nông). Dù là tác phẩm vĩ đại trong số đó như Hồng lâu mộng thì ngày nay nhìn lại cũng đã quá lỗi thời rồi, bởi nó không đủ sức khiến người ta phải suy ngẫm và phấn chấn, mà sự miêu tả tâm lý cũng quá nông cạn thiển cận, nó không nói tới mâu thuẫn nội tâm, và giống như văn học từ thời thơ ấu của loài người”.
“Lỗ Tấn từng viết một số tác phẩm vĩ đại (toàn bộ Dã thảo và một phần trong tác phẩm Cố sự tân biên), nhưng số lượng còn quá ít ỏi, sự áp bức về văn hoá đối với Lỗ Tấn khiến ông chưa kịp phát triển thiên tài của mình. Trong ý nghĩa này, văn học của đại lục đang đứng trong sự khủng hoảng, những tác phẩm khám phá nhân tính ở tầng sâu, nâng cao tính dân tộc chưa thực sự trở thành một trào lưu.
Theo tôi, các nhà văn Trung Quốc nếu không thắng nổi tính tự tôn dân tộc của mình, thì không có cách nào vươn tới lý tưởng của văn học. Cho nên, trên văn đàn Trung Quốc, rất nhiều nhà văn mới 40 tuổi đã bắt đầu thoái hoá, hoặc không viết nổi nữa hoặc viết qua quýt lừa dối người đọc. Căn nguyên của hiện tượng này là do tâm lý tự cao tự đại dân tộc mà ra. Văn hoá của chúng ta đã phá huỷ và đầu độc các thiên tài của chúng ta. Sự khiếm khuyết về tinh thần trong văn hoá Trung Quốc đã khiến cho văn học đại lục ngày nay không thể sinh sôi và phát triển được, giống như một đứa bé mang bộ mặt già nua, mãi mãi là một ông già lõi đời, mãi mãi tự mãn, khéo léo như một người thợ giỏi nhất thế giới; nhưng chỉ có điều không biết tự kiểm, không biết tự phê” (VnExpress).
Văn học Trung Quốc to lớn thế mà chỉ là đứa trẻ nhiều tuổi mang khuôn mặt già nua tự mãn. Tại sao? Vì cả đời nó chỉ khoe khéo khoe khôn, ma lanh khôn vặt kiếm sống. Nhưng nó không lớn và không tài nào lớn được vì nó không bao giờ biết dùng đến lý trí của người trưởng thành để soi xét tự phê mình. Nó mãi mãi chỉ là người thợ khéo tay. Tư tưởng chưa bao giờ leo lên đầu nó để trưởng thành và phát tinh hoa ra tác phẩm thì làm sao nó trở thành nhà tư tưởng? Tôi đã chạm tay vào cuốn “Hồng lâu mộng” mà không tài nào đọc nổi. Khi thấy phim đó chiếu trên truyền hình, tôi định bỏ thời gian xem nó, nhưng không tài nào tiêu hóa nổi trong 10 phút. Chỗ nào, từ trong nhà ra vườn hay ngoài đường, thường thấy cảnh vô số ông già, hay gái xuất hiện như những kẻ vô hồn, chỉ làm mỗi một việc bày tỏ, chúng ta thuộc về nhà khá giả. Thật là vô nghĩa! Và vô tích sự! Viết đến đây, có lẽ không thừa khi chúng ta ôn lại quan sát của nhà thơ Tản Đà về dân tộc Việt: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn? Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.
Giờ hãy xét văn học Việt Nam. Mới đây đã có vài tác giả trẻ đụng đến cây đa cây đề. Chẳng hạn như nhà văn Nguyễn Tuân, người ta nói tài giỏi cỡ nào, mà văn học vẫn chỉ loanh quanh chuyện cá kho hay phở? Còn ông kễnh Xuân Diệu kia, nghe chuyện ông đi khắp nơi bình thơ như huyền thoại, nhưng thực ra ông có mỗi “bổn” cũ cứ nhai đi nhai lại, nghe cũng rất thường thôi. Vả lại mới có vài bài thơ be bé xinh xinh dù có hay cũng nhằm nhò gì? Xuân Diệu là một cây bút khá uyên bác của thơ Việt Nam, ông thạo tiếng Pháp, tiếng Tầu, uyên thâm kim cổ, là tác giả của cuốn bình thơ “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” dày cả nghìn trang, thật đồ sộ. Nhưng ông chưa phải là một nhà thơ đã vượt tầm. Khi nói chuyện văn thơ với nhà thơ thiếu nhi thần đồng Trần Đăng Khoa, ông chê trường ca là “ca ca cứt cứt”. Khi nào người ta văng chữ “cứt”? Đó là lúc người ta thấy bất lực hay cần nguyền rủa. Và với trường ca, phải nói Xuân Diệu bất lực và bị loại khỏi vòng chiến một cách tuyệt đối. Ông chỉ đủ trình độ để giải chiếu bình thơ mà không đủ nội hàm để xây “vạn lý trường thành” cho thơ. Tình trạng làm những đoản thơ lặt vặt làm cho thơ Việt không bước ra nổi khỏi vũng lầy chen vai thích cánh và bằng vai phải lứa. Vì thế đã có cả nghìn cây bút xông lên để viết trường ca. Trời ơi nếu soạn được một bản giao hưởng cho thơ thì bõ gì đám nhặt lá tung hô thán từ kia? Nhưng than ôi, giao hưởng thì phải có kịch tính, tức có đối thoại, tức có tư tưởng ở bên trong, đằng này mình chưa tập để có được thì lấy đâu ra? Thế là các trường ca này đều là tổ hợp kéo dài cắt dán câu giờ không mục tiêu, không đích đến. Đi rất dài nhưng nhìn lại hóa ra vẫn chỉ là dấu chân đi quanh sân kho hợp tác.
Mới đây, khi nhà văn Mạc Ngôn được giải Nobel, nhà thơ Trần Đăng Khoa có viết bài đại ý: trong thời gian gần đây anh thấy không mấy cuốn hay vượt hơn những tác phẩm của Mạc Ngôn như “Mông to vú nở” hoặc “Đàn hương hình”. Anh Khoa nói thế, có lẽ anh chưa đọc và quan tâm đến những tác phẩm như “Anh em nhà Caramadop” của Dostoievski, hay “Vụ kiện” của Kafka… Tôi nói thế không hề võ đoán mà dựa trên những hiện thực của văn chương Việt Nam. Để hiểu được những tác phẩm trên, người ta phải uyên thâm thần học, tôn giáo, và công lý ở mức tiền hiến pháp. Tôn giáo, thần học, công lý phổ quát chưa bao giờ là mối quan tâm của người Việt cả, vì người Việt sống chủ yếu theo “phép vua thua lệ làng”, và “chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Phải nói mặt bằng tri thức của các cây bút Việt còn rất lẹt đẹt, thuyền thúng bơi khỏi ao làng, ra đại đương được vài chuyến, tưởng sẽ trưởng thành nào ngờ toàn đi mua ụ nổi, tầu cũ về kiếm mấy đồng lãi cò con. Làm sao hiểu được lộ trình của những con tầu phá băng đi tìm những vỉa quặng mới cho nhân loại?
Thơ Việt nam tủn mủn bé bỏng, cho nên cứ đi chép tập thơ nào của Tầu từ “Kim Vân Kiều truyện” đến “Tống Trân Cúc Hoa” hay “Lục Vân Tiên” thì đều nổi tiếng. Điều đó cũng đúng thôi, giống Trung Quốc chưa đủ trình độ làm tầu sân bay, thì mua tầu cũ của Nga về, đặt lại tên và độ lại, chép thơ dài còn hơn làm ra mấy bài thơ ngắn tũn.
Nietszche nói “Rồi một ngày học trò sẽ phản lại thầy, vì chính học trò cũng có sứ mệnh phải làm thầy”. Nhiều nhà thơ, đặc biệt thuộc thế hệ già Việt đừng cứ ngửa cổ lên là chẳng nhìn thấy vòm mái nào khác Nguyễn Du cả. Hãy xé cái vòm ấy ra để nhìn thấy bầu trời đầy sao lý tưởng của nhân loại. Văn chương gốc của Tầu còn ở mức tả thực, kinh nghiệm dân tộc, chưa bao giờ nhắm đến lý tưởng cao vời của nhân loại phổ quát, thì bản sao phái sinh từ bản gốc đó có được bao nhiêu ý nghĩa mà cứ nhìn ngắm nghía suýt xoa hoài không chán vậy. Để có một nền văn học tiến bộ xứng đáng chúng ta cần phải có một cách nhìn mới. Văn hào Victor Hugo nói: Sở dĩ có bạn đọc mới vì có văn học mới! Văn học của chúng ta, không chỉ bạn đọc cũ kỹ lười đọc, mà chính các tác giả cũng cũ kỹ mốc meo luôn, làm sao chúng ta có văn học mới, mà đòi ảo tưởng về tầm nhìn sẽ xuyên qua cái vòm kể lể trần thuật cũ như hang hốc của Tầu?

Không có nhận xét nào: