5/11/12

234. CHẤM BÀI VÀ TRẢ BÀI VIẾT

Mộc Nhân


Trong thời gian qua, dư luận  xôn xao về 2 vụ tai tiếng dạy học môn Ngữ Văn trong nhà trường. Vụ việc thứ nhất, là bài văn của học sinh  nhập vai Cám kể chuyện Tấm”  và vụ việc thứ hai là  “món ăn đặc sản canh gà Thọ Xương" của Hà Nội.
Cả hai vụ lùm xùm trên đều có liên quan đến công việc ra đề bài, chấm bài, trả bài của giáo viên.
MN – LĐT đăng bài viết  này để chia sẻ đôi điều.


            Công việc chấm bài và trả bài là một việc làm thường xuyên của người giáo viên nói chung. Đặc biệt với người giáo viên dạy môn Ngữ văn, đây là một công việc mà người dạy học có thể đánh giá mức độ thành thạo về kĩ năng, mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh, qua đó mà giáo viên có thể phần nào tự đánh giá công việc dạy học của mình và có biện pháp điều chỉnh sao cho hợp lí, phù hợp với tình hình học tập của học sinh.            Tuy nhiên không phải lúc nào công việc chấm bài và trả bài cũng được giáo viên quan tâm đúng mức. 
            Trong hệ thống chương trình giáo dục phổ thông, chỉ có môn NV mới được bố trí tiết trả bài, trong một năm số tiết trả bài ở môn NV là từ 8 đến 9 tiết- kể cả tiết trả bài ở phân môn Văn và Tiếng Việt – đó là một thời lượng rất đáng kể đủ để nói lên tầm quan trọng của việc chấm và trả bài cho học sinh, nhất là ở các tiết trả bài viết thuộc phân môn Tập Làm Văn.
            Có thể nêu ra đây nhiều ý nghĩa của việc chấm bài và trả bài:
Đây là công việc lao động mà người dạy có thể đánh giá tình hình học tập, sự tiến bộ của học sinh trong học môn Ngữ văn. Thông qua chấm bài giáo viên có thể đánh giá và nhiều kĩ năng của học sinh, mà đặc biệt là kĩ năng viết văn.
Thông qua việc chấm bài và trả bài giáo viên có thể giúp học sinh nhận ra những sai sót, những hạn chế của các em và giúp các em khắc phục trong những bài viết tiếp theo.
Qua việc chấm bài và trả bài, giáo viên có thể tự đánh giá quá trình dạy học của mình và có biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy bộ môn Ngữ văn.
Lao động chấm bài là một việc làm thể hiện nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết của người thầy giáo đối với nghề nghiệp cũng như đối với học sinh. Có thể thấy cả tình cảm và cách ứng xử của thầy giáo đối với học sinh trong việc chấm bài và trả bài. Theo tôi tính sư phạm và tính nhân văn của người dạy học môn Ngữ văn thể hiện rất rõ trong việc chấm bài và trả bài cho học sinh.
Chấm bài vừa là một nghệ thuật sư phạm vừa là kĩ thuật:
Nói đến nghệ thuật là nói đến cách chấm bài. Có người chấm nhanh nhưng vẫn chính xác, có người chấm chậm, đọc kĩ mà vẫn đánh giá không đúng về bài làm của học sinh. Ngoài ra, còn là quan điểm, thái độ của nguời chấm đối với bài làm thể hiện qua lời phê, con chữ của người thầy …
Nói đến kĩ thuật là nói đến chuyên môn nghiệp vụ, tính khoa học trong việc chấm bài thể hiện qua đáp án, biểu điểm cụ thể, vì vậy đòi hỏi phải công bằng và chính xác không có sự sai lệch lớn trong cùng một lớp cũng như giữa các thầy cô giáo trong cùng tổ chuyên môn.
Hiện tượng đánh giá không đúng bài làm của học sinh không phải là hiếm. Có khi chênh nhau trong cùng một thang điểm, có khi độ chênh lại vượt ra ngoài thang điểm. Thậm chí nhiều thầy cô giáo cho rằng độ chênh giữa các bài làm tương đương về chất lượng có thể lên đến 1 hoặc 2 điểm là điều có thể cho phép! Quan niệm dễ giải ấy dẫn đến việc tùy tiện trong chấm bài TLV của học sinh.
Theo tôi chúng ta phải dần dần thay đổi cách nghĩ như trên bởi vì thực chất đó là sự không công bằng, thiếu chính xác, thiếu khoa học và không tôn trọng thành quả lao động của học sinh.
Đối với từng bài làm cụ thể của học sinh, gv lại phải theo dõi những chỗ yếu nhất để tiếp tục uốn nắn, rèn luyện bởi vì chấm theo yêu cầu chung cho cả lớp, đồng thời lại còn chú ý đến yêu cầu riêng ở từng học sinh.
Người thầy không nên chấm theo định kiến và ấn tượng với học sinh. Điều này dễ dẫn đến việc không thấy được sự tiến bộ của học sinh yếu, cái hay của học sinh trung bình- khá, sự chủ quan của học sinh khá - giỏi; không nên tỏ rõ sự chê bai trên bài làm học sinh. Thay vào đó là những lời nhận xét đánh giá, chỉ ra chỗ sai cụ thể.
Đa số học sinh thích đọc lời phê của thầy cô giáo, khi các em “khoe” bài làm với bạn bè thường là “khoe” lời phê hơn là khoe điểm số- kể cả những lời phê có nội dung chỉ ra nhiều hạn chế sai sót. Vì vậy lời phê phải thể hiện hai phần: chỉ ra được sai sót tiêu biểu nhất, phải thấy được các em có tiến bộ hay chưa để có hướng phấn đấu ở bài làm sau đồng thời khen ngợi hợp lí.
Lời phê trong bài làm phải ân cần, chu đáo; tránh những lời nhận xét chung chung, ít bổ ích, chỉ mang tính xếp loại như: còn yếu, khá, thường, giỏi; tránh những lời phê thiếu trân trọng, thiếu tính khích lệ.
* Có ý kiến cho rằng xem lời phê trên bài văn học sinh có thể thấy được người thầy dạy văn đó như thế nào- nói như vậy thiết nghĩ rằng không phải là quá lời.
Điểm số là kết quả cuối cùng của bài làm, của việc chấm bài. Điểm số tất nhiên phải tuân theo những tiêu chí đánh giá được đặt ra nhưng cũng cần xem xét theo tình hình chung của cả lớp và đặc thù của một số học sinh cần được quan tâm đúng mức.
            Với học sinh: bài làm là thành quả lao động sáng tạo, các em mong đến giờ trả bài để được biết thầy cô giáo đã đánh giá bài làm của mình như thế nào, cho nên cũng dễ hiểu khi giờ trả bài là một trong những giờ học được các em trông đợi nhất, kể cả các em thường có mức điểm không cao cũng có tâm lí như thế.
Điểm số cũng là điều quan trọng đối với các em. Học sinh mong đến giờ trả bài để biết mình được bao nhiêu điểm, mà đối với học sinh thì điểm số là điều rất có ý nghĩa trong việc học tập. Đôi khi việc cho điểm của thầy cô giáo cũng làm thay đổi tinh thần và thái độ học tập của hoc sinh.
Tuy nhiên trong thực tế, nhiều giáo viên chưa ý thức được sâu sắc vai trò của giờ trả bài làm văn với ý nghĩa cần và vốn có của nó. Nhiều giờ trả bài chưa đạt hiệu quả về nhiều mặt cả về chuyên môn, về qui trình, về tâm lí. Nhiều thầy cô giáo chấm bài chỉ ghi điểm số bài làm mà không có những nhận xét, sửa chữa cần thiết. Đồng thời cũng có những thầy cô chấm bài viết của học sinh với thái độ bực dọc, thiếu trân trọng.
Cũng cần nói thêm rằng tiết trả bài phải đảm bảo các yêu cầu của một tiết học theo hướng đổi mới, tích cực. Cụ thể là phải đảm bảo các nguyên tắc :
            - Phát huy tính tích cực học tập của học sinh.
            - Tổ chức các hoạt động nhóm.
            - Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn.
            - Thể hiện tính tích hợp giữa các phân môn.
            Đây là giờ học được xây dựng thực sự từ lao động trực tiếp của học sinh, từ vốn liếng nhiều mặt của các em : vốn ngôn ngữ, vốn tri thức, vốn sống kết hợp với kĩ năng diễn đạt ở dạng văn bản viết.
Qui trình chấm bài, trả bài là qui trình kĩ thuật, tỉ mỉ, công phu gắn liền với tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tình yêu thương quí trọng thành quả lao động sáng tạo của giáo viên đối với học sinh.

* Bài này rút gọn từ chuyên đề cùng nội dung của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh. 
* Mời đọc bài viết liên quan:  BẤM VÀO ĐÂY

Không có nhận xét nào: