4/11/12

233. VÈ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Khánh Trâm
Người Việt có một kho tàng văn học dân gian phong phú: Truyện kể, thơ, ca dao, hò vè…Trong đó VÈ được lưu truyền, phổ biến trong xã hội và được quần chúng đón nhận khá dễ dàng do tính chất dân dã (dễ nhớ, dễ thuộc) của thể lọai văn học này.
Theo Đại Nam quốc âm tự vị , VÈ là chuyện khen, chê có ca vần và việc sáng tác VÈ là việc đặt chuyện khen, chê có ca vần. Đây cũng là đặc trưng cơ bản của VÈ. Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho biết VÈ được ra đời cách đây khoảng vài thế kỷ, từ TK 18 dưới thời phong kiến và kéo dài cho đến ngày nay. Nó tồn tại trong xã hội để đảm nhiệm cái chức trách “khen, chê” được nhân dân giao phó kia. Về hình thức, VÈ sử dụng câu bốn chữ, năm chữ, lục bát, hát giặm, nói lối.

VÈ được chia làm nhiều thể loại: Có VÈ đồng dao là những bài hát dành cho trẻ em, VÈ thế sự ghi chép lại sự việc người thật, việc thật (đây cũng là một dạng sử liệu đơn giản nhưng khá bổ ích đóng góp vào nguồn tư liệu nghiên cứu trong một xã hội còn hạn chế thông tin như ngày nay), VÈ lịch sử mô tả sự chân thật lịch sử trong đó có những cuộc khởi nghĩa của nông dân và đấu tranh chống ngoại xâm. Ngoài ra còn một thể loại nữa của VÈ (thứ này có số lượng bài khá nhiều) là VÈ về loài vật, cây trái, hoa quả, sự vật, nghề nghiệp: VÈ hoa, VÈ cá, VÈ bánh, VÈ làm ruộng…
Là loại hình văn học dân gian bổ ích nhiều bài VÈ đã được tập hợp và xuất bản thành sách nhưng cũng còn có nhiều bài hiện đang được lưu truyền rải rác trên các Blog và các trang mạng (nhất là loại VÈ thế sự, thời cuộc) trong đó nhiều bài gây ấn tượng và có giá trị bởi tính thời sự của nó. Có thể nói ngày nay “VÈ thế sự” đang lên ngôi. Ngồi nhớ lại tuổi thơ của mình, tôi lại được sống với nhiều bài VÈ đồng dao thật đáng yêu, hệt như cái tuổi lên 5 lên 3 cũng rất đáng yêu ấy. Nào là :

con vỏi con voi
cái vòi đi trước
hai chân trước đi trước
hai chân sau đi sau
còn cái đuôi đi sau rốt
tôi xin kể nốt/ cái chuyện con voi”.

Thế hệ của tôi ngày ấy đang thời đạn bom, cuộc sống vật chất rất nghèo khổ hầu như chẳng có đồ chơi gì đáng kể. Con gái thì chơi chuyền, chơi ô ăn quan, con trai thì đánh bi đánh đáo và cùng nhau chơi:

 “ rồng rắn lên mây
 có cây lúc lắc
có nhà điểm danh
hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không ”?

Cái ngày xưa yêu dấu ấy, trẻ em thích hát đồng dao, các bà nội trợ thích nói VÈ bánh, VÈ hoa, VÈ cá… những thứ rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người nông dân:

Cá ăn không cử là cá trê leo
ăn cám ăn bèo là con cá sặt
gai chông gút mắc là con cá rô
bóng bọt ra vô là con cá thia lia trốn
tuổi cao tác rộng là con cá bạc đầu
nhỏ tác có râu là con cá chốt
hình xem tươi tốt là con cá chai
nối đuôi đi hoài là con cá lạc mạ
hình xem cũng lạ là con cá lóc bông
tánh hay ở bau là con cá chạch
ăn bèo lách chách là con cá mề tho
ăn ở không lo là con cá hương mảnh
da thịt trắng bảnh là con cá thác lác
ăn bùn ăn cát là con cá kèo…”.

Có lẽ những bài VÈ này hiện chỉ còn thấy trong sách vở và thời nay tôi thấy trẻ em không mấy thuộc đồng dao nữa.
Việt Nam là xứ nhiệt đới với nông nghiệp trồng lúa nước có từ ngàn xưa. Bài “VÈ làm ruộng” đã mô tả cuộc sống của người nông dân. Đọc bài VÈ 4 chữ này tôi lại thấy hiện về cuộc sống cơ cực, nghèo đói và lam lũ ấy:

Nghe vẻ nghe ve
nghe vè làm ruộng
sắm trâu cùng xuổng
sắm ách cùng cày
đi vay tiền ngày
đi quơ tiền tháng
sắm một cái phảng
đáng giá năm quan
trời cho mưa xuống
nước nổi đầy đồng
bớ chú đàn ông
be bờ giao mạ…”

VÈ làm ruộng và người nông dân suốt đời gắn bó với nhau để ngày hôm nay Việt Nam vượt lên Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hạng nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu là 7 triệu tấn. Nhưng có nhiều dịp đi công tác ĐBSCL, vựa lúa của Việt Nam, tôi vẫn thấy cuộc sống của người nông dân nói chung là khá nghèo. Đây cũng là một nghịch lý.
Ngày trước dưới chế độ phong kiến, đặc biệt là từ TK 19 kể từ khi người Pháp chính thức đặt cai trị trên mảnh đất hình chữ S này, xã hội Việt nam có nhiều phân hóa, phong tục tập quán bị xáo trộn…nhiều bài VÈ ra đời phản ánh chân thực đời sống xã hội và cũng có nhiều bài VÈ góp phần vào công việc chấn hưng văn hóa dân tộc, giữ gìn đạo lý làm người, răn dậy người đời “đói cho sạch, rách cho thơm”. Bài VÈ “Án đồng tiền đồng bạc” với nội dung kiên quyết không thừa nhận nguyên tắc “có tiền mua tiên cũng được” và bài VÈ cũng lên án quyền lực tàn nhẫn của đồng tiền:

 “Làm cho thiên hạ đeo phiền
 buồn hiu quân tử, điếng điên anh hùng
 làm cho lỗi thủa đạo nhà
năm giềng ba mối chẳng hòa vì ai
 làm cho người trí phải mê
 người điên cũng tỉnh nhiều bề tân oan
làm cho son phấn đổi mầu
 khó nghèo nỡ phụ sang giàu a dua
 hư người thục nữ cũng hung
 đành đem má phấn chôn bùn vì ai ”.

Cùng với thể loại này, các bài VÈ phê phán đáng chú ý có:
VÈ đánh bạc:

Nghe vẻ nghe ve
nghe vè đánh bạc
đầu hôm xao xác
bạc tốt như tiên
đến khuya không tiền
bạc như chím cú
cái đầu sù sụ
con mắt trỏm lơ
hình đi phất phơ
như con chó đói
chân đi cà khói
dạo xóm dạo làng
quần rách lang thang
lồng tay mà túm ”.

VÈ uống rượu: 

       “Uống một ly nhâm nhi tình bạn
       uống hai ly giải hạn cơn sầu
       uống ba ly mũi chảy đầy râu
       uống bốn ly ngồi đâu nói đó
       uống năm ly cho chó ăn chè
       uống sáu ly ai nói nấy nghe
       uống bảy ly làm xe lội nước
       uống tám ly chân bước, chân quỳ
       uống chín ly còn gì mà kể
       uống mười ly khiêng để xuống xuồng ”.

VÈ chửa hoang:

 Xem thử nó giống ai
 cái đầu nó giống ông cai
 cái lưng ông xã, cái vai ông trùm ”.

Hay:

Thôi thôi ví lỡ ra rồi
bồng con ra ngồi con thử giống ai?
cái mặt thì giống Tuần Hai
cái vai Tư Chống
xương sống Biện tài
chưn mày giống Tám Ít
cái đít giống Bầu Khuê
cái đề giống Tư Đủi
cái lỗ mũi giống Tư Nghiêm
cái đầu giống Ba Phó
cái chứng ngó giống Mười Trương ”.

Bên cạnh những bài VÈ khen, chê hay mô tả, các bài VÈ thế sự đã phát huy mạnh mẽ nhất lọai hình báo chí truyền miệng này. Người đời sau chúng ta hôm nay phần nào hiểu được thân phận người dân dưới chế độ phong kiến (ngoài những truyện ngắn, tiểu thuyết, bài viết trên báo chí xưa) là những bài VÈ thế sự như: VÈ con cút, VÈ lỡ thời, VÈ lễ tết quan…Đọc những câu VÈ sau đây ta thấy cái “phong tục” này nó cũng mang đậm tính truyền thống và có sức sống mãnh liệt nếu như liên hệ với thời nay:

Sáp vàng hai bánh
yến huyết một cân
mứt bí mứt gừng
trà Tàu trà Huế
mứt chanh mứt khế
cam rim hồng rim
nhãn nhục táo kim
đường phổi đường đá
tôm khô vi cá
đồn đột gân nai
bột báng bột khoai
dầu thông nấm mối
cà cuống trứng sam
bạch hương kỳ nam
thuốc Tàu á phiện
khô voi bò niển
vịt nước le le
ba ba cần đước
tôi đà sắm trước
đem tới ông Hy
chẳng thiếu vật chi
để mừng công tử ”.

 Ở bài VÈ này, có lẽ nhiều sản vật xưa nay không còn nữa và nếu còn cũng rất hiếm. Ngay cả nhiều danh từ cũng phải tra cứu mới hiểu nghĩa (chẳng hạn như “đồn đột” là một loại đỉa biển…).
Dân gian vẫn thường nói: “Một người làm quan cả họ được nhờ ”. Cái “truyền thống” này kéo dài suốt từ thời phong kiến cho đến tận ngày nay. Các ông quan của TK 21 này tuy không còn ăn “gân nai’, “đồn đột”, “khô voi”, “bò niển” nhưng các ông lại “ăn” được dự án, hoa hồng, công trình, quy hoạch…và thế là VÈ quan tham của TK 21 cũng rất đặc sắc khi mô tả các ông quan tham hết cả mọi đường:

Thói đâu có thói lạ lùng
quan chức tham nhũng tận cùng cả danh
địa vị, ngôi cao quan tranh/
ăn thì tranh cả cá ranh của làng
bao giờ đến lượt đồng bào
công, nông thực chất được “xào” chút danh
chẳng qua để bớt hôi tanh
cái sự ăn cướp, “tớ” hành chủ dân”.

Ở bất kỳ thời đại nào VÈ thế sự cũng luôn luôn phát huy vai trò vạch mặt, tố cáo, phê phán, vạch trần tội ác phi nhân của những bậc quyền chức không hề tránh né.
(…)
Như chúng ta đã thấy, VÈ không chỉ mang chức năng khen chê, mô tả sự vật…có tính giải trí hài hước. VÈ cũng là để giáo huấn và cảnh tỉnh con người. Nó cũng giống như liều thuốc khi ta đau ốm. Nhiều bài VÈ còn là sản phẩm của trí tuệ, đọc lên cười đấy nhưng là “cười ra nước mắt ” vì thấy sao nó chua xót và cay đắng.

Không có nhận xét nào: