- Bài tham luận Hội Nghị Khoa Học về
dạy học Ngữ văn
Để tham gia ý kiến cho Hội Thảo Khoa Học
quốc gia về dạy học môn Ngữ Văn ở trường THCS, chúng tôi xin trình bày một số nội dung sau :
1.
Về ưu điểm:
- Nhìn
chung nội dung chương trình và SGK môn Ngữ văn THCS mang tính hiện đại, có
nhiều đổi mới. Sự sắp xếp bài học hợp lí theo trình tự lôgíc, có sự cân đối
giữa lí thuyết và thực hành, vận dụng, có chú ý hướng tới việc rèn luyện kĩ
năng nói và viết cho học sinh và tích hợp các yêu cầu giáo dục giữa các phân
môn.
- Đảm
bảo tính khoa học và sư phạm cụ thể là: chương trình được sắp xếp một cách
hệ thống theo kiểu đồng tâm. Các mạch kiến thức đều theo nguyên tắc từ dễ đến
khó, từ đơn giản đến phức tạp và tạo điều kiện cho học sinh vừa củng cố, ôn
luyện vững chắc kiến thức, vừa từng bước nâng cao dần kĩ năng tư duy.
- Phù hợp với thực tiễn. Có đề cập đến những vấn đề “nhật dụng”
như giáo dục dân số, bảo vệ môi trường, giáo dục quyền trẻ em, chống chiến
tranh…
- Hệ thống
câu hỏi tìm hiểu bài và bài tập thực hành thực sự thể hiện sự đổi mới về phương
pháp. Sách giáo khoa không chỉ nêu nội dung kiến thức mà đã chú trọng đến việc
thiết kế các hoạt động học tập. Nâng cao khả năng phát triển năng lực tự học,
tự rèn luyện cho học sinh. Có tính giáo dục về các mặt đạo đức, trí tuệ, thẩm
mỹ. Phù hợp với trình độ của học sinh có chú ý đến sự phân hoá nhận thức của
học sinh. Thể hiện sự tích hợp ở các phân môn Văn – Tiếng Việt – Làm văn, tích
hợp nhiều lĩnh vực ở một số bài học.
2. Tồn tại:
Chúng tôi xin chỉ
ra một số tồn tại tiêu biểu:
- Chương trình Ngữ văn THCS chưa đảm bảo
sự cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”, còn nặng về kiến thức, chưa coi trọng
việc hình thành nhân cách cho học sinh tuổi thiếu niên.
- Trong thời gian gần đây, việc dạy học môn Ngữ văn lại gắn với nhiều
yêu cầu giáo dục tích hợp như: bảo vệ môi trường, giáo dục tư tưởng chính trị,
giáo dục kỹ năng sống … khiến giờ dạy văn giảm đi cái hay, cái đẹp của
văn chương.
- Một số cụm
bài quá cao đối với tư duy, khả năng cảm hiểu của học sinh như: cụm bài “Thơ Đường” ở lớp 7. Hoặc phần VHTĐ
chiếm phần lớn chương trình HKI lớp 7 là quá tải đối với học sinh.
- Chương trình Ngữ văn lớp 9 hết sức nặng
nề: có 6 tác phẩm văn học nước ngoài, 5 tác phẩm VH Trung đại Việt Nam, quá nhiều
văn bản thơ và truyện hiện đại với nhiều kiểu bài làm văn như: thuyết minh, tự
sự, nghị luận xã hội, nghị luận văn học, làm thơ 8 chữ. Trong đó có nhiều bài
khó như: Tiếng nói của văn nghệ (mang
nặng tính lí luận văn học), Tôi và chúng
ta …
- Một số nội dung lạm dụng nguyên tắc đồng
tâm nên lặp lại nhiều lần như cụm bài “Từ vựng” (nội dung Từ Hán Việt…) lặp ở
lớp 6, 7 và 9.
- Về
thời lượng ở một số bài học phân bổ không phù hợp như: tiết 53 lớp 9 bài “Tổng kết về từ vựng”: vừa ôn vừa luyện
kiến thức về từ tượng thanh, từ tượng hình + 8 Phép tu từ là không khả thi…
- Về phân phối chương trình của BGD: nhiều
chỗ không hợp lí ví dụ giữa tiết làm bài viết và tiết trả bài viết có khi kéo
dài ra đến 4 tuần khiến kiến thức và rèn luyện kĩ năng bị "nguội" (như bài viết số 3 ở lớp 6); đồng thời một số
tiết làm bài và trả bài quá gần nhau khiến gv chấm bài không kịp (như kiểm tra VHTĐ lớp 9)…
- Một số lỗi sai trong SGK, SGV không được chỉnh sửa kịp thời mà
vẫn bản cũ in lại như lỗi giải sai BT số 1 trang 181 ở SGV lớp 9 tập I (xem chi
tiết bài viết của tôi tại đường dẫn:http://thinhdailoc.blogspot.com/2012/01/89-tu-hai-loi-nho-trong-sach-day-hoc.html#more)
- Một số “khái niệm” còn mơ hồ như khái
niệm về từ nhiều nghĩa ở SGK lớp 6
tập I, trang 56.
- Nhiều cụm bài ít chất văn chương gây nặng nề cho học sinh như cụm văn bản từ tuần
27 đến tuần 30 ở chương trình lớp 8.
- Nội dung chương trình sách giáo khoa
chưa tính đến điều kiện vùng miền, do đó chưa phù hợp với học sinh ở các vùng
sâu, vùng xa, vùng nông thôn nghèo...
- Việc thay đổi, điều chỉnh chương trình
trong vài năm gần đây mang tính chắp vá, có nhiều chỗ không khoa học. SGK hàng
năm được in ra với những sai sót còn nguyên như cũ lại kèm theo nhiều thông tin
gây thiệt hại cho xã hội như: năm học 2011-2012 có một đợt điều chỉnh giảm tải chương
trình SGK của Bộ GD&ĐT kèm theo thông tin lấy SGK năm 2011 làm sách chuẩn
để thực hiện giảm tải khiến PHHS và giáo viên tìm mua SGK mới – mà thực chất là
SGK Ngữ văn THCS từ năm 2003 đến nay
không có gì đổi khác - bản cũ in lại.
- Việc Bộ GD&ĐT xây dựng và ban hành
bộ “chuẩn kiến thức” trong mấy năm
gần đây bị "ngược qui trình" và thiếu thuyết phục vì xây dựng “chuẩn kiến thức” của chương trình lại căn cứ vào SGK đã ban hành.
Lẽ ra phải xây dựng “chuẩn” trước rồi xây dựng SGK sau. Trong thực tế dạy học,
giáo viên cũng chẳng quan tâm mấy đến “chuẩn” bởi họ chỉ cần dạy bình thường đã
là đạt được “chuẩn”, nếu dạy trên “chuẩn” một vài đơn vị kiến thức cũng không
xem là sai trái.
- Trong khi BGD hướng dẫn “giảm tải” nhưng
trong bộ “chuẩn” lại có trường hợp tăng
tải như sách “chuẩn kiến thức” NV 9 tập 1 yêu cầu dạy thêm một nội dung về vẻ
đẹp thiên nhiên khi phân tích Văn bản Lặng lẽ Sa Pa trong khi SGK và SGV không
định hướng nội dung này.
- Hình thức của SGK môn Ngữ văn chưa có
tính thẩm mĩ thể hiện ở chất lượng giấy in chưa tốt, cách trình bày chưa đẹp,
kênh hình còn hạn chế về màu sắc … so với nhiều bộ SGK các môn học khác cùng
bậc học. Cần chú tính thẩm mỹ và tăng cường kênh hình ảnh cho bộ SGK lớp 6.
II. ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH DẠY HỌC MÔN NGỮ
VĂN HIỆN NAY:
1. Về phía giáo viên:
a.
Ưu điểm: Đa số giáo viên
dạy môn Văn hiện nay đang nỗ lực đáng kể trong việc thay đổi cách dạy cụ thể
là:
- Thay đổi tư duy dạy học từ góc nhìn
người thầy là trung tâm sang tư duy lấy người học làm trung tâm, thầy đóng vai
trò tổ chức, hướng dẫn. Vai trò và mối quan hệ giữa người dạy và người học đã
khác trước. Sự chủ động, tích cực của học sinh trong giờ học được đề cao.
- Có nhiều yếu tố đổi mới trong tác nghiệp
một giờ dạy thể hiện kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm của người dạy trong giai đoạn
mới.
- Tệ nạn đọc chép trong dạy học không còn phổ biến.
- Kết hợp nhiều biện pháp, nhiều phương
pháp trong việc dạy học như: thuyết giảng, kết hợp với đàm thoại, tổ chức các hoạt
động nhóm để học sinh trao đổi với nhau.
- Nhiều kỹ thuật dạy học được áp dụng. Các
phương tiện dạy học phong phú hơn.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy
học tích cực diễn ra khá rộng.
- Giáo viên được tham gia nhiều lớp tập
huấn – nhiều nội dung tập huấn – nên cập nhật được nhiều yêu cầu giáo dục thông
qua dạy học bộ môn.
b. Tồn tại:
- Nhiều giờ dạy được đánh giá cao về đổi
mới phương pháp, thầy giáo vẫn chưa thực sự giúp học sinh thể hiện cái riêng
trong tiếp nhận văn bản. Trong khi lẽ ra, đối diện với văn bản, nhất là văn bản
nghệ thuật, mọi cá tính, sở thích, mọi hình dung, tưởng tượng của cá nhân đều
có chỗ để phát huy.
- Sự phát huy tính tích cực chủ động của
học sinh thực ra vẫn mang tính chất nửa vời. Nhiều giờ dạy vẫn như là sự gò bó,
áp đặt. Nhất là trong những tiết thao giảng, cả thầy và trò khó mà thoát ly hẳn
sự “diễn”. Việc đối thoại trong giờ học thực tế là chưa có hiệu quả, chúng ta
mới chỉ hỏi đáp chứ chưa phải là đối thoại đích thực, tức là sự thể hiện tiếng
nói, sự cọ xát giữa các ý thức và tôn trọng chủ kiến của cá nhân.
- Giáo viên hiện nay vẫn còn phải trông
cậy vào SGV để soạn bài, quan niệm rằng SGK và SGV là pháp lệnh nên cũng khó
thoát khỏi tư duy độc lập trong dạy học mà còn mang nặng tư duy “thống nhất”.
Điều này nói lên một thực trạng rằng là sự đổi mới trong tư duy sáng tạo, phát
huy tính cá nhân là chuyện không dễ. Tư duy giáo dục của chúng ta còn rất coi
trọng quy chế, sự thống nhất - thực ra đó là các chuẩn hình thức. Những bài giảng giống nhau được đánh giá là thống
nhất, bám vào SGK và SGV một cách máy móc được xem là đúng “pháp lệnh”.
- Một bộ
phận không nhỏ học sinh không thích học Ngữ văn do nhiều nguyên nhân và điều này có tác
động tiêu cực đến người dạy. Thói quen học tập thụ động, đối phó của HS là một
rào cản lớn đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy học tạo ra khó khăn từ
hai phía thầy và trò khiến cho tình trạng đổi mới phương pháp dạy học môn NV
rơi vào vòng luẩn quẩn, hình thức, ít có chuyển biến mạnh và hiệu quả cao.
2. Về
phía học sinh:
a. Ưu điểm:
- Đa số các em học sinh được sự quan tâm
của gia đình nên có điều kiện học tập tương đối tốt. Môi trường, điều kiện vật
chất cho giáo dục hiện nay tại các địa phương được đảm bảo hơn như: trường lớp
kiên cố, trang thiết bị khá đầy đủ, nhiều phương tiện hỗ trợ học tập…
- Học sinh được tiếp cận với nhiều nguồn
tư liệu tham khảo để phục vụ cho việc học tập.
b. Tồn tại:
- Thái độ đối với môn văn của các em có sự
phân lập rất rõ do tính thực dụng trong xã hội. Số đông học sinh hiện nay có
thiên hướng học các môn tự nhiên vì vậy môn Ngữ văn cũng như nhiều môn KHXH
khác chưa được chú trọng.
- Trong tình hình hiện nay, tỉnh Quảng Nam
bỏ kì thi Tuyển sinh vào lớp 10 THPT khiến cho việc học tập môn Văn càng bị xem
nhẹ bởi tâm lí của HS là “thi gì học nấy, thi thế nào học thế ấy”.
- Rất ít học sinh nhận thức được rằng học
văn là để thưởng thức văn chương, để bồi đắp mĩ cảm, để hoàn thiện nhân cách…
- Dạy học môn Ngữ văn luôn gắn liền với
việc đọc, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, văn hóa đọc đang suy thoái nhường
chỗ cho văn hóa nghe nhìn lên ngôi nên việc dạy học môn văn rơi vào tình trạng
thụ động, áp đặt theo kiểu dạy gì biết nấy, học sinh ít có hứng thú trong việc
tìm hiểu tác phẩm văn chương kể cả những tác phẩm được đưa vào chương trình
SGK- mời xem chi tiết bài viết nêu ý kiến của tôi tại đường dẫn sau: http://thinhdailoc.blogspot.com/2012/10/222-day-hoc-ngu-van-trong-giai-oan-suy.html
.
- Nhiều học sinh biết tiếp cận với nguồn
sách tham khảo trên thị trường, điều ấy có mặt tốt nhưng cũng có mặt tiêu cực
là các em phụ thuộc vào tư liệu, ít phát huy tính sáng tạo, độc lập trong việc
cảm thụ văn bản. Chính sự lệ thuộc quá mức của học sinh vào các loại sách học
tốt, sách bài soạn, bài giải … đã đẩy các em vào tình trạng thụ động, luôn luôn
chờ đợi những kết quả mà người khác cảm nghĩ hộ, mất khả năng tự mình thâm nhập
vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn chương để nói lên những cảm nhận,
những rung động của chính bộ óc, con tim của mình bằng chính lời lẽ của mình.
III. ĐỀ XUẤT:
- Muốn đổi mới cách dạy và học môn văn trong nhà trường không thể chỉ hô
hào sự đổi mới của giáo viên mà còn cần đổi mới đồng bộ về chương trình sách
giáo khoa; thay đổi những quy chế gò bó đối với giáo viên, cũng như cần có thái
độ và sự tham gia tích cực học tập môn Ngữ văn của học sinh.
- Có thể khẳng
định, đổi mới phương pháp giảng dạy đang trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Cần khôi phục động lực học tập, khơi dậy niếm say mê, tình yêu văn học của học
sinh bằng những giờ dạy thực sự hấp dẫn, lôi cuốn. Cần tiến hành thi cử nghiêm
túc, đánh giá chính xác, khách quan năng lực học tập thực sự của học sinh đối
với môn học này để có những điều chỉnh kịp thời.
- Với kết quả chưa
khả quan trong việc dạy học môn Ngữ văn người dạy cần phải nghĩ đến một phần
trách nhiệm ở mình. Vì vậy, đòi hỏi sự linh động của người dạy trong quá trình
dạy học bộ môn.
- Cần xem xét lại
một số nội dung bài học sao cho bớt tính hàn lâm, bỏ các bài dài và khó, điều
chỉnh lại vị trí một số bài học, tránh lặp lại kiến thức không cần thiết…
- Bỏ một số bài
không phù hợp với tâm lý lứa tuổi và năng lực tiếp nhận của học sinh THCS như
đã nêu trên.
- Nên thay đổi tư duy: không nhất thiết
phải coi SGK và SGV như một “pháp lệnh”. Về tầm vĩ mô, có thể có vài bộ SGK:
ngoài bộ sách chung còn có bộ SGK cho học sinh vùng núi và vùng sâu vùng xa.
- Việc giảm tải theo kiểu cắt xén nội dung
một số chương, một số bài sẽ không thể giải quyết được vấn đề một cách thấu đáo,
thực ra chỉ là giải quyết phần ngọn. Cần có sự xem xét để sớm tổ chức xây dựng
bộ chương trình giảng dạy mới, biên soạn SGK mới trong nhà trường phổ thông một
cách khoa học và đồng bộ.
- Việc đổi mới phương pháp dạy học cần
được tiến hành trên quan niệm: giáo viên không chỉ dạy học các kiến thức trong
SGK đã có sẵn mà còn gợi ra những kiến thức mở xung quanh mỗi bài học.
- Cần thay đổi cách đánh giá giờ dạy của
giáo viên từ người quản lí chuyên môn, phải thoát khỏi những ràng buộc của
những tiêu chí đánh giá để thấy được đổi mới thực sự của giáo viên dạy NV.
- Phải thay đổi cách ra đề thi, cách kiểm
tra, đánh giá đối với môn Văn. Đề thi, đề kiểm tra cần có hướng mở; đáp án
tránh kiểu chi li gò bó; bỏ hình thức kiểm tra trắc nghiệm môn NV đến nay xem
như không còn phù hợp.
- Trong mấy năm đây, BGD lấy “Kiểm định chất lượng” để đánh giá nhà
trường với nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí, trong đó có rất nhiều nội dung mang tính
hình thức, nặng về số lượng như chỉ tiêu thao giảng của giáo viên được ấn định
là 4 tiết/ năm, chỉ tiêu dự giờ từ 20 tiết (đối với gv) đến 40 tiết (đối với
ttcm). Đây là những con số nếu thực hiện
nghiêm túc và có chất lượng thì hoàn toàn bất khả thi. Đảm bảo chỉ tiêu này chỉ
có cách thực hiện các thao tác “ảo” hoặc giả có “thực” chăng nữa thì cũng chỉ
là chạy theo số lượng. Rõ ràng là các vị ở cấp Bộ không nắm được thực tế hoạt
động ở cơ sở, có những chỉ đạo mang tính số lượng và phong trào, không thấy
được chất lượng công việc.
Những ý kiến đã trình bày trên đây là sự
tổng kết những suy nghĩ, đúc rút trong quá trình công tác. Dù không mới - bởi
đã được đề cập nhiều lần – nhưng cũng không cũ, mong góp thêm một tiếng nói để
việc dạy học bộ môn được tốt hơn.
Mộc Nhân - Lê Đức
Thịnh / PGD&ĐT Đại Lộc – Quảng Nam
* Ngoài 2 đường dẫn đã nêu trong bài,
mời đọc thêm các bài viết liên quan: Bài 1 BẤM VÀO ĐÂY
Bài 2 BẤM VÀO ĐÂY
Bài 3 BẤM VÀO ĐÂY
--------------------------------------------
(* Để “giảm tải” cho bài viết, những dẫn chứng trong tham
luận này chỉ mang tính tiêu biểu – chi tiết cụ thể, đầy đủ chúng tôi có văn bản
kèm theo)
2 nhận xét:
Bài viết của bạn tôi rất thích, ngoài việc đánh giá khá ngay thẳng trong nội dung bài viết còn thể hiện được sự am hiểu khá tận tường bộ môn văn cấp THCS, thể hiện được lòng say mê văn chương, bản lĩnh muốn thoát khỏi những ràng buộc không đáng để thực hiện một tiết dạy có hồn, có lữa và có hiệu quả đối với người học. Nhưng thật tiếc, tôi chưa được dịp nghe bạn giảng, mong rằng tôi sẽ có cơ hội...Chân thành chúc bạn hạnh phúc và yêu đời.,.
MÔn ngữ văn rất quan trọng từ khi đi học cho đến lúc đi làm, vì vậy, các sách giáo khoa nên chú trọng nhiều hơn đến tính thực tiễn và giúp các em vận dụng tốt trong thực tế để đảm bảo không bỏ lỡ nguồn kiến thức đã học. học seo trực tuyến
Đăng nhận xét