Triệu Xuân
1- Myanmar nghèo khổ nhưng giàu… lòng nhân ái:
Tháng 9-2012 vừa qua, tôi được mời đi Myanmar ,
trong đoàn Doanh nhân Việt Nam sang đầu tư (…). Lần đầu đến Yangon,
thành phố lớn nhất, vốn là thủ đô của Myanmar, tôi không khỏi ngạc nhiên về quy
hoạch và cơ sở hạ tầng của thành phố này: Thoáng đãng, nhiều cây xanh và còn có
cả rừng. (…) Từ hôm đến Yangon đến
nay đã 4 ngày, tôi chưa thấy một viên cảnh sát hay quân cảnh nào trên đường
phố. Từ trẻ em đến người lớn, ai ai cũng tỏ ra thân thiện với du khách nước
ngoài.
Người Myanmar có phong tục: nhà nào cũng nấu nước để
trước cửa dành cho khách đi đường. Những tòa nhà cũ kỹ, những chung cư khá lâu
năm rồi, nhưng rất sạch. Không đánh lộn, không chửi thề, không phóng uế bừa
bãi, không xả rác vô tội vạ, và đặc biệt là không có nạn trộm cắp... Với chừng
đó thôi, tôi có thể nào không yêu mến Yangon . Tôi thật lòng trân trọng và khâm phục người Myanmar ! Tôi đã gặp những người
nghèo nhất, dưới đáy xã hội, trẻ đánh giày, bán báo, bán hàng dạo… nhưng họ
thật hiền lành, tự trọng, không bao giờ lừa đảo, không bao giờ kiếm tiền bất
lương, kiếm tiền bằng mọi giá! (…) Phải chăng Đạo Phật phái Tiểu thừa- là quốc
đạo của đất nước này- đã giúp cho con người luôn lương thiện dù đời sống của
phần lớn cư dân - tổng số 59,1 triệu người - là nghèo khổ?
Người dân Myanmar hiền lành, thân thiện, trẻ con dù phải
cực khổ kiếm sống nhưng ngoan ngoãn. (…) Trẻ em không lâm vào quá trình lưu
manh hóa!
Phép mầu nào giúp cho con người, nhất là
trẻ em luôn giữ mình lương thiện? Tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Tôi đã
tìm gặp, hỏi chuyện khá nhiều người, từ giới lao động đến giới trí thức, doanh
nhân, từ học sinh tiểu học, trung học đến sinh viên đại học… Và, tôi cho rằng,
phép mầu ấy chính là nền văn hóa Phật giáo, cụ thể là Phật giáo tiểu thừa sâu
rễ bền gốc trong lòng người Myanmar. Tại Myanmar , văn
hóa khá đa dạng bởi ảnh hưởng nhiều nguồn; nhưng chiếm vị trí trọng yếu là văn
hóa Phật giáo. Những người đi tu được kính trọng trên khắp Myanmar , đây là một trong những
quốc gia có đa số Phật giáo tiểu thừa trên thế giới.
Trong các làng Myanmar truyền thống, chùa chiền là trung tâm
của đời sống văn hóa, là trường học của trẻ thơ. Nhà chùa dạy chữ (các môn học
cấp tiểu học), đồng thời, và chủ yếu là dạy làm người, rèn luyện nhân cách cho
thế hệ tương lai. Sống trung thực, không tham lam; giàu lòng nhân ái, biết
thương kẻ khác, không độc địa… là những bài học thấm vào máu trẻ thơ.
2- Nghĩ về giới trẻ Việt Nam
Thời học lớp 7 và lớp 8, tôi là học sinh
giỏi, hai năm liền được Bác Hồ khen thưởng. Thuở ấy, trẻ con Việt Namnghèo, đói ăn, thiếu thốn đủ thứ,
nhưng ham học, ngoan, hiền và… không bao giờ nói tục, chửi thề, gây lộn. Trong
nhà sống nết na một thì ra ngoài đường nết na gấp mười.
Từ năm 1954 đến năm 2012, là 58 năm đã trôi
qua, trẻ con ở phía Bắc được sống dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa. Cổng trường
nào cũng có khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng to đùng: Tiên học lễ, hậu học văn. Trẻ
con được học 5 điều Bác Hồ dạy, được Đội, Đoàn kèm cặp, được… đủ thứ!
Thế tại sao, trẻ con VN ngày càng hư hỏng
nhiều. Rất nhiều vụ trọng án cướp của giết người do thủ phạm gây ra trong tuổi
vị thành niên.
Ngay cả ở các
thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, trẻ con chán học, bỏ học, càn quấy, rất
tích cực trong cao trào lưu manh hóa. Ở nhà giả vờ ngoan ngoãn, ra đường
thì thành thành viên xã hội đen.
Hiện trạng thanh thiếu niên ở các tỉnh phía
Bắc nói riêng và cả nước khiến tôi nhiều đêm không ngủ được. Tôi đã viết trong
tiểu thuyết của mình, nhan đề: Con
Trời, 400 trang, hy vọng sẽ được xuất bản mà không cắt bỏ chương nào. Ở
đây, tôi chỉ muốn chia sẻ một điều: tại sao con em chúng ta ngày càng chán học,
ngày càng sống buông thả, coi hai từ lý
tưởng là vớ vẩn, coi chuyện
kiếm tiền ăn chơi xả láng mới là cứu cánh. Một bộ phận trẻ con, - trong đó có
không ít con ông cháu cha- hư hỏng, lưu manh hóa. Vì sao?
Ai cũng biết Cụ Hồ mời Giáo sư Nguyễn Văn
Huyên về nước, rồi bổ làm Bộ trưởng Giáo dục. Đó là một giáo sư giỏi, nay Hà
Nội có con đường mang tên ông. Thế nhưng… Rất lạ là từ năm 1955-1956, Bộ Giáo
dục bãi bỏ việc dạy tiếng Pháp, tiếng Anh trong chương trình phổ thông. Trường
cấp 3 ở các thành phố lớn, mới dạy ngoại ngữ mà chỉ dạy tiếng Nga và Trung
Quốc! Cùng với ngoại ngữ Anh, Pháp bị bãi bỏ là nền văn hóa, văn học phương Tây
không được truyền dạy. Tiếc nhất là khi Việt Nam đã có nhiều chục năm giáo dục trẻ con
theo lề lối giáo dục Pháp, nền giáo dục tiên tiến của nhân loại, thì thoắt một
cái, ta bãi bỏ. Ta thực hiện nền giáo dục lấy công nông binh làm kim chỉ nam,
lấy đấu tranh giai cấp làm động lực và là cái đích để đến! Đình chùa, miếu mạo,
cổng làng, Văn chỉ, Văn miếu bị phá sạch, để quét
sạch tàn dư phong kiến phản động. Đến tượng con chó đá cũng bị nung vôi,
bao nhiêu hoành phi câu đối, bia đá, chuông đồng quý giá biến mất. Đức tin ngấm
sâu vào máu thịt từ hàng ngàn năm phải tẩy rửa để thay thế bằng đức tin mới …
Nền giáo dục như thế tất yếu phải dẫn đến
thực trạng ngày nay: Thầy không ra thầy mà là nhà kinh doanh, làm tiền bằng mọi
giá. Trò, sau khi nộp tiền rồi thì coi thầy như… rác. Bởi có tiền thì bằng cấp
nào, học hàm học vị nào chả có! Tiền
là Tiên là Phật… Ngày nay những người thầy như Giáo sư Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn
Tài Cẩn, Nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh… tài đức vẹn toàn còn rất
ít, hiếm lắm! Một xã hội coi việc kiếm tiền là trên hết, tôn sùng đồng tiền,
thì con người tất phải hư hỏng, nhân tài bị rẻ rúng, người lương thiện, trọng
nhân cách bị cho là dở hơi, là điên.
Đó là hệ quả bình thường, đúng quy luật!
Đừng đơn thuần trách thanh thiếu niên ta hư
hỏng. Phải dũng cảm nhận ra nguồn cội ma
đưa lối quỷ đưa đường khiến con em chúng ta người thì ít, ngợm thì nhiều! Với cơ chế chính sách hiện
hành, nói chuyện cải cách giáo dục, cải cách đại học, xóa Tiến sỹ giấy, xóa
bằng cấp thật mà học giả… chỉ là chuyện ba láp, ba xạo. Trời cũng không làm
được! Chúng ta đã nhiều năm lừa dối nhau và tự lừa dối mình!
3- Văn học cho thiếu nhi
Từ xa xưa, người phương Đông đã truyền khẩu
bài “Huấn Mông Ấu Học Thi”. Bài thơ
dạy trẻ con. Trong khoảng hai chục năm nay, người đọc sách, mê sách, nhất là
sách văn học ở Việt Nam ngày càng hiếm. Ta cũng có Ngày đọc sách hẳn hoi! Ấy vậy mà chả ai nói tới sách
“Huấn Mông Ấu Học Thi” hay Ấu
học ngũ ngôn thi (Dạy trẻ em
qua thơ 5 chữ), còn gọi là Ngũ
tự kinh, trong đó, 2 câu cuối của khổ thơ đầu tiên ca ngợi người đọc sách:
Thiên
tử trọng hiền hào
Văn chương giáo nhĩ tào
Vạn ban giai hạ phẩm
Duy hữu độc thư cao
Dịch nghĩa: Nhà vua (quốc gia) bao giờ cũng coi trọng người hiền tài hào kiệt. Việc giáo dục con người đều phải
lấy từ văn chương (Tri thức
và văn hóa). Chỉ có nghề đọc sách (con người có học hành nghiêm túc, có đầy đủ
tri thức và văn hóa) là cao quí hơn tất cả mọi nghề khác trong xã hội.
ấu tiểu tu cần học
văn chương khả lập thân
mãn triêu chu tử quý
tận thị độc thư nhân
Dịch nghĩa: Lúc còn nhỏ phải siêng năng học hành, phải trang bị cho mình đầy đủ tri
thức và văn hóa, để khi lớn có đủ khả năng lập thân xử thế. Những người ăn mặc
sang trọng (áo đỏ, áo tía) ở chốn cung đình đều là kẻ đọc sách cả (người có
đầy đủ tri thức, văn hóa).
Văn chương viết cho thiếu nhi là vô cùng
quan trọng!
Nhưng sáng tác cho thiếu nhi trong tình thế
nền tảng đạo lý xuống cấp, đạo đức băng hoại, thì phải viết thế nào, theo cách
nào? Xã hội nhiễu nhương, cuộc sống vô cùng phức tạp. Người lớn không hiểu tâm
thế trẻ con. Trẻ con mất niềm tin vào người lớn! Trẻ con thấy người lớn như con
rối, nói một đường làm một nẻo. Dạy trẻ con phải thế này thế nọ nhưng chính
mình thì ăn chới trác táng, tham nhũng! Viết cái gì bây giờ? Kinh điển như Dế mèn phiêu lưu ký, viết về
truyền thống trẻ con ta đánh Pháp, diệt Mỹ như Kim Đồng, Đội du kích thiếu nhi
Đình Bảng, Dũng sỹ diệt Mỹ; Ca ngợi gương học giỏi, bắt được của rơi trả
cho người mất dù nhà nghèo… Tất cả đều tốt, đều văn chương giáo nhĩ tào: dùng
văn chương giáo dục trẻ. Tuyệt! Nhưng thời buổi này, viết mãi kiểu đó e rằng
trẻ con không đọc nữa!
Tôi, người chuyên viết tiểu thuyết tâm lý
xã hội, chưa một lần viết riêng cho bạn đọc nhỏ tuổi, tôi không dám nói sâu về
đề tài này. Nhưng với tư cách một nhà văn, người đam mê làm văn hóa, tôi mong
quý anh chị đồng nghiệp chuyên viết cho thiếu nhi hãy dũng cảm lên, hãy phanh
phui những ung nhọt, ngang trái trong xã hội, để cho nhân dân ta, trong đó có
giới trẻ, con em chúng ta hiểu, tin rằng quý anh chị là nhà văn, là con chim báo bão. Nếu chỉ vịn
vai thiếu nhi để viết những chuyện trẻ con trong trường tiểu học, trung học,
thì dù sách có bán chạy cũng chỉ như cách nói của dân quê tôi: dụ trẻ con ăn cứt gà, giựt lấy
tiền ăn kẹo kéo, ăn xôi sáng của trẻ nít để làm giàu cho mình mà thôi.
Mấy lời thẳng
thắn, mong được quý anh chị khuynh
nhĩ thinh, bằng không thì cho gió thoảng mây bay.
Xin cảm ơn!
Vũng Tàu, 13-11-2012 / Triệu Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét