13/11/12

241. TÌM HIỂU TRANH DÂN GIAN



1. Tranh “Đám cưới chuột”:


            Nhìn vào bức tranh "Đám cưới chuột", ai cũng có thể thấy một ngày hội rực rỡ đang diễn ra.             Nhân vật mèo nhận lễ trong tư thế trang trọng, có đôi chút dò xét nhưng cũng tỏ rõ thái độ tôn trọng ngày lễ lớn của đôi vợ chồng mới. Theo thang bậc của tự nhiên, sự chia sẻ này là cách để họ hàng nhà chuột giải quyết mâu thuẫn tự sinh giữa chuột và mèo. Họ hàng nhà chuột, vốn hiểu sự yên ổn của mình cần có cả sự no đủ của mèo nên đã “mừng mà làm” (“hưng tác”, chữ trên đầu nhân vật chuột thứ hai).

Đám cưới diễn ra rất đúng nghi lễ, ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau. Chàng xênh xang hớn hở trong bộ áo gấm xanh, nàng mặc áo màu gụ. Họ được rước đi, rạng rỡ trên con đường làng màu son nhạt với những vạt cỏ màu mạ. Chuột chú rể được che lọng tía tượng trưng cho vinh quang, danh vọng lớn. Chuột cô dâu dịu dàng trong chiếc kiệu bát cổng có nhiều hoa văn trang trí. Bốn chú chuột hầu hạ, ghé vai khiêng. Đám rước còn có biển đỏ, dàn nhạc. Hai chú chuột thổi hai chiếc kèn có cung bậc khác nhau: Kèn pha và kèn đại.

Bức tranh tưng bừng về màu sắc, hài hòa về nhân vật và rất dễ nhận thấy niềm vui và sự sinh sôi đâu đó. Nó khiến người ta nhớ lại những đám cưới đầy màu sắc của Việt Nam thời xa xưa. Văn hóa làng xã của Việt Nam khiến mọi ngày lễ của gia đình đều trở thành ngày lễ của cả làng. Nét văn hóa này cũng góp phần khiến tính cộng sinh trở nên quan trọng trong xã hội Việt Nam. Trong một xã hội phát sinh giai cấp thì sự đấu tranh là có, tuy nhiên sự cộng sinh vẫn là yếu tố chính để phát triển.

Bức tranh thể hiện rất rõ tâm lý dĩ hòa vi quý của người Việt, muốn mọi người xung quanh cũng được no đủ, hưởng niềm vui để cuộc sống của mình cũng được yên ổn nhờ đó. Đó chính là ý nghĩa cộng sinh của cuộc sống đa dạng sinh học mà các tác giả dân gian đã gửi gắm. “Chuột và mèo ở đây là hai mắt xích của hệ thống tự nhiên hoàn chỉnh. Sự tồn tại của anh này ảnh hưởng đến sự tồn tại của anh kia. Nó mang cả trong mình quan niệm về triết học chứ không chỉ đơn thuần là xã hội học. Đó là "sự tồn tại của những mặt đối lập nhau”.

Bức tranh gồm có hai nội dung chính: Thứ nhất, mô tả cảnh họ hàng nhà chuột dâng lễ cho mèo, làm nền cho nội dung thứ hai, đám cưới chuột diễn ra an bình hạnh phúc. Ở chân nhân vật chuột thứ nhất, được coi là chuột dạn dày kinh nghiệm đến nỗi mất cả đuôi có chữ “tống lễ” (dâng lễ). Bốn nhân vật chuột đi dâng lễ tỏ thái độ rất thân thiện và vui vẻ, niềm vui tự nhiên đến với con người mỗi khi được chứng kiến hoặc tham gia vào một lễ cưới, niềm vui đến một cách vô thức và trong ngày đó, con người như hiền hòa vị tha hơn. Hai nhân vật chuột thổi kèn chắc có lẽ đã làm mèo hết sức lấy làm vừa lòng, ắt hẳn mèo đã nhận lễ trong một cam kết kín đáo với chính cuộc sống của mình, trong một môi trường cực kỳ không đáng để giận dữ: Nhận lễ trong tiếng nhạc, thứ luôn khiến vạn vật vạn người thấy, hòa bình chung sống là điều hạnh phúc nhất.

Sự phân chia nội dung tranh cho thấy tác giả dân gian đã ngầm nói rằng họ hàng nhà chuột, để có được đám cưới linh đình kia, buộc phải làm những động tác dâng lễ cho mèo. Có thể nói, đám cưới đó một phần chính là kết quả của việc họ hàng nhà chuột đã khiến kẻ đối địch với mình được hưởng niềm vui của sự no đủ, điều kiện để mèo không ăn thịt chuột nữa. Mèo sinh ra vốn là để ăn thịt chuột, sự quy định mang tính tự nhiên này khó có thể bị một nguyên tắc đạo đức nào chi phối. Nó chỉ có thể được điều chỉnh bằng những cam kết từ hai phía, như nội dung dâng lễ trong bức tranh đã nói.

Tư duy cộng sinh này rốt cục cũng đã mang lại kết quả tốt đẹp cho họ hàng nhà Chuột. Đám cưới diễn ra thật tốt đẹp, thật hứa hẹn. Họ hàng nhà Chuột, trải qua bao đời đã trở nên mềm dẻo và thích ứng. Gọi đó là tư tưởng cũng tốt mà là bản năng sinh tồn mách bảo thì có lẽ giản dị và phù hợp với người Việt hơn, một dân tộc có những con người hiền hòa muốn chung sống hòa bình, muốn tất cả cùng được hưởng niềm vui, vì đích đến của cuộc sống, dù rộng lớn bao nhiêu thì cũng là sinh sôi nảy nở.


2. Tranh “Hứng dừa”:

            Tả cảnh sinh hoạt vui vẻ của một gia đình. Đây là một bức tranh vui vì cây dừa đây có cao đến nỗi anh chồng đưa dừa xuống mà cô vợ không đưa tay lên để đón được dừa đâu, cần chi phải hứng dừa làm gì? Quả dừa rơi xuống đất cũng có hư hao gì đâu mà phải hứng? Mà cứ cho là phải hứng đi thì với chiếc váy (chất liệu đâu có được bền như ngày nay) thì làm sao hứng nổi trái dừa, hứng để có nước tuột váy hay rách váy? Với lại còn chưa nói đến nhỡ may quả dừa to, cứng như vậy rơi vào đầu thì sẽ ra sao? Người vợ trẻ trong tranh còn ngây thơ đến mức tốc cả váy lên mà hứng dừa! Ở dưới gốc cây dừa, hai cậu con trai cũng đang tranh nhau mà trèo lên cây giúp bố. Phía bên trên, góc phải còn đề thêm hai câu thơ nôm: “Khen ai khéo dựng lên dừa, Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi”, hoặc có bản khác chép: “Trong như ngọc, trắng như ngà, Đây trèo đấy hứng cho vừa lòng nhau”. Thật là một hạnh phúc hồn nhiên, trong sáng!

            Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh trong cuốn “Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam lại cho rằng: nội dung bức tranh lưu truyền hàng ngàn năm trong dân gian có lẽ không thể chỉ đơn giản như vậy. Cây dừa là một hiện tượng phát sinh và tồn tại tự nhiên của tạo hóa, đâu phải do con người tạo ra? Tại sao lại là “ai”? “Ai” l
à ai mới được chứ? Sự tung dừa từ trên cây cho người ở dưới hứng thì cực kỳ nguy hiểm, nhỡ nó rơi vào đầu thì sao? Hình tượng của bức tranh không phản ánh thực tế. Nếu quả thật với nội dung đơn giản như trên thì bức tranh có thể được thể hiện với một hình thức khác: như thay cây dừa bằng cây chôm chôm, hoặc nhãn lồng chẳng hạn. Nhưng chính từ lời chú của bức tranh và sự lưu truyền lâu đời trong dân gian khiến cho người xem tranh phải nghiền ngẫm tính minh triết và nhân bản của bức tranh này.

Đại từ “ai” trong lời chú cho thấy tác nhân con người trong việc làm nên sự hài hòa cân đối trong cuộc sống. Hình tượng tung hứng trái dừa – vốn không có trên thực tế – cho thấy tính mâu thuẫn và khó khăn trong đời, trong mối quan hệ giữa con người với con người. Nhưng nếu chính con người biết điều hòa cuộc sống của mình, của môi trường thì sẽ mang lại hạnh phúc cho chính mình và cho cuộc đời. Phải chăng đây chính là tính minh triết và nhân bản trong nội dung của bức tranh này.

3. Tranh Đánh ghen :

Măng non nấu với gà đồng
Ngon thì vô thử xem chồng về ai?

            Măng non nấu với gà đồng thì quả là ngon thật. Măng non thì giòn m
ềm, gà đồng thịt săn chắc ngọt nước. Thật là một sự hòa hợp tuyệt vời của khoa ẩm thực. Nhưng ở đây nó còn hàm chứa một nghĩa khác, ám chỉ người chồng lăng nhăng kiểu “mèo mả, gà đồng” kiếm gái tơ (măng non). Tuy có thể thỏa mãn được dục vọng, ngon thật; nhưng chắc khó tránh được rắc rối. Lời chú trên tranh thật là một lối chơi chữ tuyệt vời với nhiều hàm nghĩa sâu xa .
            “Đánh ghen” là một trong những tranh sinh hoạt dí dỏm cũng mang tính giáo dục. Bà vợ xắn váy quai cồng xông tới, cầm kéo đòi cắt tóc (theo tục xưa, bị cắt tóc là một hình thức phạt rất nặng đối với những người phụ nữ lẳng lơ) cô nhân tình hớ hênh (ngực trần), thách thức, chanh chua. Ông chồng thì bị bắt quả tang rõ rành rành nhưng một tay vẫn đặt lên ngực cô nhân tình ra điều không chịu ăn năn hối lỗi, ôm cô nhân tình vào lòng để bảo vệ, còn tay kia thì để hòa hoãn với bà vợ. Đứa bé thì chắp tay van lạy xin những bậc phụ mẫu thôi đừng giằng co. Nếu cha mẹ nó như vậy thì suy nghĩ ngây thơ con trẻ ấy có còn được vẹn nguyên? Sự kiện này sẽ đi vào tâm thức con trẻ và sẽ khó mà phai nhạt được, đi vào quá trình hình thành nhân cách của nó. Đáng lo lắng thay!

            Thật là một tấm kịch đời thường. Sự cường điệu trong mô tả làm cho tranh mang tính hài hước nhẹ nhàng. Người ta còn thấy có những câu thơ được chú trên tranh như: “Thôi thôi một giận làm lành, Chị đừng tức giận cho nhục lòng ta”…, hay là “Thôi thôi nuốt giận làm lành, Chi điều sinh sự nhục mình nhục ta” hàm ý khuyên răn.

Không có nhận xét nào: